TẾT NGUYÊN ĐÁN – NHỮNG CÂU CHUYỆN TƯỞNG CŨ MÀ KHÔNG
TẾT NGUYÊN ĐÁN – NHỮNG CÂU CHUYỆN TƯỞNG CŨ MÀ KHÔNG
-
Dọn nhà đón tết – chuyện không của riêng ai
Tết Nguyên Đán là được gọi là “ngày làm mới” chính vì vậy mà việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp nhà cửa. Các gia đình ở Việt Nam đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ vật sạch sẽ trong những ngày cuối năm với ý nghĩa sắp xếp lại những điều chưa ổn thoải, xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn.
-
Những món ăn nên kiêng trong ngày đầu năm mới?
Cùng với những món ăn truyền thống, với mỗi vùng miền lại có những món ăn kiêng kỵ ngày Tết khác nhau với mong muốn có được một năm mới bình an và may mắn. Người Việt Nam thường có câu: “Có thờ có kiêng, có kiêng có lành”, dưới đây là những món ăn mà bạn nên tránh xa vào dịp đầu năm.
Thịt chó
Thịt chó là một thực phẩm giàu đạm nhưng đây lại là món ăn tượng trưng cho sự xui xẻo mà chúng ta nên tránh xa trong dịp Tết.
Mực
Mực cũng là loại thực phẩm có trong danh sách “đen” của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ quan niệm “đen như mực” của ông cha ta từ nhiều năm trước.
Thịt vịt
Cùng với thịt chó, thịt vịt cũng là biểu tượng cho sự đen đủi. Thường đầu năm hoặc đầu tháng, mọi người thường kiêng sử dụng món ăn này trong bữa ăn của gia đình mình.
Vịt lộn
Trứng vịt lộn cũng là món ăn thường được kiêng trong những ngày đầu năm, đầu tháng bởi quan niệm mang đến những điều xui xẻo.
Cá mè
Đối với người miền Bắc và người miền Trung, cá mè thường có nghĩa là “mè nheo”. Loại cá này còn khá tanh và nhiều xương nên người ta cho rằng ăn cá mè đầu năm thì cả năm sẽ bị “hãm tài”, đen đủi.
Tôm
Nếu người miền Bắc không kiêng kỵ tôm vào ngày Tết thì người miền Nam lại rất ít sử dụng món ăn này. Người miền Nam cho rằng tôm đầu to và đi giật lùi, nếu ăn tôm vào đầu năm sẽ khó “đầu xuôi, đuôi lọt”. Mọi việc trong năm mới sẽ không thể thuận buồm xuôi gió, không thăng tiến và phát tài phát lộc được.
Đu đủ
Người miền Bắc hoặc miền Nam đều quan niệm đu đủ là thứ không thể thiếu trong mâm ngũ quả, mang đến một năm đầy đủ, sung túc. Tuy nhiên, người miềnTrung lại kiêng ăn quả này.
Chuối
Với người miền Bắc, chuối là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả thì với người miền Nam lại tránh ăn chuối những ngày đầu năm do sợ ảnh hưởng đến việc thăng tiến.
Những món ăn chua, cay, chát, mặn
Đầu năm mới nhiều người thường chọn những món ăn có hương vị ngọt ngào và kỵ những món chua, cay, chát, mặn để mong cả năm cũng được hưởng những điều ngọt ngào và trọn vẹn, tránh xa đau khổ, chua chát.
Sầu riêng
Sầu riêng là món ăn thơm ngon bổ dưỡng nhưng lại rất kỵ ăn vào ngày đầu năm vì nhiều người sợ ăn vào sẽ gặp nhiều chuyện buồn khiến cả năm u sầu, đau khổ.
-
Vì sao ba mẹ thường không cho xuất hành vào ngày mùng 5?
Dân gian từ xưa cho đến nay vẫn có phong tục xem ngày tốt xấu rồi mới “hành sự”. Đây cũng là một trong những lí do dẫn đến kiêng kị trên. Cụ thể các cụ đã phát hiện một sự thật rằng các ngày 5-14-23 cộng lại đều bằng 5 (1+4=5, 2+3=5) mà theo quan niệm xưa số 5 thường được coi như sự nửa vời, không trọn vẹn nên những ngày này thường được gọi là “nửa đời, nửa đoạn” làm gì cũng giữa chừng, khó đạt được mục tiêu. Chính vì vậy mà ba mẹ thường kiêng không cho con cháu trong nhà xuất hành vào ngày mùng 5
“Mùng năm, mười bốn, hai ba
Đi chơi cũng thiệt huống hồ đi buôn”.
-
Tại sao ba mẹ luôn cúng tất niên?
Cứ vào những ngày giáp Tết là trên mọi miền đất nước đi đâu người ta cũng thấy những mâm cỗ cúng cuối năm với khói hương quyện tỏa, đèn nến linh thiêng, lễ vật ấm cúng gợi nhắc cho mọi người thấy nôn nao trong lòng về một cái Tết sắp đến.
Lễ cúng Tất niên được vào những ngày giáp Tết âm lịch đã là một nghi lễ truyền thống nó thể hiện một nếp sống tâm linh của người Việt. Sau một năm làm ăn vất vả, đầu tắt mặt tối đôi khi quên bặc đi người khuất mặt, kẻ khuất mày nên cứ mỗi khi vào những ngày cuối năm cuối tháng chuẩn bị đón Tết thì mọi người đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất, trang nghiêm trước để cúng tất niên sau là để chuẩn bị đón Tết cho thật ấm cúng.
Lễ cúng Tất niên – cuối năm có nhiều ý nghĩa sâu sắc nhưng chủ yếu vẫn là tấm lòng tri ân của người đang sống với Phật thánh, thần linh và người khuất mặt khuất mày đã gia hộ độ trì cho gia đạo một năm bình an.
-
Mùa thi khuyên kiêng ăn trứng mà mùa tết nhà lại có nồi thịt kho hột vịt?
Thịt kho tàu là món ăn hiếm hoi xuất hiện trong cả thực đơn hàng ngày lẫn mâm cỗ Tết. Với thịt, trứng, vị đậm đà, màu sắc bắt mát, món ăn này mang đến sự ấm cúng, sum vầy. Sự hoà hợp các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Hương vị và ý nghĩa đã khiến thịt kho tàu trở nên quen thuộc và trường tồn cùng Tết Việt.
-
Tết Nguyên Đán – cái hồn văn hóa Việt
Tết Nguyên Đán – hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết. “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”. Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương “Tết Ta”, là để phân biệt với “Tết Tây” (Tết Dương lịch).
Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình.
Tết Nguyên Đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp. Chính vì vậy mà từ ngàn xưa Tết nguyên đán luôn được xem là cái hồn của văn hóa Việt.
Chia sẻ bài viết này