Sổ tay Văn hóa BSR
I. CÂU CHUYỆN BSR
1. Mơ ước về ngành Dầu khí của Bác Hồ
Đối với mỗi quốc gia, nền công nghiệp dầu khí hiện đại là điều kiện quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của chính quốc gia đó.
Dầu mỏ và nền công nghiệp dầu khí tác động trực tiếp đến an ninh năng lượng, đến ngành công nghiệp hóa chất và nguyên liệu chế biến các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí, có một sự kiện mà từ lâu đã trở thành niềm cảm hứng cho các thế hệ người lao động Dầu khí, đó là kỷ niệm với Bác Hồ. Ngày 23 tháng 7 năm 1959, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Mính thăm Cộng hoà Azerbaijan (thuộc Liên Xô cũ) và tham quan vùng mỏ dầu ở Bacu, khi trao đổi với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí tại đây, Bác đã nói: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay”. Và khi bay qua vùng biển Casipian, Bác chỉ cho cán bộ đi cùng rằng “Đây là vùng biển dầu đấy và kia là những giàn khoan để hút dầu. Dầu quý lắm! Nước nào có dầu là giàu lên ngay”. Câu nói đó chính là niềm tin, ý chí của Bác, là ước vọng của dân tộc Việt Nam và đã là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Trên chặng đường nỗ lực để xây dựng ngành Dầu khí vượt bậc như ngày hôm nay, BSR chúng tôi tự hào, vinh dự là lớp người thực hiện tầm nhìn của Bác Hồ, hoàn chỉnh nền công nghiệp Lọc – Hóa dầu, hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối. Niềm tin, ý chí và ước vọng của Bác đã luôn chảy trong huyết mạch của chúng tôi, tạo cho chúng tôi sức mạnh và khát khao để tiếp nối con đường mang lại sự giàu có và thịnh vượng bền vững cho đất nước Việt Nam.
2. Thông điệp từ Lãnh đạo Công ty
Thân chào toàn thể cán bộ, nhân viên của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn,
Trên hành trình đi tìm lửa để thỏa mơ ước của Bác Hồ về một ngành Dầu khí phát triển, thế hệ tiếp theo đã tiến về Dung Quất, Quảng Ngãi với khát vọng cháy bỏng là cùng xây dựng và vận hành thành công Nhà máy Lọc dầu đầu tiên của đất nước. Trải qua bao nhiêu thăng trầm với vô vàn gian lao, thử thách, những người tiên phong của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho một ước mơ vĩ đại. Bằng lòng quả cảm cùng trí tuệ và quyết tâm sắt đá, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất (tiền thân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn) đã làm nên kỳ tích: Xây dựng và vận hành thành công Nhà máy Lọc dầu đầu tiên của đất nước.
Lễ ký kết hợp đồng 1+4 và 2+3 sau đó đã truyền động lực và thôi thúc cả guồng máy tiếp tục lao vào công cuộc xây dựng và phát triển Nhà máy. Một giai đoạn xây lắp với khối lượng khổng lồ, đòi hỏi chất lượng công việc và phối hợp cực kỳ chặt chẽ đã được thực hiện thành công, tạo nên mốc son đầy tự hào về ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Có một yếu tố vô cùng quan trọng đã đóng góp cho chặng đường đầy gian nan và rất đỗi tự hào, đó là nguồn nhân lực. Những người thợ, người lao động Dung Quất trong khó khăn gian khổ luôn giữ niềm tin rạng ngời, chưa bao giờ e sợ, đối mặt với muôn vàn thách thức vẫn luôn tìm ra giải pháp và học hỏi không ngừng, kết nối không ngừng, trưởng thành không ngừng với ngọn lửa đam mê và quyết tâm cháy bỏng. Trong gian nan tôi luyện, nhân sự BSR đã và đang nhanh chóng trưởng thành, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, và vững tin cho một tương lai phát triển thật vững mạnh của Nhà máy Lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.
Và chúng tôi cùng những cộng sự vô cùng yêu mến của mình, rất tự hào khi được sát cánh bên nhau đặt nền móng đầu tiên và tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển bền vững của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn trên con đường cạnh tranh và hội nhập.
Giờ đây, trước những thách thức mới, cùng với bối cảnh kinh tế và môi trường vĩ mô có nhiều sự thay đổi khôn lường như chuyển dịch năng lượng, giá dầu, thách thức về quản trị, chuyển đổi số, đòi hỏi tập thể BSR cần tiếp tục phát huy khí chất con người BSR. Bên cạnh đó, chúng ta không ngại điều chỉnh, bổ sung thêm các nét giá trị văn hóa được quy định trong cuốn Sổ tay văn hóa BSR này, xem đây là tài sản vô hình, làm nền tảng cho sự phát triển vững mạnh của BSR trong thời gian tiếp theo.
Sổ tay văn hóa BSR là tài liệu được người lao động BSR đúc kết từ những giá trị gắn liền với Công ty, Nhà máy. Trên tinh thần đó, Ban lãnh đạo Công ty kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên của BSR cam kết đọc, hiểu, và thực hành hàng ngày để mỗi người trở thành một tấm gương văn hóa thực sự, sống đúng với bản sắc “con người BSR”.
Trân trọng,
BAN LÃNH ĐẠO BSR
II. TẦM NHÌN, SỨ MỆNH, TRIẾT LÝ KINH DOANH, KHẨU HIỆU
1. Tầm nhìn
Trở thành doanh nghiệp dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và lọc hóa dầu.
2. Sứ mệnh
Cung cấp những sản phẩm lọc hóa dầu với tiêu chuẩn chất lượng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là động lực cho sự phát triển kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
3. Triết lý kinh doanh
Đồng hành với khách hàng bằng sự chân thành và cùng tạo giá trị
BSR tin rằng thỏa mãn nhu cầu khách hàng là nền tảng của sự thành công trong sản xuất kinh doanh. Mọi hoạt động của BSR đều xuất phát từ sự chân thành, chủ động lắng nghe, cùng tạo giá trị và mang lại giá trị cho nhau.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cho sự thành công và tiến bộ
Ở BSR, nguồn nhân lực là trụ cột của hệ thống quản trị. Mọi thành công đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Chúng tôi tin rằng thành tựu cao nhất sẽ đạt được khi mỗi một người biết cống hiến trí tuệ và sức lực của mình một cách tự nguyện, hài hòa và chung chí hướng. Mọi ứng xử của BSR đều hết sức nhân văn để người lao động phát huy cao nhất năng lực của mình, đồng thời khuyến khích nhân viên hướng đến thành tựu cao nhất một cách tự nguyện.
Quản trị hiện đại và vận hành xuất sắc
BSR thực hiện chuyển đổi số và cập nhật các xu hướng quản trị hiện đại để nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị, chủ động thích ứng với sự thay đổi và biến động vĩ mô; quyết tâm vận hành xuất sắc bằng cách không ngừng tối ưu các quy trình hoạt động, các giải pháp, nâng cấp và hiện đại hóa công nghệ, linh hoạt trong kinh doanh và nâng tầm văn hóa.
4. Khẩu hiệu
“KHÁT VỌNG TIÊN PHONG”
III. GIÁ TRỊ CỐT LÕI
“Chính trực – Chuyên nghiệp – Đoàn kết – Sáng tạo – Hiệu quả”
Để đạt được những tầm nhìn và thực hiện được sứ mệnh của BSR, mỗi một thành viên BSR cần phải mang trong mình những “Vật liệu di truyền” của BSR. Những “Vật liệu di truyền” này là tinh hoa được thừa hưởng từ các thế hệ những người tìm lửa đi trước, đồng thời cũng được soi chiếu trong bối cảnh hiện tại và hướng đến tương lai.
Mỗi thành viên BSR phải là một tấm gương sống với các giá trị sâu sắc này; không những vậy, còn sẵn sàng truyền lại cho những thế hệ người BSR kế cận, đồng thời lan tỏa ra bên ngoài để góp phần làm cho thị trường, khách hàng, đối tác, xã hội, cộng đồng cảm nhận được giá trị của BSR trong mọi hành xử và hành động của mình.
Năm giá trị cốt lõi của BSR như lời nhắc nhở mỗi người rằng hãy sửa mình, mọi thay đổi bắt đầu từ tôi, đó là cách tốt nhất để tạo nên những kết quả tốt đẹp cho bản thân và cho tổ chức.
- Chính trực:
Chính trực bao gồm sự trung thực, lòng can đảm và tính khiêm nhường. Sự trung thực được hiểu là nhìn nhận đúng, đủ sự việc, tuân thủ kỷ cương, quy định của công việc và tổ chức. Lòng can đảm là việc dám đối mặt với những việc mà bản thân nhận thấy sai trái để bảo vệ lẽ phải. Tính khiêm nhường là biết thể hiện đúng mực trong việc đưa ra đánh giá về bản thân, không tự cao, không tự phụ.
Để gìn giữ “Chính trực”, người lao động BSR cần:
- Nhận diện và truyền đạt đúng thông tin đã nhận diện cho người khác.
- Giữ lời hứa. Biết tôn trọng cam kết, tuân thủ quy định, kỷ cương với tổ chức và ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức cao nhất.
- Sẵn sàng báo cáo những vấn đề sai trái phát hiện được với cấp trên mà không sợ thiệt hại về bản thân.
- Bảo vệ những người dám lên tiếng cho lẽ phải.
- Dám nhận trách nhiệm, không bào chữa, biết sửa sai khi phần lỗi thuộc về mình
2. Chuyên nghiệp
Chuyên nghiệp là hiểu điều gì cần làm trong phạm vi trách nhiệm của bản thân, có ý thức hoàn thành điều đó và nghiêm túc bắt tay vào thực hiện chúng với chuẩn mực cao nhất. Chuyên nghiệp biểu hiện ở suy nghĩ bên trong lẫn tác phong bên ngoài.
Để tăng cường “Chuyên nghiệp”, người lao động BSR cần:
- Nắm bắt rõ ràng về vai trò, trách nhiệm công việc của bản thân. Chủ động trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phát huy tinh thần làm đúng và làm tốt việc của mình (trách nhiệm bản thân).
- Bên cạnh trách nhiệm bản thân, biết hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành mục tiêu chung bằng cách hiểu rõ mức độ ảnh hưởng đến người khác và/hoặc đến giai đoạn tiếp theo của tiến trình, từ đó có trách nhiệm cao nhất với tiến độ và chất lượng kết quả đầu ra cho công việc của mình.
- Trao đổi thông tin thẳng thắn và minh bạch, góp phần tạo nên môi trường cởi mở, bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin trong quyền hạn của mỗi vị trí. Không ngừng học hỏi tính chuyên nghiệp từ tất cả các bên có tương tác và tạo sự chuyển biến thực sự.
- Chỉn chu về trang phục, tác phong, diện mạo khi giao tiếp và ứng xử với người bên trong lẫn bên ngoài.
- Nỗ lực hết sức để trở thành hình mẫu của người BSR bằng cách sống đúng với văn hóa BSR.
3. Đoàn kết
Đoàn kết là sự đồng lòng hướng đến mục tiêu chung, hỗ trợ nhau vượt qua các khó khăn, thử thách. Đoàn kết là yếu tố giúp phân biệt giữa “đám đông” và “đội ngũ”. Một tập thể đoàn kết có tính kết nối cao, thường xuyên hỗ trợ đồng đội, biết xúc động khi đồng đội thất bại và suy nghĩ xem mình cần làm gì để giúp họ hoàn thành trách nhiệm công việc.
Để chung tay “Đoàn kết”, người lao động BSR cần:
- Thường xuyên làm rõ mục tiêu chung trong các cuộc họp bàn công việc để đảm bảo các thành viên đang nhìn cùng một hướng.
- Về quyền lợi, biết đặt cái riêng dưới cái chung. Về trách nhiệm, sẵn sàng lãnh nhận phần trách nhiệm thuộc về bản thân trước hết, đồng thời hỗ trợ đồng đội hoàn thành trách nhiệm của họ.
- Rà soát hệ thống quản lý, phân công/phân nhiệm, quy trình công việc để hiểu rõ phạm vi trách nhiệm của bản thân, gia tăng tốc độ và hiệu quả phối kết hợp.
- Biết đặt mình vào hoàn cảnh của đồng nghiệp, của bộ phận/phòng/ban khác để thấu hiểu và đồng cảm; không đổ lỗi, không xúc phạm, coi mình là nguyên nhân; từ đó sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, phối hợp để hoàn thành công việc với thái độ tôn trọng, hợp tác.
- Tăng cường kết nối với đồng nghiệp để làm giàu tài khoản tình cảm, biết quan tâm đến nhau không chỉ trên khía cạnh công việc mà còn ngoài công việc; xem nhau không chỉ là đồng nghiệp mà còn là đồng đội chung một màu cờ sắc áo.
4. Sáng tạo
Sáng tạo là tạo ra cách làm mới làm tăng giá trị/kết quả công việc với nguồn lực hiện có; hoặc giữ nguyên được giá trị/kết quả với nguồn lực bỏ ra ít hơn. Sáng tạo còn là nhạy bén với sự thay đổi của môi trường xung quanh, tỉnh táo nhận diện ra cơ hội cần điều chỉnh/cải tiến một cách chủ động.
Để phát huy “Sáng tạo”, người lao động BSR cần:
- Luôn để tâm, hết lòng, quan sát và chủ động phát hiện những điều có thể làm tốt hơn; học hỏi từ các chuẩn mực cao hơn để liên tục nâng cao tiêu chuẩn, không tự mãn hoặc dậm chân tại chỗ.
- Xem trọng sự khác biệt về quan điểm/góc nhìn, cởi mở học hỏi thay vì phán xét, từ chối sự khác biệt ấy.
- Không sợ mắc sai lầm, dám chấp nhận rủi ro và có phương án khắc phục.
- Biết ghi nhận người khác khi họ có các sáng kiến cải tiến công việc.
- Giữ cho mình một tinh thần tự học, thường xuyên cập nhật các xu hướng công nghệ và quản trị mới, trân trọng các cơ hội học tập mà tổ chức trao tặng. Ngoài ra, đóng góp vào văn hóa học tập của tổ chức bằng cách sẵn sàng học hỏi và chia sẻ với đồng nghiệp.
5. Hiệu quả
Hiệu quả là đạt được mục tiêu tối ưu trong hiện tại, đồng thời tạo tiền đề để đạt được kết quả lớn hơn trong tương lai. Hiệu quả được hiểu ở phương diện cá nhân lẫn tập thể, trong từng tình huống hiệu quả bền vững.
Để đạt được “Hiệu quả”, người lao động BSR cần:
- Sử dụng tối ưu các nguồn lực (con người, nguồn vốn, tài sản, thời gian, công nghệ, thông tin, v.v…) để tăng hiệu suất công việc, tránh thất thoát hoặc gây lãng phí các nguồn lực của tổ chức.
- Nắm vững và thực hành tốt các nguyên lý và thói quen giúp liên tục nâng cao hiệu quả cá nhân và hiệu quả tập thể.
- Xác định rõ thước đo kết quả công việc; nỗ lực cao nhất trong mọi nhiệm vụ để tạo ra kết quả vượt trội.
- Biết ưu tiên cho điều quan trọng nhất, hạn chế tối đa đặt mình và người khác vào các tình huống khẩn cấp bằng cách tiên liệu các rủi ro, làm việc một cách có kế hoạch.
- Sống và làm việc một cách cân bằng, biết làm mới bản thân về phương diện “thân – tâm – trí” để có thể đi đường dài.
IV. QUY TẮC ỨNG XỬ
- Đối với mỗi cá nhân
- Yếu tố an toàn phải luôn được đề cao ở mọi mặt trong công việc: an toàn lao động tại Nhà máy, an toàn bảo mật thông tin, an toàn về an ninh trật tự tại cơ quan.
- Tác phong chuyên nghiệp, lịch sự, trang phục chỉnh tề, luôn đeo đầy đủ thẻ nhân viên khi đến Công ty, Nhà máy; hành xử theo chuẩn mực văn hóa Công ty, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ.
- Thực hành tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được giao và giữ gìn bảo quản cẩn thận tài sản chung.
- Đối với đồng nghiệp, cơ quan
- Mọi cá nhân ở BSR được tôn trọng và được quyền bày tỏ ý kiến cá nhân. BSR tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và chuẩn mực, khuyến khích mỗi thành viên tự do phát triển bản nhân, đóng góp nâng cao hiệu quả tập thể. BSR tôn trọng sự khác biệt, công bằng trong mọi chính sách và luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu.
- Đảm bảo tính minh bạch, trung thực trong các mối quan hệ, không tiếp tay cho những hành động gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và uy tín tập thể. Kiên quyết bài trừ nạn tham nhũng, hối lộ.
- Tuân thủ pháp luật, giữ gìn kỷ cương, an ninh trật tự tại nơi làm việc, chấp hành tốt các quy định, chính sách của Nhà nước. Giữ gìn hình ảnh của BSR, PVN cũng như hình ảnh của Việt Nam trong các giao dịch quốc tế và các hoạt động tại nước ngoài. Người trực tiếp quản lý có nghĩa vụ làm gương, hướng dẫn và đôn đốc cấp dưới thực hiện đúng.
2. Các liên kết phát triển bên ngoài
Đối với khách hàng
- Chủ động lắng nghe để thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng và đem đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
- Tận tâm, tận lực đảm bảo chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng hạn và tuân thủ cam kết với khách hàng.
- Đảm bảo tính chính xác của thông tin khi cung cấp cho khách hàng. Quý trọng và đối xử công bằng với khách hàng, xây dựng mối quan hệ trung thực và minh bạch dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
- Giữ cam kết và bảo mật thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật và sự thỏa thuận giữa các bên.
Đối với cổ đông
- Thể hiện tinh thần trách nhiệm, hợp tác cùng phát triển bền vững với các cổ đông.
- Các thông tin, hồ sơ luôn được công khai, minh bạch và chính xác, tạo niềm tin nơi cổ đông và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với cổ đông.
- Đảm bảo xử lý kịp thời với các yêu cầu thắc mắc từ cổ đông, tính nhất quán và công bằng với tất cả các cổ đông.
- Đối với nhà cung cấp và đối tác
- BSR đề cao tính tuân thủ pháp lý, đạo đức trong một môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn. Chỉ sử dụng sản phẩm của nhà cung cấp đáp ứng được chất lượng và tuân thủ luật pháp, chỉ hợp tác với các nhà cung cấp và đối tác đảm bảo được thuần phong mỹ tục, phù hợp với văn hóa kinh doanh tiến bộ.
- BSR đảm bảo trách nhiệm của mình với nhà cung cấp và đối tác, tuân thủ cam kết khi hợp tác, làm việc với tâm thế cùng thắng.
- BSR đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, trung thực và mang lại lợi ích tương hỗ cho các bên. BSR tạo điều kiện tối đa cho nhà cung cấp để tiếp nhận những nguyên liệu đầu vào tối ưu.
- Đối với xã hội
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR hướng tới phụng sự xã hội, đến con người và cộng đồng, đến hệ sinh thái và môi trường, đặc biệt là ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và tỉnh Quảng Ngãi.
- BSR quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng, an sinh xã hội, luôn ủng hộ việc học tập và phát triển của xã hội thông qua nhiều chính sách, chương trình hoạt động xã hội.
- BSR luôn vì một xã hội phát triển và đất nước thịnh vượng. Sự bền vững, trường tồn của xã hội là động lực tiến lên của BSR.
V. CAM KẾT CỦA NGƯỜI BSR
Là người lao động BSR, tôi hiểu rằng:
- Mỗi một cá nhân tại BSR là một thành tố không thể thiếu của tập thể BSR, là động lực cho sự phát triển bền vững tại BSR.
- Sự phát triển bền vững của BSR đòi hỏi sự tiến bộ không ngừng, là kết quả của việc rèn luyện, nâng cao ý chí và khả năng của mỗi thành viên BSR.
- Những giá trị mà tôi tạo ra tại BSR sẽ góp phần giúp BSR hiện thực hóa được tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Theo đó, “Sống với văn hóa BSR” là cách tốt nhất để tôi tạo nên giá trị của mình trong tổ chức.
Vì vậy, tôi cam kết:
- Ý thức bản thân mình không chỉ thụ hưởng mà còn kiến tạo nên văn hóa BSR.
- Đọc, suy ngẫm và hiểu kỹ lưỡng tài liệu này. Xem văn hóa BSR là tôn chỉ cho mọi hành động của bản nhân tại BSR.
- Chủ động rèn luyện, không ngừng phấn đấu mỗi ngày để đưa các giá trị và thực hành văn hóa BSR vào thực tiễn công việc; không những vậy mà còn áp dụng cho cuộc sống vì tôi tin rằng điều đó tốt cả cho phương diện cá nhân của tôi.
Tôi thực hiện bằng sự tự nguyện và tình yêu dành cho BSR.