Sức mạnh “mềm” từ văn hóa và nghệ thuật ASEAN

Biên phòng – Vai trò của văn hóa và nghệ thuật Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây đã được các quốc gia thành viên đề cao tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa nghệ thuật ASEAN lần thứ 10 (AMCA 10).


Bộ trưởng Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket chủ trì AMCA 10. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Động lực phát triển bền vững

AMCA 10 và các hội nghị liên quan đã được tổ chức tại Thủ đô Vientiane của Lào vào cuối tuần trước theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket. Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng Văn hóa, Nghệ thuật của các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại AMCA 10, Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket nhấn mạnh, văn hóa và nghệ thuật là một trong những lĩnh vực quan trọng của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Đối với Lào, văn hóa và nghệ thuật đã đóng góp mạnh mẽ vào những thành tựu và nỗ lực hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nước này giai đoạn hậu Covid-19.

Thời gian qua, công tác văn hóa và nghệ thuật ASEAN luôn được coi trọng và trên thực tế có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia và nằm trong trụ cột văn hóa – xã hội ASEAN. Khu vực Đông Nam Á có sự đa dạng và độc đáo về văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, ngôn ngữ và tôn giáo. Từ thực tế, văn hóa và nghệ thuật cần được tích cực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên chặng đường tiến tới việc hiện thực hóa Kế hoạch Chiến lược ASEAN về Văn hóa và Nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội 2025 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các tuyên bố của ASEAN liên quan đến văn hóa và nghệ thuật. Những điều này sẽ nâng cao và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại, đặc biệt trong cơ chế hợp tác ASEAN+3, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản và ASEAN – Hàn Quốc.

Bà Viyaket khẳng định, dù các nước ASEAN có sự khác biệt nhưng người dân ASEAN luôn chung sống hòa bình, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và thường xuyên giao lưu thông qua cơ chế hợp tác ASEAN hiệu quả. Trên hết, các nước ASEAN luôn coi trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phong tục, điều này đã giúp tạo tạo nên bản sắc ASEAN, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia thành viên.

AMCA năm nay có chủ đề “Phát huy vai trò văn hóa và nghệ thuật ASEAN sau đại dịch Covid-19 vì sự phát triển bền vững”. Trong đó, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi các nội dung với mục tiêu nâng cao vai trò của văn hóa và nghệ thuật ASEAN, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Đồng thời, kế hoạch chiến lược về văn hóa và nghệ thuật ASEAN giai đoạn 2016 – 2025, Kế hoạch tổng thể cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN 2025 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025… là những nội dung nghị sự được tập trung trao đổi. Trong đó, AMCA nhấn mạnh việc định hình văn hóa và nghệ thuật là một trong những nguồn động lực quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững.

Sức mạnh “mềm” từ văn hóa

Tại hội nghị, các bộ trưởng cùng ghi nhận vai trò của văn hóa và nghệ thuật trong giai đoạn đỉnh cao của đại dịch Covid-19 là một trong những lĩnh vực có đóng góp tích cực cho phát triển bền vững. Các Bộ trưởng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng việc áp dụng kỹ thuật số trong nhiều lĩnh vực, tạo ra các hình thức văn hóa – xã hội và cơ hội kinh tế mới. Các bộ trưởng và đại biểu tham dự cũng đánh giá cao những nỗ lực của lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật ASEAN trong việc thích ứng với những thay đổi, tận dụng được các công nghệ kỹ thuật số để người dân ASEAN tiếp cận.


Đoàn Việt Nam tham dự AMCA 10. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đặc biệt, cùng hướng tới mục đích phát triển hơn nữa vai trò của văn hóa, văn nghệ, các bộ trưởng đã đề xuất sáng kiến cụ thể để văn hóa, nghệ thuật phục hồi nhanh sau đại dịch, trong đó kiến nghị các nước cần hỗ trợ tốt hơn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khai thác và phát huy trí tuệ, đẩy mạnh nghề thủ công của các địa phương, tăng cường áp dụng công nghệ mới trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Đáng chú ý, tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, văn hóa và nghệ thuật có vai trò nổi bật trong quá trình xây dựng chính sách phát triển bền vững của các quốc gia và cần tiếp tục khẳng định hơn nữa vai trò của văn hóa nghệ thuật trong tương lai bền vững của ASEAN.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông kiến nghị các quốc gia cùng nỗ lực, hợp tác tiếp tục gìn giữ, lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong ASEAN, hình thành sức mạnh “mềm” cho mỗi quốc gia từ văn hóa, tạo lợi thế phát triển kinh tế-xã hội cho toàn khu vực, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh, hợp tác hình thành, kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn trong ASEAN nhằm lan tỏa về hình ảnh các đô thị đáng sống từ văn hóa, nghệ thuật.

Mặt khác, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các nước dành ưu tiên phát triển văn hóa số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số nhằm tạo cơ hội và đòn bẩy để ASEAN bứt phá, phát triển.

Trong khuôn khổ AMCA 10, bộ trưởng các nước ASEAN và đối tác đã thông qua các văn kiện quan trọng, đặc biệt là Tuyên bố Siem Reap về thúc đẩy một cộng đồng ASEAN sáng tạo và thích ứng; Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Bảo vệ tài sản văn hóa… Tại hội nghị mở rộng với các nước đối tác ASEAN, các bên ghi nhận tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN+3 về hợp tác văn hóa, nghệ thuật 2022-2025, đặc biệt trong các lĩnh vực trao đổi văn hóa, quản lý di sản văn hóa và phát triển nguồn nhân lực.

Trong dịp này, AMCA 10 đã công nhận Thủ đô Vientiane của Lào là thành phố thứ 7 trong ASEAN được chọn là Thành phố Văn hóa ASEAN. Ngoài ra, Malaysia sẽ là quốc gia chủ trì tổ chức AMCA 11 và các hội nghị liên quan vào năm 2024. Giới chuyên gia nhìn nhận, ASEAN đang cho thấy sự coi trọng những nỗ lực cụ thể để thúc đẩy phát triển văn hóa hòa bình, đặc biệt là tăng cường sự hiểu biết liên văn hóa.

Thanh Trúc