So sánh địa hình vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc? Địa lý lớp 8
Sự khác biệt rõ rệt giữa vùng núi Đông Bắc và Tây bắc là độ cao và hướng núi. Vùng Đông Bắc chủ yếu là núi trung bình và núi thấp, địa hình núi hướng vòng cung chiếm ưu thế. Vùng núi Tây bắc có các dãy núi cao đồ sộ nhất cả nước, địa hình núi hướng Tây Bắc – Đông Nam là chủ yếu. Hãy cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này thông qua bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê nhé!
Mục lục bài viết
1. Tây Bắc
1.1 Vị trí vùng núi Tây Bắc
Như chúng ta đã biết thì vị trí địa lý của vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền Bắc Việt Nam, vùng núi tây bắc này thì có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Vùng này có khi được gọi là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam cụ thể với 2 tiểu vùng kia là Vùng Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng.
Căn cứ về vị trí địa lý ta thấy không gian địa lý của vùng Tây Bắc hiện còn chưa có ý kiến xác định một cách nhất định. Một số ý kiến cho rằng đây là vùng phía nam (hữu ngạn) sông Hồng. Một số ý kiến lại cho rằng đây là vùng phía nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Một số các nhà địa lý học có ý kiến cho rằng vùng Tây Bắc được giới hạn ở phía đông bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và ở phía tây là dãy núi Sông Mã. Với vị trí địa lý đó thì vùng núi Tây Bắc cũng có một số thế mạnh và hạn chế cụ thể được xác định như sau:
- Thế mạnh:
- Tập trung nhiều loại khoáng sản: Đồng, chì, kẽm ở Sơn La; đất hiếm ở Lai Châu;…thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
- Có diện tích rừng lớn và có sự đa dạng về đất đai, thuận lợi để phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi.
- Có trữ năng về thủy điện lớn, có thể phát triển thủy điện và cung cấp nguồn điện cho việc phát triển công nghiệp, kinh tế, đời sống.
- Tập trung nhiều danh lam thắng cảnh, như: Hang động, thác nước, hồ Ba Bể, cây cối, cổ thụ lâu đời, một số nơi có khí hậu mát mẻ tào điều kiện để phát triển du lịch.
- Hạn chế:
- Một trong số các hạn chế đối với địa hình ở đây đó là địa hình cao, bị cắt xẻ, có nhiều hẻm vực, dốc đứng làm cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn.
- Với địa hình này thì việc thường xuyên xảy ra các hiện tượng trượt đất, lở đá do lũ quét gây ảnh hưởng tới giao thông vận tải, con người và tài sản.
- Tại các nơi có địa hình bị đứt gãy có thể xảy ra động đất.
- Thường xuyên xảy ra thiên tai, như: lốc xoáy, mưa đá, sương muối.
1.2 Vùng núi Tây Bắc gồm các tỉnh nào
Hiện nay, vùng núi Tây Bắc có 04 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.
1.3 Vị trí vùng núi Tây Bắc có đặc điểm gì?
Thứ nhất, đặc điểm về địa hình
Nói tới địa hình hiểm trở có thể nêu điển hình ở đây là vùng núi Tây Bắc vì ở đây có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Với chiều dài của dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180km và rộng 30km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800 đến 3000m. Đặc biệt hơn ở địa hình này có dãy núi Sông Mã dài 500km, có những đỉnh cao trên 1800 m và ngoài ra ở giữa hay dãy núi này là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà (còn gọi là địa máng sông Đà). Bên cạnh sông lớn như sông đà thì ở vùng Tây Bắc chỉ có sông nhỏ và suối gồm cả thượng lưu sông Mã.
Không những vật ở trong địa máng sông Đà còn có một điểm rất đặc biệt và thú vị đó là có một dãy cao nguyên đá vôi chạy suốt từ Phong Thổ đến Thanh Hóa, và có thể chia nhỏ thành các cao nguyên Tà Phình, Mộc Châu, Nà Sản. Cũng có các lòng chảo như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Mường Thanh.
Có thể nói địa hình Tây Bắc với lịch sử hình thành vùng Tây Bắc bắt đầu từ cách đây 500 triệu năm và đến bây giờ vẫn đang có những sự thay đổi theo thời gian. Đầu tiên thì tại vùng này là biển ở đây chỉ có một số đỉnh ở dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã là những địa hình được tạo ra và nổi lên trên mặt biển và sau đó thì bển liên tục rút ra xa rồi lại ấn vào suốt hàng trăm triệu năm và theo quá trình này đã có những sự sụt lún mạnh, góp phần hình thành các tầng đá phiến và đá vôi.
Tiếp theo đó lại tiếp tục hình thành vào thời gian cuối đại Cổ sinh (cách đây chừng 300 triệu năm), dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã đã được nâng hẳn lên. Theo đó với địa hình các máng sông Đà lúc đó vẫn chìm dưới biển. Cách đây 150 triệu năm, chu kỳ tạo nùi Indochina làm cho hai bờ địa máng từ từ tiến lại gần nhau, khiến cho trầm tích trong địa máng uốn lên thành những nếp uốn khổng lồ, đồng thời làm cho tầng đá vôi có tuổi cổ hơn lại trồi lên trên tầng đá phiến, tạo thành những cao nguyên đá vôi ngày nay. Trong quá trình tạo núi, còn có sự xâm nhập của macma. Kết quả là vùng Tây Bắc được nâng lên một biên độ đến 1000 mét.
Vì là địa máng, vùng vỏ rất động của trái đất, nên Tây Bắc là vùng có nguy cơ động đất cao nhất Việt Nam.
Thứ hai, đặc điểm về khí hậu
Ở khu vực Tây Bắc với địa hình như vậy, mặc dù nền khí hậu chung không có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, nhưng sự biểu hiện của nó không giống nhau theo chiều nằm ngang và theo chiều thẳng đứng ở đây với dãy núi cao Hoàng Liên Sơn chạy dài liên một khối theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đóng vai trò của một bức tường thành ngăn không cho gió mùa đông (hướng Đông Bắc – Tây Nam) vượt qua để vào lãnh thổ Tây Bắc mà không bị suy yếu nhiều, trái với vùng Đông Bắc có hệ thống các vòng cung mở rộng theo hình quạt làm cho các đợt sóng lạnh có thể theo đó mà xuống đến tận đồng bằng sông Hồng và xa hơn nữa về phía Nam. Như vậy nên chỉ trừ khi do ảnh hưởng của độ cao, nền khí hậu Tây Bắc nói chung ấm hơn Đông Bắc, chênh lệch có thể đến 2-3 độ C.
Còn khi nới tới khí hậu ở các vùng miền núi thì ở đây có khí hậu ẩm với chế độ nhiệt – ẩm, sườn đón gió (sườn đông) tiếp nhận những lượng mưa lớn trong khi sườn tây tạo điều kiện cho gió “phơn” (hay quen được gọi là “gió lào”) được hình thành khi thổi xuống các thung lũng, rõ nhất là ở Tây Bắc.
Tóm lại chúng ta có thể thấy cũng một phần do ảnh hưởng từ địa hình trong điều kiện của trung du và miền núi, việc nghiên cứu khí hậu là rất quan trọng vì sự biến dạng của khí hậu xảy ra trên từng khu vực nhỏ và theo đó cũng có những biến cố khí hậu ở miền núi mang tính chất cực đoan, nhất là trong điều kiện lớp phủ rừng bị suy giảm, và lớp phủ thổ những bị thoái hóa. Mưa lớn và tập trung gây ra lũ nhưng kết hợp với một số điều kiện thì xuất hiện lũ quét; hạn vào mùa khô thường xảy ra nhưng có khi hạn hán kéo dài ngoài sức chịu đựng của cây cối.
Thứ ba, đặc điểm về dân cư
Về cơ bản, vùng Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái, nổi tiếng với điệu múa xòe tiêu biểu là điệu múa xòe hoa rất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Mường là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng,…
Đây cũng là địa điểm tham quan rất đẹp nếu chúng ta đã từng qua Tây Bắc không thể quên được hình ảnh những cô gái Thái với những bộ váy áo thật rực rỡ đặc trưng cho Tây Bắc,
Tây Bắc là vùng có sự phân bố dân cư được phân bố rất cụ thể theo đặc điểm địa hình theo độ cao rất rõ rệt cụ thể ở vùng rẻo cao (đỉnh núi) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, Tạng Miến, với phương thức lao động sản xuất chủ yếu là phát nương làm rẫy, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, vùng rẻo giữa (sườn núi) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, phương thức lao động sản xuất chính là trồng lúa cạn, chăn nuôi gia súc và một số nghề thủ công, còn ở vùng thung lũng, chân núi là nơi sinh sống của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, Thái – Kadai, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác. Sự khác biệt về điều kiện sinh sống và phương thức lao động sản xuất cũng gây ra sự khác biệt văn hóa rất lớn mặc dù văn hóa chủ thể và đặc trưng là văn hóa dân tộc Mường.
Từ đó có thể thấy sự phân bố dân cư ở đây đã góp phần tạo nên một đặc điểm riêng của vùng Tây Bắc, tất cả các yếu tố về vị trí địa lý của khu vực này đã tạo ra một sự đa dạng cả về thiên nhiên lẫn đời sống và phong tục tập quán cho đất nước ta.
2. Đông Bắc
Vùng Đông Bắc là vùng lãnh thổ ở hướng Bắc vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Gọi là Đông Bắc để phân biệt với vùng Tây Bắc, còn thực chất nó ở vào phía Bắc và Đông Bắc của Hà Nội, rộng lớn hơn vùng Việt Bắc. Vùng Đông Bắc là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là vùng Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng).
2.1 Đặc điểm địa hình
Đây là vùng núi và trung du với nhiều khối núi và dãy núi đá vôi hoặc núi đất. Phần phía tây, được giới hạn bởi thung lũng sông Hồng và thượng nguồn sông Chảy, cao hơn, được cấu tạo bởi đá granit, đá phiến và các cao nguyên đá vôi. Thực chất, đây là rìa của cao nguyên Vân Nam. Những đỉnh núi cao của vùng Đông Bắc đều tập trung ở đây, như Tây Côn Lĩnh, Kiêu Liêu Ti.
Phần phía bắc sát biên giới Việt – Trung là các cao nguyên (sơn nguyên) lần lượt từ tây sang đông gồm: cao nguyên Bắc Hà, cao nguyên Quản Bạ, cao nguyên Đồng Văn. Hai cao nguyên đều có độ cao trung bình từ 1000-1200 m. Cao nguyên Đồng Văn cao 1600m. Sông suối chảy qua cao nguyên tạo ra một số hẻm núi dài và sâu. Cũng có một số đồng bằng nhỏ hẹp, đó là Thất Khê, Lạng Sơn, Lộc Bình, Cao Bằng.
Phía Đông, từ trung lưu sông Gâm trở ra biển, thấp hơn có nhiều dãy núi hình vòng cung quay lưng về hướng Đông lần lượt từ Đông sang Tây là vòng cung Sông Gâm, Ngân Sơn – Yên Lạc, Bắc Sơn, Đông Triều. Núi mọc cả trên biển, tạo thành cảnh quan Hạ Long nổi tiếng. Các dãy núi vòng cung này hầu như đều trụm đuôi lại ở Tam Đảo.
Phía Tây Nam, từ Phú Thọ, nam Tuyên Quang, nam Yên Bái, và Thái Nguyên sang Bắc Giang thấp dần về phía đồng bằng. Người ta quen gọi phần này là “vùng trung du”. Độ cao của phần này chừng 100 – 150m, đặc trưng của vùng Trung du là có vùng Đồng Bằng khá rộng bị chia cắt bởi gò đồi.
Vùng Đông Bắc có nhiều sông chảy qua, trong đó các sông lớn là sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm (thuộc hệ thống sông Hồng), sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (thuộc hệ thống sông Thái Bình), sông Bằng, sông Bắc Giang, sông Kỳ Cung,…
Vùng biển Đông Bắc có nhiều đảo lớn nhỏ, chiếm gần 2/3 số lượng đảo biển của Việt Nam (kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
2.2 Đông Bắc gồm những tỉnh nào?
Đông Bắc gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Bản đồ khu vực Đông Bắc dưới đây sẽ giúp bạn hình dung hơn về vị trí của khu vực này.
2.3 Khí hậu
Phía Đông Bắc nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Nơi này có nhiều dãy núi hình cánh cung, hướng về Tam Đảo. Do địa hình cao nên về mùa đông có gió Bắc rất mạnh nên gây ra lạnh, rét. Vào mùa hè, khu vực này có khí hậu khá mát mẻ. Chính vì vậy, Đông Bắc là vùng có khí hậu cận nhiệt đới ẩm. Các vùng núi ở Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng có khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Thỉnh thoảng, những nơi này còn đóng băng khi có tuyết. Các khu vực ở cuối các dãy núi cũng rét đậm do gió giật.
2.4 Những giá trị về tài nguyên du lịch của vùng Đông Bắc
2.4.1 Về tự nhiên
Phía đông bắc bao gồm quần thể núi non hùng vĩ với địa hình hiểm trở cùng nhiều địa dạng địa hình khác nhau. Địa hình ở đây có tính chất phân hóa, phân cấp mạnh, nhiều đèo cao, vực thẳm. Kết hợp với đó là những thung lũng, thác nước cao tạo nên nhiều cảnh quan đẹp. Ngoài ra, ruộng bậc thang và núi đá hiện ra như những kiệt tác của thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Đây là những điều kiện thuận lợi để các tỉnh phát triển các khu, điểm du lịch.
Hệ thống núi, đồi, sông ngòi, hang động, đặc tính khí hậu, khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước nóng đa dạng. Đặc điểm nổi bật ở vùng này là các hệ sinh thái, danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng giá trị quý giá. Gía trị lớn này giúp khu vực phát triển mạnh mẽ du lịch. Đó là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Thác Bản Giốc, Hồ Ba Bể, …Đặc biệt, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây là một trong 7 kỳ quan thế giới mới có sức hút du lịch đặc biệt. Bên cạnh đó, tiểu vùng Đông Bắc có đường biên giới quốc gia dài gần 800km. Với hệ thống cửa khẩu với Trung Quốc cũng là một tiềm năng phát triển các khu du lịch biên giới.
2.4.2 Về nhân văn
Nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của tiểu vùng Đông Bắc nổi trội với: Bản sắc văn hóa các dân tộc được thể hiện qua các văn hóa dân gian, lễ hội, làng nghề,…Đặc biệt, các dân tộc vùng Đông bắc dù lớn hay nhỏ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa riêng làm nên nét độc đáo cho đất nước. Hệ thống các di tích gắn liền với Bác Hồ, Đảng và cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Trong đó nổi bật hơn cả là Việt Bắc – quê hương của cách mạng. Mỗi tấc đất của Việt Bắc đều gắn liền với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam. Những điểm đến hấp dẫn du khách có thể kể đến như Hang Pác, ATK Tân Trào, ATK Định Hóa,…
3. So sánh địa hình vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc
Đặc điểm
Vùng núi Đông Bắc
Vùng núi Tây Bắc
Phạm vi
Tả ngạn sông Hồng là từ dãy Con Voi đến vùng đồi ven biển Quảng Ninh
Hữu ngạn sông Hồng đến sông Cả
Hướng núi
Chủ yếu là hướng vòng cung bao gồn: cánh cung sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều
Tây Bắc – Đông Nam như dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Bạch Mã
Độ cao
Địa hình đồi núi thấp chiếm ưu thế, độ cao TB 500 – 1000m, chỉ có một số đỉnh cao trên 2000m phân bố ở thượng nguồn sông Chảy
Cao đồ sộ nhất Việt Nam, nhiều đỉnh trên 2000m, đỉnh Phanxipang cao nhất Việt Nam
Các bộ phận địa hình
– Có 4 cánh cung lớn: sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều
– Một số núi cao nằm ở thượng nguồn sông Chảy
– Giáp biên giới Việt – Trung là địa hình cao của các khối núi đá vôi Hà Giang, Cao Bằng
– Trung tâm là vùng đồi núi thấp 500 – 600m
– Giữa đồng bằng là vùng đồi trung du thấp dưới 100m
– Các dòng sông chảy theo hướng cánh cung là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam
– Có 3 mạch núi chính:
+ Phía Đông là dãy Hoàng Liên Sơn
+ Phía Tây: núi cao trung bình dãy sông Mã dọc biên giới Việt – Lào
+ Ở giữa thấp hơn là các dãy núi xen lẫn các sơn nguyên, cao nguyên đá vôi,…
– Nối tiếp là vùng đồi núi Ninh Bình, Thanh Hóa.
– Các bồn trũng mở rộng thành các cánh đồng,…
– Nằm giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng Tây Bắc – Đông Nam: sông Đà, sông Mã, sông Chu
Hình thái
Đỉnh tròn, sườn thoải, thung lũng mở rộng
Đỉnh nhọn, sườn dốc, thung lũng sâu
Như vậy Sự khác biệt rõ rệt giữa vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc là độ cao và hướng núi. Vùng núi Đông Bắc chủ yếu là núi trung bình và núi thấp, địa hình núi hướng vòng cung chiếm ưu thế. Vùng núi Tây Bắc có các dãy núi cao đồ sộ nhất cả nước, địa hình hướng Tây Bắc – Đông Nam là chủ yếu.
Những sự khác nhau về địa hình, hướng núi trên cũng tạo nên sự khác nhau nhất định về tự nhiên và khí hậu. Khí hậu vùng Đông Bắc lại mang tính chất cận nhiệt đới nhưng có gió mùa đông lạnh đến sớm và kết thúc muộn, còn vùng Tây Bắc lại mang tính chất cận nhiệt đới gió mùa, vùng núi cao giống khu vực ôn đới, có mùa đông đến muộn và kết thúc sớm.
Còn về tự nhiên thì khu vực Đông Bắc mang tính chất cận nhiệt đới còn khu vực Tây Bắc lại có cả cận nhiệt đới và ôn đới.
Vừa rồi Luật Minh Khuê đã trình bày nội dung về So sánh địa hình vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!