Sửa đổi Luật Di sản văn hóa: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch,… tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cương: “Thực tế hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa vô cùng cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.

Kể từ khi có Luật Di sản văn hóa năm 2001 và sau đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 thì đã có sự chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa và văn bản pháp luật khác có liên quan trong cả lĩnh vực di tích, bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể.

Việc xâm hại di tích chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau 2 năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Việc xâm hại di tích chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau 2 năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Một khoảng trống ngày càng hiện hữu rõ nét là sự lỏng lẻo từ việc phân cấp trong bảo vệ di tích. Bất cập từ đây là nguyên nhân của một số hạn chế như việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội; còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Nhiều vi phạm chỉ được phát hiện khi cơ quan báo chí lên tiếng.

GS.TS. Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, luật Di sản văn hóa có tác dụng rất lớn nhưng bắt đầu có các hạn chế và cần sớm được sửa đổi. Cùng với đó, GS Lý đã nêu ra vai trò của các hội, các viện nghiên cứu trong việc bảo vệ và phát tiển di sản.

Còn KTS Hoàng Đạo Kính cho biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa đề cập đến khái niệm, thuật ngữ di sản đô thị hoặc di sản kiến trúc nông thôn. Thực tế hiện nay cho thấy, các quỹ kiến trúc đô thị và nông thôn luôn rơi vào tình thế mâu thuẫn đối kháng, thách thức mà không thể giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi bảo tồn và nhu cầu sử dụng, phát triển.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết chính sách đề nghị sửa đổi trong Luật Di sản văn hóa sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về bảo vệ phát huy giá trị văn hóa. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh, từ lâu, giới khảo cổ học đã mong đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa. Xuất phát từ thực tiễn, PGS.TS Tống Trung Tín nêu một số bất cập. Việc thực hiện các điều luật bảo vệ di sản văn hóa ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa nghiêm. Vấn đề bảo vệ di tích sau khai quật trong Luật vẫn còn thiếu, chưa chặt chẽ. Việc xử lý các di tích, di vật sau khai quật, di dời cũng đang là một vấn đề.

Một số di vật sau khi đã xây dựng hồ sơ khoa học thì được chôn lấp (hoặc vứt bỏ), chỉ giữ mẫu hiện vật và các hiện vật được đánh giá quan trọng để trưng bày. Điều này gây ra lãng phí di sản, đặc biệt sẽ gặp khó khăn khi đặt vấn đề nghiên cứu lại thì không còn di vật nữa, trong trưng bày cũng không còn di vật để trưng bày. Vì vậy, cần phải có những quy định rõ ràng trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo nhận định của các chuyên gia, việc góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là phù hợp với thực tiễn và mong muốn của những người công tác trong lĩnh vực di sản. Mong muốn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua để góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.