THÚ VỊ NHỮNG LỄ HỘI VĂN HÓA THÁNG 8

 

Du lịch văn hóa là một phần không thể thiếu trong mỗi cuộc hành trình. Hãy lên đường khám phá các lễ hội sôi động trong tháng 8 này như tết Xíp xí ở Tây Bắc, lễ hội Đổ giàn Bình Định hay ngày hội văn hóa dân tộc Raglai ở Ninh Thuận.

Lễ hội Điện Hòn Chén

Đến hẹn lại lên, từ ngày 6 – 8 tháng 7 âm lịch (12 – 14.8), người người lại tề tựu về núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế để tham gia lễ hội điện Hòn Chén. Đây là lễ hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu. 

Lễ hội điện Hòn Chén không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người, nên còn được gọi là lễ Vía Mẹ. Lễ hội đã thu hút một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước nhờ sự pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng.

Lễ hội Xíp xí

Lễ hội Xíp xí được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 7 âm lịch là Tết lớn nhất của người Thái trắng tại Tây Bắc. Đây là dịp tưởng nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản. Tết Xíp xí cũng là dịp đồng bào thể hiện lòng mến khách của mình. Do đó nếu có cơ hội đến đây, bạn đừng bỏ qua ngày tết độc đáo này để cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của gia chủ.

Lễ hội Đổ Giàn

Lễ hội Đổ Giàn ở làng An Thái, huyện An Nhơn, Bình Định diễn ra vào ngày rằm tháng 7 các năm Tỵ, Dậu, Sửu. Một chú heo quay để ở giữa đài cao, nhóm võ sĩ làng nào giật được coi như làng đó thắng cuộc. Hội Đổ Giàn không chỉ là một cuộc tranh tài lý thú và hấp dẫn, mà còn là nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê giàu tinh thần thượng võ. Hội còn có rất nhiều hoạt động phong phú khác như hát bội, phóng sinh, múa lân…

Lễ hội Pôồn Pôông

Rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày diễn ra lễ hội Pôồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Hóa. Pôồn Pôông trong tiếng Mường là “chơi hoa”. Lễ hội gồm có 48 trò đặc sắc, như chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông – bói bông, làm cơm mời bạn, uống rượu cần… 

Du khách khi đến với lễ hội Pôồn Pôông sẽ mê đắm những lời ca, điệu múa hòa trong tiếng cồng, chiêng giục giã, mời gọi, thôi thúc.

Lễ hội Đền Bảo Hà

Đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai nằm trong quần thể di tích thần vệ quốc Hoàng Bảy từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách. 

Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy, người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng tổ quốc ở cửa ải Lào Cai, diễn ra vào ngày 17 tháng 7 âm lịch. Ngoài phần lễ chính, phần hội sôi nổi với nhiều hoạt động văn nghệ và các môn thể thao dân tộc truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ.

Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan được tổ chức hàng năm vào rằm tháng 7 ( 21.8 dương lịch), trùng với ngày xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Đây là dịp nhắc nhở cá con cháu nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

 Riêng ở Cần Thơ, lễ hội Vu Lan thắng hội Phong Điền lại được tổ chức vào ngày 19 – 20 tháng 7 âm lịch, nhằm thể hiện sự gắn bó bền chặt, tinh thần đoàn kết và sự giao lưu văn hoá giữa cộng đồng người Hoa và các dân tộc anh em. Lễ hội có nhiều nghi thức và hoạt động đặc sắc như: cầu siêu, báo hiếu, phát gạo cho người nghèo.

Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản

Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản sẽ được tổ chức từ 23 – 25.8 tại Hội An. Chương trình sẽ có nhiều hoạt động mới lạ như thuyết trình và giao lưu thư pháp Nhật Bản do nhà thư pháp Takeda Souun thực hiện, ẩm thực Nhật Bản, trình diễn hợp xướng Nhật Bản, Hội An… 

Đặc biệt, lễ khai mạc và lễ bế mạc đều được tổ chức thành sự kiện đường phố tại đường vòng cung Chùa Cầu với chương trình nghệ thuật đặc sắc và giao lưu cộng đồng múa Bon, múa Trống cơm, múa sạp và khiêu vũ quốc tế…

Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai

Từ ngày 29 đến 31.8, sẽ diễn ra ngày hội văn hóa dân tộc Raglai năm 2013 tại huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Ngày hội thu hút sự tham gia của đồng bào dân tộc Raglai sinh sống tại Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng. 

Trong ngày này sẽ diễn ra nhiều hoạt động như thi dựng nhà sàn, cây nêu; trình diễn nghệ thuật dân gian; triển lãm, trưng bày quảng bá du lịch, giới thiệu hiện vật văn hóa sản vật của địa phương và tham gia các trò chơi dân gian dân tộc Raglai.

(Nguồn: Yume)