THE PRINTER
Cơ tầng Ấn Độ trong bản sắc văn hoá Đông Nam Á
Bản sắc cộng đồng là bản chất đặc trưng phân biệt một cộng đồng nhất định trong quan hệ với những cộng đồng khác. Bản sắc Đông Nam Á như vậy cần được xem xét từ sự “thống nhất trong đa dạng” nổi tiếng của khu vực này, sự thống nhất được vun bồi qua suốt trường kỳ lịch sử: trên cơ tầng bản địa cũng như qua hai lớp tiếp biến văn hóa ngoại nhập.
Chúng tôi cho rằng những ảnh hưởng Ấn Độ về thể chế chính trị, tổ chức và quy tắc xã hội cũng như về ngôn ngữ không phải rất quan trọng đối với bản sắc văn hóa Đông Nam Á vì những ảnh hưởng đó không thực sự phổ quát, sâu sắc, lâu bền đối với tất cả các dân tộc ở khu vực này. Có ý nghĩa quan trọng nhất, theo chúng tôi, là dấu ấn Ên Độ trên nền tảng tôn giáo và đạo đức của Đông Nam Á.
Nếu ở Trung Quốc, Phật giáo đi vào đời sống tâm linh trước hết và chủ yếu qua những bản dịch từ Tam Tạng kinh (Tripitaka) thì ở Đông Nam Á, cả Phật giáo lẫn Hindu giáo, những tôn giáo mà trong bản chất, là những cách nghĩ và cách sống hơn là những hệ thống kinh điển, nghi lễ, lại đến Đông Nam Á chủ yếu là qua những câu chuyện huyền thoại, cổ tích, sử thi, ngụ ngôn như Jataka, Mahabharata, Ramayana, Panchatantra… và bằng những hình thức sinh động của kể chuyện (người kể chuyện, tranh truyện thêu…), lễ hội, nghệ thuật tạo hình (điêu khắc, hội họa…), nghệ thuật biểu diễn (kịch rối, múa mặt nạ…)… Những ảnh hưởng Phật giáo, Bà La Môn giáo qua quá trình tổng hợp văn hóa đã không chỉ tập trung ở giới tinh hoa nắm đặc quyền tri thức, đặc quyền chính trị mà còn trở thành nền văn hóa sống động của đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong Jataka, Ramayana, Mahabharata…nhân dân Đông Nam Á không quá băn khoăn suy tư với những cặp phạm trù Atman-Brahman (Tiểu Ngã-Đại Ngã), Karma-Samsara (Nghiệp báo-Luân hồi), Dharma-Moksha (Bổn phận-Giải thoát) của triết học Phật giáo, Hindu giáo. Họ chỉ đơn giản là ngưỡng mộ trước Đức Phật, Rama…, những tấm gương mẫu mực về tri kiến, hành động đạo đức, kỷ luật tinh thần, những biểu tượng rạng ngời của cái tâm thanh sạch, trong sáng, bình thản. Tương tự như thế, nhân dân Đông Nam Á không tiếp thu Panchatantra với tư cách một Rajaniti (Khoa học cai trị cho các nhà cầm quyền) mà chỉ rút từ đó những kiến thức thực hành dẫn dắt xử thế tốt trong đời. Ramayana, Mahabharata, Jataka, Panchatantra… vun bồi trong nhân dân Đông Nam Á những lý tưởng về cái thiện, về chính nghĩa, lòng nhân ái, từ bi…, lý tưởng sống vị tha, hòa bình, hòa hợp…, những giá trị thực ra vốn đã manh nha, vốn đã được nuôi dưỡng từ trong cơ tầng văn hóa bản địa (văn hóa nông nghiệp) của họ.
Những giá trị đó được vun bồi thuần thành viên mãn và trở nên những thành tố quan trọng trong bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Chính di sản chung này góp phần gắn kết chặt chẽ quan hệ gần gũi, xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả giữa các dân tộc Đông Nam Á trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Ở Phương Tây, nghiên cứu bản sắc văn hóa châu Âu trong quan hệ với quá trình hình thành và phát triển EU đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả giới học thuật lẫn những nhà hoạch định chính sách. Một hướng tiếp cận tương tự đối với bản sắc văn hóa Đông Nam Á và ý nghĩa của nó trong xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa các nước ASEAN, theo chúng tôi, cũng có ý nghĩa quan trọng tương đương nhưng có thể nói chưa được sự chú ý đầy đủ.
(Ảnh nguồn Internet)
Trong báo cáo này, chúng tôi muốn trình bày đôi điều suy nghĩ về cơ tầng Ấn Độ trong bản sắc văn hóa Đông Nam Á.
Những ảnh hưởng từ Ấn Độ như một động lực, như những cấu kiện cơ bản cho văn hóa các nước Đông Nam Á là điều không có gì còn phải ngờ vực. Cách thức tiếp biến những ảnh hưởng ấy của Đông Nam Á hầu như cũng không còn là vấn đề tranh luận nữa. Đa số các nhà nghiên cứu không còn cho rằng Đông Nam Á chỉ là người nhận ảnh hưởng một cách thụ động, không còn xem các nền văn minh khu vực này chỉ là những nền văn minh “ánh trăng”, văn minh “vệ tinh” thuộc về “Đại Ấn Độ” (Greater India) hay “Ấn Độ Mở Rộng” (Furthur India) nữa mà ngày càng nhất trí rằng qua tương tác với Ấn Độ do con đường buôn bán trên biển, cư dân Đông Nam Á đã rút được những điểm ưu mỹ trong nền văn hóa Ấn Độ mà họ thấy có lợi cho những nền văn hóa của họ và đó là quá trình tổng hợp văn hóa hơn là quá trình “Ên Độ hóa” (Indianization). Tuy nhiên, ảnh hưởng nào từ Ấn Độ đóng góp cho sự hình thành những thành tố cơ bản của bản sắc văn hóa Đông Nam Á thì có lẽ vẫn còn đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu.
1. “Bản sắc văn hoá” và “Bản sắc văn hóa Đông Nam Á”
Trước hết xin sơ lược giới thuyết khái niệm “Bản sắc văn hoá” và “Bản sắc văn hóa Đông Nam Á”.
1.1. “Bản sắc văn hoá”
Đã có nhiều nhà lý luận, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những khái niệm khác nhau về “bản sắc” (identity), cả “bản sắc cá nhân” (individual identity) lẫn “bản sắc cộng đồng” (collective identity). Nếu bản sắc cá nhân là bản chất đặc trưng phân biệt một cá nhân nhất định trong quan hệ với những cá nhân khác thì tương tự, nhưng ở một khuôn khổ rộng lớn hơn, bản sắc cộng đồng là bản chất đặc trưng phân biệt một cộng đồng nhất định trong quan hệ với những cộng đồng khác. Ở đây, chúng tôi chú ý đến bản sắc cộng đồng. Theo Shmuel N. Eisenstadt 2003 (Comparative civilizations and multiple modernities. Leiden: Brill, tr. 75-134, dẫn lại theo Bùi Hải Đăng 2006), với “bản sắc cộng đồng”, một mặt, một cộng đồng nhất định muốn xác định những đặc điểm khác biệt như những ranh giới phân cách họ khỏi những cộng đồng khác, mặt khác, họ muốn tìm những đặc điểm chung như những rường mối kết nối quan hệ giữa các thành viên trong nội bộ cộng đồng họ. Nói một cách vắn tắt, “bản sắc cộng đồng” là bản chất đặc trưng phân biệt “CHÚNG TA” (WE) và “HỌ” (THEM).
(Ảnh chỉ mang tính minh họa; nguồn: Internet)
P. Sztompka 2004 (http://www.nias.knaw.nl/en/new_3/new_1, dẫn lại theo Bùi Hải Đăng 2006) khẳng định rằng cái “CHÚNG TA” (WE) được xác định trên nền tảng của bốn cấp độ sau đây:
(1) sự sở hữu chung từ xa xưa một lãnh thổ, một khung cảnh môi trường;
(2) gia tài chung của những kinh nghiệm quá khứ, những ký ức, truyền thống cộng đồng, những tổ tiên chung (dù thực tế hay huyền thoại);
(3) sự chia sẻ những ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán, cách sống chung;
(4) sự chia sẻ những hệ tư tưởng, lý tưởng chung.
Như vậy, có thể thấy “bản sắc cộng đồng” là kết quả của quá trình định hình, phân biệt “bản ngã” của một cộng đồng, trong đó những giá trị văn hóa được sử dụng như những tiêu chí nhận diện. “Bản sắc cộng đồng”, thực sự, chính là “bản sắc văn hóa” của cộng đồng.
Theo đó, liệu có thể có một bản sắc văn hóa Đông Nam Á chăng, và cấu trúc của nó là như thế nào?
1.2. “Bản sắc văn hóa Đông Nam Á”
Thuật ngữ “Đông Nam Á” với ý nghĩa đề cập một khu vực đã xuất hiện chính thức từ Đại chiến thế giới lần thứ hai. Khu vực này bao gồm các nước với những sự đa dạng về môi trường cũng như chủng tộc.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa; nguồn: Internet)
Xét từ chủng tộc (chủ thể văn hóa), sống ở Đông Nam Á là chủng Nam Mongoloid với sự phân chia thành 5 nhóm (theo Nguyễn Tấn Đắc 2005):
– Austro-Asiatic
– Austronesian
– Indonesian
– Vedoid
– Negrito
Hệ quả là, xét từ ngôn ngữ, ở Đông Nam Á có 5 nhóm (theo Nguyễn Tấn Đắc 2005):
– Austro-Asiatic (Mon-Khmer)
– Austronesian (Malayo-Polynesian)
– Tai-Kadai
– Tibeto-Burman
– H’mong-Mien
Xét từ môi trường (không gian văn hóa), khu vực này bao gồm Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Sự phân chia lục địa – hải đảo phản ánh những khác biệt không chỉ về địa lý mà trên một số khía cạnh là cả về văn hóa.
Bảng 1: Sự phân chia Đông Nam Á lục địa – Đông Nam Á hải đảo
(dựa theo Nguyễn Tấn Đắc 2005, Mai Ngọc Chừ 1998)
Đông Nam Á lục địa
Đông Nam Á hiện đại
Các nước
– Myanmar
– Thailan
– Campuchia
– Lào
– Việt Nam
– Malaysia
– Singapore
– Indonesia
– Đông Timor
– Philippines
– Brunei
Địa lý tự nhiên
– Bên cạnh núi là những đồng bằng khá rộng lớn
– Những đồng bằng nhỏ hẹp hơn
– Rừng trù phú hơn
Kinh tế
Chủ yếu là Nông nghiệp
Mở rộng hoạt động trên biển, trong đó quan trọng là Thương mại trên biển
Sự hình thành quốc gia
Các quốc gia thống nhất ra đời sớm
Các quốc gia thống nhất ra đời tương đối muộn hơn
Xét từ lịch sử (thời gian văn hóa), nhìn chung trên toàn bộ khu vực, có thể nói đến 3 thời kỳ lớn:
(1) Thời kỳ văn hóa bản địa (từ khởi thủy đến khoảng đầu Công nguyên);
(2) Thời kỳ tiếp biến những ảnh hưởng văn hóa Phương Đông từ Trung Quốc, Ấn Độ, Arập (từ khoảng đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ XVI);
(3) Thời kỳ tiếp biến những ảnh hưởng văn hóa Phương Tây (từ khoảng thế kỷ XVI đến nay).
Song, nhịp độ và nội dung của mỗi thời kỳ lại rất khác nhau giữa các tiểu khu vực trong nội bộ Đông Nam Á. Theo Đức Ninh, có thể phân biệt 5 tiểu khu vực:
(1) Campuchia, Champa: sớm tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, lúc đầu là Bà La Môn, sau là Phật giáo.
(2) Indonesia, Malaysia: Ảnh hưởng Ấn Độ (Phật giáo, Bà La Môn giáo) du nhập sớm, nhưng từ thế kỷ XIV trở đi dần thay thế bằng ảnh hưởng Hồi giáo.
(3) Myanmar, Thái Lan, Lào: tiếp nhận ảnh hưởng Ấn Độ muộn hơn và thông qua các quốc gia trung gian, với Phật giáo sâu đậm.
(4) Philippines: Ảnh hưởng Ấn Độ dần mờ nhạt, ảnh hưởng Thiên Chúa giáo sâu đậm, bên cạnh ảnh hưởng Hồi giáo ở phía Nam.
(5) Việt Nam: Sớm tiếp nhận ảnh hưởng Ấn Độ (ảnh hưởng Phật giáo ở Luy Lâu, ảnh hưởng Bà La Môn và Phật giáo ở Champa, Phù Nam) đồng thời là nước duy nhất ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Hoa (ở phía Bắc từ thế kỷ II, ở phía Nam từ sau sự sụp đổ của vương quốc Champa vào thế kỷ XV).
Mặc dù tất cả những khác biệt đa dạng ấy, Đông Nam Á ngày càng được nhìn nhận sâu sắc như một khu vực địa lý, chính trị-xã hội và văn hóa. Bản sắc Đông Nam Á như vậy cần được xem xét từ sự “thống nhất trong đa dạng” nổi tiếng của khu vực này, sự thống nhất được vun bồi qua suốt trường kỳ lịch sử: trên cơ tầng bản địa cũng như qua hai lớp tiếp biến văn hóa ngoại nhập.
Đối với sự hình thành văn hóa cổ điển của Đông Nam Á rõ ràng tiếp biến quan trọng nhất là qua tương tác với Ấn Độ. Vậy thì, những ảnh hưởng nào từ Ấn Độ mang tính phổ quát (có tác động khá tương đồng đối với cả các nước lục địa lẫn hải đảo) và lâu bền (vẫn lưu dấu ấn sâu sắc cho đến ngày nay) tạo dựng những thành tố cơ bản cho một bản sắc văn hóa chung đối với tất cả các nước Đông Nam Á?
2. Những ảnh hưởng Ấn Độ đối với bản sắc văn hóa Đông Nam Á
Đúng như Alastair Lamb [A.L.Basham (edited) 1998: A cultural history of India. p.443] đã nhận xét: “Không có bất cứ một quá trình Ấn Độ hóa nào mang tính đồng phục ở khắp Đông Nam Á”. Cả Đông Nam Á lục địa lẫn hải đảo đều tiếp nhận những ảnh hưởng Ấn Độ từ đầu Công nguyên nhưng sau này lại có sự phân chia rõ rệt giữa lục địa và hải đảo: trong khi Phật giáo Tiểu thừa thống lĩnh Đông Nam Á lục địa thì Đông Nam Á hải đảo dần dà trở thành một thế giới của Hồi giáo.
Bảng 2: Ảnh hưởng Ấn Độ đối với Đông Nam Á lục địa
và Đông Nam Á hải đảo
Đông Nam Á lục địa
Đông Nam Á hải đảo
Ảnh hưởng Ấn Độ
Cho đến nay, chủ yếu là ảnh hưởng Phật giáo
Từ khoảng thế kỷ XIV-XV, ảnh hưởng Hồi giáo thay thế ảnh hưởng Phật giáo và Bà La Môn giáo
2.1. Những ảnh hưởng Ấn Độ về chính trị, xã hội
Nhiều học giả đã đưa ra luận điểm rằng thương mại đường dài trên biển giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ từ đầu Công nguyên đóng vai trò chìa khóa trong việc thúc đẩy sự phát triển chính trị dần dẫn đến sự hình thành hàng loạt nhà nước sơ khai ở khu vực này. Những nhà vua bản địa đã sử dụng thần phả và các nghi lễ Ấn Độ như phương tiện củng cố uy thế của mình. Họ cũng vay mượn một số yếu tố từ hình thức cai trị lý tưởng, nền tảng luật pháp, chính trị của Ấn Độ. Có thể thấy rõ điều này trong huyền thoại lập quốc, trong tín ngưỡng Devaraja (Vua-Thần) của Khmer, Champa và các nhà vua Ấn Độ hóa của Java.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, những ảnh hưởng Ấn Độ về thể chế chính trị, tổ chức và quy tắc xã hội không phải rất quan trọng đối với bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Bởi lẽ những ảnh hưởng này chỉ ở một số quốc gia cổ, đồng thời cơ bản cũng chỉ giới hạn trong thời cổ đại (chỉ có một ngoại lệ là Thái Lan, nơi lý tưởng Devaraja vẫn còn duy trì đến tận hoàng gia đương đại). Dấu ấn của hệ thống phân biệt đẳng cấp khắt khe của Ấn Độ là vô cùng mờ nhạt ở Đông Nam Á. Vị trí xã hội của người phụ nữ ở Đông Nam Á, do tiếp nối, bảo lưu truyền thống bản địa, cũng cao hơn nhiều so với ở Ấn Độ.
2.2. Những ảnh hưởng Ấn Độ về ngôn ngữ
Nhiều học giả cũng nhấn mạnh những ảnh hưởng Ấn Độ trong các ngôn ngữ Đông Nam Á. Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào đến nay vẫn mượn chữ viết Ấn Độ và ngôn ngữ của họ phản ánh dấu ấn của cả tiếng Sanskrit lẫn tiếng Pali.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, những ảnh hưởng Ấn Độ về ngôn ngữ cũng không phải rất quan trọng đối với bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Vì rằng nhiều trong những ngôn ngữ Đông Nam Á thuộc về những nhóm hoàn toàn khác những ngôn ngữ Ấn Độ. Ngày hôm nay, nếu ASEAN cần có một “ngôn ngữ cộng đồng” (collective language) như một phương tiện giao tiếp chung cho các nước thành viên thì sự lựa chọn của nó chắc chắn không phải những ngôn ngữ Ấn Độ mà có lẽ, hoặc là tiếng Anh hoặc là tiếng Trung.
2.3. Những ảnh hưởng Ấn Độ về tôn giáo, đạo đức
Có ý nghĩa quan trọng nhất, theo chúng tôi, là dấu ấn của Ấn Độ trên nền tảng tôn giáo và đạo đức của Đông Nam Á.
Từ thời cổ đại, Phật giáo và Bà La Môn giáo đã thống lĩnh ở đây. Ngày nay, Phật giáo và Hồi giáo là hai tôn giáo quan trọng nhất. Mà Hồi giáo ở Đông Nam Á lại là Hồi giáo được mang đến chủ yếu từ Ấn Độ chứ không phải từ Arập, một Hồi giáo truyền thừa qua Ấn Độ và với một số ảnh hưởng Hindu.
Bảng 3: Tình hình tôn giáo ở các nước Đông Nam Á
(dẫn lại theo Viện Thông tin Khoa học Xã hội 1997:
Tôn giáo và đời sống hiện đại. Tập II)
Phật giáo
Hồi giáo
Các tôn giáo khác
Myanmar
87,2%
3,6%
Kito giáo 5,6%
Thái Lan
92,1%
3,9%
Lào
58%
Tôn giáo bộ lạc 34%
Campuchia
88,4%
2,4%
Việt Nam
55,3%
1,0%
Kito giáo 7,4%
Indonesia
1,0%
(Hindu giáo 2,1%)
83,6%
Malaysia
6,4%
(Hindu giáo 7,4%)
54,4%
Tôn giáo Trung Quốc 24,7%
Philippines
4,3%
Thiên Chúa giáo 84,1%
Singapore
8,6%
(Hindu giáo 5,7%)
17,4%
Tôn giáo Trung Quốc 53,9%
Brunei
13,1%
64,2%
Kito giáo 8%
Nếu ở Trung Quốc, Phật giáo đi vào đời sống tâm linh trước hết và chủ yếu qua những bản dịch từ Tam Tạng kinh (Tripitaka) thì ở Đông Nam Á, mặc dù trong nhiều thế kỷ cũng có những dòng đối lưu các tăng sĩ Ấn Độ đến Đông Nam Á và các tăng sĩ Đông Nam Á đến Ấn Độ nhưng không có đông đảo những dịch giả với việc thỉnh kinh, dịch kinh quy mô lớn.
Cả Phật giáo lẫn Hindu giáo đến Đông Nam Á, ở mức độ phổ biến sâu rộng, chủ yếu lại là qua những câu chuyện huyền thoại, cổ tích, sử thi, ngụ ngôn như Jataka, Mahabharata, Ramayana, Panchatantra…và bằng những hình thức sinh động của kể chuyện (người kể chuyện, tranh truyện thêu…), lễ hội, nghệ thuật tạo hình (điêu khắc, hội họa…), nghệ thuật biểu diễn (kịch rối, múa mặt nạ…)…
Bảng 4: Những bản Ramayana, Mahabharata, Jataka, Panchatantra
ở các nước Đông Nam Á
Ramayana
Mahabharata
Jataka
Panchatantra
Myanmar
-Yama Zatdaw
(thế kỷ XVIII)
Campuchia
– Reamker
(thế kỷ VI)
– Jataka
Panchatantra
Thailand
-Ramakien
(thế kỷ XIII)
– Xattakhăm
–Nang Tantay
Laos
–Phra Lak Phra Lam
(thế kỷ XIX)
–Gvay Dvorahbi
–Xỉn Xay
(thế kỷ XV)
–Nang Tantay
(1507)
–Munfa Tantay
Champa
-Ramayana
Vietnam
– “Dạ Thoa vương” (Lĩnh Nam chích quái)
Indonesia
-Ramayana Kakawin
(thế kỷ VIII-IX)
– Arjuna-
wiwala
– Bharatayu- dhakakawin
(1100)
– Bhagavad Gita
–Tamitri
Malaysia
–Hikayat Seri Rama
(thế kỷ XIII-XVII)
-Hikayat Maharaja Ravana
Panchatantra
Philippines
-Manaraw
Bảng 5: Ramayana, Mahabharata, Jataka, Panchatantra
qua các hình thức kể chuyện, lễ hội, nghệ thuật tạo hình
và nghệ thuật biểu diễn ở các nước Đông Nam Á
Ramayana
Mahabharata
Jataka
Panchatantra
Myanmar
– kể chuyện
–1 ngôi đền
– kịch rối bóng
– kịch múa cung đình
– kể chuyện
– trang trí đền đài
– kịch rối bóng
Campuchia
– kể chuyện
– những phù điêu Angkor Wat
-193 bức tranh trong 1 tăng viện ở Phnom Penh
-sân khấu
La Kon
– múa cung đình
– kể chuyện
– phù điêu
-kể chuyện
Thái Lan
-kể chuyện
-2 ngôi đền
-200 bích họa ở Wat Phra Kaeo (Bangkok)
–Nẳng Yai (kịch rối bóng)
–Kohn (múa mặt nạ)
-kể chuyện
-trang trí đền đài
-kịch rối bóng
-kể chuyện
Lào
-kể chuyện
-2 ngôi đền
-29 bích họa ở Vat Oup Moung (Vientiane)
-múa
– âm nhạc
-kể chuyện
-kể chuyện
Việt Nam
-Đền thờ Valmiki
–sân khấu dù kê của người Khmer
– 1 số truyện dân gian
Indonesia
-kể chuyện
– 5 ngôi đền
-phù điêu trên đền Hindu
-kịch rối bóng Wayang Kulit & Wayang Purwa
-Múa Kecak
-kịch múa mặt nạ
-kịch rối gỗ
-múa ballet
– Các lễ hội Mochopat, Bebachan
-kịch rối bóng, Wayang Kulit & Wayang Purwa
-1 số truyện dân gian
-kể chuyện
Malaysia
-kể chuyện
-1001 tranh tượng trong ngôi đền Rama lớn nhất
-kịch rối bóng Wayang Kulit
-kịch rối bóng Wayang Kulit
-1 số truyện dân gian
Có thể nói, bằng những cách thức như vậy, chính Đông Nam Á đã hấp thụ sâu sắc linh hồn của Phật giáo và Bà La Môn giáo, những tôn giáo mà trong bản chất, là những cách nghĩ và cách sống hơn là những hệ thống kinh điển, nghi lễ, tín điều chặt chẽ. Hơn nữa, ở Đông Nam Á, nơi mà đến 4/5 dân số sống ở những vùng nông thôn, văn hóa truyền thống chủ yếu là văn hóa truyền khẩu hơn là văn hóa chữ nghĩa, bằng hình thức kể chuyện, diễn xướng, hội lễ… như vậy, những ảnh hưởng Phật giáo, Bà La Môn giáo qua quá trình tổng hợp văn hóa đã không chỉ tập trung ở giới tinh hoa nắm đặc quyền tri thức, đặc quyền chính trị mà còn trở thành nền văn hóa sống động của đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong Jataka, Ramayana, Mahabharata… nhân dân Đông Nam Á không quá băn khoăn suy tư với những cặp phạm trù Atman-Brahman (Tiểu Ngã-Đại Ngã), Karma-Samsara (Nghiệp báo-Luân hồi), Dharma-Moksha (Bổn phận-Giải thoát) của triết học Phật giáo, Hindu giáo. Họ chỉ đơn giản là ngưỡng mộ trước Đức Phật, Rama-Sita, Yudhithira, Arjuna,… những tấm gương mẫu mực về tri kiến, hành động đạo đức, kỷ luật tinh thần, những biểu tượng rạng ngời của cái tâm thanh sạch, trong sáng, bình thản. Jataka (Những câu chuyện Tiền thân Đức Phật) là những bài học về đức vị tha, nhẫn nại, tình thương yêu rộng mở không chỉ đối với đồng loại mà là tất thảy mọi chúng sinh, còn các sử thi Ramayana, Mahabharata thì trình bày lý tưởng những quan hệ vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bạn hữu, ca ngợi những con người sẵn sàng hy sinh những quyền lợi vật chất cho những đòi hỏi tinh thần, đặt quyền lợi của cộng đồng, của người khác trên quyền lợi bản thân… Jataka, Ramayana, Mahabharata… chia sẻ những triết lý, những niềm tin sâu sắc mà giản dị về “gieo gì gặt nấy”, “thiện thắng ác”…
(ảnh chỉ mang tính minh họa; Nguồn: Internet)
Tương tự như thế, nhân dân Đông Nam Á không tiếp thu Panchatantra với tư cách một giáo trình Chính trị học (Rajaniti – Khoa học cai trị cho các nhà cầm quyền) mà chỉ rút từ đó những kiến thức thực hành dẫn dắt xử thế tốt trong đời. Niti cốt lõi nhất trong Panchatantra là hiểu biết cái hạn độ (limit), rằng: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ người biết là sống thôi”.
Ramayana, Mahabharata, Jataka, Panchatantra… vun bồi trong nhân dân Đông Nam Á những lý tưởng về cái thiện, về chính nghĩa, lòng nhân ái, từ bi…, lý tưởng sống vị tha, hòa bình, hòa hợp…, những giá trị thực ra vốn đã manh nha, vốn đã được nuôi dưỡng từ trong cơ tầng văn hóa bản địa (văn hóa nông nghiệp) của họ. Nếu như Nho giáo chỉ nâng lên thành nghĩa lý những tình cảm trung hiếu mà các nước Đông Á (Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên) vốn đã cảm nhận và mong ước từ bản năng thì Phật giáo, Bà La Môn cũng đóng vai trò đúng như vậy đối với truyền thống nhân văn của Đông Nam Á.
Những giá trị đó được vun bồi thuần thành viên mãn và trở nên những thành tố quan trọng trong bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Ngay cả khi Hồi giáo thế chỗ Phật giáo và Bà La Môn giáo ở phần lớn Đông Nam Á hải đảo thì người nông dân ở đây vẫn tiếp tục tìm được niềm vui giải trí cũng như những bài học đạo đức với những câu chuyện Ramayana, Mahabharata, Jataka, Panchatantra… được nghe, được xem từ thuở ấu thơ. (Có lẽ một phần chính nhờ vậy mà Đông Nam Á hải đảo vẫn là khu vực Hồi giáo ôn hòa nhất thế giới). Và ngay cả khi Phương Tây mang vào Đông Nam Á “những yếu tố của tư duy thế tục, thực dụng, hoài nghi đụng chạm (đồng thời cũng kích thích) mạnh mẽ đối với những xã hội truyền thống đậm đà màu sắc tôn giáo và tâm linh ở đây” (Guy Hunter 1966, tr.6) thì những giá trị đó vẫn là những năng lực tích cực và mạnh mẽ đương đầu được, cân lại với sự xâm nhập, lan tràn của xu hướng chủ nghĩa vật chất ngoại lai.
Bảng 6: Dấu ấn của những ảnh hưởng Ấn Độ trong giá trị văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á cho đến tận ngày nay
(Dựa theo Nguyễn Tấn Đắc 2005)
Đất nước
Những giá trị văn hóa được thừa nhận
Indonesia
Trong Pancasila (Năm nguyên lý) có
– Chủ nghĩa quốc tế / Chủ nghĩa nhân đạo
– Dân chủ
(L’Islam en Indonésie II. Etudes Interdisciplinaires sur le monde insulindien – Archipel 30. 1978. tr. 265)
Malaysia
Trong Ruknegara (Hệ tư tưởng quốc gia) có
– Trung thành với đức vua, với dân tộc
– Xử sự tốt và đạo đức
(Tạp chí Vòng quanh Đông Nam Á. 10 / 1999, tr. 24)
Singapore
Trong Hệ tư tưởng quốc gia có
– Hiểu biết, khoan thứ, hòa hợp giữa các chủng tộc, các tôn giáo
– Hòa điệu giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích cộng đồng
– Đồng cảm, giúp đỡ những người kém may mắn
– Giải quyết các vấn đề cơ bản trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận trong chừng mực có thể
(Tạp chí Vòng quanh Đông Nam Á. 10 / 1999, tr. 91-97)
Philippines
Trong những giá trị văn hóa có
– Pakikisama: cư xử tốt để giữ hòa hợp
– Tránh xúc phạm (hiya) người khác
(Tomas D. Andres 1987: Understanding Filipno, Philippines, tr. 75-77)
Myanmar
Trong những giá trị văn hóa có
– Cư xử tốt để giữ hòa hợp
– Không nói hoặc làm điều gì làm phiền hoặc xúc phạm người khác
– Coi trọng quyền lợi cộng đồng hơn lợi ích cá nhân
Thái Lan
Trong những giá trị văn hóa có
– Từ bi
– Giúp đỡ người khác
– Khoan thứ
(Phuông Phasa Khurôvat. Thai art and culture)
Laos
Trong những giá trị văn hóa có
– Nhân hậu
– Tránh xung đột
– Khiêm tốn, nhẫn nại
Việt Nam
Trong những giá trị văn hóa có
– Nhân ái
– Nghiã tình
(Trần Văn Giàu 1993: Những giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam)
Tóm lại, ảnh hưởng quan trọng nhất, sâu rộng nhất, lâu bền nhất của văn hóa Ấn Độ trong những nền văn hóa Đông Nam Á là sự vun bồi một nền tảng đạo đức chung cho toàn bộ khu vực. Chính di sản chung này góp phần gắn kết chặt chẽ quan hệ gần gũi, xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả giữa các dân tộc Đông Nam Á trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Guy Hunter 1966: South-East Asia – Race, Culture, and Nation. Oxford University Press, New York, London.
2. Reginald le May 1964: The culture of SouthEast Asia. The heritage of India. George Allen and Unwin Ltd. London
3. Nguyễn Tấn Đắc 2005: Văn hóa Đông Nam Á. NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Mai Ngọc Chừ 1998: Văn hóa Đông Nam Á. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Lưu Đức Trung (chủ biên) 1998: Văn học Đông Nam Á. NXB. Giáo dục.
6. Hugh Clifford 1990: Furthur India. White Lotus, Co.Ltd., Bangkok, Thailand.
7. H.B.Sahkar 1985: Cultural relations between India and SouthEast Asian countries. Indian council for cultural relations. New Dehli.
8. Thakur Upendra 1986: The Ramayana in SouthEast Asia – Some aspects of Asian history and culture. Abhinav Publication, India.
9. A.L.Basham (edited) 1998: A cultural history of India. Oxford University Press. Delhi, Calcutta, Mumbai.
10. A.L.Basham 2000: The wonder that was India. Rupa & Co.
11. Susanne Schech & Jane Haggis 2000: Culture and development. Blackwell publishing.
12. Frank J. Lechnes & John Boli 2005: World culture. Origins and Consequences. Blackwell publishing.
13. Bui Hai Dang 2006: The EU and European identity. Jagiellonian Unversity in Krakow, Poland.