So sánh bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điểm giống và khác nhau giữa bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường ngoài hợp đồng là gì ? Bài viết dưới đây sẽ đi phân tích những đặc điểm của hai loại hợp đồng này để làm rõ câu hỏi trên.
Để tồn tại và phát triển, mỗi cá nhân cũng như các tổ chức khác đều phải tham gia các mối quan hệ xã hội khác nhau. Qua đó các bên thiết lập với nhau những mối quan hệ để qua đó chuyển giao lợi ích vật chất bằng ý chí của các chủ thể, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt chung. Măt khác, nếu môt bên thể hiện ý chí của mình mà không được bên còn lại chấp nhận thì cũng không hình thành mối quan hệ để qua đó thực hiện việc giao tài sản. Do đó chỉ khi nào có sự thống nhất ý chí của các bên thì mối quan hệ mới được hình thành. Quan hệ đó được gọi là hợp đồng dân sự.
Trách nhiệm dân sự luôn là một trong những chế định lớn được sự quan tâm của các nhà làm luật nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Dựa vào tính chất và nguồn gốc của nghĩa vụ mà các vi phạm trách nhiệm được phân thành trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Mục lục bài viết
1. Các khái niệm cơ bản.
Khi giao kết hợp đồng không phải khi nào các bên cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, chính vì vậy khi có một bên vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại thì họ phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Ngoài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng còn có thiệt hại bồi thường ngoài hợp đồng. Vậy trước khi tìm hiêu về khái niệm bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng thì chúng ta tìm hiểu khái niệm về thiệt hại:
Thiệt hại là tổn thất thực tế về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ. Theo Điều 316 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau:
” – Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
– Thiêt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”
Trách nhiệm bồi thường thiêt hại là một trong những loại trách nhiệm dân sự mà theo đó thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được phân thành trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng là chế tài do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm buộc người có lỗi cố ý hay vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại mà mình gây ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh do một bên vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không dầy đủ nghĩa vụ thì sẽ phát sinh trách nhiệm dân sự với người có quyền theo quy định trong hợp đồng. Tùy thuộc vào tính chất, hậu qua của sự vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2. Điểm giống và khác nhau giữa bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng theo luật quy định.
2.1 Điểm giống nhau:
Thứ nhất: bản chất là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất, tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Thứ hai:
– Đều có thiệt hại sảy ra
– Có mối quan hệ về nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả sảy ra.
– Các bên có thỏa thuận hình thức và mức bồi thường khi có thiệt hại sảy ra.
2.2 Các điểm khác nhau của bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng.
a) Về căn cứ phát sinh:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng:
Thứ nhất: được xây dựng nên bởi các quy phạm điều chỉnh chế định hợp đồng.
Thứ hai: Chỉ tồn tại khi hợp đồng tồn tại, trách nhiệm này phát sinh khi xuất hiên sự vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: phát sinh tồn tai một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người thiệt hại.
b) Căn cứ xác định trách nhiệm:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc. Chỉ cần có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự cũng có thể phát sinh trách nhiệm dân sự. Bên vi phạm vân phải chịu trách nhiệm dù đã có hoặc chưa có thiệt hại sảy ra khi bên kia vi phạm hợp đồng. Hai bên có thể thỏa thuận về những thiệt hại có thể sảy ra và cách thức chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng.
Đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm: hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thực tế, có lỗi.
c) Về hành vi vi phạm:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: hành vi này là hành vi vi phạm những cam kết cụ thể, những nghĩa vụ mà hai bên ràng buộc nhau trong hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: hành vi này vi phạm những quy định của pháp luật, những quy định do nhà nước ban hành dẫn đến thiệt hại . Ví dụ như: vi phạm hành chính, vi phạm hình sự…
d) Phương thức thực hiện:
Bồi thường trong hợp đồng: các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường hay phạt vi phạm kể từ khi giao kết hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: bên gây thiệt hại phải bồi thường kịp thời và toàn bộ, thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp, các bên trong quan hệ dân sự có thể không biết nhau cũng như sự việc sảy ra làm phát sinh quan hệ dân sự nên không thỏa thuận được. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và hình thức nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
e) Yếu tố lỗi:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý của người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Việc phân biệt lỗi cố ý hay vô ý cũng có nghĩa nhưng bên cạnh đó thì người có hành vi vi phạm có thể chịu trách nhiệm ngay cả khi không có lỗi trong trường hợp pháp luật quy định.
f) Về thời điểm phát sinh:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực và có bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: thời điểm phát sinh kể từ thời điểm sảy ra hành vi gây thiệt hại.
g) Về tính liên đới chịu trách nhiệm:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: chỉ áp dụng với các bên tham gia hợp đồng và không thể áp dụng đối với người thứ ba.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Người chịu trách nhiệm là người người có hành vi trái pháp luật, hoặc người khác như cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ, pháp nhân, đối với người giám hộ của pháp nhân…
i) Mức bồi thường:
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Mức bồi thường có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức thiệt hại sảy ra.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Bồi thường toàn bộ thiệt hại sảy ra, mức bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm trong những trường hợp đặc biệt ( Ví dụ như: Người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý và thiệt hại sảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ.)
Qua những phân tích trên chúng ta có thể tháy được trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đều là những trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi vi phạm phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên bị vi phạm. Nhưng căn cứ phát sinh và trách nhiệm, hành vi vi phạm, cũng như phương thức thực hiện…là khác nhau.
3. Thực tế áp dụng
Thực tế áp dụng cho thấy số vụ án bồi thường thiệt hại trong hợp đồng sảy ra ít hơn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Lý do: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng heo quy đinh của pháp luật nước ta, bồi thường do vi phạm: chế tài do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm buộc người có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại mà mình gây ra. Chế tài này liên quan trực tiếp đến các tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín , tai sản của người bị hại. Đặc biệt bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn là hiện tượng dân sự thường xuyên sảy ra trong đời sống xã hội. Về trách nhiệm thì yếu tố lỗi, phương tức thực hiện. Chính vì thế mà vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chiếm số nhiều hơn so với vụ án bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng sảy ra khi các bên liên quan trong hợp đồng vi phạm lỗi do các bên thỏa thuận với nhau thì người vi phạm các lỗi đã được thỏa thuận trước thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì thế mà tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của sự vi phạm phải chiu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nên trường hợp bồi thường thiệt hại trong hợp đồng ít sảy ra hơn so với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Khi áp dụng luật dân sự còn nhiều bất cập trong giải quyết vụ án do những quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật, và chưa ó quy định cụ thể và rõ ràng về vi phạm lỗi.
Vấn đề bồi thường thiệt hại ở trong pháp luật VIệt Nam là một vấn đề hẹp, mang tính chuyên sâu. Những quy định pháp luật còn nằm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chưa có sự thống nhất với nhau và còn nhiều bất cập.
Trong tiến hành xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại. Vì vậy mà việc nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật, phạm vi bồi thường như thế nào, trách nhiệm bồi thường, đặc biệt phải đưa ra các giải pháp cho quá trình xét xử đang là yếu tố cần thiết và cấp thiết đối với nước ta ở giai đoạn hiện nay.