Sự tích Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông – Phủ Dầy Nam Định
Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông là một trong ba vị thánh Mẫu trong tam tòa Thánh Mẫu. Để giúp các bạn có thể hiểu rõ về Bà Chúa Thượng Ngàn, ban biên tập mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Trấn sơn lâm Nhạc Tiên Vương Mẫu
Quản thượng ngàn ba mươi sáu động tiên
Hiệu danh Lê Mại Chúa Tiên
Bạch Anh công Chúa cầm quyền sơn lâm
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông là ai ?
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông hay còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu (林宮聖母) hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn là vị thánh Mẫu thứ 2 thuộc Tam Tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, bên cạnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thoải.
Ngài là vị thần cai quản và là hồn thiêng của vùng núi non và các cửa rừng ở khắp mọi nơi. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông bao đời dõi theo dẫn dắt con cháu đi lên. Dưới sự cai quản của Ngài, người dân được hưởng mùa màng nào cũng bội thu, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn. Vì vậy, nhân dân hết mực tôn kính và lập đền thờ phụng ngài ở rất nhiều nơi trên cả nước, và đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông là nơi chính thờ Đức Thánh Mẫu.
>>> Xem thêm:
Sự tích Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến Văn Tiểu Lục” quyển X mục “Linh tích” thời hậu Lê” thì ngôi đền Mẫu Đông Cuông ngày nay, trước đây thờ Đông Quang Công Chúa nổi tiếng anh linh. Đông Quang Công chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, người dân tộc Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản vùng Đông Cuông.
“Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao – Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao).
Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để đại vương biết”, nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi”.
Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đồng Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu
Như vậy, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông đã được hình tượng hóa bởi một nhân vật có thật trong lịch sử đó là Đông Quang Công Chúa. Nơi đây, bà Lê Thị Kiểm được hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn. Trong niềm tin tâm linh của những con nhang đệ tử của Tín ngưỡng thờ Mẫu thì đền Đông Cuông có vị trí vô cùng quan trọng, được coi là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn.
Đền Đông Cuông còn có tên là Đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Cũng tại nơi đây, vua Lê Thái Tổ đã phong Bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi Bà đã phù cho vua Lê đánh giặc.
Như vậy, nếu Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn ở đền Bắc Lệ (Lạng Sơn) là công chúa Quế Hoa, ở Suối Mỡ (Bắc Giang) là Công Chúa La Bình thì ở Đông Cuông, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông là Lâm Cung Thánh Mẫu vừa là bậc tối tú anh linh, quyền cao tối thượng vừa gần gũi, bình dị trong hình hài một người vợ, người mẹ trần thế có lai lịch, gốc tích rõ ràng.
Trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại:
Ở xóm Đá Ôm, thôn Đồng Dẹt, xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một con trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngày mão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ.
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn thờ chính ở đâu ?
Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn có ở khắp mọi vùng, nơi nào có rừng núi thì đều có đền Mẫu Thượng. Nhưng nổi tiếng bậc nhất vẫn là cụm di tích Đền Đông Cuông, Đền Vọng Đông và Đền Tuần Quán tại Yên Bái (là nơi Mẫu giáng làm con gái nhà tù trưởng họ Cao). Đền Đông Cuông tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm dọc sông Hồng. Đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.
Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông
Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài đền chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền chính. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ). Trong đền chính có cung cấm thờ 2 ngôi tượng. Sau cung Mẫu có cung Chúa, bên phải là cung Sơn Trang, bên trái thờ Trần Triều. Cấu trúc nhà đền còn có miếu Thần linh và động Sơn trang. Đây là ngôi đền cổ đến nay vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông.
Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn.
Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, cứ vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và nguyện cầu cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Đền Đông Cuông là một trong ba nơi thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn gồm: đền Công Đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn) – nơi Mẫu Thượng Ngàn hiển linh; đền Suối Mỡ (Bắc Giang) – nơi Mẫu Thượng Ngàn tu tiên luyện đạo; đền Đông Cuông – nơi Mẫu Thượng Ngàn giáng sinh và ngự.
Các hoạt động lễ hội tại đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông cuông
Hàng năm, ngoài tuần rằm mùng một, tứ thời bát tiết Đền Đông Cuông có 2 Lễ chính, ngày Mão tháng Giêng, ngày Mão tháng Chín mổ trâu đen. Cứ ba năm một lần lễ hội lớn thỉnh mời dương trần và linh hồn âm gian các xã tả, hữu ngạn sông Hồng trong phạm vi đường kính 70 km. Dòng họ Hà và thân chủ các liệt sỹ (khởi nghĩa Giáp Dần, chống Pháp) thờ trong Đền.
“Ban tế” người Kinh đến hướng dẫn nghi thức tế. Tín nữ ở dưới xuôi (đặc biệt là thành phố Yên Bái và Phú Thọ) lên hỗ trợ trang trí kiệu và các lễ quy. Cũng bằng tiếng Tày pha lẫn tiếng Kinh, thầy mo đến khấn thỉnh chư tôn “láng giềng”
“Bắc chí khe cài
Hạ lưu đã ngang
Đông chí pù rằm
Tây giáp nặm cái”
Tại Lễ lớn thỉnh mời chư thần xa từ Bảo Hà tới Phú Thọ, Đông từ sông Chảy Lục Yên, Tây từ Thượng Bằng La Đồng Khê, Phù Nham, Phong Dụ… thỉnh tôn thần 12 ngọn núi, 12 ngọn sông, “18 nước chư hầu” và vua tổ Hùng Vương. Tế Nam theo thể chế cung đình. Nhờ người ngoài xã biết tế làm chủ tế và đông xướng tây xướng, bản thân tham gia theo sự hướng dẫn bạn tế là người Tày Khao song nhiều khi xem lẫn tục người Kinh am hiểu thế tự. Khai mạc lễ tế sớm trước tiết rước kiệu: 6-8 giờ sáng.
Lễ phẩm chính: Trâu trắng mổ nguyên con (có bài tế tiếng Tày Khao kèm theo).
Không có tế nữ.
Diễn biến rước kiệu: Được triển khai ngay sau giờ tế cho đến giờ Ngọ.
Rước kiệu ở miếu hạ khe Tràm, Cầu Có và miếu giáp thượng đồi Pu Loòng xóm bên. Rước kiệu mẫu (mẹ) từ đền qua sông sang Miếu Đức Ông (Ghềnh Ngai – thuộc xã Tân Hợp, Văn Yên) thăm Đức Ông. Kiệu “Báo” (con) đi tiếp sau kiệu mẹ, hai kiệu báo sái thanh khiết, trang trí đẹp, lúc kiệu đi đông đảo tín nữ Kinh – Tày, Dao bao quanh kiệu khấn chúc hai mẹ con Mẫu “thăm Đức Ông” mừng vui trọn vẹn trống dong cờ mở bát âm tấu nhạc. Bốn thiếu nhi Tày thắt lưng đỏ cầm cờ múa đi trước, thiếu nhi ngoài cuộc được già làng động viên reo hò khích lệ. Một thuyền đinh lớn hoặc một bè lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu vua con ở lại bên bờ, chỉ kiệu mẫu xuống thuyền cùng 11 người sang Ghềnh Ngai. Toán người gồm thủ đạo mo Đền, chùm hội tín nữ, người cầm lọng che kiệu… tới mản đá Ghềnh và vách đá để kiệu ở dưới thuyền, thổ đạo o, và các thành viên lên mảnh đá Ghềnh thắp hương khấn tiếng Tày xen lẫn tiếng Kinh. Đại để (nhân ngày… bản dân đệ tử trăm họ chúng con rước mẫu sang với Đức Ông… vậy mong Ngài… sau đó xin âm dương bằng hai đồng tiền kẽm để nài Đức Ông chấp nhận rồi xuống thuyền trở về). Lễ diễn ra hơn nửa giờ, tới bờ kiệu mẫu khiêng khỏi thuyền cùng kiệu con rước vào đền, bốn trẻ trai chay người Tày vẫn đi trước múa cờ mừng, những đám trẻ ngoài không được hò reo nữa.
Đồng bào Tày Đông Cuông và các vùng lân cận quan niệm đây là lễ cưới lại “của Mẫu với Đức Ông” mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức (Lễ nghi rước kiệu sang Ghềnh Ngai năm 1941. Tích “Lễ cưới lại” được cụ Sầm Văn Tiện – nguyên chủ tịch UBND xã rồi sau đó là Bí thư xã tường thuật và cho biết đã lưu truyền từ rất lâu đời. Cũng tích này được mo đình làng Bục, nay là xã An Thịnh và nhiều bà con ở xã Ngòi A thừa nhận. Các điệu múa dân tộc được diễn ra lúc kiệu được cử hành rước từ đền ra bờ sông (để sang Ghềnh Ngai) múa đàn tính và nhạc chuông chùm đệm cơ bản là do bà con người Tày đảm nhiệm.
Hát chèo (chèo mới gắn với hội nơi đây) diễn tích Lưu Bình Dương Lễ, chúc mừng, chúc đàn anh chức dịch và toàn dân thu hoạch lúa tốt gia súc đầy chuồng bình an mạnh khỏe, phường chèo dưới xuôi đảm lĩnh nhận tiết mục này. Hội diễn ra sôi động cả vùng văn nghệ dân gian dân tộc thiểu số, đa số hòa quyện vào nhau phong phú đầm ấm, đoàn kết tưởng nhớ người có công “Đền Thần Vệ Quốc” trong tập (thượng hạ, mục cổ tích trấn Hưng Hóa; bản dịch của nhà xuất bản viện Sử học) cũng hòa chung với nội dung của lễ hội này.
Trong ngày hội mở đối với Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai có câu ca:
Thứ nhất là Hội Đền Hùng
Thứ nhì là Hội Đông Cuông
Như trên trình bày nhân dân trong vùng gần xa dự hội đủ màu sắc dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng… muôn màu sắc phục chật cứng như nêm, tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng trống lẫn tiếng hát then, hát cọi, khèn bè, tiếng reo hò, kéo co, ném còn thắng cuộc, cờ bay trước gió, khiến cho cả vùng trở lên tưng bừng náo nhiệt, cuối hội nam nữ các bản làng xã tổ chức hát giã hội chia tay hẹn hò hội xuân tới gặp lại.
Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho Quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng có một nghi lễ hết sức đặc biệt, đó là nghi lễ chầu văn – hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Hàng năm, cứ Xuân Thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 Âm, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.
Hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh, dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu rộn ràng cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm… Đây là một hình thức diễn xướng lại các sự tích của các vị thần, để ca ngợi công lao, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với các vị thần chính vì vậy nó mang sắc thái tôn nghiêm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, dụng cụ, trang phục, nghệ thuật diễn xướng và tấm lòng tôn kính với thần linh. Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới Cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị từ điện thờ, người phục vụ đến dàn nhạc, trang phục, lễ vật đã góp phần tạo nên cho nghi thức hầu đồng tại đền Đông Cuông mang sắc màu huyền bí rất riêng, thiêng liêng mà cũng không kém phần độc đáo. Từ đó chuyển tải được sức mạnh và ý nghĩa của Nghi lễ hầu đồng chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân. Nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bản văn Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông
Trấn sơn lâm Nhạc Tiên Vương Mẫu
Quản thượng ngàn ba mươi sáu động tiên
Hiệu danh Lê Mại Chúa Tiên
Bạch Anh công Chúa cầm quyền sơn lâm
Âm dương khí hợp thần hun đúc
Vòng càn khôn vũ trụ thai sinh
Vốn xưa giá ngự thiên đình
Quyền cai nhạc phủ rừng xanh ra vào
Ra hiệu lệnh võng đào đón rước
Thổ mán mèo sau trước phục tâm
Ơn nhờ Thánh Mẫu sơn lâm
Chở che làng bản thôn dân an lành
Lòng mộ Phật tu hành sớm tối
Cõi thiền na dốc chí bền tâm
Từ bi ứng hóa hiện thân
Có phen hóa hiện thôn dân đi rừng
Có phen biến người nùng người thổ
Có phen thời thuần hổ luyện voi
Hóa sinh sinh hóa kiếp người
Sơn Lâm Công Chúa chính ngôi La Bình
Theo đức Thánh Sơn Tinh tuần thú
Dạy muôn loài báo hổ chim muông
Dạy dân phát rẫy làm nương
Dạy cho chim hót líu lường líu lô
Nước cam lộ từ bi đượm khắp
Ứng hóa thân cứu độ muôn loài
Hóa sinh sinh hóa muôn nơi
Dấu chân ghi để muôn đời khắc ghi
Cảnh núi Giùm vạn niên lịch đại
Đất Tuyên Quang còn mãi truyền ghi
Đền thờ lồng lộng uy nghi
Thượng Ngàn Thánh Mẫu độ trì bốn phương
Khi hiển thánh Đông Cuông Yên Bái
Giữ đạo nhà nữ tắc tài hoa
Ngát hương dòng dõi Lê gia
Mãn trần xa giá gần xa mến lòng
Khắp mọi vùng nhớ công ơn đức
Lập đền thờ chầu chực khói hương
Bảng vàng Lê mại đại vương
Phù Lê gây dựng giang sơn thái hòa
Khắp Nam Bắc gần xa mến phục
Đội ơn người giáng phúc giáng ân
Chữ rằng sở nguyện tòng tâm
Mẫu vương lưu phúc thiên xuân thọ trường
>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official