So tài Apple AirPods Pro và Sony WF-1000xm3, ai thắng?
Apple từ trước đến nay luôn có một sức hút thần kỳ, những sản phẩm của hãng luôn luôn được mọi người đón nhận mặc dù không có những công nghệ mới nhất, đặc biệt nhất. Vậy còn cặp tai nghe không dây cao cấp của họ hiện nay là AirPods Pro thì sao, sản phẩm này có khá nhiều công nghệ mới đó, nhưng liệu có thể ‘sánh vai’ được với một cặp tai nghe rất đáng gờm là Sony WF-1000xm3 hay không?
Bộ phụ kiện
Khác với các loại tai nghe khác, tai nghe Inear và đặc biệt là TWS cần phải có một phụ kiện đầy đủ để đem tới người dùng một trải nghiệm toàn diện nhất, vậy 2 cặp tai nghe này có những phụ kiện gì?
Bộ phụ kiện Sony WF-1000xm3 (trái) và Apple AirPods (phải)
– AirPods Pro được Apple tặng kèm một sợi dây Lightning – hiện là một chuẩn riêng của hãng này được sử dụng trên các dòng iPhone. Một chuẩn riêng khác cũng được áp dụng trên cặp tai nghe này đó là đệm tai: do ống âm của AirPods Pro được thiết kế đặc biệt nên không thể sử dụng chung được đệm đầu tròn của các hãng khác hiện nay. Việc sử dụng các phụ kiện đặc biệt, độc quyền đã trở thành truyền thống của Apple rồi, có lẽ người dùng cũng đã quen. Hộp sạc của AirPods Pro nhất nhỏ nhắn, nhỏ hơn rất nhiều so với đối thủ đến từ Sony. Ngoài việc hỗ trợ sạc không dây, hộp sạc này kết hợp với tai nghe sẽ cho thời lượn sử dụng tổng cộng khoảng 24 tiếng, quả thực là rất đáng khen.
Hộp sạc Sony WF-1000xm3 (trái) và Apple AirPods (phải)
– Sony WF-1000xm3 thì có phụ kiện tiêu chuẩn hơn, với một cáp sạc USB Type-C, 6 bộ đệm cao su đầu tròn thông thường. Hộp sạc của cặp tai nghe này cũng có phần to hơn, nên tính di động cũng vì vậy mà giảm đi – người dùng sẽ phải để nó trong cặp chứ khó đút được vào túi quần. Thời lượng sử dụng của WF-1000xm3 có phần nhỉnh hơn so với AirPods Pro, với 6 tiếng ở tai nghe và thêm từ 20 – 24 tiếng ở hộp sạc. Điểm thua của Sony là chưa áp dụng được sạc không dây (hiện đã khá thịnh hành) vào hộp tai nghe của mình, có thể hãng đã ‘để dành’ cho WF-1000xm4 chăng?
Thiết kế bên ngoài
– Ưu điểm lớn nhất của Apple đó là các sản phẩm của hãng lúc nào cũng thật đẹp, thật nhỏ gọn – thể hiện rõ ràng ở cặp AirPods Pro này. Ta có một cặp tai nghe hình dáng hơi giống phiên bản đầu tiên, nhưng với phần đuôi được làm gọn gàng hơn, có đệm tai để tăng sự thoải mái. Phần đuôi cũng có cảm biến nhận lực để ta có thể điều khiển tai, mỗi lần nhấn sẽ tạo ra một tiếng động rất nhỏ giả lập công tắc ngoài đời thật, rất hay! Tại đây ta cũng tìm thấy một ưu điểm của cặp tai nghe này so với đối thủ đó là nó được trang bị khả năng chống nước IPX4, trong khi WF-1000xm3 thì không chống nước.
– WF-1000xm3 thì ngược lại, có vẻ ngoài to và cồng kềnh hơn. Mặt ngoài ngoài của tai là 2 mặt cảm ứng, với mỗi bên có thể đảm nhiệm 1 loạt các nhiệm vụ khác nhau nên sự tùy biến cũng lớn hơn so với AirPods Pro. Mặc dù nhìn không ‘đẹp và sang’ như đối thủ, nhưng WF-1000xm3 lại ăn điểm về sự thoải mái do phần trong tai được thiết kế hợp lý hơn, và ta cũng có thể sử dụng những loại đệm mua ngoài như bọt biển chẳng hạn, trong khi AirPods không làm được điều này.
Tính năng phụ trợ
Tất nhiên rồi, một cặp tai nghe TWS thành công không chỉ có những yếu tố thiết kế hoặc chất âm, mà còn phải có chất lượng sử dụng và những tính năng phụ trợ tốt nữa! Vậy khi sử dụng bộ đôi tai nghe này, những tính năng nào trở nên nổi trội ở mỗi bên?
– Do có phần microphone được đặt gần với miệng người dùng hơn, nên chất lượng thu âm cũng như đàm thoại của cặp AirPods Pro sẽ nhỉnh hơn, đặc biệt là ở những nơi có tiếng ồn ào như xe cộ, quán café đông người. Đi kèm với đó là chất lượng nghe ngóng môi trường (Transparency Mode) cũng vì vậy mà tốt hơn so với Sony, tái tạo được môi trường một cách tự nhiên, giống như ta đang không đeo tai nghe chứ không phải là ‘thu bên ngoài, vọng vào trong’. Cả 2 tính năng này của WF-1000xm3 đều không tệ, nhưng rất tiếc là Apple đã làm quá tốt chúng.
– Ngược lại, chất lượng khả năng chống ồn của WF-1000xm3 lại trở thành thứ ăn điểm. Cặp tai nghe này đeo chặt trên tai người dùng hơn nên bản thân chống ồn thụ động đã tốt hơn 1 bậc, và khi bật chống ồn chủ động ANC (phát triển rất tốt bởi Sony, có thể chỉnh 20 nấc) thì cặp tai nghe này bỏ xa AirPods Pro. Apple đã thông minh khi tích hợp tính năng Transparency Mode và có thể chuyển tới ANC nhanh, nên cho người dùng thấy sự khác biệt lớn hơn nên nghĩ rằng chống ồn hiệu quả hơn, nhưng khi thử với WF-1000xm3 thì ta thấy được sự khác biệt.
Chất lượng âm thanh
Nếu như xét ở những yếu tố trên 2 cặp tai nghe này còn ‘cân tài cân sức’, thì tới phần chất lượng âm thanh thì WF-1000xm3 lại tỏ ra quá vượt trội so với đối thủ đến từ Apple. Với AirPods Pro, ta có một chất âm chắc chắn, đậm đà hơn hẳn so với cặp AirPods thông thường, nhưng Apple có vẻ vẫn muốn ‘chơi an toàn’, tạo ra một chất âm quá nhẹ nhàng nên không gây được ấn tượng với người nghe.
Sự khác biệt này có thể nhìn thấy ngay ở phần bass, khi AirPods Pro thể hiện một âm bass rất mềm, thường bị mất nhiều lượng khi xuống tới phần sub-bass. Lượng trầm ít, cách chơi êm ái nên nhiều người cũng có thể thích kiểu bass này vì họ muốn nghe nhạc nhẹ hàng giờ liền để thực hiện những công việc khác, thế nhưng thông thường mọi người nghe nhạc thường muốn có một âm bass ‘có da có thịt’ hơn, tạo ra được tiết tấu khỏe khoắn – và đó là những gì WF-1000xm3 có thể đáp ứng được. Cặp tai nghe này cho những âm trống trong Royals của Lorde dày hơn nhiều về lượng, nhưng giữ được sự tập chung cần có để tạo tính punchy, khác biệt khá rõ!
Kiểu thể hiện này tiếp tục đúng ở phần mid – giọng ca sĩ, với AirPods thể hiện phần này thiên về hướng sáng, cực kỳ nhiều âm hơi nên tạo ra cảm airy. Độ ‘airy’ này có vẻ hơi quá, vì trong một bài hát ta cảm thấy ca sĩ như đang ‘bay vô định’ trong không gian âm thanh vậy. Đây có lẽ là hệ quả của việc thiết kế tai nghe không chặt hoàn toàn của AirPods, khiến cho âm thanh dồn về 2 bên nhiều hơn là giữa đầu của người nghe. Mình cũng đã thử các loại đệm với kích thước khác nhau, nhưng kết quả vẫn vậy. WF-1000xm3 không phải là cặp tai nghe có phần trung tốt nhất thị trường, nhưng đáng nói là giữ được sự cân bằng giữa các yếu tố nên ta thấy được sự rõ ràng, chi tiết. Khi nghe với WF-1000xm3, ta như được đặt ngay sát ca sĩ, điều mà những cặp tai nghe In-ear đáng ra phải làm được nhưng AirPods lại bị yếu thế.
Dải âm mà AirPods dành lại được chút điểm là ở dải treble, với phần này được làm lượng tốt, độ sáng cũng không hề tệ một chút nào. WF-1000xm3 có một âm treble mang tính tự nhiên, song khi so A-B về sự ấn tượng thì phần thắng lại thuộc về cặp AirPods. Tuy nhiên cách đặt âm treble này lại là vấn đề khác, khi AirPods ‘đẩy’ chúng vào không gian mà không cho người dùng thấy được chính xác vị trí của chúng, khiến âm trường trở nên mỏng và có phần bị ‘mông lung’. Để nói một cách dễ hiểu, âm trường (và toàn bộ âm thanh nói chung) của AirPods thiên về hướng Earbud hơn là một cặp tai nghe Inear!
Lời kết
Sau bài thử nghiệm, ta có thể thấy cặp tai nghe đến từ Sony có rất nhiều điểm lấn lướt so với sản phẩm của Apple. Thế như AirPods lại có một ‘con chủ bài’ rất lớn được giấu trong tay áo: khả năng kết nối siêu nhanh với những sản phẩm Apple khác – chính vì vậy những ai đã quá quen thuộc với Hệ sinh thái của Apple có lẽ vẫn sẽ chọn cặp tai nghe này – mặc dù nó không phải là lựa chọn tốt nhất trên thị trường về mặt âm thanh!
Điểm dành cho AirPods Pro:
– Hộp sạc nhỏ nhắn, có sạc không dây
– Tai nghe gọn gàng, tính di động cao
– Chống nước IPX4
– Kết nối thuận tiện với các sản phẩm Apple
– Âm thanh dễ nghe, nhẹ nhàng
Điểm dành cho Sony WF-1000xm3:
– Thiết kế ‘truyền thống’ dễ vừa tai
– Bộ phụ kiện nhiều và dễ dùng
– Chuẩn chống ồn ANC cao hơn
– Đầy đủ tính năng khi sử dụng cả iPhone và Android
– Chất âm sôi động, có sự toàn diện cao hơn
Khuyến cáo về vấn đề sạc: Những cặp tai nghe không dây đều sử dụng pin dung lượng nhỏ, người dùng nên sử dụng với nguồn sạc 5V 1A (đầu cắm sạc iPhone chính hãng hoặc USB từ laptop) để đảm bảo pin được sạc an toàn nhất. Tránh sử dụng các đầu sạc nhanh, sạc máy tính bảng, sạc 5V 2A, pin của tai nghe không chịu được tải sẽ có nguy cơ hỏng hoàn toàn!