So sánh thương mại truyền thống và thương mại điện tử | ECOMCX – Giá trị thương hiệu Việt
Thương mại truyền thống và thương mại điện tử có gì khác nhau? Bản chất và tính ưu việt của hai loại hình thương mại này là gì. Hãy cùng ECOMCX so sánh thương mại truyền thống và thương mại điện tử để thấy được sự khác biệt trong bài viết sau đây.
Mục lục bài viết
1. Thương mại truyền thống là gì ?
Thương mại truyền thống hay thương mại là một phần của kinh doanh, bao gồm tất cả các hoạt động tạo điều kiện trao đổi. Hay nói một cách dễ hiểu, thương mại truyền thống đề cập đến việc mua và bán hàng hóa, dịch vụ bằng tiền mặt hoặc hiện vật và các hỗ trợ để giao dịch như: Ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, quảng cáo, bảo hiểm, đóng gói,… nhằm giúp hoàn thành thành công trao đổi giữa các bên.
Thương mại sẽ bao gồm tất cả hoạt động giúp trao đổi hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn. Hàng hóa không tự nhiên từ nhà sản xuất đến nhà tiêu dùng. Và đó chính là chức năng của thương mại, đó chính là các hoạt động mua bán và phân phối hàng hóa đến tay người sử dụng đúng thời điểm và địa điểm.
2. Thương mại điện tử là gì?
Tương tự, thương mại điện tử cũng là hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng bằng mạng điện tử, tức là internet hoặc mạng xã hội trực tuyến.
Thương mại điện tử hỗ trợ các hoạt động giao dịch, mua bán trở nên dễ dàng hơn nhờ công cụ internet, bao gồm các hoạt động như: Đặt hàng, thanh toán,.. mọi thứ đều được tối giản và mọi giao dịch đều có thể được xử lý bất cứ lúc nào, ở đâu.
Thương mại điện tử nảy sinh nhiều mô hình hơn nhờ những ưu việt mà nó đem lại cho cuộc sống con người.
– Thương mại điện tử B2B: Chỉ giao dịch kinh doanh diễn ra giữa hai nhà kinh doanh (doanh nghiệp) thông qua kênh điện tử.
– Thương mại điện tử B2C: Chủ thể trao đổi hàng hóa, dịch vụ là người kinh doanh và người tiêu dùng, thông qua internet.
3. So sánh thương mại truyền thống và thương mại điện tử
Về bản chất thì thương mại truyền thống và thương mại điện tử đều liên quan đến quá trình trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, thương mại điện tử khác ở công cụ thực hiện. Đó chính là các công nghệ như: Email, trao đổi dữ liệu điện tử, chuyển tiền điện tử được sử dụng để theo dõi các giao dịch và nhận thanh toán.
Sau đây là một số điểm khác nhau của thương mại điện tử và thương mại truyền thống bạn cần biết.
3.1. Sự hiệu quả về chi phí
Nếu như thương mại truyền thống cần vai trò của người trung gian để bán và phân phối sản phẩm của công ty sản xuất thì thương mại điện tử hoàn toàn có thể loại bỏ chi phí cho người trung gian này vì nó đã tạo ra mối liên hệ, sự trao đổi trực tiếp và dễ dàng giữa doanh nghiệp và khách hàng, người bán và người mua. Bởi vậy, thương mại điện tử hoàn toàn hiệu quả hơn về chi phí, từ đó giá thành sản phẩm cũng rẻ tối ưu hơn.
Thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập một trụ sở chính thức trên các nền tảng online để người mua có thể dễ dàng liên hệ và tiếp cận mua hàng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ loại bỏ được các chi phí phát sinh về lao động, bảo trì, mặt bằng, và nó sẽ được thay thế bằng việc lưu trữ mọi thông tin trên trang web với phương thức kinh doanh điện tử.
3.2. Tiết kiệm thời gian
Đối với thương mại truyền thống, để hoàn thành giao dịch thì giữa người mua và bán phải cần thời gian di chuyển để trao đổi hàng hóa và tiền tệ trong khi với thương mại điện tử, một giao dịch có thể được hoàn thành chỉ trong vài phút thông qua mạng điện tử.
3.3. Sự tiện lợi
Khách hàng có thể chỉ phải ngồi ở nhà hoặc bất cứ đâu với một chiếc điện thoại có kết nối mạng là đã có thể tham khảo sản phẩm và chọn mua chúng một cách nhanh chóng. Chính bởi khả năng kết nối tốt và nhanh chóng mà bạn có thể mua hàng thật dễ dàng, đơn giản, không tốn sức.
3.4. Khả năng tiếp cận
Thương mại truyền thống muốn mở rộng thị trường cần có vốn để xây dựng mặt bằng, thuê nhân viên và giấy phép kinh doanh. Trong khi với thương mại điện tử, chỉ với một trang web bạn đã có thể chạy quảng cáo bằng internet và tiếp cận được khách hàng ở mọi thị trường.
3.5. Lợi nhuận
Thực tế chứng minh việc kinh doanh thương mại điện tử giúp đem lại lợi nhuận nhiều và nhanh chóng hơn. Trong khi thương mại truyền thống cần phải có từng bước tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu thì mới có thể thành công và mang lại lợi nhuận lớn.
Nhờ cắt giảm các chi phí vận hành mà nhà kinh doanh thương mại điện tử đã có thể giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận của mình.
3.6. Kiểm tra hàng hóa
Tuy nhiên, thương mại truyền thống có ưu điểm về việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao dịch trong khi tỏng lĩnh vực thương mại điện tử, một số doanh nghiệp không cho phép người mua được kiểm tra hàng trước khi thanh toán.
Bởi quyết định mua hàng của thương mại điện tử chỉ thông qua những hình ảnh, video trên mạng nên khó có thể chính xác với nhu cầu của người mua. Chưa nói đến trường hợp một số cá nhân, tổ chức lợi dụng điểm này để lấp liếm và bán hàng kém chất lượng đến tay người mua hàng.
Ngoài ra, giao dịch truyền thống là mặt đối mặt nên khó xảy ra tình trạng lừa đảo còn giao dịch điện tử khá là ảo, thông qua công nghệ và phần mềm nên khó xác định mối quan hệ khách hàng, bởi vậy yếu tố giữ chân khách hàng phải nằm ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển và chứng tỏ được thế mạnh ưu việt, tuy nhiên thương mại truyền thống vẫn vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội. Nhiều thương hiệu và doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng cả hai hình thức kinh doanh này để bổ trợ nhau và giúp từng bước nâng cao vị thế, uy tín của mình trên thị trường.
Bài viết đã so sánh chi tiết giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất của hai thuật ngữ này. Hi vọng những chia sẻ của ECOMCX sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò, tầm quan trọng của thương mại truyền thống và thương mại điện tử trong cuộc sống hiện đại.