“Sổ tay Văn hóa đọc”: tài liệu hướng dẫn bổ ích dành cho sinh viên
“Sổ tay Văn hóa đọc” thực sự là một sách hướng dẫn giúp sinh viên hiểu hơn về giá trị đọc, nhận thức đọc để tự rèn luyện, xây dựng hành vi đọc, thói quen đọc, nhằm tạo nên các kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả trong quá trình học tập tại trường đại học (ĐH) và rèn luyện khả năng thích ứng tốt với yêu cầu của xã hội trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận định: “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Việc đọc sẽ càng trở nên quan trọng hơn đối với sinh viên, những người đang học tập và nghiên cứu tại các trường ĐH, cao đẳng hoặc dạy nghề. Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng 2030”, vấn đề phát triển văn hóa đọc trong sinh viên cũng được Đảng và Nhà nước rất chú trọng.
Từ sự đúc kết các giá trị tinh thần, thực tiễn và từ kinh nghiệm xây dự án Câu lạc bộ (CLB) Sách thuộc các trường thuộc ĐH Huế và của những người làm công tác thư viện, những giảng viên tâm huyết đã và đang quan tâm, nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, cuốn Sổ tay Văn hóa đọc (dành cho sinh viên) đã được biên soạn.
Với triết lý “muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, nhóm tác giả đã khẳng định vai trò to lớn của việc nhận thức đúng giá trị của việc đọc: “Văn hóa đọc bắt nguồn từ việc đọc sách nhưng không đơn thuần là hoạt động đọc sách. Việc hiểu được giá trị đọc mà cộng đồng xây dựng nên và nhận thức được ý nghĩa của văn hóa đọc đối với bản thân sẽ tạo động lực cho mỗi sinh viên rèn luyện hành vi đọc phù hợp, từ đó hình thành nên sở thích, thói quen đọc trong cuộc sống thích ứng với môi trường văn hóa, xã hội”.
Bìa “Sổ tay văn hoá đọc”
Kết cấu sổ tay gồm 4 phần gắn với 4 “Cùng”: Cùng đọc sách, Cùng suy ngẫm, Cùng hành động và Cùng lan tỏa.
Trong Phần 1 – Cùng đọc sách, Sổ tay đã giới thiệu Kênh: “Cùng bạn đọc sách” và một số sách hay được chia sẻ trong Kênh.
Phần 2 – Cùng suy ngẫm đã nêu ra những vấn đề cần quan tâm trong phát triển văn hóa đọc đối với sinh viên gồm: Khái niệm về văn hóa đọc, Sinh viên và những yêu cầu về văn hóa đọc; Những kỹ năng cần có cho sinh viên và Văn hóa đọc dưới góc nhìn của sinh viên.
Phần 3 – Cùng hành động, các tác giả đã nêu ra một số hoạt động cụ thể gắn với các Đại sứ văn hóa đọc và cách thức phát triển CLB sách. “Sổ tay Văn hóa đọc” đã chia sẻ một số kinh nghiệm để sinh viên các trường đại học có thể tham khảo cách thành lập một CLB Sách mới và phát triển một CLB Sách bền vững.
Đặc biệt, bạn đọc sẽ cảm nhận được từ Sổ tay những trăn trở, nguyện vọng và cả sự nhiệt huyết của một thế hệ trẻ sinh viên ĐH Huế mong muốn được đóng góp sức trẻ nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, xã hội. Xây dựng và phát triển một CLB Sách có hai hoạt động đặc thù chính: Thứ nhất, hoạt động phát triển kỹ năng cho sinh viên; Thứ hai, hoạt động lan tỏa văn hóa đọc: đây là nội dung chính trong công tác tổ chức hoạt động của một CLB Sách.
Phần 4 – Cùng lan tỏa đã giới thiệu khái quát về cộng đồng CLB sách ĐH Huế, những chặng đường phát triển, hợp tác và lan tỏa.
Trong Sổ tay Văn hóa đọc, vai trò của người cán bộ thư viện đã được xác định rõ. Họ cũng như một nhà sư phạm, giúp cho học sinh, sinh viên biết được các đầu sách phù hợp với nhu cầu của các bạn, nắm được phương pháp tra cứu và sử dụng tài nguyên dữ liệu, hay các phương pháp khác để nâng cao hiệu quả đọc. Do đó, việc phối hợp giữa giảng viên và thư viện càng có ý nghĩa khi giáo viên trở thành cầu nối giúp sinh viên tiếp cận với nhiều đầu sách ở thư viện hơn và cán bộ thư viện giúp sinh viên nâng cao kỹ năng đọc, có được nhiều tài liệu đọc, điều đó có thể hỗ trợ hơn nữa trong công tác giảng dạy của giáo viên. Sinh viên từ đó thấy rõ những lợi ích thiết thực từ việc đọc mang lại trong kết quả học tập của mình.
Sổ tay được ấn hành với 2 hình thức: In và ấn bản điện tử. Sách được thiết kế công phu, trình bày đẹp, với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, sử dụng mã QR tạo kết nối đến các nguồn tài nguyên thông tin trên không gian mạng./.