So sánh liên hệ hình tượng người đàn bà hàng chài và bà Tú | ThayHieu.Net
So sánh liên hệ hình tượng người đàn bà hàng chài và bà Tú
Đề 1. Phân tích vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua việc phân tích hãy phát biểu thông điệp của tác phẩm. Liên hệ nhân vật bà Tú trong “Thương vợ” của Tú Xương.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
II. THÂN BÀI
1. Khái quát: truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm in lần đầu trong tập truyện ngắn “Bến quê”, sau được in thành tập truyện riêng với tên gọi “Chiếc thuyền ngoài xa”. Đây là sáng tác mang đậm dấu ấn triết lý của Nguyễn Minh Châu về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời; về thế sự và con người; quan tâm đến số phận cá nhân. Đặc biệt những sáng tác trong giai đoạn này của Nguyễn Minh Châu thường thiên về về những hình tượng phụ nữ, những người đàn bà lam lũ khổ cực cả đời. Thông qua những hình tượng ấy, Nguyễn Minh Châu không chỉ kiếm tìm, tôn vinh vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ mà nhà văn còn lí giải cội nguồn vẻ đẹp ấy chính là lòng nhân, đức hạnh, phẩm tiết bám sâu trong tâm hồn, tâm linh con người. Người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là một chân dung như thế.
2.Nội dung
HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO ĐÂY
2.1. Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài.
* Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ vô danh có số phận bất hạnh.
Chị ấn tượng với người đọc với ngoại hình khó coi bởi dáng vẻ “cao lớn với những đường nét thô kệch”. Khuôn mặt là tâm điểm của mọi ánh nhìn thì lại khiến người ta thất vọng bởi: “Mụ rỗ mặt khuôn mặt mệt mỏi tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Ở chị còn phơi lộ cái nghèo đói nhếch nhác: “Tấm lưng áo bạc phếch rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng”. Tất cả những miêu tả ấy của Nguyễn Minh Châu không ngoài việc làm hiện lên tất cả sự đói nghèo, lam lũ, cơ cực. Không chỉ vậy chị còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình với quy luật “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” mà kẻ gây ra tình trạng ấy không ai khác lại chính là người chồng của chị. Nhưng vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, người phụ nữ ấy đã toả sáng với bao phẩm giá cao đẹp.
*Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài trước hết là ở lòng tự trọng:
Bị chồng hành hạ, đánh đập tàn bạo. Thể xác bị chà đạp, tinh thần bị lăng nhục nhưng chị không khóc. Chỉ sau khi biết được hành động vũ phu của chồng bị thằng Phác và người khách lạ chứng kiến, chị mới thấy “Đau đớn – vừa đau đớn vừa xấu hổ nhục nhã”. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà trào ra. Đó là nước mắt của người mẹ kiên cường chịu đựng vì con; nước mắt của con người có nhân cách có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời có một đức hi sinh cao thượng khiến ta nể phục.
* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài hiện lên qua tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha.
Chị nhận hết phần thua thiệt về mình, nhận hết trách nhiệm về mình. Chị nhận mình là kẻ không nhan sắc: “từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí”. Nhận mình khổ là do đẻ nhiều: “Cũng tại đàn bà ở thuyền chúng tôi đẻ nhiều quá”. Với chồng, trong suốt câu chuyện dài dằng dặc của đời mình người đàn bà không tỏ ra oán giận chồng, ngược lại còn bênh vực hắn. Thậm chí chị còn hạ mình trước Phùng và Đẩu, dù không phải là buổi nghị án nhưng chị vẫn xin được tha thứ cho lão chồng: “Quý toà bắt tội con cũng được, bỏ tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Thà chịu những hình phạt cao nhất của pháp luật là đi ở tù, nhưng chồng thì không thể bỏ. Bởi tấm lòng nhân hậu vị tha ở chị đã mách bảo chị rằng, chồng chị không phải là kẻ xấu. Hắn đã từng là “anh thanh niên hiền lành…chẳng bao giờ đánh đập tôi”; hắn cũng đã từng sống cảnh túng quẫn vì trốn đi lính cho nguỵ để không cầm súng bắn vào đồng bào mình. Vậy hắn là người tốt. Và với chị, chừng đó để chị đủ yêu thương và tha thứ. Trong sâu xa, chị còn là người thấu hiểu chồng, chị hiểu những nỗi đau khổ của hắn, hiểu được do hoàn cảnh đói nghèo, thất học lam lũ mà chồng chị sinh ra bẩn tính và cộc cằn, thô lỗ, vũ phu. Cuộc sống khốn khó vất vả cho nên lão chồng đã xem việc đánh vợ là một phương thức giải tỏa những bức bí của cuộc đời. Như vậy chị là người rất hiểu chồng, thương chồng, chồng chị là nạn nhân của sự đói nghèo thất học. Hắn vừa đáng thương lại vừa đáng tội, đáng tội vì hắn gây ra biết bao đau thương cho người thân; đáng thương vì hắn là nạn nhân của tình trạng đói nghèo ấy. Tấm lòng ấy ở người phụ nữ này thật cao thượng biết bao!
* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài còn được thể hiện ở sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, sự từng trải.
Đọc truyện của Nguyễn Minh Châu thường thấy nhân vật hành động, suy nghĩ mang tính cách của những người từng trải, hiểu đời. Đặc biệt là những nhân vật nữ. Mỗi nhân vật ẩn sâu trong thiên tính nữ, dịu dàng, nhẫn nhịn là tính cách mạnh mẽ của một ý chí, nghị lực, một thế giới lạ lùng đầy ngưỡng mộ, khó có thể hiểu được ngay khi mới tiếp xúc. Với người đàn bà hàng chài, ẩn đằng sau lớp vỏ thất học, lam lũ kia, chị lại là người phụ nữ rất thấu hiểu lẽ đời. Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một tình huống độc đáo, là lúc người đàn bà đột ngột thay đổi cách xưng hô từ “con” thành “chị”. Sự thay đổi ngôi thứ này khiến cho Phùng và Đẩu không khỏi ngạc nhiên. Có thể nói đây là “cuộc cách mạng trong xưng hô của người đàn bà”; và sau đó làm nên “cuộc cách mạng trong nhận thức” của Phùng và Đẩu (chữ dùng của GS. Nguyễn Đăng Mạnh)
Trong vai “chị”, người đàn bà sắc sảo ấy đã làm thay đổi nhận thức một chiều của Phùng và Đẩu. Chị lên án họ vì thiếu sự đồng cảm, thiếu cái nhìn khách quan. Không thể bỏ chồng dù hắn tàn bạo cũng bởi vì chị hiểu thế nào là “nổi vất vả cơ cực trên một chiếc thuyền không có người đàn ông”; người đàn ông là trụ cột của gia đình; sẽ như thế nào nếu bi kịch ly hôn xảy ra ? Chị và sắp nhỏ sẽ sống như thế nào khi không có “người đàn ông chèo chống lúc phong ba bão tố”; không có người đàn ông khoẻ mạnh, biết nghề, làm ăn nuôi con thì cuộc sống của người phụ nữ và đàn con sẽ như thế nào giữa đại dương của số phận ? Rõ ràng Phùng và Đẩu là những kẻ có học, nhưng các anh còn thiếu vốn sống, thiếu sự từng trải. Chính điều này đã mang đến sự đánh giá, nhìn nhận thiếu khách quan, thiếu sự cảm thông. Ths Phan Danh Hiếu. . Phùng và Đẩu có lòng tốt, có thiện chí, nhưng chừng đó chưa đủ. Con người sống cần phải thực tế, phải khách quan. Cuộc sống vốn đa chiều, nhiều màu sắc. “Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời” (Nguyễn Văn Thạc). Bởi vậy, nhiều khi con người phải chấp nhận những thực tế nghiệt ngã mà không thể lấy lý thuyết của sách vở để tô hồng. Cuộc sống đã vậy, con người lại càng phức tạp khó hiểu hơn. Và để hiểu được con người thật khó, đối với phụ nữ càng khó hơn, đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh phức tạp, không cho phép ta nhìn nhận hời hợt bên ngoài. Đó cũng là thông điệp của Nguyễn Minh Châu về cách nhìn đời.
* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài được thể hiện sâu sắc ở tình mẫu tử sâu nặng, đức hi sinh cao thượng, kiên cường bất khuất, chịu đựng tất cả vì con.
Vượt lên trên sự cay đắng và cơ cực ấy, tình mẫu tử của chị tỏa sáng, đó chính là đức hi sinh cao thượng của một người phụ nữ luôn ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ.
+ Người phụ nữ truyền thống ấy luôn quan niệm: lấy chồng thì phải theo chồng rồi nuôi cho con khôn lớn. Chị chấp nhận tất cả vì con: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”.
+ Tình thương con ở người mẹ ấy sâu sắc đáng ngưỡng mộ. Vì thương con mà chị quặn lòng gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại nó. Vì thương con và để tránh sự tổn thương cho những tâm hồn con trẻ nên chị đã bảo lão chồng “có đánh thì đưa tôi lên bờ mà đánh”. Tình thương con ấy không chỉ gắn liền với cảm xúc, tình cảm mà còn gắn liền với lý trí và trách nhiệm của một người mẹ. Ths Phan Danh Hiếu.
+ Chị luôn nhìn về các con, lấy các con làm điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần để sống. Trong câu chuyện ở toà án huyện, chị luôn nhìn ra ngoài bãi phá – nơi ấy, đứa con gái lớn của chị đang ngồi đợi chị trên chiếc mủng. Khi nhắc đến con, mắt chị sáng lên niềm vui và hạnh phúc. Câu trả lời của chị cũng đầy vẻ tự hào: “Vui nhất là thấy đàn con chúng tôi được ăn no”. Ths Phan Danh Hiếu. Chị đã lấy những niềm vui bé nhỏ góp nhặt trong cuộc đời để khỏa lấp niềm đau, lấy niềm tin để vá vết thương đời cay cực. Chị giống như con gà mẹ xòe đôi cánh che chở cho đàn con trước sự tấn công của loài chim ăn thịt. Tấm lưng chị như cánh buồm căng ra gánh chịu muôn chiều bão tố. Nhưng trước ngực, vòng tay chị lại tạo ra khung trời bình yên để các con chị được ấm êm trong giấc ngủ nồng nàn. Chính tình mẫu tử thiêng liêng cao thượng đã chấp cánh cho chị đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực đói kém nhọc nhằn và lam lũ.
*Qua hình tượng người đàn bà hàng chài cùng tình huống truyện mang tính nhận thức và khám phá nhà văn muốn gửi người đọc thông điệp:
– Phùng chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa dập dềnh trong sương sớm nhưng nó chỉ thực sự đẹp khi nó ở ngoài xa – một khoảng cách đủ để tạo ra một vẻ đẹp huyền ảo nhưng khi lại gần nó không còn được toàn bích nữa. Từ bức tranh thần tiên ấy bước ra một sự thật nghiệt ngã: cảnh lão đàn ông đánh vợ, đứa con vì thương mẹ mà đánh lại người cha – đi ngược với luân lý của xã hội. Cuộc sống vốn vậy cái thiện luôn song hành bên cạnh cái ác; niềm vui luôn song hành với nuỗi buồn; cái đẹp luôn song hành cùng cái xấu… Đó là những tồn tại nghịch lý. Cuộc đời như khối vuông rubich, mỗi vòng xoay lại mang một sắc màu trộn lẫn. Nếu chỉ nhìn một phía, một chiều chắc chắn sẽ không đánh giá đúng sự vật hiện tượng. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”.
– Thông điệp thứ hai: nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời, là tiếng nói của cuộc đời. Nghệ thuật phải vươn tới chiều sâu của cuộc sống, phải xuất phát từ vấn đề con người và vì con người.
*Nghệ thuật:
Làm nên thành công của hình tượng người đàn bà nói riêng và tác phẩm nói chung nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo ra một tình huống truyện mang tính khám phá nhận thức phát hiện đời sống. Ngôn ngữ kể chuyện khách quan giàu sức thuyết phục mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị và thương cảm lẫn cảm phục.
Xem thêm: Nhân vật Mị – đêm tình mùa xuân – đề theo hướng mới.
2.2. Liên hệ vẻ đẹp hình tượng bà Tú trong ‘Thương vợ” của Tú Xương
* Tác giả: Trần Tế Xương là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam. Ông chỉ đỗ tú tài nhưng tài năng thơ phú thì vô hạn. Hiện nay, thơ ông còn trên 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm với nhiều thể loại như thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát, phú, đối. Nội dung chủ yếu là chế giễu, mỉa mai xã hội thực dân phong kiến với những lố lăng, kệch cỡm, chế độ thi cử và các quan hệ trong xã hội. Bài thơ “Thương vợ” là bài thơ Nôm nổi tiếng của ông viết về vợ – bà Phạm Thị Mẫn.
* Điểm giống nhau của hai hình tượng. (Các em dùng mẫu câu chuyển đoạn đã cho)
– Hoàn cảnh sống của họ đều khó khăn, vất vả, vì đông con.
– Có thể nói, bà Tú và người đàn bà hàng chài đã hội tụ đầy đủ những đức tính quý báu nhất của người phụ nữ Việt Nam. Cả hai hình tượng đều mang vẻ đẹp phẩm hạnh: giàu đức hi sinh, nhân hậu, vị tha; sống vì con, vì chồng.
– Cả hai nhân vật đều âm thầm gánh vác những nhọc nhằn, lam lũ, mưu sinh vì con cái, vì gia đình.
* Điểm khác nhau giữa hai hình tượng. (Các em dùng mẫu câu chuyển đoạn đã cho)
* Về nội dung:
– Người đàn bà hàng chài hiện lên với sự kiên cường chịu đựng đòn roi của chồng, chấp nhận tha thứ cho chồng là vì đàn con.
– Bà Tú là một phụ nữ đảm đang: một mình tảo tần buôn bán, nuôi bảy miệng ăn trong gia đình: “nuôi đủ năm con với một chồng”. Nuôi con đã vất vả, nuôi một ông chồng lắm tài nhiều tật như Tú Xương còn khổ hơn.
– Công việc của bà Tú vất vả, gian khổ: công việc buôn bán đầu non cuối bãi, ở những nơi nguy hiểm bấp bênh khi quãng vắng, buổi đò đông. Bà đảm đang, chu đáo, tần tảo sớm hôm vì đàn con, vì ông chồng lắm tật của mình.
– Nhẫn nại, chịu thương chịu khó, hi sinh vì chồng, vì con như thế chỉ lí giải được bằng một lí do duy nhất là đức hi sinh, là tình yêu thương chân thành mà bà Tú dành cho chồng và con. Ths Phan Danh Hiếu
– Bài thơ thể hiện nhân cách Tú Xương: Ông không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm của mình, cũng không lấy cái quyền hành của người chồng trong xã hội phong kiến mà phủ nhận công lao của vợ. Ngược lại ông đã dũng cảm nói lên sự thật: thói đời bạc bẽo với người phụ nữ và bản thân ông là người chồng vô tích sự cho nên, bà Tú có chồng hờ hững cũng như không. Tú Xương chửi “cha mẹ” thói đời bạc bẽo, tự trách, tự lên án bản thân mình đã làm cho gánh nặng trên đôi vai tần tảo của người vợ nặng thêm.
* Về nghệ thuật:
Người đàn bà hàng chài hiện lên qua chất giọng tự sự triết lý của Nguyễn Minh Châu; bà Tú hiện lên qua lời tự thuật, lời thú tội của ông Tú. Từ ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm, vận dụng sáng tạo hình ảnh ngôn ngữ văn học dân gian (hình ảnh thân cò, sử dụng nhiều thành ngữ), ngôn ngữ đời sống (cách nói nhiều khẩu ngữ)
III. KẾT BÀI
Người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và bà Tú trong Thương vợ của Tú Xương đều là hiện thân của vẻ đẹp về đức hi sinh, lòng nhân ái bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Qua hai hình tượng này tác giả chia sẻ sự cảm thông, sự trân trọng ngợi ca của mình đối với giới nữ. Từ đó cất lên tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho tất cả người phụ nữ trong xã hội.
PHAN DANH HIẾU
Đề nghị ghi rõ nguồn vì tài liệu đã in thành sách.