Sự phát triển của Đông Á từ góc nhìn hệ thống – Loại hình văn hoá so sánh với Việt Nam

Sự phát triển của Đông Á từ góc nhìn hệ thống – Loại hình văn hoá so sánh với Việt Nam

1. Khái niệm “Đông Á”

Có hai khái niệm “Đông Á”: “Đông Á” theo nghĩa rộng và “Đông Á” theo nghĩa hẹp .

“Đông Á” theo nghĩa rộng là phía Đông, đối lập với một phía Tây (đối lập lưỡng phân), bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

“Đông Á” theo nghĩa hẹp là phía chính Đông, đối lập với bảy phía còn lại (Tây, Nam, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam – đối lập bát phân) và bao gồm các quốc gia Trung Quốc, nam và bắc Korea, Nhật Bản. Bài viết này sử dụng khái niệm “Đông Á” theo nghĩa hẹp.

2. Cách tiếp cận hệ thống – loại hình văn hóa

Phương pháp hệ thống – loại hình mà chúng tôi xây dựng và áp dụng vào việc nghiên cứu văn hóa [Trần Ngọc Thêm 1996/2004] có năm đặc điểm cơ bản:

(l) Tính hệ thống thể hiện ở mối quan hệ chi phối của điều kiện tự nhiên đối với hoạt động kinh tế, và của hoạt động kinh tế đối với văn hoá.

(2) Tính hệ thống còn thể hiện ở mối quan hệ tương tác và chi phối lẫn nhau giữa các đặc trưng của mỗi loại hình, tất cả tạo thành chùm đặc trưng cho phép khu biệt loại hình văn hoá đó.

(3) Tính loại hình có quan hệ tương tác chặt chẽ với điều kiện tự nhiên và có vai trò chi phối mạnh đối với sự phát triển văn hoá và con người của các dân tộc.

(4) Độ chính xác của tính loại hình tỉ lệ thuận với độ chi tiết của việc phân loại loại hình (việc phân loại loại hình có thể đi từ lưỡng phân qua tam phân, ngũ phân, v.v.) và tỉ lệ nghịch với độ khái quát của các đặc trưng loại hình (việc phân loại loại hình càng chi tiết bao nhiêu thì độ chính xác càng tăng nhưng độ khái quát của các đặc trưng sẽ càng giảm).

(5) Đặc điểm loại hình của mỗi nền văn hoá (a) phối hợp với điều kiện tự nhiên cụ thể nơi dân tộc/ tộc người đó cư ngụ (b) và điều kiện lịch sử cụ thể mà dân tộc đó trải qua (c) sẽ tạo nên đặc thù văn hoá của mỗi dân tộc /tộc người.

3. Hai loại hình văn hóa trọng tĩnh và trọng động

Các nền văn hóa trên thế giới vô cùng đa dạng và phong phú. Nhưng tựu trung lại có thể phân thành hai loại hình văn hóa một cách khá rõ ràng. Điều kiện tự nhiên nóng, ẩm thuận tiện cho kinh tế hái lượm – trồng trọt, làm hình thành loại hình văn hóa trọng tĩnhcó mục tiêu cơ bản là lo tạo dựng một cuộc sống ổn định lâu dài, không xáo trộn. Điển hình cho loại hình văn hóa trọng tĩnh (gốc nông nghiệp) là vùng văn hóa phương Đông (châu Á). Điều kiện tự nhiên lạnh, khô thích hợp với kinh tế săn bắt – chăn nuôi, sau là thương mại,làm hình thành loại hình văn hóa trọng động,có mục tiêu cơ bản là lo tổ chức xã hội làm sao để có thể thường xuyên di chuyển một cách gọn gàng, nhanh chóng, thuận tiện. Điển hình cho loại trọng động (gốc du mục) là vùng văn hóa Phương Tây (châu Âu). Những đặc trưng cơ bản của hai loại hình văn hóa được trình bày trong bảng sau.

Các đặc trưng của hai loại hình văn hoá

Tiêu chí

VH trọng tĩnh (gốc nông nghiệp)

VH trọng động (gốc du mục)

Đặc

Địa hình

Đồng bằng (ẩm, thấp)

Đồng cỏ (khô, cao)

trưng

Nghề chính

Trồng trọt

Chăn nuôi

Gốc

Cách sống

Định cư

Du cư

Ứng xử với tự nhiên

Tôn trọng, sống hòa hợp với thiên

Coi thường, tham vọng chế ngự thiên nhiên

Lối nhận thức, tư duy

Thiên về tổng hợp và biện chứng (trọng quan hệ); chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm

Thiên về phân tích và siêu hình (trọng yếu tố); khách quan, lý tính va thực nghiệm

Tổ chức cộng đồng

Nguyên tắc tổ chức CĐ

Trọng tình. trọng đức, trọng văn, trọng nữ

Trọng sức mạnh, trọng tài, trọng võ, trọng nam

Cách thức tổ chức CĐ

Linh hoạt và dân chủ trọng cộng đồng

Nguyên tắc và quân chủ, trọng cá nhân

Ứng xử với môi trường xã hội

Dung hợp trong tiếp nhận; mềm dẻo, hiếu hòa trong đối phó

Độc tôn trong tiếp nhận; cứng rắn, hiếu thắng trong đối phó

Theo đặc điểm 2.4 của cách tiếp cận hệ thống – loại hình văn hóa thì cách phân loại lưỡng phân dựa trên nguyên tắc âm dương này có ưu điểm là cho ta thấy một bức tranh sáng rõ nhưng có nhược điểm là gây ấn tượng đơn giản hóa vấn đề. Nhất là khi cụm từ “phương Đông” được dùng để chỉ một khái niệm rất phức tạp cả về không gian, thời gian và nhân gian (chủ thể).

4. Loại hình văn hóa chuyển tiếp

Ở châu Âu (phương Tây), lối sống du mục về cơ bản đã chấm dứt từ khoảng đầu công nguyên; nền kinh tế lấy chăn nuôi làm chính cũng chỉ kéo dài thêm một thời gian nữa, rồi chuyển sang lấy trồng trọt khô (mì, kê. mạch…) kết hợp với chăn nuôi ở nông thôn và thương nghiệp buôn bán ở đô thị làm chủ đạo. Các cuộc cách mạng tư sản đã đem lại một cơ sở kinh tế mới dựa vào công nghiệp. Xuyên suốt tất cả các hình thái kinh tế ấy vẫn là những đặc trưng văn hóa trọng động.

Ở khu vực rộng lớn mệnh danh là “phương Đông”, chỉ có vùng Đông Nam Á cổ đại (phía Bắc bao gồm cả miền Nam Trung Hoa tới dãy Tần Lĩnh – Hoài Hà, phía Tây tới bang Assam của Ấn Độ) – nơi phát sinh ra nghề trồng lúa nước, mới có đủ các đặc trưng điển hình của loại hình văn hóa trọng tĩnh.

Các cư dân phương Đông sống giữa hai cực châu Âu và Đông Nam á, trong vùng không gian từ Tây Nam Á tới Ấn Độ, qua Trung Á, Mông Cổ lên Siberia và Đông Á lại là những dân tộc sống chủ yếu cả bằng chăn nuôi lẫn trồng trọt. Văn hóa của họ chứa đựng cả những đặc trưng trọng tĩnh và trọng động.

Đó là những nền văn hóa thuộc loại hình trung gian.

Ứng với loại hình trung gian này, tiểu vùng văn hoá Tây Nam Á thiên về trọng tâm linh, còn tiểu vùngvăn hoá Đông Á thì thiên về tiểu loại hình văn hoá trung gian trọng thế tục.

Đặc trưng của loại hình văn hoá trung gian trọng thế tục trình bày trong bảng 2.

Tiêu chí

Đặc trưng tiếp nhận từ

Văn hoá trọng tĩnh

Văn hoá trọng động

Ứng xử với tự nhiên

Tôn trọng, sống hòa hợp với thiên nhiên

Lối nhận thức tư duy

Tổng hợp kết hợp với phân tích; trọng quan hệ kết hợp với trọng yếu tố; cảm tính kết hợp với lý tính

Nguyên tắc tổ chức CĐ

Trọng tình kết hợp với trọng sức mạnh

Trọng đức

Trọng nam

Cách thức tổ chức CĐ

Trọng cộng đồng, dân chủ

Nguyên tắc, quân chủ

Ứng xử với MT xã hội

Dung hợp trong tiếp nhận

Khá cứng rắn trong đối phó

5. Tính trung gian của văn hóa Đông Á

Về mặt nguồn gốc, văn hoá Trung Hoa khởi nguồn từ văn hoá của cư dân chăn nuôi ở vùng Tây Bắc Trung Quốc. Đến đời Ân Thưởng tiếp nhận văn hoá của người Đông Di, qua thời Tây Chuđến Xuân Thu – Chiến Quốc tiếp nhận văn hoá của người Miêu Man – Bách Việt. Từ đời Tần-Hán trở đi, bắt đầu chi phối ngược lại “tứ di” một cách mạnh mẽ bên cạnh việc tiếp tục tiếp nhận văn hoá Ấn Độ, phương Tây.

Hai nền văn hóa Koreavà Nhật Bản thì, ở thời điểm hình thành đều đã chịu ảnh hưởng của hai luồng văn hóa từ phương Nam lên và từ phương Bắc xuống.

Ảnh hưởng từ phương Bắc xuốnglà dòng chủ đạo, là văn hóa du mục do các kỵ binh nói tiếng Altai mang đến từ Siberia, họ đã đồng hoá cư dân bản địa và trở thành tổ tiên của người Korea và Nhật Bản. Chất du mục này để lại dấu vết trong nhiều nét tính cách và lối sống. Chẳng hạn như tinh thần thượng võ của người Nhật. Tính cách mạnh mẽ, tính tình nóng nảy, lối sống thích di chuyển của người Hán. Mặc dù đã bị môi trường văn hóa nông nghiệp lúa nước chi phối trong một thời gian rất dài, vậy mà theo thống kê đăng ký thường trú của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, ở quốc gia này có hơn 20% dân số luôn thay đổi địa chỉ nhà ở hàng năm.

Bên cạnh đó là một dòng ảnh hưởng khác từ phương Nam lên.

Dựa trên các cứ liệu địa chất học, khảo cổ học, nhân học, ngôn ngữ học, có thể thấy rằng từ rất xa xưa, bán đảo Korea và quần đảo Nhật Bản đã có sự giao lưu và tiếp xúc rất mật thiết với phương Nam. Trong những đợt biển thoái cách đây năm nghìn năm về trước, từ bán đảo Korea tới đảo Đài Loan xuống Đông Nam Á từng nối liền thành một khối lục địa. Quần đảo Nhật Bản thì gắn bó với Đông Nam Á qua đường biển với sự giúp sức của các dòng hải lưu chảy sát hai bên quần đảo. Nhờ thế, người Koreavà Nhật Bản, đặc biệt là ở khu vực phía Nam , đã tiếp thu khá nhiều giá trị văn hóa từ khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Chẳng hạn trong văn hoá Korea, kiểu huyền thoại noan sinh về người lập quốc (có nguồn gốc từ quả trứng thần kỳ) được vay mượn từ Đông Nam Á (quả bầu mẹ, bọc trứng âu Cơ), trong khi kiểu huyền thoại “thiên tử” (Tan-gun) có nguồn gốc từ Siberia. Về tổ chức xã hội,đó là truyền thống mẫu hệ. Về kinh tế,đó là nghề trồng lúa nước. Về ngôn ngữ,là cấu trúc âm tiết mở, hệ thống các từ xưng hô với sắc thái kính trọng phong phú, hệ thống tên gọi các bộ phận cơ thể, v.v., trong ngôn ngữ học có hẳn một xu hướng cho rằng tiếng Hán có nguồn gốc phương Nam. Hai luồng ảnh hưởng văn hóa Nam lên và Bắc xuống này bổ sung cho nhau, tạo nên văn hóa Đông Á như một loại hình văn hóa chuyển tiếp. Thời đồ đá cư dân bán đảo Hán sống không hẳn bằng săn bắt, cũng không hẳn bằng hái lượm; Gina L. Barner gọi họ là những “người săn-hái”(forager). Sau này, khi đã định cư rồi, họ vừa chăn nuôi, vừa làm nông, tạo nên cái tính chất mà Sin Yeong-Hon & Kim Dae- Byeok gọi là “Nông Mục” (Nongmok).Trong đó, cư dân ở phía Bắc thì thiên về chăn nuôi hơn, còn ở phía Nam thì thiên về trồng trọt hơn. Ngay trong cùng một nghề trồng trọt thì cư dân ở phía Bắc bán đảo thiên về trồng kê, còn cư dân ở phía Nam thiên về trồng lúa. Sự phân bố “Bắc động, Nam tĩnh” này đúng cho cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.

6. Loại hình văn hóa là khái niệm “cần” cho việc lý giải sự phát triển của Đông Á

Lâu nay, tồn tại một niềm tin rất mạnh và phổ biến rằng Việt Nam và các dân tộc Đông Á là một khối “đồng chủng đồng văn”: cha ông ta ra sức tin như vậy để khẳng định rằng mình không thua kém gì “ông thầy phương Bắc”; người phương Tây nhìn thấy nhiều dấu hiệu bề ngoài giống nhau thì lập tức tin như vậy và cho rằng văn hoá Việt Nam chỉ là một bản sao (tồi) của văn hoá Trung Hoa; nhiều trí thức Việt Nam đương đại tin như vậy nên khi đọc cuốn sách của chúng tôi, trong đó có nói đến sự khác biệt và sự giao lưu văn hoá hai chiều giữa Việt Nam và Trung Hoa trong lịch sử đã lập tức chụp cho chúng tôi cái mũ “dân tộc chủ nghĩa”, “lấy Việt Nam làm trung tâm”. Vậy mà trên thực tế, Việt Nam và Đông Á không những là những nền văn hoá khác nhau mà còn thuộc những loại hình văn hoá khác hẳn nhau.Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lý giải nguyên nhân của sự phát triển đột biến về kinh tế được biết đến với tên gọi “hiện tượng thần kỳ Đông Á” (the East Asean Miracle).

Nếu muốn cho rằng nguyên nhân của sự thành công về kinh tế cũng như sự phát triển của văn hoá và con người Đông Á nằm ở đặc điểm của loại hình văn hóa “trung gian trọng thế tục” thì cần phải chứng minh được hai việc sau:

(l) Khái niệm “loại hình văn hóa” nói chung và, “loại hình văn hóa trung gian trọng thế tục” là cầncho việc lý giải nguyên nhân của “hiện tượng thần kỳ Đông Á”.

(2) Khái niệm “loại hình văn hóa” cùng các khái niệm bộ phận của nó là đủcho việc lý giải nguyên nhân của “hiện tượng thần kỳ Đông Á”.

6.1. Khái niệm “loại hình văn hóa” nói chung và “loại hình văn hóa trung gian trọng thế tục” có cầncho việc lý giải nguyên nhân của “hiện tượng thần kỳ Đông Á” hay không?

Câu trả lời là cần,vì nó giải thích được một cách đầy đủ nguyên nhân của hiện tượng này.

Thứ nhất,do thuộc loại hình văn hóa trung giannên các nền văn hoá Đông Á tích hợp được những nét trội của cả hai loại hình văn hoá trong Tĩnh và trọng Động, truyền thống văn hoá gốc nông nghiệp phương Đông và truyền thống văn hoá gốc du mục phương Tây. Trong khi Đông Nam Á quá trọng tình, thiên về tình cảm, và bên kia là phương Tây quá trọng động, thiên về lý trí thì Đông Á ở giữa, vừa có lối tổ chức bền vữngkiểu văn hoá gốc nông nghiệp lại vừa có kiểu quản lý năng động, hiệu quảkiểu văn hoá gốc du mục; vừa duy trì được truyền thống coi trọng con ngườicủa văn hóa phương Đông lại vừa tiếp nhận được khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiếnphương Tây.

Thứ hai,do thuộc tiểu loại văn hóa trọng thế tục nên con người luôn có cách nhìn coi trọng thực tế, cách ứng xử thiết thực, hiệu quả. Trong khi Đông Nam Á truyền thống sống trong cộng đồng làng xã quá trọng Danh, trọng cái tinh thần (Một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng),còn Phương Tây luôn biến động, quá coi trọng Lợi, trọng cái vật chất, Tây Nam Á quá lệ thuộc vào quyền uy tôn giáo, ký thác sự sinh tồn vào thế giới hư ảo bên kia, thì các nền văn hóa Đông Á hướng vào hạnh phúc của thế giới thực tại, coi trọng cả Danh và Lợi:vừa trọng cộng đồng, hiếu hòa,lại vừa cạnh tranh, hiếu thắng;vừa thanh thản, vô vilại vừa đầy tham vọng, hữu vi.

Thứ ba,trong khi loại hình văn hoá trọng động (kiểu phương Tây) quá đề cao cá nhân, dẫn đến lối sống ích kỷ, cạnh tranh, tạo nên cái tôn ty giành giật được bằng sức mạnh; còn loại hình văn hoá trọng tĩnh ở Đông Nam Á lại quá coi trọng cộng đồng làng xã, tạo nên lối sống dân chủ theo kiểu tình cảm chủ nghĩa, dựa dẫm, cào bằng; thì văn hoá trung gian trọng thế tục Đông Á coi trọng gia đình- một hình thức cộng đồng trung gian giữa cá nhân và làng xã. Gia đình vừa có được cái thân thiếtcủa lối sống cộng đồng kiểu Đông Nam Á, lại vừa có được cái nghiêm minh, chặt chẽtrong tổ chức, cái quyền uy cá nhâncủa người gia trưởng kiểu văn hoá phương Tây. Không phải ngẫu nhiên mà vai trò của gia đình trong văn hoá Đông Á mạnh tới mức phát triển thành một thứ “chủ nghĩa gia đình” (familism) và mọi công ty thành đạt của Nhật Bản và bốn con rồng đều là những công ty tổ chức theo kiểu gia đình .

Như vậy, tính chất nước đôi của loại hình văn hóa “trung gian trọng thế tục” chính là cái cơ sở giúp các dân tộc Đông Á có được cái lợi thế tiềm tàng cho một sự phát triển bền vững mà cả Đông Nam Á lẫn phương Tây đều không có.

7. Loại hình văn hóa là khái niệm “đủ cho việc lý giải sự phát triển của Đông Á

Khái niệm “loại hình văn hóa” cùng các khái niệm bộ phận của nó có đủcho việc lý giải nguyên nhân của “hiện tượng thần kỳ Đông Á” hay không?

Nếu nó là đủ, thì nó phải giải đáp được mọi mâu thuẫn có liên quan – có ba mâu thuẫn như vậy:

(a) Về thời gian,cũng vẫn loại hình văn hoá này, nhưng tại sao trước đây Đông Á nghèo?

(b) Về không gian,vì sao ba quốc gia và vùng lãnh thổ Đài Loan, Hông Kông và Xingapo vốn thuộc Đông Nam Á truyền thống chứ không phải thuộc Đông Á nhưng vẫn “hóa rồng”?

(c) Trong khi đó thì vì sao hai quốc gia Đông Á thuộc loại hình văn hóa “trung gian trọng thế tục” rõ ràng là Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên lại không “hóa rồng”?

Ngoài ra, để chứng minh rằng nó là đủ thì còn phải chỉ ra rằng mọi cách giải thích khác khả dĩ chấp nhận được đều chỉ là hệ quả không đầy đủ của nó.

7.1. Về thời gian,cũng vẫn loại hình văn hoá này, nhưng tại sao trước đây Đông Á nghèo? Là bởi vì tính chất nước đôi của loại hình văn hóa “trung gian trọng thế tục” chỉ là cái cơ sở tiềm tànggiúp cho các dân tộc Đông Á có được cái lợi thế phát triển bền vững, còn để biến cái tiềm năng này thành hiện thực,cần phải có những điều kiện nhất định.

Về mặt tự nhiên,Đông Á không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp bằng Đông Nam Á. Từ Nam Trung Quốc đi lên Bắc Trung Quốc, đất đai kém màu mỡ hơn, khô hạn hơn, lạnh giá hơn. Từ Bắc Trung Quốc đi ra Korea và Nhật Bản, điều kiện tự nhiên lại càng khắc nghiệt; đồng bằng giảm, núi đá tăng; sự đối lập gay gắt giữa khí hậu lục địa và đại dương…

Chính vì vậy mà trước đây, khi lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo thì Bắc Trung Quốc luôn nghèo hơn Nam Trung Quốc; Korea và Nhật Bản (lại lấy lúa nước làm chủ đạo) còn nghèo hơn cả Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhưng từ khi Nhật Bản, rồi sau đó là Hàn Quốc, chuyển hướng sang con đường công nghiệp hóa và đô thị hóa theo kiểu Tây phương, thì toàn bộ tiềm năng của loại hình văn hóa “trung gian trọng thế tục” được đánh thức dậy và phát huy.

Với tính nguyên tắccao hơn và tư duy phân tíchmạnh hơn Đông Nam Á, người Đông Á đã tiếp thu cái gì thì đều tiếp thu đến nơi đến chốn,để rồi sau đó phát triển nó, nâng nó lên mức hoàn hảo. Văn hoá Trung Hoa tiếp thu kiểu tư duy nhị nguyên (dualism) của phương Nam , đã phát triển nó thành học thuyết âm dương ngũ hành. Korea tiếp thu Nho giáo của Trung Hoa, phát triển thành một Nho giáo Korea cực đoan, với tầng lớp yangban trong tổ chức xã hội, với phong tục của một nước “lễ nghi chi bang”, hiện nay Hàn Quốc là quốc gia duy nhất còn duy trì được trường đại học Nho giáo. Nhật Bản tiếp thu cái gì từ lục địa cũng nghi thức hóa nó thành một “đạo, (trà đạo, hưởng đạo, kiếm đạo, hoa đạo ). Chính bằng cách đó, họ đã tiếp thu kỹ thuật phương Tây một cách bài bản, chu đáođể rồi kết hợp với truyền thống văn hoá của mình mà làm ra những sản phẩm “Made in Japan”vừa có độ chính xác của khoa học phương Tây vừa có cái tinh tế của óc thẩm mỹ Nhật Bản.

Trong khi đó thì Việt Nam khác hẳn: với tính linh hoạt và tư duy tổng hợp của văn hoá nông nghiệp trọng tĩnh, mỗi khi tiếp nhận văn hoá, người Việt Nam luôn thay đổi biến báo ngay trong quá trình tiếp thu, tạo nên những sản phẩm xét dưới góc độ này là ưu điểm vì hết sức sáng tạo và độc đáo, chính nhờ vậy mà Việt Nam chống lại được mọi âm mưu đồng hóa, nhưng xét dưới góc độ khác lại là nhược điểm vì không có cái gì được tiếp thu đến nơi đến chốn, những sản phẩm tạo ra mang tính nửa vời, không phát huy hết được các lợi thế của sản phẩm gốc.

Mặt khác, với truyền thống trọng sức mạnh, trọng nam,các quốc gia Đông Á trong lịch sử thường có văn hoá quản lý cứng rắn,nhiều lúc tới mức quân phiệt, độc tài(như Tần Thủy Hoàng Ở Trung Quốc; Park Chung-Hee, Chun Doo-hwan Ở Hàn Quốc; chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản). Kiểu văn hoá quản lý này tạo nên những nhà quản lý cứng rắn, đồng thời công bằng và nghiêm minh,những người dân có ý thức kỷ luật cao, với nếp sống tôn trọng pháp luật,rất thuận tiện cho việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó thì ở Việt Nam không như thế: truyền thống dân chủ làng xã “phép vua thua lệ làng” xưa kia đã phát triển thành tệ nạn “thủ kho to hơn thủ trưởng”, căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”, tạo thành một xã hội mà ý thức “sống và làm việc theo pháp luật” rất kém. Điều này gây cản.trở rất lớn cho việc phát triển văn hoá và con người theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nói cách khác, việc chuyển sang kinh tế công nghiệp đã giúp Đông Á khắc phục được nhược điểm của mình là nghèo về tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phát huy được lợi thế của mình là có tài nguyên con người – con người công dân thì làm việc bài bản và có tinh thần kỷ luật cao, con người quản lý thì nghiêm minh, công bằng. Gạch nối giữa người quản lý và dân chúng là văn hoá gia đình, vừa thân mật gần gũi vừa tôn ty nền nếp.

7.2.Về không gian, vì sao ba quốc gia và vùng lãnh thổ là Đài Loan, Hông Kông và Xingapo vốn thuộc Đông Nam Á truyền thống chứ không phải thuộc Đông Á mà vẫn “hóa rồng”?

Đó là vì ba quốc gia và vùng lãnh thổ này tuy thuộc Đông Nam Á truyền thống về mặt địa lý, nhưng đều có chủ thể là người Hoa – con người Đông Á. Mà “loại hình văn hóa” là khái niệm tuy có liên hệ với không gian địa lý nhưng có tính khái quát cao hơn và không trùng với nó. Do vậy, về mặt loại hình thì các nền văn hoá này vẫn thuộc loại văn hóa “trung gian trọng thế tục” phổ biến ở Đông Áchứ không phải thuộc loại văn hóa trọng tĩnh phổ biến ở Đông Nam á.

7.3. Còn hai quốc gia Đông Á thuộc loại hình văn hóa “trung gian trọng thế tục” rõ ràng là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thì vì sao lại không “hóa rồng”? Đó là do hai quốc gia này đã có thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của một thứ chủ nghĩa xã hội nông dân hóa, phong kiến hóa, trở nên giáo điều và duy ý chí cực đoan, dẫn đến chỗ hình thành một nền kinh tế chỉ huy, với những đường lối chính sách xa rời thực tiễn, đi ngược lại đặc điểm loại hình vẫn có (là trọng thế tục). Đồng thời ý thức hệ chúng đối chủ nghĩa tư bản một cách mù quáng đã khiến cho khoa học – kỹ thuật- công nghệ phương Tây chỉ được tiếp thu ở mức rất thấp và chậm trễ. Các đặc điểm này đã khiến cho ưu điểm tiềm tàng của loại hình văn hoá trung gian trọng thế tục không phát huy được. Trong những năm gần đây, nhờ cải cách mở cửa, tiếp nhận kinh tế thị trường, với triết lý thực dụng “mèo trắng mèo đen” nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc lục địa trở lại phù hợp với đặc trưng loại hình văn hoá. Do đó, những tiềm năng của loại hình văn hoá trung gian trọng thế tục đã bắt đầu được phát huy.

7.4. “Loại hình văn hóa” cùng các khái niệm bộ phận của nó là đủcho việc lý giải nguyên nhân của “hiện tượng thần kỳ Đông Á” còn vì mọi cách giải thích khác khả dĩ chấp nhận được đều chỉ là bộ phận hoặc hệ quả không đầy đủ của nó.

Có ý kiến cho rằng sự phát triển kinh tế trước hết phải được lý giải bằng nguyên nhân kinh tế. Về mặt kinh tế,người ta thường cho rằng nguyên nhân sự tăng trưởng của Đông Á là do hai yếu tố đầu vào (nguồn lực) là lao động và vốn. Hoặc đầy đủ hơn là bốn yếu tố. (1) lượng lao động (quantity of labor); (2) lượng tư bản vật chất (quantity of physical capital); (3) chất lượng lao động (quality of làbor); (4) hiệu quả sử dụng vốn và lao động (effect of capital and labor). Alwyn Young ở Đại học MIT nói đến bốn nguyên nhân: (l) tỷ lệ tham gia ngày cảng tăng của lao động, đặc biệt là phụ nữ trẻ; (2) sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp có năng suất thấp sang công nghiệp; (3) việc cải thiện trình độ giáo dục; và (4) việc nâng cao tỷ lệ đầu tư so với GDP .Tất cả tựu trung vẫn xoay quanh hai yếu tố chính là lao động và vốn. Song người ta cũng tự thấy mọi sự giải thích như trên vẫn là không đủ, vẫn còn thiếu “một điều gì đó” rất khó mô tả chính xác: người ta đưa ra thêm một thuật ngữ mới là “tổng năng suất các yếu tố” (Total Factor Productivity, TFP); theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) 1/3 sự tăng trưởng của Đông Á xuất phát từ TFP – cao nhất là Hồng Kông 56%.

Đúng là sự phát triển kinh tế trước hết cần được lý giải bằng nguyên nhân kinh tế, song nguyên nhân kinh tế thường chỉ là nguyên nhân trực tiếp, cái đầu tiên không phải là cái cuối cùng. Các nguyên nhân kinh tế rất cụ thể nên có thể kiểm chứng rất dễ – rất nhiều quốc gia và khu vực khác dù có làm theo như thế cũng không thể đạt dược kết quả tương ứng. Ngân hàng thế giới đã tính rằng ngay cả khi châu Phi và Mỹ La-tinh có đầu tư nhiều vào máy móc và con người như Đông Á thì tỷ lệ TFP trong giai đoạn 1960- 1985 cũng chỉ bằng 1% so với 4% ở Đông Á.

Người ta cũng nói đến nguyên nhân sự thần kỳ Đông Á là nhờ ở sự Tây phương hóa về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Song khoa học, kỹ thuật, công nghệ không phải là tất cả. Xã hội phương Tây đang ở trong tình trạng rất rối loạn: kể từ năm 1960, dân số Mỹ đã tăng 41%, trong lúc đó tỷ lệ tội phạm tăng 560% tỷ lệ sinh con ngoài giá thú tăng 419%, tỷ lệ ly hôn tăng 400%, tỷ lệ trẻ em sống với một cha hoặc mẹ tăng 300%, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử tăng 200%, chỉ số SAT 1giảm 80 điểm. Xinhgapo trong ba thập kỷ cầm quyền của Lý Quang Diệu đã trở nên hiện đại hóa và Tây phương hóa hoàn toàn để rồi Singapor và Lý Quang Diệu phải quay trở lại đi tìm các giá trị châu Á.

Thực ra, “một điều gì đó rất khó mô tả chính xác còn thiếu” mà các nhà kinh tế học đi tìm đó chính là văn hoá. Văn hoá mới là nguyên nhân gốc, nó chi phối nguyên nhân kinhtế, nguyên nhân chính trị,v.v. Văn hoá tuy không phải là tất cả, nhưng nó bao quát tất cả. Văn hoá vừa là động lực đầu tiên, vừa là mục tiêu cuối cùng của sự phát triển.

Từ góc nhìn văn hoá, một cách giải thích khá phổ biến đã quy nguyên nhân sự thần kỳ Đông Á về cho vai trò của Nho giáo, điển hình là quan điểm của Léon Vàndermeech trong cuốn “Thế giới Hán hóa mới” (Le nouveau mon de sinise). Nếu nguyên nhân là Nho giáo thì phản chứng đơn giản và rõ ràng nhất là sự “không-hóa- rồng” của các quốc gia Nho giáo Đông Á còn lại như Trung Hoa lục địa, Bắc Triều Tiên, Việt Nam. TS. Lee Yuen Tseh, Chủ tịch Academia Sineca ở Đài Bắc, người từng đoạt giải Nobel, nhận xét: “Trên thực tế, Nho giáo chưa bao giờ được chú ý nhiều… Sự thành công của các nền kinh tế Đông Á vô hình chung làm cho Nho giáo có một tiếng thơm.

Có một luồng ý kiến đưa giá trị của Nho giáo về khái niệm gia đình. GS. Tu Wei-ming ở Đại học Harvard nói rằng di sản quan trọng của Nho giáo không phải là các giáo huấn chính trị mà là các giá trị cá nhân quy định về thái độ đối với gia đình, công việc, giáo dục, v.v… Francis Fukuyama – tác giả các cuốn sách nổi tiếng “Sự kết thúc của lịch sử”(The end of history) và “Con người cuối cùng”(The Last man) – khẳng định: “Sự tinh túy của Nho giáo Trung Hoa truyền thống không bao giờ là Nho giáo chính trị, mà là chủ nghĩa gia đình mạnh mẽ, đứng trên tất cả các quan hệ xã hội khác, kể cả quan hệ với các giới chức chính trị”. Nguyên thủ tướng Xinhgapo Lý Quang Diệu cũng nhận xét: “Sự khác biệt căn bản giữa… phương Tây và Đông Á. . .là các xã hội phương Đông tin rằng cá nhân chỉ có thể tồn tại khi có gia đình”. Vai trò của gia đình được xem trọng đến mức Michael Backman đã xem hiện tượng gia đình trị là “những kẻ chủ mưu giấu mặt” trong sự thành công của kinh tế Đông Á! Phản chứng cho cả Nho giáo lẫn chủ nghĩa gia đình là hiện tượng Bắc Triều Tiên: Quốc gia này đã hủy diệt Nho giáo, đồng thời cũng chính là ví dụ điển hình về truyền thống gia đình trị, mà dân chúng thì quá đói nghèo.

Các nhà quản trị thì cho rằng chìa khóa của sự thành công nằm ở cách thức quản lý kiểu Nhật được đặt tên là “thuyết Z” (Z theory) chú trọng gia tăng sự trung thành của người lao động với công ty thể hiện qua các nội dung chính là: (l) Chế độ làm việc suốt đời; (2) Trách nhiệm tập thể; (3) Đo đếm, đánh giá chi li, rõ ràng song biện pháp kiểm soát tế nhị, mềm dẻo, giữ thể diện cho người lao động; (4) Ra quyết định tập thể; (5) Đánh giá và đề bạt một cách thận trọng, (6) Quan tâm đến tất cả các vấn đề của người lao động, kể cả gia đình họ. Tên gọi “Thuyết Z’ nhằm chỉ ra sự đối lập với hai thuyết phổ biến trong khoa quản trị học phương Tây là “Thuyết X” (có cái nhìn tiêu cực về người lao động) và “Thuyết Y” (có cái nhìn quá lạc quan về người lao động). Một thuyết quản trị khác giải thích sự thành công của Nhật Bản là ở sự những sự cải tiến nho nhỏ tích lũy hàng ngày, gọi là “kaizen” ( = cải tiến), phân biệt với quản lý kiểu phương Tây là thay đổi lớn, cách mạng.

Thực tế, tất cả các nguyên nhân đã nhắc đến đều có phần đúng cả: (l) nguyên nhân kinh tế với hai yếu tố đầu vào là lao động và vốn; (2) nguyên nhân khoa học, kỹ thuật, công nghệ phương Tây; (3) nguyên nhân văn hoá với vai trò của Nho giáo và gia đình; (4) nguyên nhân quản trị với “kaizen” và “thuyết Z”.

Xét một cách riêng lẻ thì từng nguyên nhân ấy là cần nhưng không đủ. Kể cả nguyên nhân văn hoá chỉ tập trung vào một hiện tượng cụ thể là Nho giáo với gia đình. Trong khi đó thì một khái niệm “loại hình văn hoá trung gian trọng thế tục” đã đủ bao quát hết tất cả: Lao động gốc nông nghiệp thì đông về số lượng, lao động Đông Á nên có tính kỷ luật cao. Văn hoá quản lý cứng rắn, quyết đoán nên hỗ trợ được cho các doanh nghiệp huy động vốn. Văn hoá trung gian với tư duy phân tích tốt, cách làm việc bài bản nên tiếp thu được khoa học, kỹ thuật, công nghệ phương Tây đến nơi đến chốn. Nho giáo, gia đình và thuyết Z” giúp tạo nên sự ổn định và gắn kết cộng đồng. Cách quản trị kiểu “kaizen” – từ từ, liên tục và chắc chắn – là phương thức hành động điển hình của văn hoá nông nghiệp. Cần lưu ý rằng văn hoá và loại hình văn hoá là hai khái niệm khác nhau. Nếu văn hoá là cái biểu hiện cụ thể thì loại hình văn hoá là cái khuôn mẫu, là cái gốc trừu tượng hóa, cái hằng số bất biến của một loạt nền văn hoá. Nó chi phối các nền văn hoá cụ thể theo nghĩa rộng, nghĩa là chi phối mọi lĩnh vực và mọi hoạt động của chủ thể, trong cả không gian và thời gian. Loại hình văn hoá không đồng nhất với văn hoá, lại càng không đồng nhất với những thành tố bộ phận của văn hoá như Nho giáo… Giải thích nguyên nhân sự thần kỳ Đông Á bằng văn hoá thì đã có nhiều, còn giải thích bằng loại hình văn hoá thì đây là công trình đầu tiên.