THỰC TRẠNG ĐƠN ĐIỆU, TRẦN TỤC VÀ THƯƠNG MẠI HÓA CỦA LỄ HỘI VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HIỆN NAY

ThS. Nguyễn Thị Nhung

1. Đặt vấn đề
Lễ hội là một thành tố quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, được nhìn nhận như một “bảo tàng” về đời sống văn hóa cư dân bản địa. Với sự phong phú, đa dạng về loại hình, trải dài cả về không gian và thời gian; lễ hội ở Việt Nam là một “tài nguyên” vô giá đối với phát triển du lịch văn hóa. Với con số 8000 lễ hội, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam xứng đáng được xếp vào loại “giàu có” về lễ hội. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là giá trị nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, giáo dục… do các lễ hội mang lại còn quá ít ỏi. Thay vào đó là tình trạng đơn điệu hóa, thương mại hóa và trần tục hóa lễ hội. Điều này ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và sự phát triển của du lịch Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.

2.Nội dung nghiên cứu và giải quyết vấn đề
Theo kết quả của các nghiên cứu Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Lê Thị Nhâm Tuyết… lễ hội của người Việt có từ rất sớm, từ khi chưa hình thành nhà nước, chưa có sự phân chia giai cấp. Đó là vào khoảng thế kỷ thứ IV TCN. Nền tảng cho sự xuất hiện lễ hội chính là phong tục tập quán và nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. “Lễ hội gồm 2 phần vừa tách rời vừa không tách rời nhau: Lễ (nghi lễ cúng Thần, Thánh, Phật, Mẫu…) và Hội (tụ hội của dân một làng hay liên làng (liên vùng)” (GS Trần Quốc Vượng) [1,tr79]. Lễ hội là hoạt động văn hóa mang tính tất yếu và thiết yếu trong đời sống văn hóa xã hội của mỗi quốc gia. Đây là sản phẩm của lịch sử; ra đời, tồn tại và vận hành cùng lịch sử. Chừng nào còn con người, còn đời sống văn hóa thì hoạt động lễ hội còn là thành tố đặc sắc và không thể thiếu. Với mỗi người dân Việt Nam, lễ hội là nhu cầu nội tại tự thân không thể thiếu.
Sản phẩm du lịch lễ hội là những sản phẩm tận dụng lễ hội để xây dựng những chương trình du lịch mà ở đó du khách có thể tham gia trải nghiệm, hòa mình và cảm nhận không khí của một hay nhiều lễ hội. Ở một “đất nước lễ hội” như Việt Nam, sản phẩm lễ hội có sức hút lớn với những du khách, đáp ứng mong muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của cư dân Việt. Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm các loại hình nghệ thuật diễn xướng gắn với các vùng miền khác nhau như: quan họ, chèo, tuồng, cải lương, đờn ca tài tử, múa rối nước… và các trò chơi dân gian: cờ tướng, đấu vật, thổi cơm thi, bắt vịt, gánh nước, đua thuyền…
Trong giai đoạn hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập hóa và cùng với sự thay đổi nhiều mặt của đất nước, lễ hội truyền thống Việt Nam có sự biến đổi lớn cả về nội dung và hình thức thể hiện. Những hình thức mới chứa đựng những nội dung mới đang diễn ra, biến động và từng bước định hình trong điều kiện mới. Đó là các lễ hội du lịch, lễ hội thương mại – du lịch, lễ hội văn hóa – thể thao, lễ hội sự kiện… với quy mô đa dạng. Tuy vậy, song hành với điểm mới này còn nhiều bất cập, thách thức cho những người làm văn hóa, du lịch như việc thẩm định, kiểm soát nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống trước nhịp sống đương đại. Thực tế đang diễn ra của ngành du lịch nói chung và du lịch lễ hội nói riêng là tập trung khai thác tài nguyên, quá để tâm đến hiệu quả kinh tế, lợi ích của nhà kinh doanh hơn là sự bền vững của tài nguyên, hiệu quả văn hóa, giáo dục của nguồn tài nguyên lễ hội mang lại cho cá nhân, cộng đồng. Điều đó dẫn đến hiện trạng lợi ích kinh tế trước mắt làm bào mòn, gây tổn thất không nhỏ đối với các giá trị văn hóa dân tộc. Du lịch lễ hội Việt Nam hiện nay đang xa rời mục tiêu hàng đầu là giữ gìn và bảo lưu những giá trị văn hóa nguyên gốc.
2.1.Tình trạng đơn điệu hóa lễ hội
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 7966 lễ hội bao gồm:

Loại hình lễ hội
Số lượng
Tỉ lệ %

Lễ hội dân gian
7039
88,36

Lễ hội lịch sử
332
4,17

Lễ hội tôn giáo
544
6,83

Lễ hội du nhập từ nước ngoài
10
0,13

Lễ hội khác
41
0,51

Như vậy, với gần 8000 lễ hội, trung bình mỗi ngày có 22 lễ hội diễn ra trên dải đất hình chữ S. Trong đó, những lễ hội lớn có sức hấp dẫn du khách như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội đền Kiếp Bạc, lễ hội Quan Âm (ở Ngũ Hành Sơn), lễ hội Lồng Tồng của tộc người Tày, Nùng, lễ hội Ka Tê của người Chăm, lễ hội Đất phương Nam… Và gần đây là sự phát triển của các lễ hội sự kiện: Festival Huế, lễ hội Hoa tại Đà Lạt, lễ hội Pháo hoa Quốc tế tại Đà Nẵng, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Thế giới tại Vũng Tàu… Sự phong phú về số lượng là một tiềm năng to lớn để phát triển du lịch lễ hội ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn vào con số thống kê theo một khía cạnh khác, chúng ta dễ dàng nhận thấy lễ hội dân gian chiếm đa số với 88,36% (tương đương với 7039 lễ hội). Ở nước ta có số ít là lễ hội truyền thống quốc gia, ví như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Gióng …và lễ hội truyền thống vùng miền: Lễ hội Trường Yên, hội Lim, lễ hội Phủ Giày…còn lại đa phần là lễ hội dân gian trong phạm vi làng quê. Mặt khác, vào thời điểm hiện nay, sau khi được phục hồi đa phần các lễ hội đều có tính chất tẻ nhạt, đơn điệu do chỉ được phục dựng theo trí nhớ và vận dụng kinh nghiệm tổ chức từ nơi khác. Nếu như trước kia ở mỗi vùng miền, thậm chí mỗi làng, lễ hội có nét riêng theo kiểu người xưa nói “Trống làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Nhưng giờ đây, sự đa dạng ngày càng mất đi, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa cả về mặt nghi lễ và cả ở nội dung các trò chơi dân gian. Ví dụ điển hình cho tình trạng này là sự xuất hiện phổ biến của diễn xướng quan họ trong các lễ hội. Hiện nay, không chỉ giới hạn ở vùng Kinh Bắc; việc ban tổ chức thuê, mời các nghệ nhân quan họ đến biểu diễn trong các lễ hội miền Bắc là điều chúng ta đều nhận thấy. Điều này lặp đi lặp lại trong nhiều lễ hội sẽ gây ra tình trạng nhàm chán đối với khách tham dự, khiến khách du lịch vắng dần. Thêm vào đó, việc vay mượn kịch bản lễ hội, lạm dụng phương tiện âm thanh, ánh sáng hiện đại, trùng lặp của các trò chơi dân gian.., sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền trong tổ chức và vận hành lễ hội … cũng góp phần gia tăng tình trạng đơn điệu hóa lễ hội.
Xét về nguyên nhân, tính đơn điệu của lễ hội Việt Nam còn có một phần do sự “nguyên gốc”, “nội tại” của các hội làng. Trong một chặng dài lịch sử dân tộc Việt Nam, các lễ hội chủ yếu là lễ hội nhỏ, diễn ra trong phạm vi làng, gắn với việc làng. Lễ hội độc đáo và có tính hấp dẫn lớn trong du lịch, vì thế, khá ít ỏi. Do vậy, trong sự phát triển du lịch hiện nay, vai trò của nhà quản lí, các nhà kinh doanh trong việc khắc phục tình trạng đơn điệu hóa lễ hội càng phải được lưu tâm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch ngày nay, Việt Nam cần chú trọng khảo sát, phân loại, đánh giá giá trị khoa học của lễ hội, bảo tồn giá trị nguyên gốc nhưng đồng thời cũng cần lựa chọn đầu tư những lễ hội tiềm năng để phát huy giá trị văn hóa một cách chọn lọc, đẩy mạnh tính đa dạng, đặc sắc của lễ hội Việt Nam.
2.2. Tình trạng trần tục hóa lễ hội
Lễ hội ngày nay đã dần bị thế tục hóa bởi sự thiếu hiểu biết của con người. Điển hình là ở phần khai mạc của nhiều lễ hội, nội dung chính lại là báo cáo thành tích của chính quyền địa phương… Với nhiều lễ tế, lễ rước thần linh đã cho người đóng giả thần. Hội Lim năm 2012 đã tổ chức và xác lập kỷ lục Việt Nam nhiều người cùng hát quan họ nhất (hơn 3500 người). Điều này không đúng với không gian hát quan họ và phá hỏng đi tính chất giao duyên của quan họ. Hay như con số 50 vạn ấn được phát ở đền Trần những năm gần đây cũng là nguyên nhân tạo ra sai lệch gốc văn hóa của nhiều lễ hội…
Một dẫn chứng tiêu biểu nữa là việc thế tục hóa lễ hội đang diễn ra ở hội Gióng. Trước kia, những người được đóng các vai chính trong hội Gióng như ông hiệu, cô tướng phải đạt được những tiêu chuẩn và phải có vị thế xã hội nhất, trở thành ông hiệu, cô tướng trong lễ hội là vinh dự của cá nhân, gia đình, thậm chí cả dòng họ. Sau lễ hội, họ vẫn phải cư xử đúng mực để bảo đảm sự linh thiêng của đức Thánh. Nhưng hiện nay việc vinh danh này đang dần mờ nhạt, cử người vào vị trí ông hiệu, cô tướng trở nên khó khăn. Do không đạt được yêu cầu nhất định nên sự nghiêm túc trong việc thực hiện quy trình lễ hội cũng mờ nhạt, trần tục hóa: “Ngày xưa, hội diễn ra có nền nếp thứ tự. Mùng 8 âm lịch, các ông hiệu lên đền hết, ở lại đêm trên đấy. Bây giờ họ ở nhà. Đến trưa, trời nắng, các cô tướng nắng quá cũng bỏ vị trí, đi xuống bụi tre ngồi tránh nắng”.[4].
Điển hình cho việc trần tục hóa là việc hiện nay đã có một bộ phận người dân coi “tiền lẻ” như một “lễ vật” và được đặt cùng với đồ lễ khác để dâng lên Thần, Phật…. Yếu tố thiêng của các lễ hội ngày càng thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống do đó mà bị hiểu sai hoặc mai một dần. Xét ở khía cạnh du lịch lễ hội, ngoài ý thức tham gia của du khách thì các nhà kinh doanh du lịch cũng cần chịu tránh nhiệm trước tình trạng này. Bởi lẽ, những người hoạt động du lịch có vai trò quan trọng trong việc định hướng và dẫn dắt du khách tiếp thu, thưởng thức các giá trị văn hóa trong mỗi lễ hội. Nếu những cá nhân, tổ chức hiểu sai, hướng dẫn sai thì sẽ dễ dẫn đến việc du khách hiểu sai về phong tục tập quán và các lễ hội ở Việt Nam.

 
 

2.3. Thực trạng thương mại hóa lễ hội
Nói đến lễ hội, chúng ta thường nghĩ đến không khí vui tươi, nơi mọi người du ngoạn, thưởng thức khung cảnh thâm nghiêm, thanh tịnh nơi cửa Phật, cửa đền, cửa đình. Đến với Thần, Phật, Thánh, Mẫu để mong sự an khang và  những điều may mắn. Nhưng trên thực tế rất nhiều lễ hội đã trở thành chốn trần tục để người đi lễ tranh nhau cầu xin, mua bán lợi lộc, quan tước, thậm chí cầu xin cả những điều phi pháp.Việc mua bán hàng hóa, sản vật địa phương nay bị lợi dụng thành cơ hội để chặt chém, kiếm chác, hưởng lợi. Những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi lễ hội bị che lấp, còn lại một vẻ xô bồ, nhếch nhác, đượm màu lợi nhuận. Nhiều di tích nơi diễn ra lễ hội bị xâm hại bởi công trình dân sinh hoặc xây mới đã làm mất đi những giá trị nguyên gốc. Lợi ích trước mắt khiến cho di sản bị méo mó và bị hủy hoại. Hiện tượng bói toán, cờ bạc trá hình, tệ bán hàng rong, rút thẻ, coi bói, nâng giá, ép giá, nạn hành khất, đeo bám du khách, tranh giành thu tiền bán vé dịch vụ… làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội. Hiện tượng khấn thuê, đốt đồ mã tại những nơi thờ tự vẫn còn tồn tại. Tại các cơ sở di tích tôn giáo, sau mỗi mùa lễ hội tràn ngập rác thải. Nguồn thu công đức ở cùng một số đền, phủ nhưng lại chia cho các bên khác nhau quản lý (như thủ từ, thủ nhang, chính quyền địa phương, bộ phận quản lý di tích) dẫn đến trong đền chùa có quá nhiều khay đựng tiền giọt dầu, hòm công đức. Nhiều nơi lập nhiều ban thờ, đặt hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu tràn lan khiến du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn, thả tiền ném tiền bừa bãi vào hậu cung, nhét tiền vào tay Thần, Phật làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, tôn kính trong sinh hoạt lễ hội… Môi trường du lịch, môi trường văn hóa trong hoạt động lễ hội bị “ô nhiễm” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nhiều lễ hội nổi tiếng đang gây phản cảm, không gian lễ hội ngày một quá tải, tình trạng “buôn thần bán thánh” diễn ra tràn lan. Cảnh cả ngàn người lao vào cướp lộc, cướp lễ ở Đền Trần (Nam Định), dịch vụ “chặt chém” tại chùa Bái Đính, hàng quán treo lủng lẳng thịt thú rừng ở chùa Hương, tình trạng đốt đồ mã, khấn thuê, khấn mướn tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hay Phủ Giầy (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình)… là điển hình cho thương mại hóa lễ hội hiện nay.
Thực trạng trên của lễ hội do nhiều nguyên nhân khác nhau: có người cố tình lợi dụng trục lợi, có người do thiếu hiểu biết, do chưa có chính sách quản lý lễ hội một cách chặt chẽ (đặc biệt là ở việc thiếu thống nhất, minh bạch trong phân cấp quản lý lễ hội và di tích)… Để giảm và tiến tới xóa bỏ tình trạng này cần có sự tham gia của cả cộng đồng và đặc biệt không thể thiếu chính sách tích cựu mạnh mẽ của các cấp quản lý. Thiết thực nhất để mang lại môi trường du lịch “văn hóa” là cần sự chung tay của cả 4 nhân tố trực tiếp tham gia du lịch lễ hội: khách du lịch, nhà kinh doanh du lịch, chính quyền địa phương, dân cư sở tại.

3. Kết luận
Trong phát triển du lịch lễ hội, tài nguyên lễ hội không chỉ cần tồn tại bền vững, mà còn phải được bồi đắp, làm phong phú hơn. Để du lịch lễ hội bền vững, vai trò của nhà kinh doanh phải được đặt ngang với vai trò sứ giả văn hóa của cộng đồng, dân tộc. Thêm một cách thức xây dựng du lịch lễ hội hiệu quả là gắn liền du lịch với cộng đồng địa phương. Chia sẻ lợi ích từ du lịch đối với các cư dân sở tại giúp họ cải thiện cuộc sống là cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương.
Lễ hội Việt Nam đã tồn tại như một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Việt. Nói như GS. Ngô Đức Thịnh “Lễ hội chính là tấm gương phản chiếu văn hóa”. Lễ hội là một hiện tượng văn hóa nguyên hợp, là một kết cấu hài hòa giữa những yếu tố văn hóa vật thể và những yếu tố văn hóa phi vật thể. Nếu như chúng ta xóa bỏ được tình trạng đơn điệu, trần tục và thương mại thì các lễ hội sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc, sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn và có ưu thế nổi bật trong quá trình cạnh tranh quốc tế của ngành du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thúy Anh, Du lịch văn hóa, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011

2. PGS.TS Trương Quốc Bình, Lễ hội dân gian và đời sống đương đại ở Việt Nam, nguồn: http://vanhien.vn/

3. PGS.TS Hoàng Lương, Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam các tỉnh phía Bắc, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2011

4. Trần Nguyễn, Giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, nguồn http://www.nhandan.org.vn

5. Trinh Nguyễn, Cảnh báo biến tướng lễ hội, nguồn http://www.thanhnien.com.vn

6. Dương Văn Sáu, Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2004

7. Trần Diễm Thúy, Văn hóa du lịch, NXB VHTT, Hà Nội, 2008

8. Hoàng Việt Thịnh, “Xứ Lạng mùa lễ hội”, Du lịch Việt Nam, số 3, 2013, tr. 3

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, số 55, 6/2017