Sự chuyển mình của trượt băng nghệ thuật

Trượt băng nghệ thuật chỉ mới du nhập vào Việt Nam trong vòng bảy năm trở lại đây. Nhưng với đặc thù là một nước thuộc xứ sở nhiệt đới, Việt Nam không có nhiều điều kiện để phát triển bộ môn trượt băng, cũng như để sớm nâng cấp thành một môn thể thao chuyên nghiệp. Năm 2018, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam được thành lập nhưng chưa có nhiều hoạt động để phát triển mạnh mẽ. Với mục tiêu phát triển rộng khắp hơn môn thể thao này cũng như tạo điều kiện tốt nhất để VĐV trượt băng của Việt Nam có cơ hội thi đấu cọ sát nhiều hơn, đến năm 2021 được đổi tên thành Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam (SFV), và bắt đầu quá trình “thai nghén” để Giải Trượt băng nghệ thuật vô địch quốc gia đầu tiên được ra đời.

Và sau thời gian ảnh hưởng vì dịch Covid-19, Giải vô địch Trượt băng nghệ thuật quốc gia 2022 lần đầu tiên được tổ chức theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Trượt băng quốc tế. Tại giải, các chuyên gia của Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và trọng tài trong nước là những người tham gia điều hành cũng như chấm điểm chuyên môn các bài biểu diễn. Trọng tài của Việt Nam đã tham gia khóa đào tạo từ tháng 12 năm ngoái đồng thời đã hoàn tất đợt kiểm tra trong tháng 8 vừa qua theo trình độ chuyên môn và sự giám sát từ đại diện quốc tế.

Trong hai ngày 1 và 2/10 tranh tài sôi nổi ở các nội dung: đơn nam, nữ và khiêu vũ trên băng phân theo các nhóm lứa tuổi, khán giả tại sân băng Royal City (Hà Nội) đã được chứng kiến những màn biểu diễn đầy tự tin và đẹp mắt của 17 VĐV trượt băng chuyên nghiệp trong cả nước. Trong đó nổi bật là Trần Khánh Linh sở hữu nhiều thành tích trong nước và quốc tế. VĐV sinh năm 2005 là đại diện đơn nữ duy nhất của Việt Nam vừa tranh tài tại Giải Thanh thiếu niên thế giới (CH Czech). Còn cặp anh em Quang Minh-Linh Chi từng giành nhiều HCV ở các giải trong nước, khu vực và châu Á cũng đem đến những màn trình diễn hấp dẫn.

Sự chuyển mình của trượt băng nghệ thuật ảnh 1

Trượt băng nghệ thuật không chỉ đơn giản là những màn biểu diễn có sự kết hợp hài hòa của cơ thể cùng các động tác khác nhau trên nền sân trượt băng, mà còn đem lại những sự rèn luyện về mặt sức khỏe. Môn thể thao này yêu cầu các cá nhân, các cặp đôi hoặc các nhóm tham gia biểu diễn các động tác xoay người tại chỗ, nhảy, hay các động tác di chuyển trên băng kết hợp cùng nhiều động tác phức tạp khác. Các VĐV cũng sẽ được phân ra thành các nhóm từ học viên mới cho tới nhóm đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp, ở nhiều cấp độ tranh tài từ cấp độ địa phương cho đến tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, kinh phí để phát triển, tổ chức và duy trì là bài toán mà SFV đang phải căng mình tìm lời giải. “Liên đoàn cùng Tổng cục TDTT và Sở VH-TT Hà Nội rất nỗ lực tổ chức giải đấu bởi nếu không tổ chức thì các em VĐV sẽ chưa có một sân chơi, trình diễn chính thức. Nếu đặt câu hỏi kinh phí tổ chức thế nào, chúng tôi có thể chia sẻ rằng ngoài sự hỗ trợ của Sở VH-TT Hà Nội thì phần lớn nguồn kinh phí là từ kêu gọi xã hội hóa đồng hành”, Tổng Thư ký SFV, bà Trịnh Trang cho biết.

Trượt băng nghệ thuật là một môn khá mới mẻ trong nước, cho nên nếu không có nguồn lực xã hội hóa đồng hành thì rất khó hoạt động. Đây cũng là môn phải đầu tư tốn kém, hầu hết các VĐV đều dựa vào chi phí từ gia đình để theo đuổi đam mê. Từ quần áo thi đấu, giày tập, phụ kiện… đều phải đặt từ nước ngoài. Chưa kể, muốn nâng cao kỹ thuật, kỹ năng cũng phải tự túc thuê thầy ngoại. Bên cạnh đó, muốn tập luyện thì cần có sân băng, hiện tại, trong cả nước ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có sân đủ tiêu chuẩn, thì Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa, Đồng Nai là các địa phương có sân băng để người dân làm quen, tập với môn thể thao khá đặc thù này.

Với những nỗ lực trong hành trình phát triển trượt băng nghệ thuật tại Việt Nam, đặc biệt Giải vô địch quốc gia được tổ chức thành công không chỉ là một điểm sáng quan trọng, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho những bạn trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật trượt băng chạm tay đến gần hơn với ước mơ tỏa sáng trên sân băng.