THE PRINTER
Văn hóa truyền thống trong giới trẻ
Hiện nay, trong xã hội xuất hiện không ít những hiện tượng “na ná văn hóa truyền thống” khiến độc giả phải “ồ” lên vì những cái tít báo kêu như chuông, chẳng hạn: “8X và sự bảo tồn văn hóa”… khi một nhân vật nào đó đột nhiên có sự quan tâm đặc biệt đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, gốm Bát Tràng, thư pháp…
Vô tình hoặc hữu ý họ được đưa lên mặt báo và được ca tụng hết lời. Rõ ràng, xã hội vẫn luôn để ý tới cách nhìn, cách nghĩ và cách ứng xử của giới trẻ đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
GS. Hoàng Vinh trong cuốn sách Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta hiện nay cho rằng, một trong những tiêu chí thuộc về tổ hợp các tiêu chí để nhận biết trình độ văn hóa của một xã hội là: “Thái độ trân trọng của xã hội đối với việc bảo quản và phát huy những giá trị tinh thần đã tích lũy được, biến những giá trị chung đó thành vốn văn hóa cá nhân của mỗi con người. Bản sắc dân tộc của văn hóa trở thành cái màng lọc cần thiết cho cả dân tộc (quốc gia) và cho mỗi cá nhân trong bối cảnh giao lưu đại chúng của xã hội hiện nay”. Một đứa trẻ ra đời, nó được tiếp cận ngay với toàn bộ giá trị văn hóa mà các thế hệ trước đã tích lũy. Đó là sự kế thừa trong sự vận động của văn hóa. Đề cập đến sự quan tâm đối với văn hóa truyền thống hiện nay ở Việt Nam, giới trẻ (8x, 9x) là đối tượng có nhiều điều đáng bàn hơn cả.
Văn hóa ứng xử, giao tiếp của giới trẻ ngày nay còn hay không những nét đẹp của truyền thống? Hiện nay, không ít học sinh, sinh viên chẳng những đã đánh mất phép tắc, không kể trên – dưới, trước – sau, ăn nói thiếu lễ độ, thô tục mà còn hành xử côn đồ, hiếu thắng… bất kể trong gia đình hay ra ngoài đường. Đáng buồn là hiện trạng này càng ngày càng gia tăng. Nhiều 9X còn vô cùng ấu trĩ khi cho rằng nói “bậy bậy” một chút mới là “mốt”, mới là sành điệu; giải quyết va chạm bằng võ “mồm”, bằng bài “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mới là anh hùng, đáng mặt nam nhi (cách hành xử này ở nữ nhi cũng không phải là ngoại lệ).
Sự đi xuống của văn hóa truyền thống trong giao tiếp còn thể hiện ở cả cách ăn mặc. Đúng mốt, đắt tiền, sexy mới là đẹp, là sành điệu, hợp thời. Càng ít vải thì càng hay, càng táo bạo và cá tính. Lên giảng đường, đến lớp học thêm như đi trình diễn thời trang hay du lịch biển… Lối sống của các thế hệ người Việt cũng có nhiều thay đổi, không phải không có mặt tốt, nhưng mặt xấu quá nhiều: sống thử, yêu thử, tình một đêm… đi kèm đó là các hệ lụy do lệch lạc về cách nghĩ gây ra. Nhiều bạn trẻ hiện nay (mà rất nhiều bài viết trên báo chí đã đề cập đến) đã sa vào nhiều các tệ nạn, bị cuốn vào lối sống lai căng mà biểu hiện cụ thể là: ích kỉ, thích và quen hưởng thụ, buông thả…
Khi văn hóa ngoại nhập phát triển ngày càng mạnh, dưới nhiều hình thức đa dạng, có sức thu hút đến không thể cưỡng lại đối với các bạn trẻ thì ở nước ta ngày càng vắng bóng các chương trình nghệ thuật truyền thống. Sự theo dõi và tham gia của thanh thiếu niên đối với các chương trình đó cũng ngày càng thưa thớt cho thấy sự quan tâm đến nghệ thuật truyền thống ở họ đã giảm sút đáng kể. Tuy vẫn có những người trẻ say mê các loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng số ít đó dường như bị chìm khuất. Một cô gái người Auxtraylia sang Việt Nam và say mê loại hình hát chèo của ta, càng đặc biệt hơn khi cô gái này “say như điếu đổ” nàng Thị Mầu trong Quan âm Thị Kính. Rất nhiều người ngoại quốc có hứng thú đặc biệt với các loại nhạc cụ độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam, họ đã học và đã biểu diễn chuyên nghiệp trước sự thán phục của các bạn trẻ Việt… Điều đó chứng tỏ, không phải âm nhạc truyền thống đã hết thời, cần phải thay đổi mà chủ yếu là cách mà giới trẻ hiện nay nhìn nhận, cách họ được tiếp cận, truyền thụ. Mặc dù hiện nay, các nhạc sĩ đã cố gắng đưa chất dân gian truyền thống vào âm nhạc bằng nhiều cách độc đáo và mới mẻ, theo nhiều con đường đặc trưng của loại hình nghệ thuật này, song người ta vẫn không khỏi âu lo về nguy cơ ngày càng cao rằng nó sẽ bị lấn át trước làn sóng quá mạnh của nhạc thị trường.
Ngoài các loại hình nghệ thuật, văn học dân gian cũng được coi là “tài sản tinh thần” của nhân dân để lại từ đời này sang đời khác. Ca dao, tục ngữ và các câu chuyện cổ… đã chứng tỏ được sức sống mạnh mẽ của nó trong tâm thức dân tộc khi tồn tại đến tận ngày nay, chỉ có điều, giới trẻ ngày càng ít người đọc và hiểu chứ chưa nói đến biết trân trọng và lưu giữ nó. Nhiều học sinh dùng các câu tục ngữ, thành ngữ sai ngữ cảnh, “chế” các bài ca dao bằng ngôn ngữ hết sức “teen”… do không hiểu rõ về ý nghĩa của các tác phẩm ngôn từ truyền miệng, những kinh nghiệm sống của ông bà để lại từ xưa với mục đích giáo dục con cháu.
Hiện nay còn có một xu hướng khá nổi bật trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống đó là kết hợp nhiều nét văn hóa truyền thống khác nhau vào một hoạt động chẳng hạn: “du lịch văn hóa”, đưa du khách trở về các khu sinh thái nhân tạo ở nông thôn, các làng nghề truyền thống, các tour du lịch kết hợp giải trí và tìm hiểu văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, số bạn trẻ “chơi” thì nhiều mà “học” và thực sự “say mê” thì ít. Và có ai dám chắc sau mỗi chuyến đi như thế, ấn tượng về văn hóa truyền thống ở họ còn lại được bao nhiêu. Lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống mà họ hiểu thực sự là những gì? Dầu sao nếu trí nhớ được lặp lại nhiều lần về một hình ảnh nào đó thì nó sẽ được lưu giữ lâu hơn. Tác dụng tích cực của hoạt động này cũng không thể phủ nhận…
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ đỡ mai một hơn nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng biết giữ gìn và trân trọng nó. Bởi lẽ, văn hóa cá nhân là văn hóa của một con người, là toàn bộ vốn kinh nghiệm, sự hiểu biết mà cá nhân tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn – lịch sử. Mỗi cá nhân, mang vác những giá trị tiêu biểu của một nền văn hóa độc đáo được gọi là nhân cách văn hóa của nền văn hóa ấy. Còn văn hóa cộng đồng là văn hóa của một nhóm xã hội. Nó không phải là con số cộng đơn giản của những văn hóa cá nhân sống trong cộng đồng, mà là toàn bộ giá trị và chuẩn mực xã hội, cùng với các hệ thống biểu tượng, được cộng đồng xã hội chấp nhận và thực thi một cách tự nguyện.
Như vậy, sự tác động qua lại giữa văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng biểu hiện như là phép biện chứng của sự phát triển văn hóa. Xã hội càng phát triển, con người càng có điều kiện để phát triển cá nhân theo hướng toàn diện, hiện đại hóa. Giới trẻ hiện nay rõ ràng biết nhiều hơn, năng động hơn người xưa, họ cũng làm được nhiều điều lớn lao, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nhưng nếu chỉ biết vươn đến những cái hiện đại mà đánh rơi mất những nét đẹp truyền thống tức là đánh mất cội rễ của mình, sự phát triển sẽ không toàn diện và bền vững. Mặc dù thế, đây đó, vẫn có những bạn trẻ, không ồn ào, không khoa trương, bằng những hành vi, cử chỉ giản đơn của mình, đã và đang lưu giữ truyền thống một cách tự giác. Dẫu sao, đó cũng là một biểu hiện đáng mừng, đáng để chúng ta hi vọng.