Sức hút du lịch biển, đảo
Thời gian qua, du lịch từ biển, đảo đã góp phần giúp ngành du lịch nước ta khởi sắc, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách cả trong nước lẫn quốc tế. Theo các chuyên gia, hiện nay du lịch biển, đảo còn nhiều tiềm năng để phát triển. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định: Du lịch biển, đảo là một trong bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam.
Việt Nam có đường bờ biển dài từ Bắc vào Nam cùng rất nhiều bãi biển xinh đẹp. Nhiều địa điểm được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới. Trong đó, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Lần thứ nhất là vào năm 1994, vịnh Hạ Long được ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ theo tiêu chí của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới. Lần thứ hai vào năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được ghi danh vào danh sách Di sản Thiên nhiên thế giới theo tiêu chí về giá trị địa chất – địa mạo. Năm 2012, vịnh Hạ Long được trao tặng danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do tổ chức New Open World công bố. Các danh hiệu này đã “nối dài” cánh tay để vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung thu hút du khách quốc tế, phát triển du lịch.
Sức hấp dẫn của vịnh Hạ Long luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch biển, đảo Việt Nam.
Cho đến nay, sức hấp dẫn của vịnh Hạ Long vẫn luôn được duy trì, là một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch biển, đảo Việt Nam, thu hút không chỉ khách quốc tế mà còn phục vụ rất nhiều khách nội địa. Năm 2019, trước khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, vịnh Hạ Long đã đón 4,4 triệu khách, trong đó 2,9 triệu khách quốc tế, 1,5 triệu khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng. Năm 2022, ngành du lịch Quảng Ninh dự kiến đón 10 triệu khách (trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng) với khẩu hiệu “Quảng Ninh – điểm đến an toàn thân thiện, hấp dẫn, sẵn sàng đón bạn trở lại”.
Không chỉ có “di sản” vịnh Hạ Long hút du khách, các đảo ven bờ ở các địa phương ven biển nước ta cũng đã được khai thác, mang lại nhiều sản phẩm độc đáo, tăng trải nghiệm, thu hút khách cho du lịch Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Phương Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch): Đa phần các đảo ven biển Việt Nam đều có những bãi biển tuy không lớn nhưng rất hoang sơ, cát mịn. Nước biển trong xanh, độ cao sóng không quá lớn, thuận lợi cho hoạt động tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao dưới nước…
Cảnh quan các đảo khá đặc sắc, từ cảnh quan vũng vịnh ven biển, đảo; cảnh quan núi, đồi, trên các đá trầm tích, tùng, áng hồ trên núi; cảnh quan các bờ mài mòn (đảo Vĩnh Thực, Cô Tô, Thanh Lam, Bạch Long Vĩ, Thổ Chu..); cảnh quan núi lửa, có giá trị địa mạo, địa chất đặc trưng (như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý)… đến cảnh quan hang động, nhũ đá như hang Đầu Gỗ, Thiên Cung, Sửng Sốt (các đảo trên Vịnh Hạ Long), hang Quân Y, Trung Trang, Hoa Cương, hang Luồn (đảo Cát Bà)… Đặc biệt, một số đảo đã có khu bảo tồn sinh vật biển; đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Bái Tử Long… sở hữu vườn quốc gia với các giá trị về đa dạng sinh học, nguyên sinh, hệ động thực vật trên cạn, thủy sinh, rạn san hô quý hiếm, nơi bảo tồn về văn hóa lịch sử với một số di chỉ khảo cổ… Những nơi này phù hợp cho các hoạt động tham quan, khám phá, nghiên cứu thậm chí là du lịch mạo hiểm.
Nằm trong danh sách Top 4 vịnh đẹp nhất Việt Nam, vịnh Vĩnh Hy có lẽ là điểm đến “không được” bỏ lỡ khi ghé thăm mảnh đất đầy nắng và gió Ninh Thuận.
Các đảo ven biển nước ta đến nay còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử, lễ hội văn hóa, ẩm thực làng biển cùng hệ thống các làng nghề như nuôi, chế biến hải sản; đóng, sửa chữa tàu thuyền; mỹ nghệ, nuôi cấy ngọc trai… cũng là tiềm năng lớn để tạo ra các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), một số đảo lớn đã khai thác hoạt động du lịch như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà… Một số đảo nhỏ ven bờ cũng đã có hoạt động du lịch phát triển như Hòn Tre (Khánh Hòa), Tuần Châu (Quảng Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)… Đặc biệt, Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) là những đảo có hoạt động du lịch nổi bật nhất. Đây là hai đảo được đầu tư bài bản với định hướng đúng đắn về phát triển hạ tầng cũng như sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Phú Quốc và Côn Đảo đã đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam nhiều giải thưởng giá trị như: Giải thưởng khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới năm 2018 dành cho Sixsence Côn Đảo; Giải thưởng khu nghỉ dưỡng villa hàng đầu thế giới năm 2019 dành cho Premier Village Phú Quốc. Những giải thưởng này đã góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến các đảo Việt Nam giai đoạn 2015-2019 có tốc độ tăng trưởng 23%. Trong đó, năm 2019 có hơn 1,5 triệu khách ra các đảo, chủ yếu đến Cát Bà, Phú Quốc, một số đến Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Vân Đồn. Biển miền Bắc chủ yếu thu hút khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Đức, Hà Lan. Trong khi đó khu vực miền Trung được khách châu Âu, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Biển miền Nam phục vụ chủ yếu khách châu Âu, nhiều nhất là Anh, Italy, Pháp…
Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những điểm đến cuốn hút du khách.
Khách du lịch nội địa lựa chọn du lịch biển, đảo cũng tăng khoảng 23%/năm giai đoạn 2015-2019 và đạt 9,5 triệu lượt khách ra đảo vào năm 2019. Trong đó, 80 – 90% khách nội địa đến 2 đảo Phú Quốc và Cát Bà. Phần lớn khách đi nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch đến đảo ven biển lại tăng rất mạnh, đạt 63,37%/ năm giai đoạn 2015-2019.
Theo Tổng cục Du lịch, không chỉ dừng ở tiềm năng phát triển du lịch, hệ thống các đảo vùng ven biển Việt Nam còn giữ vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng. Việc khai thác tiềm năng đảo, ngoài đóng góp cho các ngành du lịch, kinh tế, còn góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ môi trường, nâng cao được nhận thức về chủ quyền quốc gia.
Dù là thế mạnh nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch biển, đảo nước ta vẫn còn có những hạn chế cần giải pháp hợp lý để khắc phục. Đó là việc phát huy giá trị tài nguyên biển mới chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Bên cạnh đó là việc xuất hiện nhiều vấn đề bất cập về môi trường; quy hoạch cần giải quyết hài hòa để du lịch biển, đảo phát triển bền vững, tăng được tính cạnh tranh nhờ các sản phẩm hấp dẫn, thân thiện với môi trường.
Vịnh Lan Hạ là một trong những địa điểm được du khách lựa chọn hàng đầu khi đến Hải Phòng.
Cụ thể, Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, du lịch khám phá thiên nhiên, ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng mùa đông… Nơi đây không chỉ có bãi biển đẹp mà còn có nhiều hang động, đảo nhỏ phù hợp để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá. Xét về tiềm năng, Cát Bà được ví như “đảo ngọc” của miền Bắc. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Cát Bà vẫn chưa thực sự bứt phá trong hành trình khai thác, tận dụng ưu thế để phát triển du lịch. Chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ và thời tiết, du lịch Cát Bà chỉ khởi sắc vào mùa cao điểm hè, còn từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, du lịch Cát Bà hầu như “ngủ đông”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hãng lữ hành, du lịch, Cát Bà hiện vẫn thiếu các cơ sở lưu trú, khách sạn chất lượng, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, bài bản. Bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Sun Group chia sẻ: Nhìn chung, cơ sở vật chất du lịch Cát Bà hiện thiếu sự quy hoạch đồng bộ, cơ sở hạ tầng về dịch vụ, lưu trú, ăn uống, giao thông còn lộn xộn, phát triển manh mún. Đặc biệt, thực trạng về tắc đường, tắc phà vào dịp cuối tuần, cao điểm; vấn nạn “chặt chém” du khách mùa cao điểm vẫn tái diễn, trở thành điểm trừ lớn nhất của Cát Bà.
Cũng theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, đến Cát Bà từ nhiều năm nay, lịch trình tour cho du khách vẫn chỉ quanh quẩn tắm biển, đi thuyền thăm vịnh Lan Hạ, chèo thuyền, câu mực đêm, tham quan pháo đài thần công, ăn hải sản, nghỉ dưỡng… Hoạt động du lịch đêm chỉ là dạo chợ hoặc đạp xe. Cát Bà còn thiếu những điểm vui chơi giải trí chất lượng, hấp dẫn nên chưa thể giữ chân du khách ở lại trải nghiệm dài ngày. Một số hoạt động như leo núi, khám phá Rừng Quốc gia Cát Bà thường chỉ thu hút thanh niên…
Phú Quốc cần phải đưa ra hướng giải quyết vấn đề môi trường phù hợp để phát triển du lịch bền vững.
Ở phía Nam, đảo ngọc Phú Quốc cũng là một hiện tượng của du lịch Việt Nam về tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ trong 5 năm (2014-2019), từ con số chưa đến 1 triệu lượt khách, đến năm 2019, Phú Quốc đã đón hơn 5 triệu lượt khách. Ở đây cũng nhanh chóng xây dựng nhiều khách sạn, resort nghỉ dưỡng sang trọng. Sản phẩm, trải nghiệm, dịch vụ du lịch mới liên tục được bồi đắp, nên du khách có thể ở Phú Quốc đến 5 ngày hoặc hơn thay vì chỉ 2-3 ngày như trước.
Tuy vậy, mỗi ngày ở Phú Quốc thải ra hàng trăm tấn rác nhưng năng lực thu gom mới chỉ đáp ứng trên 60%. Số rác thải chưa được thu gom và nước thải chưa qua xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Một số bãi biển đã bị ôm nhiễm khá nghiêm trọng do rác thải, gây ảnh hưởng tới cảm nhận của du khách về môi trường của Phú Quốc cũng như sự phát triển du lịch bền vững ở đây. Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển gồm các rạn san hô, thảm cỏ biển ở vùng lõi Khu Bảo tồn biển Phú Quốc cũng có dấu hiệu suy giảm về số lượng, chất lượng do việc đánh bắt, khai thác phục vụ du lịch quá mức…
Theo dự báo, đến năm 2030 du lịch Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu nhưng lượng chất thải rắn từ hoạt động du lịch và sinh hoạt sẽ tăng lên nhanh chóng. Do đó, Phú Quốc buộc phải đưa ra hướng giải quyết phù hợp để phát triển du lịch bền vững, không gây ảnh hưởng đến vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Hệ sinh thái san hô tự nhiên tại Hòn Yến, Phú Yên.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Một vài đảo hiện nay đang phát triển du lịch rất “nóng” như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo… Trong khi đó, rác thải, nước thải không được xử lý, bê tông hóa quá nhiều đã phá vỡ tính nguyên sơ…
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận định: Phát triển du lịch tại các đảo vùng ven biển Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số đảo đã phát triển như Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… thì nhiều đảo hiện nay còn hạn chế về điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, viễn thông. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; có nơi đầu tư du lịch tự phát, không theo quy hoạch…
Như vậy, với sự phát triển nhanh chóng của lượng khách hàng năm, hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trực tiếp tác động đến hệ sinh thái tự nhiên các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nước ven bờ bị thu hẹp…, làm cho môi trường biển, đảo địa phương đối mặt với có nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, yêu cầu về việc phát triển du lịch biển, đảo hài hòa, bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia; phát huy vị thế, vai trò chủ lực trong việc phát triển kinh tế biển bền vững đã và đang đòi hỏi phải có quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch thực sự chất lượng, hiệu quả. Thêm vào đó, Nhà nước phải có những chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao ở một số địa bàn trọng điểm; khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo và các chính sách liên quan khác để tạo sự phát triển đột phá.
Nhiều địa phương có biển, đảo đã quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ môi trường biển.
Bà Nguyễn Thị Phương Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch) cũng cho rằng, mỗi địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, có phương án xử lý rác thải, chất thải, nước thải phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm. Mặt khác, việc phát triển du lịch tại các đảo phụ thuộc khá lớn vào yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, địa chất, địa trấn… Do đó, các địa phương phải sẵn sàng phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn một cách linh hoạt, nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực đến khách du lịch…
Điều đáng mừng là nhiều địa phương có biển, đảo đã quan tâm, ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt là người dân, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã chủ động cùng chung tay vào việc thu gom rác thải, trả lại vẻ đẹp tự nhiên, “không rác thải” cho biển xanh.
Công nhân vệ sinh làm sạch bãi biển Nam Phú Quốc.
Các thành viên nhóm IT Phú Quốc và các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã kết nối để mang tư duy sống xanh, kết nối xanh vì môi trường biển, đảo Phú Quốc. Tất cả các thành viên ngoài nhặt rác, làm vệ sinh còn gửi thông điệp đến người dân và khách du lịch để cùng tôn trọng, bảo vệ môi trường Phú Quốc.
Mới đây, UBND huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa với nhiều hoạt động thiết thực. Huyện đã chính thức ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Hiện UBND huyện Côn Đảo đã bắt đầu triển khai kế hoạch hành động để đạt mục tiêu giảm 30% lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường đến năm 2025. Chính quyền huyện Côn Đảo tin tưởng rằng việc này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Côn Đảo – điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
Tỉnh Quảng Ninh, nơi có di sản Vịnh Hạ Long nổi tiếng cũng xác định tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững trên vịnh. Đặc biệt, tỉnh phối hợp với thành phố Hải Phòng lập hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, từ đó mở rộng ranh giới di sản, góp phần bổ sung thêm giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long…
Công nhân của Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà vớt rác trôi nổi trên mặt vịnh.
Năm Du lịch Quốc gia 2022 đang diễn ra tại Quảng Nam có chủ đề là “Du lịch xanh” với những hoạt động thiết thực nhằm truyền tải thông điệp về một vùng đất lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột. Thông qua đó, Quảng Nam cũng kêu gọi mọi người dân, du khách cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, góp phần gìn giữ hành tinh xanh cho các thế hệ tương lai. Du lịch Quảng Nam từ lâu đã thu hút du khách trong và ngoài nước, nổi tiếng với phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm… Tỉnh cũng đã phát triển nhiều làng du lịch cộng đồng đặc sắc dọc theo chiều dài hơn 100 km bãi biển, gắn với văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc.
Phát triển sản phẩm du lịch xanh, trong đó có du lịch biển, đảo sẽ là xu hướng du lịch tất yếu trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thông qua du lịch xanh, hài hòa, phát triển bền vững, con người sẽ đề cao ý thức tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.
Du khách lặn khám phá cổng Tò Vò dưới đáy biển thuộc đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Bài: Thanh Giang
Ảnh, đồ họa: TTXVN – TTXVN phát – Trung Nguyên
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà
11/06/2022 05:30