Software testing là gì?
Muốn mang đến cho người dùng một sản phẩm công nghệ chất lượng, đúng với những yêu cầu đặt ra, thì quá trình Software testing được xem là khâu quan trọng.
Mục lục bài viết
Software testing là gì?
Software testing hay kiểm thử phần mềm là quá trình thực hiện một chương trình hoặc ứng dụng nhằm mục đích phát hiện ra những lỗi tồn tại trong phần mềm đó.
Nhờ có software testing mà mọi phần mềm luôn vận hành ổn định, đúng như mong đợi khi đưa vào hoạt động chính thức trên thị trường.
Ngoài ra, software testing còn được xem như một quá trình validating và verifying (xác thực – xác minh) rằng, chương trình, ứng dụng hay phần mềm đó đã thỏa mãn đúng và đủ các yếu tố cần thiết về kỹ thuật, kinh doanh và hoạt động như mong đợi.
Thông qua quá trình này, cung cấp mục tiêu, cái nhìn độc lập về phần mềm, mang lại sự thuận tiện cho nhà lập trình trong việc đánh giá và nắm rõ các rủi ro khi thực thi phần mềm. Tạo điều kiện cho các Dev tận dụng tối đa tư duy đánh giá và sáng tạo và có thể dễ dàng phát hiện ra những điểm mà người khác chưa nhìn thấy.
Những người thực hiện công việc này sẽ được gọi là Tester.
Phân loại software testing
Trong software testing thường được chia thành 3 dạng phổ biến, đó là:
Manual test
Manual test hay kiểm thử thủ công, quá trình này diễn ra hoàn toàn thủ công và không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ công cụ nào.
Mọi giai đoạn đều diễn ra do chính sự tác động của bàn tay con người, từ việc viết test case, test, nhập điều kiện đầu vào cho đến các thao tác khác như click nút và quan sát kết quả thực tế.
Phương pháp này hiện đang được khá nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm lựa chọn.
Automation test
Automation test hay kiểm thử tự động là quá trình kiểm thử phần mềm có sự góp sức của một số công cụ hay phần mềm.
Việc này sẽ giúp các Tester rút ngắn thời gian thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại của mình, mà vẫn mang đến một sản phẩm chất lượng phục vụ người dùng.
Với phương pháp này, công cụ kiểm thử có thể lấy các dữ liệu từ file bên ngoài và nhập vào ứng dụng. Tiếp đó, tiến hành so sánh kết quả với kết quả thực tế và xuất báo cáo kết quả kiểm thử.
Security test
Đây được xem như một quá trình kiểm thử vô cùng quan trọng trong việc vận hành của một ứng dụng hay phần mềm trên thì trường hiện nay, bởi nó giúp kiểm tra xem các dữ liệu tuyệt mật có thực sự đã được đảm bảo an toàn hay chưa.
Với security test, Tester đóng vai trò như một Hacker có nhiệm vụ khai thác các lỗ hổng có thể xảy ra xung quanh hệ thống, nhằm phát hiện các lỗi liên quan đến bảo mật.
Loại software testing này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công nghệ kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho các dữ liệu dưới mọi hình thức.
Tầm quan trọng của software testing
Khi thực hiện software testing sẽ mang lại cho bạn khá nhiều lợi ích, điển hình như:
- Nhanh chóng phát hiện ra những lỗi, cùng như khiếm khuyết có thể xảy ra trong quá trình phát triển phần mềm.
- Giúp nhà lập trình đưa ra hướng khắc phục kịp thời, để mang đến một sản phẩm chất lượng khi bàn giao đến tay khách hàng.
- Cung cấp một ứng dụng/phần mềm có chất lượng cao, mang đến cho quý khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
- Giúp bạn tiết kiệm ngân sách trong dài hạn. Nếu phát hiện kịp thời các lỗi trong giai đoạn kiểm thử phần mềm, thì chi phí sửa chữa sẽ thấp hơn so với khi đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
- Đảm bảo mọi dữ liệu được lưu trữ trong phần mềm hay ứng dụng được an toàn, phục vụ hiệu quả cho mọi mục đích sử dụng của chủ sở hữu.
Quy trình thực hiện software testing
- Bước 1: Lên kế hoạch và kiểm soát hoạt động, nhằm mục đích:
- Xác định phạm vi, rủi ro và các mục tiêu thực hiện.
- Xác định các tài nguyên test cần thiết như con người, môi trường…
- Lên lịch trình cho các nhiệm vụ phân tích và thiết kế, thực hiện, và đánh giá test.
- Bước 2: Tiến hành phân tích và thiết kế, dựa trên các nhiệm vụ sau:
- Xem xét cơ sở test, cùng một số thông tin dựa trên các trường hợp test, chẳng hạn như yêu cầu, đặc điểm thiết kế, phân tích rủi ro, kiến trúc và giao diện…
- Xác định các điều kiện test.
- Thiết kế các bài test.
- Thiết kế môi trường thử test, thiết lập và xác định cơ sở hạ tầng cũng như công cụ hỗ trợ.
- Bước 3: Thực hiện quá trình Testing, thông qua các công việc:
- Tiến hành các trường hợp test dựa trên việc sử dụng các kỹ thuật và tạo dữ liệu cho các thử nghiệm đó.
- Tạo các bộ kiểm thử từ các trường hợp test thường thực hiện, nhằm đạt hiệu quả tốt hơn.
- Thực hiện lại các trường hợp test không thành công trước đó để xác định bản sửa lỗi.
- Ghi lại kết quả của việc thực hiện test. Ở đó nhật ký kiểm thử ghi lại trạng thái của trường hợp test, có thể là đạt hoặc không đạt.
- So sánh kết quả thực tế với kết quả mong đợi.
- Bước 4: Đánh giá tiêu chí hoàn thành và thực hiện báo cáo, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:
- Đánh giá xem có cần test thêm hoặc tiêu chí hoàn thành đã chỉ định có cần thay đổi hay không.
- Viết một báo cáo tóm tắt quá trình kiểm thử cho các bên liên quan.
- Bước 5: Hoàn thành quá trình Testing, thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Kiểm tra xem sản phẩm được bàn giao chưa, theo kế hoạch nào, cần đảm bảo rằng tất cả các báo cáo sự cố đã được giải quyết ổn thỏa.
- Hoàn thiện và lưu trữ phần mềm kiểm thử như Scripts, môi trường test… để có thể tái sử dụng lại vào những lần sau.
- Bàn giao phần mềm kiểm thử cho bộ phận bảo trì.
- Đánh giá cách test đã triển khai, đồng thời rút kinh nghiệm cho các bản thay thế và dự án trong tương lai.