THE PRINTER

Văn hoá truyền thống phương Đông – Một số đặc điểm và những hạn chế cần khắc phục trước xu hướng hội nhập quốc tế

Phương Đông là nơi xuất hiện sớm các nền văn hoá – văn minh mà tiêu biểu là Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, Arập.

Các nền văn hoá – văn minh phương Đông thường xuất hiện gắn liền với các dòng sông – nơi con người có thể “bám” vào đó để sinh tồn.

Với khởi nguồn và điều kiện ra đời như vậy, văn hoá truyền thống phương Đông có một số đặc điểm tiêu biểu, khác với văn hoá phương Tây. Bài viết này đi sâu vào những đặc điểm chủ yếu như sau:

– Văn hoá phương Đông mang nặng tính chất nông nghiệp – nông thôn. Đây là đặc điểm quan trọng nhất, mang tính chất loại hình.

– Về tư tưởng triết học và phương thức tư duy, phương Đông thiên về “chủ toàn” và tổng hợp.

– Trong quan hệ giữa người với người, văn hoá phương Đông nặng về tính cộng đồng và cách ứng xử tình cảm, mềm dẻo.

– Trong quan hệ ứng xử với thiên nhiên, phương Đông nghiêng về hoà đồng, thuận tự nhiên.

– Về phương thức sống, văn hoá truyền thống phương Đông trọng tĩnh, hướng nội và khép kín.

Đồng thời với những mặt tích cực, văn hoá truyền thống phương Đông cũng có những mặt hạn chế, khiếm khuyết. Trong xu hướng hội nhập hiện nay, những mặt hạn chế của văn hoá phương Đông cần được khắc phục càng nhanh càng tốt. Sự phát triển “thần kì” của Nhật Bản và sự bứt phá ngoạn mục của những con rồng châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Công, Đài Loan đã phần nào minh chứng cho sự thành công của phương Đông trong quá trình khắc phục những yếu tố tiêu cực và hoà nhập nhanh vào thế giới hiện đại.

5

Xét về vùng lãnh thổ, phương Đông ngày nay được hiểu là khu vực bao phủ toàn bộ châu Á và phần Đông Bắc châu Phi. Mặc dù khái niệm Đông phương học (Oriental Studies) xuất phát từ phương Tây song vai trò của Đông phương học nói chung, văn hoá phương Đông nói riêng càng ngày càng được giới khoa học thế giới khẳng định và quan tâm. Ngày nay, xét trên nhiều góc độ như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá,… phương Đông chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nói đến phương Đông, người ta không thể không nhắc đến những nền văn hoá – văn minh nổi tiếng như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Arập, Trung Hoa, không thể không nhắc đến Nho giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Hinđu giáo và hàng loạt tín ngưỡng bản địa mang màu sắc phương Đông. Nói đến phương Đông, người ta cũng nhắc ngay đến các đại ngữ hệ như Nam Á, Nam đảo, Hán – Tạng, Thái – Kađai, Antai…; đến những công trình văn hoá kì vĩ như Ăngco Voat, Vạn lí trường thành, Borobudur, các kim tự tháp Ai Cập… Và, từ góc nhìn văn hoá hiện đại, phương Đông còn làm cho thế giới ngạc nhiên về “sự thần kì Nhật Bản”, về hàng loạt các con rồng châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… Tóm lại, phương Đông là một khu vực văn hoá có “bản sắc” riêng cả về phương diện truyền thống lẫn hiện đại.

Văn hoá truyền thống phương Đông có nhiều mặt tốt song không phải không có những hạn chế. Trên con đường hội nhập quốc tế, những hạn chế của văn hoá phương Đông có thể làm cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia phương Đông. Người viết xin trình bày trong báo cáo này những đặc điểm chủ yếu của văn hoá phương Đông và một số hạn chế cần khắc phục.

I. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ VÀ CÁC NỀN VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG

1. Phương Đông là nơi có điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng. Vì vậy, ngay từ khi có xã hội loài người, nơi đây đã từng là khu vực sinh tồn của bầy người nguyên thuỷ. Rồi theo sự phát triển của lịch sử, ở phương Đông dần dần xuất hiện công xã thị tộc, bộ lạc và sau đó là các nhà nước.

Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định một cách chắc chắn rằng phương Đông là nơi xuất hiện những nhà nước chiếm hữu nô lệ tối cổ. Các nhà nước ấy chính là các nền văn minh xét trên góc độ văn hoá. Người ta thường nói đến bốn nền văn hoá – văn minh Phương Đông: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc. Và có một nét đặc biệt là những nhà nước gắn liền với các nền văn hoá – văn minh phương Đông thường xuất hiện trên lưu vực những dòng sông lớn từ bờ biển phía đông Địa Trung Hải đến bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: Lưu vực sông Nin ở Ai Cập; lưu vực Lưỡng Hà tạo bởi sông Tigrơ (Tigre) và Ơphơrat (Euphrate) cùng chảy ra vịnh Pecxich; lưu vực đồng bằng bắc Ấn Độ tạo bởi sông Ấn (Hindus) và sông Hằng (Gangga); và lưu vực hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử (Trường Giang) tạo ra vùng đồng bằng Hoa Bắc và Hoa Trung màu mỡ. Phân lập các lưu vực rộng lớn nói trên là những hệ thống núi non trùng điệp và những sa mạc mênh mông: sa mạc Arập ở đông Ai Cập, dãy núi Zagrôt ở phía đông Lưỡng Hà, dãy Himalaya và cao nguyên Pamir ở bắc và đông bắc Ấn Độ, rồi vùng sa mạc Nội Mông, Ngoại Mông ở bắc và tây bắc Trung Hoa. Địa thế hiểm trở cùng với những phương tiện giao thông hết sức hạn chế thời đó đã làm cho các nền văn hoá – văn minh cổ đại phương Đông xuất hiện và phát triển một cách tương đối độc lập, vì vậy mỗi nền văn hoá – văn minh có tính chất độc đáo riêng và mang dấu ấn dân tộc đậm đà [Chiêm Tế, 2000, 63 – 64].

Nói chung, các lưu vực sông ở phương Đông nói trên đều tạo thành những đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu, rất phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp. Những “hằng số” tự nhiên đó là: thuỷ lượng cao, khí hậu ấm áp, đất đai màu mỡ, dễ canh tác. Chính vì vậy cư dân các khu vực nói trên đã sớm gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa nước. Bên cạnh trồng trọt, các gia đình còn chăn nuôi gia súc và gia cầm, một số làm các nghề thủ công như sản xuất nông cụ, dệt vải, làm đồ gốm, v.v. Tuy nhiên nghề thủ công phương Đông chỉ có tính chất bổ trợ cho nền kinh tế khép kín của làng xã, không phát triển thành kinh tế hàng hoá thị trường. Như vậy là kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của các quốc gia phương Đông.

2. Phương Đông bước vào xã hội chiếm hữu nô lệ – xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử phát triển của nhân loại – tương đối sớm. Điều này cũng dễ hiểu. Như trên đã nói, nông nghiệp ở phương Đông ra đời sớm và giữ vai trò chủ đạo. Khi nông nghiệp phát triển thì tổ chức xã hội cũng phát triển, dẫn đến việc xã hội sớm phân hoá thành giai cấp và hệ quả là nhà nước sớm ra đời. Thời gian xuất hiện nhà nước phương Đông cổ đại sớm nhất (dưới hình thức nhà nước chiếm hữu nô lệ) là vào khoảng thế kỉ thứ IV TCN. Dĩ nhiên các nhà nước chiếm hữu nô lệ không ra đời cùng một lúc và cũng không chấm dứt cùng một lúc. Ra đời sớm nhất là nhà nước chiếm hữu nô lệ ở Ai Cập và Lưỡng Hà (thế kỉ thứ IV TCN), sau đó mới đến các nhà nước ở khu vực sông Ấn, sông Hằng và Hoàng Hà, Dương Tử (thế kỉ thứ III TCN). Về sự “lụi tàn” của các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông cũng tương tự. Nếu như đế quốc Ba Tư ở vùng Trung Cận Đông sụp đổ ngay từ thế kỉ thứ IV TCN thì nhà nước cổ đại Ấn Độ còn kéo dài mãi đến tận những thế kỉ đầu công nguyên.

Các nhà nước cổ đại phương Đông không chỉ có những đặc trưng chung của một xã hội chiếm hữu nô lệ mà còn có những đặc điểm riêng mang màu sắc phương Đông, như sau [Chiêm Tế, 2000, 65 – 66].

– Do các quốc gia cổ đại phương Đông ra đời ở thời kì mà sức sản xuất xã hội đang còn ở trình độ thấp kém, tức là ở giai đoạn cuối của thời đại đồ đá mới, nên xã hội chiếm hữu nô lệ không thể phát triển nhanh chóng, khiến các quốc gia đó, nói chung, không trở thành những xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành thục và điển hình.

– Sự tồn tại dai dẳng và ngoan cố của các tổ chức công xã nông thôn, tàn tích của xã hội thị tộc thời nguyên thuỷ, và sự phát triển rất yếu ớt của chế độ tư hữu về ruộng đất trong các xã hội cổ đại phương Đông. Nói như C. Mac (trong thư gửi Ph. Ăngghen ngày 2–6–1853): “Việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất là cơ sở của tất cả các hiện tượng ở phương Đông”. Ăngghen cũng có nhận xét tương tự khi ông viết (trong thư gửi lại cho C. Mac ngày 6–6–1853): “Việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất thực sự là chiếc chìa khoá để hiểu toàn bộ phương Đông”.

– Sự bảo tồn lâu dài của chế độ nô lệ gia trưởng và của các hình thức áp bức, bóc lột kiểu gia trưởng, việc sử dụng lao động của nô lệ chưa được phổ cập trong các ngành sản xuất xã hội và vai trò của nô lệ trong sản xuất kinh tế chưa chiếm vị trí chủ đạo. Nô lệ phương Đông không phải là lực lượng chính làm ra của cải vật chất. Tuyệt đại đa số nô lệ được sử dụng để hầu hạ, phục dịch trong các gia đình quan lại, chủ nô quyền quý. Điều này cũng dễ hiểu bởi ở các quốc gia nông nghiệp phương Đông, nhà nước bóc lột nông dân là chính, bằng chế độ lao dịch, thuế khoá.

Ảnh chỉ mang tính minh họa; nguồn: Internet

– Sự xuất hiện và phát triển mạnh của một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt – nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền – gọi là chủ nghĩa chuyên chế phương Đông. Các quốc gia phương Đông sở dĩ thiết lập được thiết chế chính trị này bởi vua các nước đó nắm được quyền sở hữu tối cao về ruộng đất và về thần dân trong cả nước. Có thể nói khắp dưới gầm trời không đâu không phải đất nhà vua, khắp dưới mặt đất không đâu không phải thần dân của nhà vua [Cao Liên, 2003, 29]. Do nắm được tư liệu sản xuất là toàn bộ ruộng đất nên các nhà vua đã dùng nó để ràng buộc các thần dân và nắm trọn quyền chính trị. Một lí do nữa về sự tồn tại của nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền là yêu cầu của việc trị thuỷ, đắp đê phòng lụt, bảo vệ mùa màng. Nhu cầu này đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào trung ương để có thể huy động được sức người sức của, nhân tài vật lực. Ngoài ra các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông còn phải tiến hành các cuộc chiến tranh để mở rộng bờ cõi hoặc bảo vệ lãnh thổ của mình, do đó cũng cần phải tập trung quyền lực vào tay trung ương để huy động lực lượng vật chất và tinh thần.

Tóm lại, với bộ máy bạo lực to lớn, với việc đề cao đến mức thần thánh hoá nhà vua, các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã phục vụ đắc lực cho giai cấp chủ nô, bảo vệ quyền lợi và tài sản của giai cấp thống trị, đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, giữ vững địa vị thống trị của chủ nô. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã làm nòng cốt cho nhân dân xây dựng, phát triển được những nền văn hoá đa dạng, độc đáo, với nhiều thành tựu rực rỡ về chữ viết, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên, triết học, v.v. và hàng loạt những công trình văn hoá vật chất đồ sộ vẫn sống mãi với thời gian. Những thành tựu văn hoá rực rỡ ấy đã làm cho các quốc gia cổ đại phương Đông trở thành những trung tâm của các nền văn hoá – văn minh thế giới cổ đại.

3. Vào những năm cuối cùng TCN hoặc những năm đầu công nguyên, nhìn chung các quốc gia phương Đông đều kết thúc chế độ nô lệ và lần lượt chuyển sang xã hội phong kiến.

Vào thời kì trung đại, nền kinh tế chủ yếu của các nhà nước phong kiến phương Đông vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, tự cung tự cấp. Trong xã hội phong kiến, giai cấp phong kiến quý tộc và sau này thêm tầng lớp địa chủ, là giai cấp nắm tư liệu sản xuất, nắm ruộng đất nên là giai cấp thống trị. Giai cấp bị trị là nông dân. Ở phương Đông, khi kinh tế phong kiến là điền trang thái ấp thì nông dân chịu thân phận nông nô còn khi kinh tế phong kiến chuyển sang hình thức địa chủ thì nông dân trở thành tá điền.

Trong các nhà nước phong kiến phương Đông, nhà nước phong kiến Trung Hoa là một điển hình. Đặc trưng của kiểu nhà nước này là có một chính thể quân chủ chuyên chế tập quyền cao độ, hoàn hảo. Dưới chế độ phong kiến, vua là người nắm trong tay toàn bộ quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vua được mệnh danh là Thiên tử. Và bộ máy nhà nước do vua đứng đầu có một uy quyền vô cùng to lớn.

Trong lịch sử, chế độ phong kiến phương Đông tồn tại dai dẳng: khoảng 20 thế kỉ (Tính từ đầu công nguyên đến những năm đầu của thế kỉ XX). Thời điểm bắt đầu thoái hoá của của các nhà nước phong kiến phương Đông có thể tính từ thế kỉ XVI – XVII trở đi. Vào thời điểm đó, giai cấp phong kiến phương Đông trở nên phản động, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Các nhà nước phong kiến phương Đông vẫn duy trì tình trạng kinh tế tự cung tự cấp, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bóp chết những mầm mống của nền kinh tế hàng hoá và những quan hệ sản xuất mới – quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hơn nữa các nhà nước còn thi hành chính sách bế quan toả cảng, đóng cửa, không giao lưu với thế giới bên ngoài. Trong khi đó thì cũng đúng vào thời điểm ấy, các nước phương Tây tiến hành cách mạng tư sản, xác lập chủ nghĩa tư bản và tiến hành xâm lược các nước nhằm mở rộng thị trường mà đối tượng được chúng “để mắt đến” chính là các quốc gia phương Đông. Khi cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây nổ ra, giai cấp phong kiến phương Đông nói chung đều nhân nhượng, thoả hiệp và đầu hàng. Do vậy từ thế kỉ XVI đến XIX, trừ Nhật Bản, tất cả các nước phương Đông đều bị biến thành nước nửa thuộc địa hoặc thuộc địa của các nước tư bản phương Tây.

Nhìn chung, trong chế độ phong kiến, các nền văn hoá phương Đông vẫn toả sáng. Những “chiếc nôi” văn hoá cổ đại phương Đông vẫn có sức lan toả mạnh mẽ ra các khu vực xung quanh: Nhiều yếu tố văn hoá Ấn Độ được truyền bá sang Đông Nam Á, Tây Tạng, Bắc Á, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới; văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản, Korea, Việt Nam và các nước khác; Văn hoá Ai Cập – Lưỡng Hà mặc dù tồn tại không lâu song những thành tựu của nó không chỉ có ảnh hưởng trong khu vực mà còn toả sáng ra các khu vực khác của thế giới, v.v. Cùng với sự lan toả của các nền văn hoá cổ đại là sự xuất hiện của các nền văn hoá mới như Arập, Nhật Bản, Korea, v.v. Bức tranh văn hoá phương Đông, do vậy càng phong phú, đa dạng, nhiều sắc vẻ. Thêm nữa, vừa đấu tranh chống lại sự đô hộ của chủ nghĩa tư bản phương Tây, các dân tộc phương Đông vừa tiếp thu những yếu tố văn hoá mới, tiến bộ từ phương Tây để làm giàu cho vườn hoa văn hoá của dân tộc mình. Bức tranh văn hoá phương Đông từ đây càng ngày càng rực rỡ sắc màu.

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia phương Đông lần lượt giành được độc lập dân tộc. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, từ đây các nền văn hoá dân tộc phương Đông như một vườn hoa được chăm sóc cẩn thận và khoa học nên phát triển tốt tươi và đượm nhiều hương sắc. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia phương Đông.

II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG

Văn hoá phương Đông rất rộng lớn về quy mô, lãnh thổ, rất đa dạng về màu sắc và có sự tồn tại rất lâu dài về mặt lịch sử. Khái quát cho đúng, cho hết những đặc điểm của văn hoá phương Đông quả là một công việc không hề đơn giản, nếu không nói là hết sức khó khăn. Đây là vấn đề phức tạp và còn phải nghiên cứu nhiều. Ở đây chúng tôi mới chỉ tập hợp và nêu lên một số nhận xét bước đầu.

1. Văn hoá phương Đông mang đậm tính chất nông nghiệp – nông thôn

Theo chúng tôi, tính chất nông nghiệp – nông thôn là đặc điểm nổi bật nhất, là bản sắc dễ thấy nhất của văn hoá phương Đông. Đặc điểm này thuộc về loại hình văn hoá: Văn hoá phương Đông chủ yếu là văn hoá gốc nông nghiệp, trong khi văn hoá phương Tây chủ yếu thuộc loại hình gốc du mục và thương nghiệp. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là trong văn hoá phương Đông không có các yếu tố du mục và thương nghiệp (như đã thấy qua việc khảo sát các khu vực văn hoá phương Đông vừa trình bày ở trên) nhưng nhìn một cách tổng thể thì bản sắc nông nghiệp – nông thôn là nét chủ đạo.

a) Xã hội phương Đông, như đã trình bày ở các trang trước, là xã hội nông nghiệp. Nền sản xuất cổ truyền của các xã hội phương Đông về cơ bản đều là nền sản xuất nông nghiệp. Điều kiện địa lí tự nhiên của các quốc gia phương Đông nói chung đều thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Biểu hiện rõ nhất của các điều kiện này là sự có mặt của những con sông lớn: Sông Nin ở Bắc Phi; sông Tigrơ, sông Ơphơrat ở Tây Á; sông Ấn (Hindus), sông Hằng (Gangga) ở Ấn Độ; sông Hoàng Hà, sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Quốc; sông Mêcông ở bán đảo Trung – Ấn, sông Mênam ở Thái Lan, sông Hồng ở Trung Quốc, Việt Nam, v.v. Lưu vực các con sông này tạo ra những đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của phương Đông và thế giới. Và cũng chính từ các dòng sông ấy đã xuất hiện các nhà nước cổ đại – các nền văn hoá – văn minh phương Đông. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đưa ra các cụm từ như “văn minh sông Hồng”, “văn minh sông Mã”, “văn minh sông Ấn – sông Hằng”, v.v. Có thể nói, ngay từ đầu, văn hoá – văn minh phương Đông đã là văn hoá – văn minh nông nghiệp. Và đặc điểm này “đeo đuổi” văn hoá phương Đông cho đến tận ngày nay.

Không chỉ trong lịch sử xa xưa, ngày nay nông nghiệp vẫn phổ biến ở nhiều quốc gia phương Đông. Các nhà khoa học cho biết rằng hiện nay 90% diện tích trồng lúa trên thế giới nằm ở châu Á và sản lượng lúa gạo tại châu Á bằng 92% tổng sản lượng của thế giới. Như vậy rõ ràng là sản xuất nông nghiệp gắn chặt với các quốc gia phương Đông, và đó là cơ sở tạo ra loại hình văn hoá gốc nông nghiệp, tạo ra bản sắc nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông.

b) Tính chất nông nghiệp – nông thôn được thể hiện ở rất nhiều bình diện văn hoá và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của các nền văn hoá phương Đông.

Những biểu hiện của tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông rất đa dạng. Có thể nêu ra ở đây một vài ví dụ.

Trước hết xin nói về văn hoá vật chất liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, đó là ăn, mặc, ở, đi lại.

Nguồn lương thực chính của người phương Đông chủ yếu là lúa gạo và các loại ngũ cốc do nền sản xuất nông nghiệp tạo ra. Người phương Đông thường ăn cơm với các loại thực phẩm mang tính tự cung tự cấp như rau, cá và một số loại thịt gia cầm. Các loại gia vị, hương liệu như ớt, tiêu, rau thơm, cari, v.v. vốn là sản phẩm của sản xuất nông nghiệp cũng được dùng phổ biến ở nhiều nơi. Vì thực phẩm mang tính tự cung tự cấp nên thường tươi, sống và người dân thường ăn nóng.

Cách ăn mặc của cư dân phương Đông cũng phù hợp với công việc sản xuất nông nghiệp: Nói chung mặc ấm về mùa lạnh (hoặc ở xứ lạnh) và mát mẻ về mùa nóng (hoặc ở xứ nóng); mặc gọn gàng, tiện lợi (khố, váy, v.v.).

Nói chung, trừ một số khu vực dân cư theo loại hình kinh tế du mục nên ở lều di động, đa số cư dân còn lại sống trong một ngôi nhà cố định. Đó có thể là nhà “nửa nổi nửa chìm”, tức là đào sâu xuống lòng đất một chút, hoặc là ngôi nhà sàn tiện lợi về mọi mặt.

Trong số các phương tiện đi lại thì thuyền phổ biến ở nhiều nơi, và hình thức di chuyển này ở phương Đông rõ ràng trước hết gắn với nông nghiệp – nông thôn sau đó mới đến yếu tố thương mại.

Không chỉ gắn liền với những yếu tố văn hoá mang “tính vật chất” phục vụ trực tiếp đời sống thường nhật của con người như vừa trình bày ở trên, tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông còn được biểu hiện ở các tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá dân gian rất độc đáo của khu vực.

Có thể nói bao trùm lên đời sống cư dân nông nghiệp phương Đông là niềm tin tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hoá dân gian như biểu diễn âm nhạc, múa hát, lễ hội… Tín ngưỡng là cội nguồn của lễ hội. Trong lễ hội thường diễn ra các trò chơi và các hoạt động ca múa dân gian. Lễ hội vừa là dịp tiến hành các nghi lễ có tính ma thuật để cầu xin thần linh giúp đỡ, xua đuổi tà ma, vừa là dịp để người dân vui chơi giải trí. Tín ngưỡng và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian luôn gắn với cuộc sống của cư dân nông nghiệp, phản ánh sâu sắc nhịp điệu lao động và đời sống tinh thần phong phú của người dân. Tín ngưỡng bản địa và các lễ hội đã trở thành một nhân tố văn hoá đặc sắc gắn bó với các giá trị văn hoá nông nghiệp – nông thôn cổ truyền phương Đông.

Trong số các loại tín ngưỡng tồn tại ở phương Đông, phổ biến nhất là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ở thời kì sơ khai khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển, gần như tất cả đều phụ thuộc vào thiên nhiên, vào ý Trời. Vì vậy, ở khắp nơi, từ Đông Bắc Phi – Tây Á đến đất nước mặt trời mọc, các quần đảo Đông Á, từ Bắc Á rồi lưu vực sông Hoàng Hà rộng lớn cho đến các đảo cực nam Indonesia, v.v. đâu đâu người ta cũng thờ cúng các vị Thần liên quan đến sản xuất nông nghiệp như Thần Mặt trời, Thần Đất, Thần Nước, Thần Lúa, Thần Gió, Thần Sông…

Gắn liền với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là hàng loạt các lễ hội nông nghiệp như lễ hội té nước, lễ hội cầu mưa, cầu nắng, hội đua thuyền, lễ tịch điền, lễ hội mừng được mùa…

Ngoài tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, một loại tín ngưỡng nữa cũng khá phổ biến là tín ngưỡng phồn thực. Với ý nghĩa “phồn” – “nhiều”, “thực” – “nảy nở”, tín ngưỡng này mang triết lí sống điển hình cho cư dân nông nghiệp luôn hướng tới sự sinh sôi, là ước mong duy trì và phát triển sự sống. Trong cuộc sống lấy nghề nông làm vi bản, người dân không có mong muốn gì hơn là mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn, gia đình, con cái đông đúc đề huề. Để phát triển, theo qui luật tự nhiên cần có sự kết hợp giữa hai yếu tố khác loại là mẹ và cha, trời và đất. Bắt đầu từ thực tế cuộc sống, con người nông nghiệp phương Đông đã nâng tư duy phồn thực trở thành một tín ngưỡng quan trọng, gắn nó với hàng loạt nghi thức và lễ hội đa dạng, sống động. Những tín ngưỡng và lễ hội này vừa mang tính chất nguyên sơ, chân thực và thiêng liêng trong tâm thức vừa phản ánh tính chất đặc trưng chung của văn hoá nông nghiệp phương Đông.

Ảnh: Internet

Tín ngưỡng và lễ hội phồn thực được biểu hiện ở hai khía cạnh chủ yếu: thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối. Biểu hiện thờ sinh thực khí có ở nhiều nơi. Nhiều tượng, tháp, hình trụ,… được tạc, đắp theo hình các sinh thực khí nam nữ. Ở Ấn Độ và hàng loạt nước Đông Nam Á, người ta đều tìm thấy rất nhiều linga (sinh thực khí nam). Ngay ở thủ đô Seoul hiện đại ngày nay, ở nhiều nơi, kể cả trước cửa khách sạn cao sao, người ta cũng có thể trưng bày các hình sinh thực khí được đắp rất to. Một số nhạc cụ như chiêng, trống, dùi trống,… cũng mang ý nghĩa biểu tượng của các sinh thực khí. Cũng có khi người ta lại lấy ngay những vật có sẵn hình sinh thực khí trong tự nhiên để thờ cúng. Chẳng hạn, cột đá hình sinh thực khí nam thờ ông Đùng ở Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hoà Bình hay kẽ nứt Lỗ Lường hình sinh thực khí nữ được thờ ở Sở Đầm, Hòn Đỏ, Khánh Hoà…

Tính chất nông nghiệp – nông thôn còn được thể hiện qua các sinh hoạt văn hoá dân gian như hát múa, biểu diễn âm nhạc. Các hình thức như hát đối (nhất là hát đối nam nữ), hát ru con, hát đồng dao… đều có ở nhiều nước phương Đông, nhất là các nước Đông Nam Á. Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng mang nhiều âm hưởng của nhịp điệu lao động, mô tả các động tác cày cấy, gặt hái… cũng khá phổ biến. Múa phương Đông rõ ràng khác với nhảy của phương Tây. Các nhạc cụ phổ biến của phương Đông cũng được tạo ra từ những sản phẩm nông nghiệp (sáo, kèn, chiêng, trống,…) và luôn mang “âm hưởng đồng quê”.

Nông nghiệp gắn liền với nông thôn. Tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển trong một mô hình xã hội đặc biệt: mô hình làng xã. Các công xã nông thôn, theo cách nói của C. Mac, có ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống văn hoá của cư dân nông nghiệp phương Đông. Có thể nói văn hoá làng xã với tính cộng đồng và tính tự trị cao là một nét nổi bật của văn hoá phương Đông.

Trong làng xã phương Đông, gia đình là một “đơn vị sản xuất”, ở đó vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Sự ra đời và tồn tại dai dẳng của chế độ mẫu hệ ở nhiều khu vực phương Đông, suy cho cùng, trên một khía cạnh nào đấy, cũng do đời sống nông nghiệp quy định. Và đó cũng là một biểu hiện của tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông.

2. Về tư tưởng triết học và phương thức tư duy, phương Đông thiên về “chủ toàn” và tổng hợp

Theo nhận xét của GS Cao Xuân Huy, phương Đông, xét về tư tưởng triết học, thiên về chủ toàn, trong khi phương Tây thiên về chủ biệt. Khi nhìn nhận vấn đề, phương Đông thường chú trọng đến tính toàn diện, toàn thể, toàn cục. Tư tưởng triết học chủ toàn có quan hệ mật thiết với phương thức tư duy tổng hợpphép biện chứng. Khi xem xét một sự vật, hiện tượng, người phương Đông thường nhìn nó một cách tổng thể, xem nó như một hệ thống – cấu trúc hoàn chỉnh, ở đó các yếu tố tạo nên chỉnh thể có quan hệ với nhau, ràng buộc và quy định lẫn nhau. Người phương Đông ít chú ý đến việc phân tích từng yếu tố tách “rời” như phương Tây mà quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ giữa chúng. Có thể lấy ví dụ qua cách chữa bệnh truyền thống. Các thầy thuốc phương Đông thường xem cơ thể con người là một “chỉnh thể hệ thống”, do vậy sự tồn tại của các cơ quan trong cơ thể con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi một cơ quan nào đó bị yếu hoặc mắc bệnh thì các thầy thuốc Đông y thường không chỉ chữa cơ quan đó mà còn chú ý đến toàn bộ cơ thể. Khi toàn bộ cơ thể khoẻ thì sẽ “kéo” cơ quan bị yếu khoẻ lên. Trái lại, y học phương Tây lại nặng về phân tích và chú ý đến yếu tố, do vậy thường can thiệp trực tiếp vào cơ quan bị đau yếu trong cơ thể: đau chỗ nào thì tiêm, chích, cắt bỏ chỗ ấy. Dĩ nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó (vì vậy ngày nay ta mới đi theo cách Đông – Tây y kết hợp). Đau ruột thừa chẳng hạn, nếu không can thiệp bằng cách cắt bỏ kịp thời ngay chỗ đau thì chắc chắn sẽ gây hậu quả khôn lường. Tuy nhiên cách chữa không chú ý lắm đến “mối quan hệ giữa các cơ quan” của phương Tây nhiều khi cũng chưa ổn, chẳng hạn, chữa được khớp thì lại “bục” dạ dày do thuốc chữa khớp rất độc hại, rất “kị” dạ dày. Cách chữa bệnh của phương Đông tuy đòi hỏi thời gian nhưng chắc chắn, cơ bản và có tác dụng lâu dài.

Óc tư duy tổng hợp của phương Đông có mặt mạnh là giúp con người có cái nhìn toàn diện nhưng đôi khi cũng có hạn chế là dễ “bỏ qua” những tiểu tiết quan trọng. Óc phân tích của người phương Tây giúp con người có điều kiện đi sâu được vào các chi tiết. Có lẽ đó cũng là một trong những lí do khiến nền khoa học – kĩ thuật của phương Tây phát triển.

3. Trong quan hệ giữa người với người, văn hoá phương Đông nặng về tính cộng đồng và cách ứng xử tình cảm, mềm dẻo

Cả hai phẩm chất này, suy cho cùng, cũng là do loại hình văn hoá gốc nông nghiệp chi phối. Trong sản xuất nông nghiệp, các gia đình nông dân cùng canh tác trên một cánh đồng, ruộng đất nhà này tiếp giáp ruộng đất nhà kia. Để có được năng suất, những người nông dân trong làng không thể không liên kết với nhau. Chỉ có đoàn kết con người mới chống được thiên tai. “Lụt thì lút cả làng” vì vậy chỉ có sự đồng tâm hiệp lực của cả làng, cả xã thì mới đắp được đập, được đê ngăn nước. Muốn chống hạn, diệt sâu bệnh, chuột bọ,… cũng cần sức mạnh của cả làng. Môi trường canh tác mang tính tập thể như thế chính là cơ sở để nảy sinh tính cộng đồng.

Đặc trưng này của văn hoá phương Đông khiến mỗi người khi hành động luôn luôn phải nghĩ đến cộng đồng, đến tập thể, xã hội. Trong làng, người dân thường tránh những việc làm phương hại đến tập thể. Từ đây nảy sinh quan điểm sống vì tập thể. Vì tập thể, người ta sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân. Cũng vì thế mà người phương Đông thường đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm (trong khi phương Tây thì coi trọng quyền lợi). Quả thực, trong việc chống chọi với thiên tai, địch hoạ, nếu không có tinh thần trách nhiệm được đề lên thành nghĩa vụ thì không thể có được chiến thắng.

Những người trong làng sống nương tựa vào nhau, vì nhau, sống theo tinh thần cộng đồng, do đó họ đối xử với nhau rất có tình cảm. Mọi vấn đề nảy sinh đều được giải quyết bằng tình nghĩa họ hàng, bà con, láng giềng một cách mềm dẻo. Có người ví văn hoá ứng xử phương Đông mềm dẻo và linh hoạt như nước. Vì vậy mềm dẻo, trọng tình thực sự là một đặc trưng của văn hoá ứng xử phương Đông. Người ta sống với nhau bằng tình cảm thương yêu, bằng tinh thần cộng đồng, vì vậy sẵn sàng giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn, theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Lối sống trọng tình cảm tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng sự hiếu hoà. Từ tính cộng đồng, từ sự đùm bọc làng xã, sau này truyền thống tốt đẹp ấy phát triển thành tinh thần dân tộcchủ nghĩa yêu nước phương Đông.

Nếu so sánh với văn hoá phương Tây thì cũng thấy một sự khác biệt nhất định. Có thể nói, trong quan hệ ứng xử, phương Tây thiên về cá thể, trọng lí. Đối với phương Tây, con người cá nhân được đề cao. Điều này có điểm mạnh là phát huy cao độ sức sáng tạo cá nhân, tránh được sự dựa dẫm theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Hơn nữa lối ứng xử trọng lí giúp con người sống theo pháp luật một cách có ý thức – điều mà các xã hội nông nghiệp phương Đông phải phấn đấu rất gian khổ mới có được.

Những điều trình bày trên đây không có nghĩa là ở phương Đông chỉ có tính cộng đồng mà không có tính cá nhân còn ở phương Tây chỉ có tính cá nhân mà không có tính cộng đồng. Tách bạch như vậy là siêu hình. Do đó, theo chúng tôi, cách nói “thiên về” cái này hay cái kia như các nhà nghiên cứu đã nêu là có cơ sở. Cũng có người cho rằng, ở Việt Nam, tâm thức duy cộng đồng luôn luôn chiếm ưu thế đối với tâm thức duy cá nhân [Nguyễn Kiến Giang, 2003, 34]. Đây cũng là một cách diễn đạt có cơ sở. Nhận định này có thể áp dụng cho văn hoá phương Đông nói chung.

4. Trong quan hệ ứng xử với thiên nhiên, phương Đông nghiêng về hoà đồng, thuận tự nhiên

Đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên của văn hoá phương Đông thường được đặt trong sự so sánh với đặc điểm chinh phục tự nhiên của văn hoá phương Tây. Văn hoá phương Tây thiên về giải thích, cải tạo thế giới. Nói như C. Mac: “Vấn đề là cải tạo thế giới”. Tất nhiên nói như trên không có nghĩa là đối lập tuyệt đối giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây trong vấn đề đối xử với môi trường tự nhiên.

Thái độ hoà đồng với tự nhiên của văn hoá phương Đông đã được hình thành từ rất lâu và định hình trên cơ sở của những quan niệm về con người trong các học thuyết phương Đông. Theo nhiều tác giả, con người trong quan niệm của tất cả các tôn giáo phương Đông và trong hầu hết các học thuyết triết học phương Đông truyền thống đều không đối lập với giới tự nhiên. Nó luôn luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên [Hồ Sĩ Quý, 2004, 12].

Có thể cắt nghĩa đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên bằng cơ sở kinh tế – xã hội của phương Đông.

Trước hết có thể giải thích bằng nền sản xuất nông nghiệp. Như đã nói ở trên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Một sự “nổi giận” của trời đất có thể làm cho toàn bộ công sức của người dân “tan thành mây khói”. Điều này có thể thấy rõ qua các trận bão gió, lụt lội, lở đất, động đất, núi lửa, v.v. Bởi vậy từ trong tâm khảm của người dân, tự nhiên là đấng tối cao. Sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đạt hiệu quả khi thuận theo tự nhiên. Một trong những biểu hiện của sự thuận theo ấy là tính thời vụ. Có thể nói, kinh nghiệm sống, nói cụ thể hơn là kinh nghiệm sản xuất, đã khiến cư dân nông nghiệp phương Đông phải hành động thuận theo tự nhiên. Trái ý tự nhiên, trái ý Trời sẽ bị trả giá. Đó là bài học có thể phải trả bằng đói khổ, nước mắt và tính mạng. Không còn cách nào khác, Nhật Bản vẫn phải “sống chung với động đất”, Indonesia phải “sống chung với núi lửa”, Philippines phải “sống chung với bão” còn đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì phải chấp nhận “sống chung với lũ” như là một lẽ tự nhiên. Bài học về động đất và sóng thần ở Đông Nam Á và Nam Á (đặc biệt là đối với các nước Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanca) ngày 26 tháng 12 năm 2004 làm hơn 280.000.000 người thiệt mạng càng khẳng định sức mạnh cực kì to lớn của thiên nhiên mà con người không dễ gì có thể “chế ngự” nổi.

Một lí do khác nữa cắt nghĩa cho đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên là ở tổ chức của xã hội truyền thống phương Đông, đó là xã hội nông nghiệp với chế độ công xã nông thôn. Chế độ này, như đã nói, mang lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé (làng xã) một cuộc sống cô lập, tách biệt. Công xã tổ chức theo lối gia đình tự cấp, tự túc. Con người bị trói buộc bởi những xiềng xích nô lệ của các quy tắc truyền thống, do đó hạn chế sự phát triển của lí trí, từ đó rất dễ trở thành nô lệ của những điều mê tín dị đoan. Những công xã nông thôn phương Đông, do vậy, hạn chế con người ở việc chủ yếu phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, phục tùng tự nhiên chứ không có ý thức và năng lực làm chủ hoàn cảnh, chinh phục tự nhiên. Đây cũng chính là lí do để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại và phát triển.

5. Về phương thức sống, văn hoá truyền thống phương Đông trọng tĩnh, hướng nội và khép kín

Cuộc sống nông nghiệp luôn luôn cần một sự ổn định. Người dân thường rất sợ những điều xảy ra bất thường. Lối sống hài hoà với tự nhiên, tình cảm với mọi người, suy cho cùng, cũng là nhằm đạt tới sự ổn định. Từ đây xuất hiện phương thức sống trọng tĩnh, hướng nội và khép kín.

Sống trong các công xã nông thôn cô lập, tách biệt, xét ở một góc độ nào đó, tính tự trị đồng nghĩa với hướng nội và khép kín. Trong xã hội phong kiến, mô hình làng xã “kín cổng cao tường” cùng với những thiết chế xã hội ngặt nghèo của nó càng làm cho “tầm nhìn” của cư dân nông nghiệp không vượt khỏi “lũy tre làng”.

Nền nông nghiệp tự cấp tự túc chỉ tạo ra được những sản phẩm vừa đủ để lưu thông trong phạm vi “chợ làng”, không trở thành hàng hoá thương nghiệp của nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây. Đó cũng là hướng nội, khép kín.

Lối sống trọng tĩnh, hướng nội và khép kín không thể tạo ra sự phát triển đột biến. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho chế độ phong kiến phương Đông kéo dài sự trì trệ nhiều thế kỉ.

Trái với phương Đông, phương Tây trọng động, hướng ngoại và cởi mở. Điều này cũng dễ hiểu. Ở đó nền kinh tế thương mại và du mục buộc người ta phải năng động, phải đi tìm thị trường ở bên ngoài và mở rộng quan hệ.

Tiểu kết:

1. Trở lên chúng tôi đã trình bày một số đặc điểm chủ yếu của văn hoá phương Đông. Vấn đề này, như đã nói ở trên, chỉ là những nhận xét bước đầu. Dưới đây là một vài nhận xét xuất phát từ cơ sở triết học của vấn đề.

Có thể nói muốn tìm hiểu được bản sắc văn hoá phương Đông thì phải xem xét cơ sở kinh tế – xã hội của nó. Nói như học thuyết Mac – Lênin thì đó là hạ tầng cơ sở hay tồn tại xã hội, bởi tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.

Xã hội phương Đông là xã hội nông nghiệp vì vậy văn hoá phương Đông là văn hoá gốc nông nghiệp và bản sắc nổi trội nhất của nó là tính chất nông nghiệp – nông thôn.

Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau buộc người ta phải cố gắng bao quát chúng. Từ đây hình thành lối tư duy tổng hợp và cách nhìn nhận toàn diện, mọi mặt (chủ toàn).

Để sản xuất nông nghiệp thu được kết quả, người dân không thể không dựa vào nhau, liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh cộng đồng. Tính cộng đồng vì vậy mà nảy sinh và phát triển. Và rồi quan hệ cộng đồng trở thành tiền đề cho quan hệ ứng xử mang tính mềm dẻo, coi trọng tình cảm hơn những quyền lợi vật chất, coi trọng

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Làm trái tự nhiên là thất bại. Những bài học ấy đã “dạy” người dân phương Đông cách sống hoà đồng với tự nhiên và thuận theo tự nhiên.

Những gì bất thường của tự nhiên đều làm cho cư dân nông nghiệp lo lắng, thậm chí khiếp sợ. Vì vậy từ trong tâm thức, họ trọng sự ổn định và luôn muốn một cuộc sống tĩnh tại. Hơn nữa nền nông nghiệp phương Đông gắn liền với chế độ công xã nông thôn, với tổ chức làng xã cô lập, tách biệt đã làm cho cuộc sống của người dân khép kín, hướng nội.

2. Cơ sở kinh tế – xã hội của phương Đông, như vừa trình bày ở trên, có phần khác với phương Tây. Và sự khác biệt về cơ sở ấy đã quy định sự khác nhau về tư tưởng, triết học, triết lí của hai nền văn hoá [Xin xem Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 9 – 16].

Nói chung triết học phương Đông thường đi liền với tôn giáo (như triết học Ấn Độ) hoặc với đạo đức chính trị xã hội (như triết học Trung Hoa). Nhà triết học phương Đông được suy tôn là người hiền, hiền triết, minh triết. Trái lại triết học phương Tây thường gắn liền với những thành tựu của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên. Nhà triết học của phương Tây thường là nhà khoa học, nhà bác học.

Mục đích của hai nền triết học cũng khác nhau: triết học phương Đông nhằm ổn định trật tự xã hội (như triết học Trung Hoa mà tiêu biểu là đạo Nho), giải thoát (hay siêu thoát như triết học Ấn Độ mà tiêu biểu là Phật giáo) hay hoà đồng với thiên nhiên (thuận thiên như Đạo giáo); triết học phương Tây thiên về giải thích và cải tạo thế giới.

Đối tượng của triết học phương Đông là xã hội, cá nhân con người, là cái tâm. Nói cách khác, triết học phương Đông lấy con người làm trung tâm. Chính vì vậy tri thức của triết học phương Đông chủ yếu nặng về xã hội, chính trị, đạo đức, tâm linh. Nghĩa là nó mang tính “hướng nội”, lấy trong giải thích ngoài. Từ đây có thể thấy triết học phương Đông có vẻ thiên về duy tâm. Đối tượng của triết học phương Tây rộng hơn: toàn bộ tự nhiên, xã hội, tư duy. Vì vậy tri thức của triết học phương Tây cũng rộng hơn. Tuy nhiên tự nhiên được coi là gốc, là cơ sở, do đó triết học phương Tây thiên hơn về hướng ngoại, lấy ngoài giải thích trong. Điều này cũng có nghĩa là triết học phương Tây nặng về duy vật hơn triết học phương Đông.

Xét về phương pháp nhận thức, triết học phương Đông thiên về trực giác, trong khi triết học phương Tây thì thiên về tư duy duy lí, phân tích, mổ xẻ. Lối tư duy duy lí, phân tích, mổ xẻ của phương Tây làm cho khoa học kĩ thuật phát triển và kéo theo nó là sự phát triển của công nghệ, kĩ nghệ hiện đại. Lối nhận thức trực giác của văn hoá phương Đông rất phù hợp với đối tượng vận động, đặc biệt là khi triết học phương Đông lấy con người làm trung tâm. Trực giác, linh cảm ban đầu có thể là một gợi ý, một tia chớp loé lên tức thì, giúp định hướng cho các phát kiến về sau.

Tóm lại, văn hoá phương Đông có những đặc điểm khác với văn hoá phương Tây. Theo một số học giả, sự khác biệt đó là như sau.

Khuynh hướng trội của phương Tây là hướng ngoại, chủ động, tư duy lí luận, hiếu chiến, cá thể, phân tích, tri thức suy luận, khoa học, cạnh tranh, bành trướng, tư duy cơ giới, chú ý nhiều đến thực thể, v.v.

Khuynh hướng trội của phương Đông là hướng nội, bị động, huyền bí, hoà hợp, quân bình, thống nhất, tâm lí, tâm linh, tập thể, tổng hợp, minh triết, trực giác, tôn giáo, hợp tác, giữ gìn, tư duy hữu cơ, chú ý nhiều tới quan hệ, v.v. [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 15].

III. MỘT SỐ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC

Văn hoá phương Đông, như đã nói ở trên ở trên, có nhiều thành tựu vĩ đại. Tuy nhiên văn hoá phương Đông không phải không có những hạn chế nhất định.

Các hạn chế của văn hoá phương Đông, suy cho cùng, chủ yếu do đời sống nông nghiệp chi phối.

3.1 Văn hoá gốc nông nghiệp mang tính làng xã của phương Đông đã tạo ra những hạn chế trong tính cách con người. Nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp với tính tự trị làng xã buộc mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải tự làm ăn, tự lo liệu cuộc sống của mình. Do khoa học kĩ thuật chưa phát triển, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên người dân thường chỉ đủ ăn, đủ mặc. Đó là cơ sở tạo ra tính tư hữu, tính ích kỉ, chỉ biết bo bo giữ về mình: “Ai có thân người ấy lo, Ai có bò người ấy giữ”, và gắn với nó là tâm lí sợ người khác hơn mình. Họ dễ bì tị, đố kị với những người giàu có, với những người có cuộc sống dư dả hơn mình. Hơn nữa tính cộng đồng làng xã lại có mặt trái là dễ tạo ra thứ chủ nghĩa tập thể bình quân, lối sống ỷ lại, dựa dẫm, cam phận trong cái tôi nhỏ bé của mình, làm cản trở tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Chính vì lối sống ấy mà ý thức cá nhân trong mỗi con người không phát huy mạnh mẽ để trở thành ý thức sáng tạo. Người ta không nghĩ hay không dám hướng đến một cung cách làm ăn khác hơn để cải tiến cuộc sống đơn sơ, thiếu thốn của mình, và cam chịu, chấp nhận nó như một điều tất yếu. Họ bằng lòng với cuộc sống theo cách thức sản xuất mà ông cha để lại, không dám đi xa, mạo hiểm vì cả đời chỉ quen với làng xã và mảnh ruộng cỏn con của mình. Thêm nữa lối sống nông nghiệp còn tạo ra cho người nông dân tính cách lề mề, tuỳ tiệnsự yếu kém về tính tổ chức. Nền sản xuất nông nghiệp vốn ít có những đòi hỏi khắt khe về thời gian, người ta không phải lo cạnh tranh gay gắt, không bị ai thúc ép. Vì thế nên khi bước vào xã hội hiện đại với yêu cầu phát triển công nghiệp thì tính cách tuỳ tiện, thiếu kỉ luật, thiếu tính tổ chức mới bộc lộ tất cả những yếu kém của nó. Đó là mặt hạn chế cơ bản của con người nông nghiệp phương Đông trong sự so sánh với con người phương Tây vốn quen tác phong nhanh nhẹn, chính xác và làm việc hết mình.

Tư tưởng cục bộ địa phương cũng là một hạn chế của con người nông nghiệp quen sống trong cộng đồng làng xã mình mà ít mở rộng hiểu biết, giao tiếp ở phạm vi rộng hơn, xa hơn. Tâm lí “người cùng làng” trong phạm vi cộng đồng có thể dễ đố kị nhau nhưng khi ra ngoài làng thì họ lại bênh vực cho những người cùng làng xã mình, hay có thể từ một việc va chạm nhỏ nhưng nếu động đến làng thì cả làng sẵn sàng kéo nhau ra bảo vệ làng mình một cách cực đoan bất kể tốt, xấu, phải, trái.

3.2 Như đã phân tích ở trên, xã hội nông nghiệp với chế độ công xã nông thôn cô lập, tách biệt, cộng với những xiềng xích nô lệ của các quy tắc hà khắc cổ truyền “đã làm hạn chế lí trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp và trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín. Những công xã này chủ yếu làm cho con người phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy” [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 6]. Xã hội phương Đông, vì vậy, mang tính chất thụ động, quân bình, ít thay đổi. Không phải ngẫu nhiên mà Cac Mac đã dùng những từ như “bất động”, “tĩnh” để chỉ xã hội phương Đông. Tình trạng tĩnh tại, trì trệ của xã hội phương Đông kéo dài đến tận mươi năm đầu của thế kỉ XIX. Và đó chính là cơ sở để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại quá dai dẳng, làm cản trở sự phát triển của xã hội.

Lối tư duy thiên về trực giác của phương Đông, ít óc duy lí, phân tích, mổ xẻ cũng phần nào làm cho khoa học kĩ thuật không phát triển mạnh được như phương Tây. Những phát kiến về khoa học – kĩ thuật của phương Đông trước đây chủ yếu gắn với sản xuất, nảy sinh từ sản xuất (từ sản xuất nông nghiệp > lịch ra đời, thiên văn phát triển, v.v.). Trên một ý nghĩa nào đấy, đó cũng là một hạn chế của văn hoá phương Đông.

Bên trên chúng ta đã điểm qua về một số đặc điểm của văn hoá phương Đông xét từ góc độ triết học, đó là văn hoá phương Đông nghiêng về cân bằng, ổn định, hài hoà, đạo đức, tinh thần, tình cảm, ngả về tĩnh, trong khi văn hoá phương Tây lại thiên về đấu tranh, phát triển, phủ định, lí trí, lí tính, vật chất, ngả về động. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân làm cho phương Tây phát triển nhanh về khoa học kĩ thuật, chinh phục giới tự nhiên, trong khi đó phương Đông vẫn ngủ im lìm với bầu trời mây mù mang tính chất tôn giáo kéo dài suốt mấy thế kỉ? Vật cùng tắc biến, phương Đông đã, đang trỗi dậy và sẽ có những triển vọng to lớn [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 164].

3.3 Phương Đông đã có những tấm gương sáng về sự phát triển vượt trội: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… Trong số những bài học có thể rút ra được từ các quốc gia nói trên có bài học về giữ gìn bản sắc ưu việt của văn hoá truyền thống, loại bỏ những yếu tố văn hoá lạc hậu, lỗi thời, hạn chế do nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu gắn liền với công xã nông thôn quy định, và tiếp thu những yếu tố văn hoá mới, tiên tiến của phương Tây. Nói cách khác, đồng thời với việc bảo tồn và phát huy những thành quả, những yếu tố tích cực của văn hoá truyền thống, cần phải xây dựng một nền văn hoá – văn minh công nghiệp (và hậu công nghiệp) tiên tiến cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và toàn khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Almanach những nền văn minh thế giới, 1995. NXB Văn hoá thông tin.

2. Cao Liên, 2003. Phác thảo lịch sử thế giới. NXB Thanh niên.

3. Chiêm Tế, 2000. Lịch sử thế giới cổ đại, Tập 1. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), 2001. Văn hoá Nhật – những chặng đường phát triển. NXB Khoa học Xã hội.

5. Hồ Sĩ Quý, 2004. Đông và Tây: về triết lí “con người chinh phục tự nhiên” và triết lí “con người hoà hợp với tự nhiên”. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 6.

6. Lương Duy Thứ (chủ biên), Phan Thu Hiền, Phan Nhật Chiêu, 1996. Đại cương văn hoá phương Đông. NXB Giáo dục Hà Nội.

7. Lương Ninh (chủ biên), 1998. Lịch sử văn hoá thế giới (cổ, trung đại). NXB Giáo dục.

8. Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, 2003. Lịch sử thế giới cổ đại. NXB Giáo dục.

9. C. Mác – F. Ăngghen, 1982. Tuyển tập, Tập 4. NXB Sự thật.

10. Mai Ngọc Chừ, 1999. Văn hoá Đông Nam Á. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

11. Nehru J., 1990. Phát hiện Ấn Độ. (3 tập, Bản dịch) NXB Văn học.

12. Nguyễn Hùng Hậu, 2004. Triết lý trong văn hoá phương Đông. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

13. Nguyễn Kiến Giang, 2003. Đi tìm cách tiếp cận bản tính tộc người Việt. Trong cuốn “Văn hoá Việt Nam: đặc trưng và cách tiếp cận”, Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu, NXB Giáo dục.

14. Phạm Tuấn Anh, 2005. Một góc nhìn Phương Đông – Phương Tây & Cục diện thế giới. NXB Thanh niên.

15. Trần Ngọc Thêm, 1996. Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. NXB T.P Hồ Chí Minh.

16. Trịnh Huy Hoá, 2001. Đối thoại với các nền văn hoá – Trung Quốc. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

17. Trịnh Huy Hoá, 2001. Đối thoại với các nền văn hoá – Triều Tiên. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

18. Trịnh Huy Hoá, 2002. Đối thoại với các nền văn hoá – Nhật Bản. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

19. Trịnh Huy Hoá, 2002. Đối thoại với các nền văn hoá – Afghanistan. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

20. Trịnh Huy Hoá, 2002. Đối thoại với các nền văn hoá – Pakistan. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

21. Vũ Dương Ninh (chủ biên), 1997. Lịch sử văn minh nhân loại. NXB Giáo dục.

22. Vũ Minh Giang, 2001. Khu vực học với nghiên cứu phương Đông. Trong cuốn: “Đông phương học Việt Nam”, Kỉ yếu Hội thảo quốc gia lần thứ nhất. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

23. Vũ Quang Hà – Trần Thị Mai Hoa, 2000. Lịch sử triết học Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

24. Basham A. L., 2000. A cultural History of India. Oxford University Press.

Bickerman E.J. , 1969. Chronology of Ancient World, London.Q