Sức sống Văn hóa phi vật thể xứ Lạng
Đến hẹn lại lên, tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, các hoạt động biểu diễn văn hóa bản địa, trò chơi dân gian, bày bán các mặt hàng lưu niệm, hàng ẩm thực nông sản tại phố đi bộ thành phố Lạng Sơn lại nhộn nhịp, thu hút khách du lịch.
Đây cũng là dịp các nghệ nhân dân gian biểu diễn các tiết mục, khoe bản sắc văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc mình. Như hôm nay, nghệ nhân nhân dân Nông Thị Lìm và các diễn viên quần chúng huyện Cao Lộc biểu diễn những điệu then cổ phục vụ du khách và người dân. Chương trình đã để lại ấn tượng với nhiều du khách.
Chị Vũ Thị Hà, du khách đến từ Hải Phòng cho biết: Nhìn thấy các cô, các chị mặc những bộ trang phục truyền thống hát Then, hát Sli… và được thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương khiến tôi cảm thấy rất thú vị. Giờ lên Lạng Sơn đường xá đi lại cũng rất thuận tiện, vì vậy chuyến đi tới tôi sẽ dẫn cả gia đình đi theo”.
Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Địa phương cũng nghiên cứu, triển khai những đề án bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc như nghệ thuật hát Soóng Cọ của đồng bào Sán Chỉ, nghi lễ Then và múa Sư tử mèo của người Tày, Nùng… với mong muốn mang không gian văn hóa các dân tộc huyện Cao Lộc về thành phố Lạng Sơn biểu diễn để qua quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của huyện nói riêng, đồng thời góp phần nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người.
Cùng với Cao Lộc, từ năm 2018 đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực, chủ động tổ chức các sự kiện, tạo không gian phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các sự kiện không thể không nhắc tới như: Liên hoan hát Then – hát dân ca huyện Văn Lãng; liên hoan múa sư tử mèo huyện Bình Gia; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) huyện Bắc Sơn…
Riêng thành phố thủ phủ của Lạng Sơn tích cực quảng bá, giới thiệu đến du khách nét độc đáo của Di sản văn hóa Xứ Lạng thông qua việc tổ chức các sự kiện festival ẩm thực; trình diễn trang phục dân tộc, hát dân ca và trưng bày các món ăn truyền thống tại Phố đi bộ Kỳ Lừa vào các ngày cuối tuần. Đồng thời, tham gia trình diễn, trưng bày Di sản văn hóa tại các sự kiện ở trong và ngoài tỉnh…
Đưa then xuống phố, hay biểu diễn các tiết mục hát múa dân gian tại phố đi bộ là cách làm độc đáo của Lạng Sơn với mong muốn thổi luồng gió mới cho di sản văn hóa phi vật thể xứ Lạng. Thực tế cho thấy các sản phẩm du lịch văn hóa mang những nét truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn có sức hấp dẫn và níu kéo du khách trở lại Lạng Sơn. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà thông tin: Sở đã cụ thể hoá những chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh trong đó chú trọng khai thác những sản phẩm khác biệt về văn hóa để thu hút khách du lịch.
Trân trọng và phát huy tiềm năng di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển các tuyến giao thông trọng điểm, kết nối Lạng Sơn với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng như với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với mong muốn kết nối được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm các dịch vụ văn hóa du lịch Lạng Sơn.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được hơn 450 CLB văn hóa, thu hút trên 8.500 hội viên. Đây là một lực lượng nòng cốt để biểu diễn và truyền cảm hứng tới thế hệ trẻ về Di sản văn hóa phi vật thể vốn là niềm tự hào của người dân xứ Lạng.
Cùng đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng tích cực tham mưu xây dựng các đề án bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa như: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030; Đề án bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 – 2030…nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế, đóng góp GDP của chung của tỉnh.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bản quy hoạch mở rộng khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn và dự kiến triển khai đến năm 2025 sẽ hoàn thành. Khi đi vào hoạt động, khu du lịch Mẫu Sơn được kỳ vọng có nhiều dịch vụ du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, du lịch tín ngưỡng tâm linh, du lịch gắn với cửa khẩu, mua sắm và đặc biệt khai thác tối đa nét đẹp văn hóa độc đáo trong phong tục truyền thống bản địa, những di sản văn hóa không thể thiếu trong kho tàng văn hóa Lạng Sơn.
Đây là cách quảng bá du lịch, đưa hình ảnh, đất nước con người Lạng Sơn nói riêng và góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đồng thời là cơ sở để Lạng Sơn thúc đẩy du lịch văn hóa với kỳ vọng sẽ đón trên 1,4 triệu lượt khách vào năm 2030 và doanh thu ước đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm.