Sóc Trăng chú trọng phát triển du lịch
Đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm khai thác tiềm năng du lịch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, thu hút khoảng 3.585.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 85.000 lượt, khách nội địa là 3.500.000 lượt; doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng; công nhận 3 điểm du lịch, từ 1-2 khu du lịch; có từ 2-3 khách sạn 4 sao trở lên.
Sóc Trăng phát triển 10 sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng, du lịch văn hóa lễ hội-ẩm thực thành phố Sóc Trăng, khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù lao Dung và Hồ Bể, huyện Vĩnh Châu; điểm du lịch Tân Huê Viên; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy huyện Mỹ Tú; du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó, huyện Trần Đề.
Đồng thời, tỉnh phát triển 6 sản phẩm du lịch bổ sung gồm: Du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm, huyện Kế Sách; du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm, huyện Châu Thành; du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom, huyện Mỹ Xuyên; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây, huyện Cù lao Dung; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên-Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu-Trần Đề-Cù Lao Dung.
Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch nội tỉnh, Sóc Trăng đã ra mắt phần mềm “Du lịch thông minh” với nhiều tiện tích hiện đại giúp du khách dễ dàng tìm ra sản phẩm du lịch thích hợp.
Dịp này, nhiều doanh nghiệp tại Sóc Trăng đã cam kết thực hiện các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Nổi bật là Công ty Du lịch Nam Phương đưa ra chương trình giảm giá tour du lịch 5% cho đối tượng là học sinh, sinh viên và người cao tuổi, đoàn trên 20 khách tặng 1 khách; Công ty Mekong Sotra (Nhà hàng Gạo Tẻ) cam kết giảm giá 10% dịch vụ ẩm thực; Khách sạn Cúc Tuấn ưu đãi giảm giá 10% dịch vụ phòng nghỉ từ 20/12/2022 đến 20/3/2023.
Tại hội nghị, các chuyên gia về du lịch đã có các tham luận bàn giải pháp kích cầu hiệu quả. Cụ thể như Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long – Phan Đình Huê gợi ý, Sóc Trăng được biết đến với những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng nhiều lễ hội nên khách du lịch “định danh” hình ảnh của tỉnh gắn liền với văn hóa Khmer. Không chỉ có vậy, Sóc Trăng còn có nhiều tài nguyên khác nữa, là tiềm năng để phát triển thành nhiều sản phẩm du lịch cho các thị trường khác nhau. Vì vậy cần gắn sản phẩm du lịch với thị trường mục tiêu là khách nội địa.
Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Lâm Thanh Bình cho rằng, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, để du lịch phát triển tích cực trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp Sóc Trăng cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Năm 2022, du lịch Sóc Trăng đã phục hồi mạnh mẽ, tổ chức thành công Lễ hội Oóc Om Bóc-Đua ghe Ngo lần thứ V khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Ngày hội Văn hoá Dân tộc Khmer Nam bộ lần thứ VIII, doanh nghiệp du lịch đã đẩy mạnh xây dựng, kết nối tour, tuyến thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, tiêu biểu như Trần Đề-Côn Đảo, homestay Vườn cò-Chợ nổi Ngã Năm, các điểm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, làng nghề Vĩnh Châu… Qua đó thu hút hơn 2,14 triệu lượt khách, doanh thu đạt 840 tỷ đồng.
TS Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sóc Trăng đặt vấn đề, tuy du lịch Sóc Trăng có bước phát triển mới, nhưng nguồn lực và tiềm năng thế mạnh, tài nguyên du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức. Các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch của tỉnh chưa được khai thác đa dạng và phong phú. Sóc Trăng vẫn còn là điểm dừng chân, chưa chính thức là điểm đến của nhiều công ty lữ hành trong cả nước. Vì vậy, Sóc Trăng cần được đầu tư các hoạt động vui chơi giải trí, những dịch vụ khám phá hấp dẫn về đêm. Đầu tư chọn lọc tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên, vật thể và phi vật thể đưa vào phục vụ hoạt động du lịch.
Chuyên gia du lịch TS Lê Cao Thanh đề xuất, trong Đề án chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Mục tiêu của du lịch Sóc Trăng được xác định đến năm 2025, ngành du lịch sẽ hình thành được bộ sản phẩm cơ bản, trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Doanh thu và hiệu quả của ngành du lịch tăng nhanh và đóng góp ngày càng lớn vào RGDP, tạo tiền đề để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2035, Sóc Trăng sẽ trở thành một trung tâm du lịch văn hóa lễ hội của Đồng bằng sông Cửu Long với du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc tại thành phố Sóc Trăng, với sự kết hợp văn hóa ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa; là một trung tâm du lịch sinh thái với điểm nhấn là đảo du lịch Cù Lao Dung.
Để đạt các mục tiêu và tầm nhìn trên, Sóc Trăng cần phát triển du lịch theo từng giai đoạn, có giải pháp phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh.
Hội nghị còn có các tham luận từ góc độ quản lý, xúc tiến du lịch của các cán bộ ngành văn hoá, thể thao và du lịch địa phương. Thạc sĩ Võ Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2022, ngành du lịch Sóc Trăng đưa vào vận hành thử nghiệm, triển khai xây dựng hoàn chỉnh Hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng và thực hiện xây dựng tài liệu, ấn phẩm du lịch. Trong đó, tiếp tục số hóa các loại ấn phẩm du lịch của tỉnh. Đồng thời, ngành sẽ phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phát động du lịch theo hướng du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trần Minh Lý khẳng định, công tác quy hoạch, đầu tư và các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng đang phát huy hiệu quả. Việc ban hành Đề án về phát triển du lịch, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đây là tiền đề, đòn bẩy quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được tham gia vào hoạt động phát triển du lịch, từng bước đưa ngành du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng, vươn lên sánh cùng với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc đánh giá cao nỗ lực của ngành văn hoá, thể thao và du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đã nâng tầm du lịch Sóc Trăng khởi sắc. Sóc Trăng sẽ có những giải pháp để kích cầu ngành du lịch một cách thiết thực và đồng hành cùng các nhà đầu tư để xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, hiện đại góp phần đưa du lịch Sóc Trăng vào bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.