Sự thật về thiết bị tiết kiệm điện năng – Điện nước Hưng Thịnh
Hiện nay trên mạng internet có khá nhiều cá nhân, đơn vị quảng cáo các loại thiết bị giúp tiết kiệm điện năng khi sử dụng. Vậy thực hư về các loại thiết bị này như thế nào? Có tiết kiệm điện đúng như những lời quảng cáo hay không?
Sự thật về thiết bị tiết kiệm điện năng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật đã nhiều lần cảnh báo về những loại “thiết bị siêu tiết kiệm điện” được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ. Gần đây xuất hiện thêm quảng cáo trên mạng xã hội về cái gọi là “Thẻ tiết kiệm điện thông minh”.
Các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Theo EVN, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ điện làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng.
EVN khẳng định, nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Một số cách giúp tiết kiệm điện năng có thể bạn chưa biết
Trong nhà có những thiết bị âm thầm “ngốn điện” mà bạn không ngờ đến. Và việc tắt các thiết bị này khi không còn sử dụng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp bạn tiết kiệm điện hơn là tin vào các thiết bị tiết kiệm điện quảng cáo trên mạng.
1. Đầu thu truyền hình
Theo số liệu khác của Tập đoàn phân phối thiết bị điện Rexel (Pháp), chế độ chờ của đa số đầu thu truyền hình tiêu thụ rất nhiều điện năng, lên tới 70-75% so với khi chúng hoạt động bình thường.
Tỷ lệ này cũng tương tự áp dụng với với các thiết bị đầu thu khác như đầu thu Internet, đầu DVD, modem Wi-fi… Do vậy nếu muốn tiết kiệm điện năng, bạn nên tắt công tắc trên thiết bị khi không sử dụng mới đảm bảo tuyệt đối.
2. Bình nóng lạnh
Bình nóng lạnh trực tiếp thường có công suất khoảng 3500W đến 4500W tùy loại. Ngay cả bình nóng lạnh gián tiếp cũng có công suất rất cao, thường là 2500W.
Tính theo mức tiêu thụ này, bình nóng lạnh nếu bật trong một giờ tốn hết khoảng 2 số điện khi chạy ở mức lớn nhất, và có thể tiêu thụ khoảng 20 số điện nếu để chạy cả ngày (bao gồm cả chế độ chờ khi tự ngắt).
Do đó, nên đặc biệt lưu ý tắt bình nóng lạnh khi không có nhu cầu sử dụng, hoặc khi bình báo đã đạt đến nhiệt độ phù hợp để tắm để tránh lãng phí điện.
Ngoài ra việc sử dụng máy máy nước nóng năng lượng mặt trời thay thế cho bình nóng lạnh cũng là một cách để tiết kiệm điện hiệu quả.
3. Điều hòa
Bạn có biết điều hòa vẫn âm thầm hoạt động ở chế độ chờ và tiêu tốn điện nếu không ngắt áp tô mát trực tiếp. Thông thường đối với các dòng điều hòa phổ biến có công suất 2.600W, thì công suất chờ dao động trong khoảng 1,11W.
Tuy nhiên cần nhớ rằng thời gian chờ điều hòa càng lâu thì chúng càng tiêu tốn năng lượng điện. Hơn nữa, các thành phần luôn chạy trong chế độ chờ cũng làm giảm tuổi thọ của điều hòa.
4. Tivi
TV cũng tiêu tốn điện năng khi chúng tắt bằng chế độ off trên điều khiển, và có một đèn LED báo sáng trên bảng hiển thị. Công suất chờ của TV là khoảng 0,2W.
Việc duy trì ở chế độ chờ không chỉ khiến tiêu tốn điện lãng phí, mà còn khiến TV giảm tuổi thọ, dễ hỏng hóc. Vì thế sau khi xem TV, nên rút phích cắm trực tiếp từ ổ điện.
5. Bếp từ
Công suất của bếp từ cảm ứng ở chế độ chờ là 0,86W. Bếp từ ở trạng thái này lâu ngày sẽ làm hỏng mạch điện, giảm tuổi thọ của bếp. Chính vì thế, nên rút phích cắm điện khi đã sử dụng xong, và chỉ bật lại khi có nhu cầu.
Xem thêm: Thợ sửa chữa điện tại nhà TPHCM