So sánh marketing quốc tế và marketing nội địa.
Marketing quốc tế là gì? Marketing nội địa là gì? Chúng khác nhau như thế nào? Chiến lược nào cho người làm marketing quốc tế? Tất cả câu hỏi sẽ được Người nông dân làm marketing trả lời trong bài viết dưới đây!
Xem tiếp
Mục lục:
- Marketing quốc tế là gì?
- Đặc điểm và ví dụ về marketing quốc tế
- Marketing nội địa (trong nước) là gì?
- Đặc điểm của marketing nội địa
- So sánh marketing quốc tế và marketing nội địa
- Chiến lược marketing quốc tế?
Mục lục bài viết
1. Marketing quốc tế là gì?
Marketing quốc tế (International marketing) là hình thức tìm hiểu và khai thác nhu cầu của khách hàng quốc tế để đáp ứng họ bằng sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp tới đúng người, đúng giá, đúng cách.
Hiểu đơn giản, marketing quốc tế là hoạt động marketing thông thường, nhưng hướng tới đối tượng tại một hoặc nhiều quốc gia nước ngoài.
Marketing quốc tế gồm 3 loại chính:
- Marketing xuất khẩu: đây là hoạt động marketing giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
- Marketing tại nước ngoài: đây là hoạt động marketing giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu khách hàng và tiêu thụ sản phẩm tại đất nước mà thương hiệu đã tiếp cận.
- Marketing đa quốc gia: hoạt động này tương tự với marketing tại nước ngoài nhưng khác biệt ở chỗ không còn khái niệm “thị trường nước ngoài” mà chỉ là những thị trường khác nhau với vị trí địa lý khác nhau trên toàn cầu.
2. Đặc điểm và ví dụ về marketing quốc tế
2.1 Đặc điểm của marketing quốc tế
Marketing quốc tế có những đặc điểm sau:
- Khu vực thực hiện marketing lớn và ngoài lãnh thổ, đối tượng hướng đến đa dạng.
- Cần áp dụng công nghệ, internet vào hoạt động marketing.
- Yếu tố rủi ro cao.
- Yêu cầu về vốn lớn.
- Cần có sự nghiên cứu sâu về thị trường và khách hàng quốc tế.
Những đặc điểm này được phát triển từ yếu tố quốc tế của hoạt động marketing. Cụ thể là đối tượng khách hàng và thị trường mục tiêu ở nước ngoài.
2.2 Ví dụ về marketing quốc tế
Một ví dụ về marketing quốc tế thành công có lẽ bạn đã từng nghe qua, đó là cách ông lớn Mc Donald’s chinh phục thị trường Ấn Độ. Nhờ nghiên cứu thị trường và khách hàng tốt mà họ đã quyết định bỏ thịt bò và thịt lợn ra khỏi menu của mình cho phù hợp với văn hóa người dùng. Vì vậy, họ đã chiếm được thiện cảm lớn từ khách hàng Ấn Độ và nhanh chóng có hơn 400 cửa hàng trên khắp 65 tỉnh thành tại đất nước này.
Một ví dụ khác, nhưng là ví dụ cho marketing quốc tế thất bại. Case study đến từ hãng xe taxi công nghệ Uber, thương hiệu đã chiến thắng tại thị trường Mỹ và Châu Á nhưng thất bại thảm hại tại Việt Nam. Sai lầm xuất phát từ sự quá tự tin của thương hiệu, không nghiên cứu thị trường Việt Nam, chỉ áp dụng “nguyên xi” những chiến lược marketing cũ. Cuối cùng họ đã vấp phải sự cô lập của những hãng taxi truyền thống và khó khăn từ phía hệ thống luật pháp Việt Nam.
3. Marketing nội địa là gì?
Marketing nội địa (marketing trong nước) là hình thức tìm hiểu và khai thác nhu cầu của khách hàng trong nước để đáp ứng họ bằng sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp tới đúng người, đúng giá, đúng cách.
Hiểu đơn giản, marketing nội địa là hoạt động marketing thông thường nhưng chỉ hướng tới đối tượng mục tiêu và thị trường thuộc chính quốc gia của thương hiệu đó.
4. Đặc điểm của marketing nội địa
Trái ngược với marketing quốc tế, marketing trong nước có những đặc điểm sau:
- Khu vực thực hiện marketing nhỏ, trong một đất nước quen thuộc.
- Ngoài áp dụng công nghệ, có thể áp dụng những hình thức marketing truyền thống.
- Yếu tố rủi ro thấp.
- Yêu cầu về vốn không nhiều.
- Yêu cầu nghiên cứu về đối tượng và thị trường mục tiêu.
Nhìn chung về đặc điểm, marketing quốc tế và marketing nội địa có những phần tương đồng và trái ngược nhau. Vậy cụ thể thì 2 loại marketing này giống và khác nhau ở đâu và vì sao lại có sự khác nhau đó?
5. So sánh marketing quốc tế và marketing nội địa
Từ định nghĩa về hai loại marketing nói trên, bạn có thể thấy rằng chúng giống nhau về nguyên tắc và bản chất marketing. Tuy nhiên, marketing quốc tế và marketing nội địa cũng có khá nhiều sự khác nhau có thể kể đến như:
Bài viết bạn có thể quan tâm: Marketing là ngành gì? Hiểu để chọn nghề phù hợp.
5.1. Phạm vi
Marketing quốc tế là hoạt động nghiên cứu, quảng bá, truyền thông, sản xuất, định giá, bán hàng,… tại một hoặc nhiều quốc gia nước ngoài. Marketing nội địa là hoạt động marketing gói gọn ở phạm vi trong nước.
5.2. Doanh thu
Một trong những lý do khiến thương hiệu cần thực hiện marketing quốc tế là mong muốn mở rộng thi trường và tăng doanh thu. Vì nếu chỉ marketing trong nước, khi thương hiệu đã khai thác tối đa thị trường, doanh thu sẽ bị chững lại và doanh nghiệp cũng mất đà tăng trưởng.
5.3. Công nghệ
Khi thương hiệu hoạt động sản xuất và kinh doanh tại quốc gia khác thì sẽ tận dụng được những công nghệ tiên tiến của nước đó. Công nhệ ở đây không chỉ hiểu là những nền tảng hay phương tiện truyền thông, mà còn là công nghệ sản xuất và phân phối hàng hóa.
5.4. Chi phí
Cả marketing quốc tế và marketing nội địa đều tốn chi phí cho những hoạt động cơ bản như mở chi nhánh, mở cửa hàng, thuê nhân sự địa phương, nghiên cứu khách hàng và thị trường, thực hiện những chiến dịch marketing,…
Tuy nhiên, đối với marketing quốc tế, những chi phí này sẽ có sự chênh lệch ở từng quốc gia, đặc biệt là khi so sánh giữa quốc gia đang phát triển và đã phát triển.
Thêm vào đó, mỗi lần tiếp cận thị trường mới, người làm marketing quốc tế lại cần đầu tư thực hiện nghiên cứu thị trường để quyết định những chiến dịch marketing phù hợp với địa phương đó. Như vậy là chi phí marketing dành cho doanh nghiệp đa quốc gia sẽ gấp nhiều lần so với doanh nghiệp chỉ kinh doanh trong nước.
5.5. Khó khăn
Marketing quốc tế thường gặp khá nhiều rào cản, bởi vậy mà không nhiều doanh nghiệp dám mạo hiểm mở rộng thị trường kinh doanh sang nước khác. Những khó khăn cơ bản nhất có thể kể đến là việc marketer gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tư duy, thẩm mỹ, khoảng cách địa lý và thời gian,… khi nghiên cứu hay tiếp cận người dùng.
Để giảm bớt những khó khăn đó, doanh nghiệp cần bù đắp bằng tài chính. Tức là bỏ một khoản tiền lớn đề xây dựng riêng một phòng marketing là những đội ngũ nhân sự tại địa phương. Tuy nhiên, vốn đầu tư cũng chính là khó khăn thứ hai của doanh nghiệp kinh doanh quốc tế.
Ngoài ra, từ ví dụ thực tế về hãng taxi nổi tiếng Uber, việc làm marketing tại quốc gia khác còn vướng phải khó khăn về chính trị và luật pháp nước đó. Việc nghiên cứu và tuân thủ là không hề đơn giản.
Đối với marketing nội địa thường sẽ dễ dàng hơn trong quá trình nghiên cứu và tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng. Những điều đó không có nghĩa là người làm marketing trong nước không gặp khó khăn.
Tại Việt Nam, văn hóa “sính ngoại” đã trở thành một phần tư duy của một bộ phận người tiêu dùng. Có thể nói đây là rào cản khó tháo gỡ của người làm marketing nội địa. Làm thế nào để thuyết phục người mua từ bỏ sử dụng thương hiệu quốc tế để chuyển sang sử dụng hàng Việt Nam vẫn luôn là câu hỏi lớn.
6. Chiến lược marketing quốc tế?
Từ định nghĩa, đặc điểm và khó khăn của marketing quốc tế được đề cập thông qua việc so sánh với marketing trong nước, Người nông dân làm marketing rút ra một số lưu ý về mặt chiến lược marketing quốc tế như sau:
6.1. Tư duy quốc tế
Rất nhiều chiến dịch marketing đã thất bại khi cố gắng tiếp cận một thị trường mới với một chiến lược cũ. Làm marketing quốc tế thì không thể chỉ nhân bản một chiến dịch marketing cho tất cả mọi quốc gia. Bản chất của thương hiệu thì cần phải được giữ nguyên, nhưng đối tượng mục tiêu, hình thức tiếp cận, giá, sản phẩm, nhu cầu, chiến thuật… thì cần được điều chỉnh cho phù hợp với địa phương đó.
6.2. Sáng tạo phù hợp với văn hóa
Sáng tạo là yếu tố quyết định sự thu hút của một chiến dịch marketing. Tuy nhiên nó có thể gây ra sự vô cảm hoặc thậm chí phản đối, tẩy chay từ phía người dùng nếu bạn sáng tạo những nội dung không phù hợp hoặc đi ngược lại với văn hóa của họ.
Vậy nên, trước khi quyết định triển khai bất kỳ chiến dịch marketing mới nào tại quốc gia không quen thuộc với bạn, hãy nghiên cứu và thật sự thấu hiểu văn hóa của họ. Hãy thử nghiệm trước với một cộng đồng nhỏ để chắc chắn rằng bạn đang sáng tạo với thái độ tôn trọng và nghiêm túc.
6.3. Lựa chọn thiết kế phù hợp
Như đã nói ở trên, mỗi đất nước lại có một đặc trưng riêng trong phong cách thiết kế và gout thẩm mỹ. Nếu Hàn Quốc là đất nước với phần lớn người dùng thích những thiết kế dễ thương thì Trung Quốc là nơi mà phong cách quyến rũ được ưa chuộng. Người làm marketing quốc tế cần đưa giai đoạn nghiên cứu thẩm mỹ của thị trường vào chiến lược marketing. Sau khi tìm kiếm thành công thì cần áp dụng tốt và đồng nhất vào mọi chiến dịch marketing tại địa phương đó.
6.4 Gạt bỏ rào cản ngôn ngữ
Chắc chắn những người làm marketing đa quốc gia đã từng ước rằng giá mà tất cả đất nước đều sử dụng chung một ngôn ngữ. Nhưng điều đó là không thể và rào cản này là điều mà bạn cần phải đối mặt.
Bản thân Người nông dân là nhân chứng sống cho việc làm marketing tại Nhật Bản nhưng không biết tiếng Nhật. Điều này đã khiến mình gặp rất nhiều khó khăn trong tất cả giai đoạn của một chiến lược marketing, bao gồm từ khâu nghiên cứu nhu cầu tới sáng tạo nội dung và đo lường hiệu quả.
Để khắc phục tạm thời khó khăn này, mình đã cần rất nhiều sự trợ giúp của công cụ và con người dịch thuật. Nhưng để đảm bảo chất lượng bản dịch tốt và truyền đạt đúng ý đồ ban đầu, bạn cũng cần làm việc và bám sát kỹ với biên dịch viên, và điều này thì không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Vì vậy, nếu đã xác định làm marketing quốc tế, hãy trang bị cho mình tối thiểu là ngôn ngữ của quốc gia đó. Nhưng nếu bạn làm cho một doanh nghiệp đa quốc gia, tốt nhất là công ty nên đầu tư phòng marketing tại địa phương đó và đảm bảo phối hợp tốt với phòng marketing tại trụ sở chính.
Bài viết bạn có thể quan tâm: 7 tài liệu Marketing online cho người mới bắt đầu
7. Kết luận
Tóm lại, marketing quốc tế và marketing nội địa về bản chất là giống nhau vì đều là hoạt động marketing. Điểm khác nhau cơ bản nhất của hai loại marketing này là đối tượng và thị trường hướng tới.
Cả marketing nước ngoài và marketing trong nước đều có những khó khăn và rào cản nhất định. Tuy nhiên với đặc thù của marketing đa quốc gia, marketer sẽ gặp khó khăn nhiều hơn một chút nếu sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực không đủ mạnh.
Về mặt rủi ro, hoạt động marketing quốc tế sẽ tốn nhiều chi phí hơn nên rủi ro chắc chắn cũng sẽ cao hơn so với marketing nội địa. Vì vậy, người làm marketing cho công ty đa quốc gia cần cẩn trọng trong việc xây dựng chiến lược marketing cũng như làm quản trị rủi ro thật tốt.
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề so sánh marketing quốc tế và marketing nội địa. Lưu ý, bài viết xuất phát từ góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân của Người nông dân làm marketing. Hãy chọn lọc và tham khảo những thông tin bạn thấy phù hợp. Đừng tin tưởng 100% điều gì trên internet nhé!
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…