So sánh chất lượng hình ảnh TV Sony X9000F và Samsung QLED Q7F

Vừa qua thì mình có cơ hội được trải nghiệm cả Sony X9000F và Samsung QLED Q7F, 2 dòng TV đang được rất nhiều anh em quan tâm. Phiên bản 65 inch 65Q7F có giá 80 triệu đồng, đắt hơn khoảng 10 triệu so với 65X9000F kích thước tương đương. Tuy nhiên trải nghiệm thực tế lại khiến mình bất ngờ khi ưu thế về chất lượng hình ảnh lại nghiêng về phía TV Sony.

Để so sánh chất lượng hình ảnh giữa Sony X9000F và Samsung Q7F, mình sử dụng đầu phát Zappiti Duo và đầu chia HDMI DigitalZone S6 để đảm bảo tính hiệu vào 2 TV là hoàn toàn giống nhau. Cả hai đều được reset về chế độ mặc định, tắt cảm biến ánh sáng. TV Sony X9000F mình đặt bên trái và Samsung Q7F đặt bên phải.

Bài thử đầu tiên là loạt phim khoa học Blue Planet II với chất lượng 4K HDR. Cả 2 TV đều được đặt ở chế độ sống động (Sony Vivid và Samsung Dynamic). Để ý vào phần tảng băng phía sau chú hải cẩu, không khó để chúng ta nhận thấy rằng chi tiết của X9000F lên tốt hơn. Điều này có thể lý giải vì độ tương phản của TV Sony tốt hơn do sử dụng đèn nền LED full-array thay vì sử dụng đèn LED viền như Q7F. Bên cạnh đó thì Samsung cũng có vẻ như đẩy độ bão hoà của màu xanh lên hơi cao, khiến tảng băng hơi mất tự nhiên.

Ưu thế về độ tương phản của X9000F tiếp tục được thể hiện qua cảnh thứ 2. Bạn có thể thấy là đàn cá được thể hiện trên TV Sony rất rõ ràng, tách biệt với nước biển. Trong khi đó đàn cá của Q7F lại rất khó thấy. Đây là lúc mà chip X1 Extreme của Sony phát huy tác dụng với khả năng phân tích để tăng cường độ tương phản theo chủ thể.

Có vẻ như thay vì phân tích theo chủ thể, thuật toán xử lý của Q7F chỉ dừng lại ở mức đẩy một gam màu cố định lên thôi. Như trong trường hợp này, chúng ta có thể thể thấy là Q7F đẩy gam màu xanh rất cao khiến cho chú cá biến thành màu xanh luôn.

Bài thử thứ hai là xem thể thao với trận chung kết giữa Pháp – Croatia tại World Cup 2018 ở chuẩn 4K. Sony X9000F có chế độ Sport (Thể Thao) được cân chỉnh rất tốt, trong khi đó đối với Samsung Q9F thì cá nhân mình cảm thấy chế độ Natural (Tự Nhiên) là một giải pháp chấp nhận được.

Kinh nghiệm tài trợ nhiều giải đấu quốc tế lớn của Sony có vẻ như được thể hiện tất tốt thông qua chế độ Sport. Cỏ xanh hơn, chi tiết hơn trong khi cầu được thể hiện rất sắc nét. Ngược lại TV Samsung như có một lớp mờ bao phủ, có thể nói là chênh lệch rõ rệt khi đặt cạnh nhau.

Trong trường hợp bạn hỏi rằng vì sao mà mình lại không khuyến khích sử dụng chế độ Standard hay Dynamic của TV Samsung để xem bóng đá thì hình phía trên chính là câu trả lời. Xu hướng đẩy màu quá đà của TV Samsung khiến mặt cầu thủ trở nên trắng bệch và mất chi tiết, trong khi đó màu đỏ trên áo Croatia cũng bị biến thành màu đỏ neon.

Chuyển sang khả năng trình diễn về phim ảnh, chúng ta đến với bộ phim bom tấn Avengers: Infinity War chuẩn 4K HDR. Khi đưa về chế độ Movie (Q7F) và Cinema Pro (X9000F), chất lượng hình ảnh là khá tương đồng khi cả hai TV đều hạn chế đến mức tối thiểu việc can thiệp về màu sắc nhằmgiữ nguyên ý đồ của nhà sản xuất phim. Một lưu ý là mặc định độ sáng ở chế độ Movie của Samsung sẽ thấp hơn một hút so với Sony, cũng như hơi thiên về tông vàng hơn nhưng về tổng thể thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm.

Lợi thế của Sony là ngoài chế độ Cinema Pro tiêu chuẩn, hãng còn có thêm chế độ Cinema Home. Về cơ bản thì Cinema Home giúp hình ảnh trở nên sáng hơn, đẩy độ sáng các chi tiết trong vùng tối để người xem dễ thưởng thức hơn so với Cinema Pro.

Chế độ Animation trên X9000F cũng là một sự lựa chọn tốt dành cho các bạn muốn màu sắc trung tính hơn khi xem phim hoạt hình, thay vì hơi ngả vàng như chế độ Phim thông thường. Điển hình là cảnh trong phim Car 3 ở chuẩn 4K HDR, chế độ Animation giúp bầu trời trở nên trong xanh hơn.

Để đạt được tông màu trung tính như Animation của X9000F thì Q7F phải chuyển sang chế độ Standard. Tuy nhiên lúc này thì chúng ta lại mất đi cái chất điện ảnh trong phim vì thuật toán xử lý không tốt của Samsung.

Sẵn đang ở chủ đề phim, mình cũng thử thách khả năng upscale (nội suy) của cả hai mẫu TV với bộ phim Dunkirk chuẩn 720p. Upscale luôn là điểm mạnh của TV Sony và lần này cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù nâng từ 720plên 4K, tức là gấp 9 lần độ phân giải gốc nhưng hình ảnh của X9000F vẫn sắc nét. Trong khi đó Q7F có phần hơi mờ.

Trong cảnh máy bay Đức tấn công lính Anh đứng trên cầu, TV Sony cũng thể hiện chi tiết tốt hơn. Bạn có thể nhìn thấy các mảnh gỗ vỡ của Sony nhiều và rõ hơn hẳn.

Để thử nội dung SDR, mình sử dụng phim tài liệu Europe ở độ phân giải 4K. Nội dung SDR không được tích hợp metadata như HDR nên thuật toán xử lý của TV sẽ đóng vai trò quyết định. Ở chế độ Standard bạn có thể nhận thấy ngay là X9000F thể hiện màu da tốt hơn, trong khi xu hướng đẩy gam màu cố định của Samsung khiến màu da trở đỏ và thiếu tự nhiên.

So sánh các chế độ tương đương của cả hai TV, trừ chế độ Movie/Cinema Pro tương đồng thì các chế độ còn lại TV Samsung đều gặp vấn đề về màu sắc rực rỡ quá đà và thiếu tự nhiên. Các chế độ Vivid, Standard, Custom của TV Sony tuy cũng có xu hướng tăng cường độ rực rỡ nhưng ở mức độ vừa phải, không quá lố.

Thuật toán xử lý hình ảnh của chip X1 Extreme trên TV Sony tỏ ra rất hiệu quả trong việc xử lý chi tiết trong cả vùng sáng lẫn vùng tối. Điển hình là trong cảnh này thì chúng ta có thể thấy là bầu trời của X9000F xanh hơn, đồng thời chi tiết trong phần núi đá cũng rõ hơn.

Một điểm khá khó hiểu là khi xem trên Netflix, bất chấp việc chuyển sang chế độ Movie thì TV Samsung vẫn thể hiện xu hướng đẩy màu quá tay. Chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt màu giác giữa chữ “INSATIABLE” cũng như màu da các nhân vật trong ảnh nền của tập phim Pilot.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra khi vào menu của phim Godzilla 2 với độ tương phản bị Q7F nâng lên quá cao dẫn đến mất chi tiết.

X9000F hỗ trợ cả Dolby Vision lẫn HDR10 trong khi Q7F chỉ hỗ trợ HDR10. Điển hình là khi xem phim trên Netflix thì X9000F tự động chuyển qua chế độ Dolby Vision để tối ưu hình ảnh. Ưu điểm của Dolby Vision là metadata động nên mỗi khung cảnh sẽ được tối ưu khác nhau, trong khi đó HDR10 sử dụng chung một metadata cho tất cả các cảnh nên chất lượng sẽ không tối ưu bằng. Chuẩn HDR10+ mới được bổ sung metadata động như Dolby Vision nhưng vào thời điểm hiện tại thì vẫn chưa thấy nhiều nội dung hỗ trợ.

Về tổng thể, Sony X9000F đem lại chất lượng hình ảnh tốt hơn so với Samsung Q7F. TV Samsung có chất lượng phần cứng nhìn chung là gần nhưSony ở độ sáng, góc nhìn cũng như khả năng thể hiện màu sắc, nhưng thuật toán xử lý thông qua chip X1 Extreme vẫn là con át chủ bài giúp X9000F có chất lượng hình ảnh tổng thể tốt hơn. Đối với người sử dụng thông thường, TV Sony đem lại sự tiện dụng với nhiều chế độ hình ảnh được cân chỉnh tối ưu cho từng nội dung chuyên biệt. Trong khi đó Samsung ngoại trừ chế độ Movie không can thiệp xử lý nên màu sắc chuẩn, còn các chế độ còn lại gần như không thể sử dụng được cho xu hướng đẩy độ bão hoà màu và tương phản lên quá cao dẫn đến thiếu tự nhiên. Tóm lại thì nếu quan tâm đến chất lượng hình ảnh thì bạn nên chọn Sony X9000F.

 

Theo Sony

Xổ số miền Bắc