So sánh hoạt động kế toán giữa DN quy mô nhỏ và quy mô lớn | Crowe Vietnam
Kế toán doanh nghiệp nhỏ khác với kế toán doanh nghiệp lớn như thế nào?
Khi nói đến hoạt động kế toán, cách một doanh nghiệp nhỏ xử lý sổ sách của mình có thể hoàn toàn khác so với quy trình ghi sổ của một doanh nghiệp vừa hoặc lớn. Hai doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành và có cùng đối tượng mục tiêu có thể có các hoạt động nội bộ khác nhau với các yêu cầu và các quy tắc kế toán khác nhau, điều này phụ thuộc vào quy mô của mỗi công ty. So sánh kế toán doanh nghiệp lớn và nhỏ có thể giúp Doanh nghiệp biết những gì sẽ xảy ra khi doanh nghiệp mình phát triển lên một quy mô lớn hơn.
Khối lượng hoạt động kế toán
Một sự khác biệt rõ ràng giữa một doanh nghiệp nhỏ và một công ty lớn hơn là khối lượng hoạt động. Một doanh nghiệp nhỏ hoạt động kinh doanh ít hơn, ít hóa đơn giấy tờ và tài liệu kế toán cần xử lý hơn. Do đó, cần ít chuyên môn và năng lực hơn để xử lý sổ sách và báo cáo tài chính cũng đơn giản hơn. Trong trường hợp này, một nhân viên có thể đảm nhiệm công việc kế toán và có thể kiêm nhiệm thêm các công việc hành chính nhân sự khác.
Khi doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn hơn và khối lượng công việc tăng lên, mọi thứ sẽ phức tạp hơn. Lúc này sẽ mất nhiều thời gian hơn để theo kịp với số lượng hóa đơn chứng từ, nhiều nhà cung cấp và tài khoản khách hàng cần phải quản lý hơn. Trong trường này, bộ phận kế toán với các nhân sự chuyên trách sẽ giúp Doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng kết quả kinh doanh và tình hình tài chính sổ sách của mình, từ đó có các quyết định tốt hơn cho hoạt động của Doanh nghiệp.
Kế toán theo cơ sở dồn tích và kế toán theo cơ sở tiền mặt
Doanh nghiệp sử dụng một trong hai phương pháp kế toán: tiền mặt hoặc dồn tích. Kế toán cơ sở tiền mặt sử dụng ít quy tắc hơn và cung cấp cách tiếp cận dễ dàng hơn. Kế toán dồn tích yêu cầu bạn ghi lại các giao dịch ngay khi chúng xảy ra theo quy định tại chuẩn mực kế toán, bất kể đã phát sinh dòng tiền hay chưa.
Các công ty lớn hơn, bao gồm tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, phải sử dụng phương pháp kế toán dồn tích. Phương pháp dồn tích liên quan đến nhiều quy tắc hơn có tính chất kỹ thuật và có thể phải được đào tạo để hiểu đầy đủ.
Các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể tùy chọn sử dụng kế toán theo cơ sở tiền mặt cho đơn giản. Việc này thường mất ít thời gian hơn mà không cần phải được đào tạo, cập nhật kiến thức để theo kịp các quy định.
Yêu cầu về báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ so với doanh nghiệp lớn
Doanh nghiệp nhỏ thường giao dịch với một số lượng nhỏ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư bên ngoài hơn so với các doanh nghiệp, do đó các cơ quan chính phủ cũng đặt ra các yêu cầu báo cáo thấp hơn, các khoản mục báo cáo đơn giản hơn.
Kiểm soát nội bộ tại Công ty lớn và Công ty nhỏ
Công ty nhỏ gặp nhiều thách thức hơn trong việc thiết lập kiểm soát nội bộ đối với thông tin tài chính so với công ty lớn.
Các doanh nghiệp lớn hơn với nhiều nhân viên hơn có nhiều cơ hội hơn để phân tách các nhiệm vụ chính cho số lượng nhân sự lớn hiện có. Đối với một doanh nghiệp nhỏ, một cá nhân có thể xử lý các quy trình mà thường phải qua nhiều người vì số lượng nhân viên có hạn. Do có sự chồng chéo về nhiệm vụ, chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ có thể cần phải có vai trò tích cực hơn để phát hiện ra gian lận, sai sót hoặc công tác kế toán kém hiệu quả.
Quy định về chế độ kế toán áp dụng:
Tùy thuộc vào quy mô và loại hình doanh nghiệp, ngành nghề mà doanh nghiệp sẽ áp dụng các chế độ kế toán khác nhau.
Chế độ kế toán
Đối tượng áp dụng
Văn bản pháp luật
Chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ
Các doanh nghiệp siêu nhỏ (trừ doanh nghiệp nhà nước). Trong đó:
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Thông tư 132/2018/TT-BTC
Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ)thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã.
Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực đặc thù như điện lực, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán … đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận áp dụng chế độ kế toán đặc thù.
Thông tư 133/2016/TT-BTC
Chế độ kế toán doanh nghiệp
Các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế; bao gồm cả các doanh nghiệpvừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu thấy phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
Thông tư 200/2014/TT-BTC
Chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp
Cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng ngân sách nhà nước.
Thông tư 107/2017/TT-BTC
Chế độ kế toán áp dụng với bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, bao gồm cả Trụ sở chính các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (Chi nhánh).
Thông tư 177/2015/TT-BTC