Sợ team building vì trò chơi phản cảm
Mỗi lần nghĩ về team building, Hải Linh lại đỏ mặt xấu hổ vì từng bị lôi kéo tham gia trò chơi và ghi lại những hình ảnh nhạy cảm.
Linh (28 tuổi), nhân viên của một công ty chuyển phát nhanh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chuyến team building năm đầu vào công ty, cô bị đẩy lên sân khấu chơi trò đôi nam nữ dùng miệng chuyền cốc nước. “Lúc biết chơi trò gì, mình không thể xuống sân khấu nữa”, cô kể.
Cũng từ trò chơi này, bức ảnh Linh gần như chạm môi vào đồng nghiệp được đăng lên mạng. Bạn trai Linh nhìn thấy bức ảnh nổi cơn ghen. Hai người cãi nhau to, sau đó là “chiến tranh lạnh” nửa tháng, suýt đường ai nấy đi.
Từ đó Linh sợ chơi các hoạt động tập thể. Trong vai khán giả, cô càng không thể cười nổi với những trò chơi như ăn chuối hoặc dập bóng bằng mông bởi chúng khiến người ta liên tưởng đến hành vi tình dục.
“Mình chứng kiến thôi mà thấy ngượng”, cô gái 28 tuổi kể.
Một công ty ở Phú Thọ tổ chức team building cho 30 nhân viên tại Cửa Lò, Nghệ An năm 2022 gây phản cảm vì cởi áo ngực múc nước biển đổ đầy thùng.
Team building hàng năm của công ty Kim Chi được tổ chức kỹ lưỡng, mỗi năm một chủ đề. Số nhân viên tham gia đến hàng trăm người. Tuy nhiên nữ nhân viên công ty cung cấp giải pháp thanh toán số ở Hà Nội cho biết các trò chơi là phần khiến cô ghét nhất.
Gắn bó với công ty 6 năm, cô nhiều lần phải tham gia các trò có đụng chạm thân thể với người khác giới như nam nữ buộc chân vào nhau nhảy lò cò, cướp bóng, vượt chướng ngại vật, bế công chúa. “Có năm chơi đu dây. Không biết vô tình hay cố ý, nam đồng nghiệp được giao nhiệm vụ đỡ tôi đã chạm vào vùng ngực của tôi”, Chi kể.
Chuyến đi năm ngoái có trò “vạch lá tìm sâu” với 6 cặp nam nữ. Trên cơ thể mỗi người nam giấu “10 con sâu” và nhiệm vụ người nữ là tìm ra hết. “Chưa năm nào cơ quan mình có trò táo bạo như vậy. Mọi người ở dưới đều cảm thấy phản cảm”, cô gái 30 tuổi chia sẻ.
Bức xúc vì game trong các hoạt động tập thể của công ty không chỉ của riêng Hải Linh hay Kim Chi. Khảo sát của VnExpress với 1.500 độc giả, 82% cho biết không thích team building, trong đó 25% cho biết từng phải chơi trò phản cảm và 59% cho biết các hoạt động rất nắng nôi, mệt mỏi.
Ông Nguyễn Anh Quân, CEO một công ty chuyên tổ chức team building ở Hà Nội cho biết hình thức này xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000 và phát triển cực thịnh vào những năm 2016 đến 2018. Hiện nay trên khắp cả nước có hàng nghìn các đơn vị cung cấp dịch vụ.
“Tổ chức team building đã thành một ngành nghề, song vẫn chưa có các quy định ràng buộc hoặc đơn vị quản lý sát sao, từ đó xuất hiện một số vấn đề, nổi cộm nhất là gây ra các hoạt động phản cảm”, ông Quân nói.
Hiện tượng này thường gặp ở các công ty nhỏ, thuê các đơn vị tổ chức không chuyên hoặc tự tham khảo và tổ chức. Ông Quân từng tiếp những người được giao tổ chức công ty có chủ trương muốn các trò chơi hài hước, động chạm cơ thể nam nữ “để cho vui”. “Nhưng những người sếp có chơi đâu mà nhân viên phải chơi, từ đó dẫn đến hội chứng sợ đi team building”, ông nói.
Với mong muốn loại bỏ những game “bẩn”, mới đây thạc sĩ Vũ Văn Cường, giảng viên khoa Du lịch, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và CEO một công ty tổ chức sự kiện, lữ hành, đăng một bài viết lên Facebook cá nhân nhằm điểm danh các trò chơi team building và game sân khấu “nhạy cảm – phá hoại hạnh phúc gia đình”.
Dưới bài viết, hàng trăm người chia sẻ từng chứng kiến hoặc bị tham gia những trò chơi tục tĩu. Điển hình nhất là các trò như ép bóng, ăn trái cấm, bú bình, vạch lá tìm sâu… “Các trò chơi nhạy cảm đang là một trong các nguyên nhân chính khiến nhân viên quay lưng với hoạt động team building công ty tổ chức”, ông Cường cho biết.
Theo ông, để xảy ra những vụ team building phản cảm không thể trách người tham gia. Khi vui vẻ con người sẽ có tâm lý phấn khích hoặc khi có chút bia rượu có thể khiến họ bước khỏi vùng an toàn, tham gia vào các trò chơi mà bình thường họ không dám chơi. Hơn nữa, có thể thực tế không nhạy cảm nhưng khi được quay, chụp lên lại tạo ra những góc không phù hợp và gây hiểu nhầm.
“Lỗi đầu tiên tôi nghĩ thuộc về MC. Họ là người hoàn toàn kiểm soát được kịch bản và các trò chơi khi tổ chức”, ông nói. Hơn thế, một bộ phận MC không chịu sáng tạo, thay đổi, cứ bê nguyên các trò chơi mà họ nghĩ càng dung tục, nhạy cảm càng gây cười.
Nguyên nhân thứ hai là chưa có sự thống nhất giữa kịch bản của đơn vị cung cấp dịch vụ và người thuê. Một số công ty ủy quyền hoàn toàn cho đơn vị tổ chức và MC mà không cần biết khách hàng sẽ chơi những trò chơi cụ thể như thế nào. Thậm chí chính họ cũng không hiểu bản chất thực sự của team building là gì.
Nguyên nhân quan trọng khác là các đơn vị hạn chế kinh phí nên không đầu tư kịch bản, trò chơi cóp nhặt và thường “lấy cơ thể con người làm đạo cụ” để ít tốn chi phí đạo cụ hơn.
Nhân viên một công ty tham gia team building với chủ đề “We can – you can” tại Đà Lạt, tháng 3/2022. Các trò chơi đều được kiểm duyệt. Trong hình, nhân viên đang chơi game công nghệ – cùng nhau giải mã từ khóa. Ảnh: Vietglobal
Để ngăn chặn hiện tượng này, ông Quân cho biết trước tiên cần đưa team building về đúng bản chất. Đây là cụm từ chỉ một kỳ nghỉ hay chuyến đi giúp gắn kết tập thể và xây dựng văn hóa công ty.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động này có thể tăng động lực, khuyến khích cộng tác, cũng như xây dựng lòng tin và sự tôn trọng giữa các nhân viên. Cùng với việc tạo ra trải nghiệm thú vị và khác thường cho nhân viên, team building rất có giá trị đối với mọi loại hình doanh nghiệp, tổ chức.
Nhiều năm làm lĩnh vực này, thạc sĩ Vũ Văn Cường gợi ý có nhiều trò chơi không nhất thiết phải “lấy cơ thể làm đạo cụ” mà vẫn vui vẻ, văn minh, như Vua tiếng Việt, đừng để tiền rơi, đuổi hình bắt chữ, nghe nhạc hiệu đoán chương trình. Các trò này rất dễ lồng ghép lịch sử, văn hóa doanh nghiệp và các thông điệp muốn truyền tải.
Những lần đi team building khiến Hải Linh mất sự gắn kết với công ty. Năm ngoái cô đã nhảy việc ngay khi có cơ hội. “Ở công ty mới của tôi không bắt buộc nhân viên phải đi hoạt động này, nên hai ngày mọi người đi chơi đó tôi có thể ở bên gia đình”, Linh nói.
Ở công ty Kim Chi, sau sự kiện team building năm ngoái, người đứng đầu bộ phận văn phòng đã bị khiển trách vì tắc trách trong kiểm tra kịch bản chương trình, làm mất hình ảnh công ty trong mắt đối tác.
Chi cho biết công ty cô là môi trường chuyên nghiệp, trẻ trung nên cô luôn yêu và muốn gắn bó lâu dài. Cô chỉ mong trong các sự kiện tập thể từ nay hãy tổ chức các game vận dụng trí não chứ đừng ép nhân viên phải tương tác vật lý vào cơ thể nhau.
“Team building mà có các hoạt động phản cảm chẳng khác gì một hình thức quấy rối tình dục công khai”, cô gái nói.
Phan Dương
* Tên một số nhân vật đã thay đổi