TỔNG QUAN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TỈNH QUẢNG TRỊ

Quảng Trị là một mảnh đất có bề dày về lịch sử, là nơi gặp gỡ, hội tụ và giao lưu nhiều dấu ấn của các nền văn hóa. Nơi đây từng được coi là vùng đất giao thoa giữa hai nền văn hóa Chămpa và Đại Việt; là điểm dừng chân của người Việt trên bước đường mở cỏi về phương Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, lớp lớp cha ông đã vượt qua mọi thách thức gian nan để làm nên những kỳ tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng, để lại cho hậu thế một gia tài di sản văn hoá truyền thống vô cùng quý báu mà ngày nay chúng ta phải có trách nhiệm trân trọng, nâng niu và giữ gìn. 

Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm,Việt, Bru – Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, hội nhập, giao thoa, kết tinh và lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước. Đây là một bức tranh phức hợp đa sắc màu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, quan niệm về thờ cúng, chuyện tích về các vị thần, lễ hội, trò chơi, các ngành nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực và trang phục truyền thống… tất cả đều xuất phát từ thực tiển cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ước muốn, tình cảm của người dân; là những truyền thống tốt đẹp, thanh cao, quý giá, là nét tinh hoa đáng trân trọng nhất.

Từ năm 2011 đến 2017, thực hiện theo Thông tư số 04/2010/TT – BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tổ chức nhiều đợt tổng điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại địa bàn các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh, Cam Lộ; và đa phần địa bàn các xã của hai huyện Đakrông, Hướng Hóa (hiện còn 2 thị trấn và 10 xã chưa điều tra, kiểm kê). Qua bước đầu tiến hành hoạt động điều tra, nhận diện, xác định giá trị di sản và kiểm kê tại địa bàn các làng xã thuộc những huyện nêu trên; kết quả bước đầu đã lập phiếu kiểm kê cho 368 di sản văn hóa phi vật thể tập trung theo 7 loại hình chính như sau:

1. Những di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 02 di sản)

Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quý giá của con người, nhờ có nó mà con người mới trao đổi, chuyện trò tâm sự cùng nhau. Trong lịch sử, tiếng nói xuất hiện cùng với lịch sử loài người, nhưng chữ viết thì muộn hơn và thậm chí có một số phương ngữ cho đến nay vẫn chưa có chữ viết. Tùy mỗi vùng miền, mỗi địa bàn mà phương ngữ có sự khác biệt. Người Việt sinh sống trên mảnh đất Quảng Trị đa số có chất giọng nặng, đặc trưng. Trong quá trình giao tiếp chủ yếu sử dụng tiếng địa phương, chính các yếu tố đó đã tạo nên các bản sắc riêng biệt mà không thể lẫn vào một địa phương nào khác. Bên cạnh đó thì hai tộc người thiểu số Bru – Vân Kiều và Tà Ôi cư trú ở miền tây Quảng Trị lại sử dụng ngôn ngữ riêng mang âm điệu đặc trưng của người bản địa.

Ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú và Ngữ âm làng Phú Hải, xét về mặt phương ngữ học thì ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú và ngữ âm làng Phú Hải chính là sự biểu hiện của một ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương (trong phạm vi của xã) hay nói đúng hơn đây chính là sự biến thể địa phương của một ngôn ngữ toàn dân được hình thành và tồn tại từ lâu đời trong lịch sử. Đó là những “thổ ngữ” hay còn gọi là “giọng địa phương”. Sự xuất hiện của hai loại ngữ âm này là một hiện tượng lịch sử, bởi chịu sự tác động của các yếu tố xã hội và được bắt nguồn từ những nguyên nhân không giống nhau. Ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú vốn được nảy sinh trong quá trình sống và lao động của người dân và ở đây, mã thanh điệu hay nói rõ hơn đó là sự biến đổi về mặt thanh điệu trong ngôn ngữ chính là nguyên nhân quyết định tạo nên sự khác biệt này. Bên cạnh đó, thì yếu tố địa lý cũng phần nào góp phần làm biến đổi cách phát âm của người dân Vĩnh Tú cũng như một số xã lân cận như Vĩnh Thái, Vĩnh Nam… Cư trú trên một vùng đất đỏ gần sát biển, người dân nơi đây có thói quen phát âm nặng và lệch âm. Phong cách sử dụng các yếu tố như phụ âm, từ láy, từ ghép, kiểu câu… trong quá trình phát âm cũng có sự thay đổi, từ đó tạo nên một chất giọng đặc trưng riêng, được người dân sử dụng trong quá trình giao tiếp hàng ngày – để làm nên phương ngữ Vĩnh Hoàng. Nó tồn tại song hành với ngôn ngữ toàn dân nhưng không xuất hiện trên văn bản hành chính. Trái lại, ngữ âm làng Phú Hải thì ra đời trong một hoàn cảnh khác. Ban đầu, đây là cách sử dụng âm Hán Việt và các từ lóng dựa trên khả năng sáng tạo của những người hành nghề thầy pháp. Đây chính là tập hợp của những thói quen trong cách nói năng theo kiểu một cá nhân hay một nhóm người làm nghề thầy pháp, trong khi diễn đạt đã sử dụng cách phát âm bằng âm Hán Việt. Sau đó nó phù hợp và đáp ứng được xu thế phát triển của ngôn ngữ cộng đồng làng Phú Hải cho nên những người khác nói theo. Và cũng chính vì nó là tập hợp của những thói quen do học tập nhau mà có, nên sang các thế hệ sau trong quá trình giao tiếp đã thừa hưởng và sử dụng để rồi từ đó trở thành ngữ âm riêng của làng quê mình. Trong quá trình tồn tại, ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú và làng Phú Hải luôn có những thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, yếu tố nguyên bản của nó vẫn còn được bảo lưu trong cuộc sống đương đại ngày nay.

2. Những di sản thuộc loại hình ngữ văn dân gian: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 18 di sản)

Những di sản thuộc loại hình ngữ văn dân gian ở Quảng Trị được thể hiện qua các loại hình bao gồm sử thi, dân ca, ca dao, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru … được chuyển tải bằng lời nói hoặc chữ viết của người Việt, người Bru – Vân Kiều và Tà Ôi. Đây là những sáng tác văn học tập thể do nhân dân tạo nên trong quá trình sống, lao động… được lưu giữ bằng phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác, tạo nên nhiều bản sao, có chăng chỉ thay đổi một số điểm chính để phù hợp với làng quê của mình.

Hệ thống các thể loại ngữ văn dân gian Quảng Trị tuy không phong phú và đa dạng như những nơi khác nhưng ít nhiều cũng thể hiện rõ tâm tư tình cảm và nguyện vọng của con người Quảng Trị. Có thể kể đến như Truyện trạng Vĩnh Hoàng, Hò Như Lệ, Sự tích Thần Đá làng Phương Sơn, Sự tích các vị thần làng An Lợi, Thành hoàng làng An Mô, Trảo Trảo phu nhân làng Ái Tử, Sự tích Ông Dài Ông Cụt làng Nhan Biều… Các điệu Hò dã gạo, Hò Như Lệ, Hát ru con, Hò đập bắp, Hát cà lơi cha chấp, Oát xà nớt, Tà oải, Hát Sim…

Các loại hình truyện kể tập trung chủ yếu là huyền tích về những sự kiện và nhân vật, các vị thần có liên quan đến lịch sử mà người dân đang thờ cúng. Ở đây thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo, thể hiện cách đánh giá và thái độ của nhân dân. Huyền tích tập trung chủ yếu là các vị thần, đó là những vị thần đã được người dân tấn phong và suy tôn từ quá trình sống, lao động và bảo vệ quê hương. Họ đại diện cho ý chí, ước mơ, nguyện vọng của người dân về mọi mặt của cuộc sống. Và chính họ đã trở thành những vị Phúc thần bảo trợ, giúp rập, che chở cho dân làng trên cõi thiêng.

Trong kho tàng ngữ văn dân gian Quảng Trị, Trạng Vĩnh Hoàng là những câu chuyện hài hước, tiếu lâm đặc sắc, nghệ thuật kể chuyện tuy dùng phép khoa trương phóng đại dán tiếp, nhưng cũng dựa trên cốt truyện hiện thực nói về đời sống của người dân, nó không hời hợt, dễ dãi. Lối kể có thể bằng văn vần, văn xuôi, cũng có thể là hò môi miếng, vè…để thể hiện tài năng, nhanh nhẹn của người đối đáp. Các câu chuyện từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người dân, Cốt chuyện đều xuất phát từ trong gian lao, khổ cực của cuộc sống lao động, hy sinh ác liệt của chiến tranh, đã rèn giũa cho người dân bản địa một tính cách kiên cường, nhẫn nại và đặc biệt là khả năng hài hước, ngạo nghễ trước mọi cảnh ngộ dù gian nguy đến mấy. Có thể nói đây cũng là loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian, có tính khu biệt bởi phương ngữ Vĩnh Hoàng; chuyện trạng hay nhờ vào hai yếu tố: bản thân câu chuyện và tài nghệ người trình diễn.

Một số thể loại khác khá phổ biến như ca dao, hò, vè, câu đố, các làn điệu dân ca… Đây là các thể loại kể chuyện bằng văn vần phổ biến ở Quảng Trị, phát triển mạnh vào thế kỷ XIX. Hò, vè Quảng Trị cũng như các nơi khác, phần lớn là những bài có dung lượng vừa phải được sáng tác theo thể lục bát, song thất lục bát hoặc tứ tự với lời thơ mộc mạc kể về những sự kiện diễn ra trong xã hội nhằm mang tính chất thông báo và bình luận. Một số bài nỗi bật với nội dung mang tính xã hội sâu sắc.

Trong kho tàng ngữ văn dân gian của người Bru – Vân Kiều và Tà Ôi, đáng kể nhất là những câu chuyện ngụ ngôn, truyền thuyết, chuyện cổ tích… được người dân nơi đây sáng tạo nên và gìn giữ từ đời này sang đời khác, đó là chuyện Chàng trai mồ côi, chuyện Hai anh em, Chuyện kể về Nguồn gốc dòng họ Nôốckrông, chuyện Đứa con ranh mảnh lừa dân làng và bố mẹ/Saang Praang, chuyện Người con thứ 10/Achứt, chuyện Người con gái đẹp/Piêr chôônh… Nội dung của những câu chuyện này ít nhiều cũng đã thể hiện được nhận thức về thế giới thực tại của đồng bào miền núi. Ý nghĩa của từng câu chuyện mang tính khuyên răn, giáo dục cách ăn ở, đạo lý ở đời. Thông qua từng cốt truyện đã phần nào được quan niệm và những ứng xử trước tự nhiên cũng như nhận xét về thực tế xã hội, các mối quan hệ trong quy luật nhân quả, luân thường đạo lý, triết lý nhân sinh.

Với lời văn chân chất, mộc mạc, trong sáng, bình dị đậm màu sắc văn hóa của  làng quê, các loại hình ca dao, hò, vè, câu đố và các làn điệu dân ca … luôn cuốn hút và đi vào lòng người, để rồi mặc dù chỉ được bảo lưu theo phương thức truyền miệng nhưng nó vẫn được tồn tại và phát triển một cách vững chãi để trao truyền từ đời này sang đời khác.

3. Những di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 63 di sản)

Nghệ thuật trình diễn dân gian ở Quảng Trị không có sự đồng nhất một mẫu số chung về mặt thời gian cũng như hoàn cảnh ra đời. Có loại hình xuất hiện từ rất sớm và bắt nguồn trong chính quá trình lao động và sinh hoạt của người dân như múa đồng náp, hát bá trạo, nhạc lễ cổ truyền, hội chạy cù, múa đăng đóng… Nhưng cũng có loại hình là sự du nhập, lan tỏa và giao thoa từ nơi khác đến như Tuồng Chợ Cạn, Chèo cạn làng Tùng…. Chính vì thế mà nghệ thuật trình diễn dân gian của người Quảng Trị không chỉ mang bản sắc riêng, phục vụ cộng đồng cư dân mà còn có sự ảnh hưởng, giao thoa và tiếp biến với văn hóa của các cộng đồng dân tộc khác, làm tăng thêm sự phong phú và có giá trị nghệ thuật cao.

Một số di sản thuộc nghệ thuật trình diễn dân gian xuất phát từ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, có thể kể đến đó là Nhạc lễ cổ truyền các làng Bích Khê, Đại Hào, Điếu Ngao, Ngô Xá… Ngay từ lúc ban sơ, song song với việc phát triển về mặt vật chất trên vùng đất mới thì các bậc tiền nhân Quảng Trị cũng đã sớm chú trọng đến đời sống tinh thần. Nhiều công trình kiến trúc thờ tự được xây dựng, kèm theo đó là các nghi lễ cúng tế thần linh và tổ tiên đã ra đời. Trong sự phát triển đa chiều đó, các đội nhạc lễ cổ truyền cũng sớm được hình thành nhằm mục đích phục vụ cho các nghi lễ tế thần và các lễ hội văn hóa của cộng đồng. Các nghệ nhân nhạc lễ đã sáng tạo ra các loại nhạc cụ cổ truyền phục vụ biểu diễn độc đáo như các loại đàn, sáo, kèn, trống… Cùng với các loại nhạc cụ đó là vô vàn những bản nhạc, những điệu hòa tấu với những giai điệu tiết tấu khi mượt mà, khi ai oán, khi hào hùng theo những bản nhạc riêng biệt giao hòa giữa con người và đất trời qua các điệu Kim Tiền, Lưu Thủy, Long Âm, Xuân Nữ… Đặc  biệt là điệu Trống quân chính thống vẫn được bảo lưu ở làng Bích Khê, Điếu Ngao nỗi tiếng cả vùng.

Múa đồng náp Hà Trung, Múa đăng đóng làng Mỹ Thủy; Múa xếp chữ Cát Sơn;  Chèo cạn Mai Xá, Tùng Luật; Hát bá trạo làng Phú Hải… là loại hình trình diễn dân gian mang tính đặc trưng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phục vụ nhu cầu cúng tế thần linh nhằm tăng thêm phần long trọng, tính trang nghiêm và ấm cúng trong nghi lễ; với mục đích cầu dân an vật lợi, mùa màng tươi tốt bội thu. Hát bả trạo, chèo cạn là một hình thức diễn xướng dân gian, thuộc thể loại dân ca nghi lễ, vốn có mặt từ lâu trong đời sống tinh thần của nhân dân, phổ biến là của cư dân vùng biển. Loại hình diễn xướng này là một bộ phận được diễn ra trong Lễ hội cầu ngư. Đặc điểm của múa, hát bả trạo là sự kết hợp với hình thức diễn tuồng, một hình thức diễn kịch cổ truyền rất được nhân dân ưa thích. Ngoài lối múa chèo thuyền đã được nghệ thuật hóa, lối hát trong bả trạo còn có lối xướng, hô và trình diễn các làn điệu dân ca, như hò, lý, ngâm, hát… được thể hiện bằng tài năng của các nghệ nhân và đám bạn chèo.

                    Hội Bài chòi làng Ngô Xá Tây – Triệu Trung – Triệu Phong

 Hội Bài chòi, Hội cờ chòi, Hội đu, Hội cù, Hội vật … diễn ra khá phổ biến ở nhiều làng quê trong các dịp xuân về, đây là trò chơi dân gian mang tính văn chương bình dân với mục đích để giải trí, thỏa mãn tinh thần của người lao động trong dịp xuân về; nó đem lại sự hồ hởi sảng khoái sau những tháng ngày lao động mệt nhọc bởi những sự lo toan trong cuộc sống đời thường. Nó không gắn bó với các việc tế lễ tại các nơi thờ tự tôn nghiêm mà đơn thuần chỉ là trò chơi giải trí lành mạnh, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là phương tiện giao lưu tình cảm bền chặt, gắn bó cố kết cộng đồng bởi vì họ chính là người tổ chức, người chơi, người xem, lại là các nghệ nhân sáng tác, những diễn viên, những nghệ sỹ chân đất biểu diễn. Ngôn ngữ lời ca đa dạng và không trùng lặp, đó là các câu hô thai chân chất dung dị, lời thơ mộc mạc chân quê hợp tình, hợp lý. Tất cả thế là đủ để làm thỏa mãn mong ước của người chơi và dân chúng xa gần, đó chính là sức hút mạnh mẽ trong hội xuân Quảng Trị.

   4. Những di sản thuộc loại hình tập quán xã hội: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 137 di sản)  

Với người Việt Quảng Trị, tập quán xã hội vốn được sản sinh từ trong quá trình sống, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương và một phần nào đó đã được “quy định” bởi điều kiện và hoàn cảnh mưu sinh, mà trước hết, niềm tin vào tín ngưỡng, tâm linh và sự tri ân những người đã mất là nguyên nhân chính để định hình nên các tập quán của nhiều làng bản.

  Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, lại là trung tâm giao lưu văn hóa với các vùng, miền trong khu vực và trên cả nước, nên đa số người Việt ở Quảng trị mang nặng tín ngưỡng dân gian là thờ cúng các vị thần liên quan đến nông nghiệp. Việc thờ cúng và sùng bái các hiện tượng thiên nhiên – chi phối trực tiếp đến đời sống sản xuất của cư dân làm nông nghiệp rất điển hình. Đâu đâu trong cuộc mưu sinh của họ đều có thần “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” đến các hiện tượng tự nhiên như: trời, đất, trăng, sao… những điều tự nhiên của trời đất đều có thần linh chi phối. Bởi vậy họ luôn thờ cúng các vị thần ban cho họ “phong đăng hòa cốc” dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để rồi hầu hết các cộng đồng dân cư người Việt làm nông nghiệp đó là lễ Đại tự kỳ an, Lễ thu tế, Lễ thượng nêu, Lễ xuống đồng, Lễ cầu chẹn…

Cư dân vùng biển thì có Lễ cầu ngư, Lễ cúng và an táng cá Ông, Thờ cúng thần Sát Hải … đây là những vị thần biển luôn che chở và cứu giúp những người đi trên sông, trên biển gặp tai ương; mục đích cầu cho những chuyến xa khơi thuận buồm, xuôi gió, tôm cá đầy thuyền. Với niềm tin không gì có thể lay chuyển, nên tục thờ cá Ông và các vị thần sông nước đã trở thành tín ngưỡng của cư dân cộng đồng cư dân Việt của những làng nghề – nghề biển.

  Ngoài ra, ở một số làng quê còn có các nghi lễ khác như Lễ đông chí, Lễ tế cảnh quân… để tưởng nhớ ngày húy kỵ của ngài tiền khai khẩn, hậu khai canh và thủy tổ của các dòng họ; Lễ tế âm hồn cho những vong linh đã khuất không nơi nương tựa… Mục đích của các nghi lễ này là để tưởng nhớ công lao của các vị thần linh và tiền hiền trị vì trong cỏi; thể hiện tinh thần hướng thiện và đạo lý ăn quả nhớ người trồng cây. Qua đó cầu mong về một cuộc sống no đủ bình an, dân làng được yên ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, hạnh phúc, mọi người không ốm đau bệnh tật, vong hồn người đã khuất được siêu thoát…

Tập quán xã hội của hai tộc người Bru – Vân Kiều và Tà Ôi được định hình từ chính trong cuộc sống lao động, mưu sinh hóa với các yếu tố được coi là mang tính bản địa. Do những tính chất đặc thù của điều kiện địa hình cư trú, môi trường sống và lao động với muôn vàn khó khăn khắc nghiệt; hoàn cảnh kinh tế, xã hội “bó hẹp” trong phạm vi núi rừng, ít có sự quan hệ giao lưu với các yếu tố mới của văn minh bên ngoài nên văn hóa của các dân tộc thiểu số giữ được nhiều nét đặc trưng riêng mang đậm tính bản sắc văn hóa tộc người. Đó chính là những nghi lễ thờ cúng thần linh nhất là các vị thần liên quan đến nông nghiệp, luật tục trong cưới xin, tang ma, tục thờ bản mệnh, tục nhuộm cưa răng, tục xăm mình… là những nguyên tắc bất thành văn được hình thành trong cộng đồng, được mọi người tuân thủ và trở thành truyền thống nhất định.

Ngày nay, trước sự phát triển của lịch sử xã hội, tập quán sinh hoạt và lao động của người Việt cũng như đồng bào Bru – Vân Kiều và Tà Ôi ít nhiều đã có những thay đổi nhất định nhưng tựu trung vẫn còn đó các yếu tố dân gian truyền thống và bản địa đặc trưng. Những tập quán xã hội này trở thành các di sản văn hóa phi vật thể tồn tại song hành với đời sống đương đại. Góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng về văn hóa của con người trên vùng đất Quảng Trị hôm nay.

5. Những di sản thuộc loại hình lễ hội: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 30 di sản)

Một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Quảng Trị chính là lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội cách mạng của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn. Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và thế giới trần tục, giữa đạo và đời, giữa thành thánh và con người. Đây cũng là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa, trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, hàm chứa những giá trị văn hoá – nhân văn. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đậm sắc màu tâm linh, được phô diễn trong ngày hội tế thần. Những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng; cũng chính tại lễ hội sẽ hướng con người vào tập thể, đề cao ý thức cộng đồng. Tham gia lễ hội là nhu cầu tinh thần của con người, là dịp để họ tìm về cội nguồn, dòng tộc tiên tổ, hướng về kỳ tích, ôn lại những chiến công của các anh hùng dân tộc, của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Những lễ hội tiêu biểu của người Việt mưu sinh bằng nghề nông, lấy nông nghiệp làm nguồn sống chủ đạo phải kể đến: Lễ hội đua thuyền truyền thống được diễn ra trong các dịp đại tế của làng, ngày đầu xuân, các dịp hội làng hay trong những mùa nước nổi. Người dân ở các làng quê thường tổ chức đua thuyền trước khi bước vào vụ mùa mới như là một phần của hoạt động mang tính tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng được bội thu và là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân. Thông qua lễ hội để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, khơi dậy nguồn sáng tạo, cùng nhau rèn luyện sức khỏe để xây dựng cuộc sống mới.               

Các làng làm nghề biển thì có Lễ hội cầu ngư, thể hiện giá trị văn hóa tín ngưỡng vô cùng độc đáo của ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển. Lễ hội cầu ngư phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm cho những chuyến đi biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an. Trong lễ hội cầu ngư, ngoài phần lễ diễn ra trang trọng, tôn nghiêm thì phần hội là những trò chơi dân gian thể hiện những nét đẹp của văn hóa tinh thần người dân vùng biển. Đó là các hội đấu vật, múa đăng đóng, chèo cạn, kéo co dưới nước, hội thi đan lưới… tất cả nhằm đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện kỷ năng để phục vụ cho nhu cầu lao động, giải tỏa tinh thần sau những ngày bám biển xã khơi.       

Từ bao đời nay, đối với người Việt thì mùa xuân luôn là mùa của lễ hội; gắn với lễ hội là những trò chơi dân gian như chơi đu, cướp cù, kéo co, đấu vật… mỗi trò chơi này đều hàm chứa những đặc điểm và ý nghĩa riêng, phản ánh những đặc trưng văn hoá truyền thống của mỗi vùng miền. Các trò chơi dân gian trong ngày hội còn là những hoạt động vui chơi, giải trí giúp người tham gia được hòa mình với cộng đồng, tìm thấy niềm vui, sự thư giãn sau những ngày lao động vất vả, mệt nhọc.

Lễ hội AriêuPing hay còn gọi là lễ cải táng là một lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo và lớn nhất của đồng bào Pa Cô  sống ở miền tây Quảng Trị; nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời của đồng bào, cũng là dịp để tụ hợp con cháu trong dòng họ. Đây còn là nơi để đồng bào giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống đã tồn tại trong cộng đồng; phân định lại ranh giới đất đai; phân công trách nhiệm của từng làng về quan hệ giao tiếp, ứng xử và đối phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày. Sự liên kết cộng đồng, làng bản thể hiện qua sinh hoạt phong tục, tập quán, lễ nghi là sợi dây ràng buộc và gắn chặt các thành viên trong làng thành một khối đoàn kết.

Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn, Lễ hội thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải… là những lễ hội cách mạng diễn ra trên mảnh đất Quảng Trị gây xúc động cho nhân dân cả nước. Đây là lễ hội tri ân tưởng niệm những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của nước nhà. Các hoạt động kỷ niệm đến nay đã trở thành những lễ hội văn hoá mang tầm quốc gia và khu vực, ngày càng mang ý nghĩa thiết thực, không gian diễn ra lễ hội trở thành chốn linh thiêng in sâu trong tâm khảm mỗi người, tất cả dệt thành bản anh hùng ca bất diệt mãi mãi ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc về tinh thần đấu tranh bảo vệ hoà bình bảo vệ tổ quốc.

6. Những di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 84 di sản)

Bên cạnh những cư dân làm nông nghiệp, ngư nghiệp thì những nghề thủ công truyền thống là nét văn hoá đặc sắc, là di sản văn hoá phi vật thể quý giá của người dân Quảng Trị. Với bí quyết nghề nghiệp các làng nghề thủ công truyền thống đã tạo ra rất nhiều sản phẩm không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại mà còn có mặt giá trị về văn hoá và lịch sử.

Nhìn vào những nghề thủ công nổi tiếng và sản phẫm làm chúng ta cũng nhận thấy gốc tích nông nghiệp như nguyên vật liệu, công cụ chế tác, giá trị sử dụng và đặc biệt là nó phản ánh được tính chuyên dụng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nông nghiệp trên các sản phẩm đó. Những sợi bún trắng tinh, thơm ngon của Thượng Trạch, Cẩm Thạch; đến bánh ướt Phương Lang, Hiền Lương mỏng dín, dẻo dai; bánh dầy Đạo Đầu, Bánh tráng Trung An thơm lừng mùi nếp mới hòa lẫn hương vị của đậu mè; Nghề nấu rượu làng Kim Long từ xa xưa đã làm nên thương hiệu…

Với các cư dân làm nghề biển và đánh bắt tôm cá dọc sông, suối, các sản phẫm thu được ngoài cung cấp cho thị trường tiêu thụ họ còn biết chế biến những mặt hàng thông dụng để phục vụ cho việc tiêu dùng để rồi nghề làm muối, làm nước mắm, làm ruốc… đã có mặt hầu khắp các làng ven biển. Muối, nước mắm, ruốc của các làng nghề, một phần cung cấp cho nhu cầu chế biến, sinh hoạt của các hộ gia đình quanh vùng; còn lại sản phẫm cũng theo các lái thương ngược dòng Hiếu Giang lên các miền núi phía tây Quảng Trị và qua đến tận Ai Lao (Lào). Dần dần các sản phẫm đã khẳng định tên tuổi, nghề nghiệp của làng mình trên thương trường. Từ nhu cầu của nghề nghiệp, nhân dân ở nhiều làng còn hình thành nhiều nghề đan lát các dụng cụ đánh bắt, dệt lưới, nghề đóng thuyền… để cung cấp ngư yếu cụ cho các bạn thuyền đánh bắt trên sông, biển.

Bên cạnh các sản phẫm được chế biến từ thành quả lao động của nông nghiệp và ngư nghiệp, những người thợ thủ công cũng đã biết tận dụng những nguyên liệu sẳn có ở địa phương để làm ra những mặt hàng thiết yếu cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân, ngoài ra còn bán buôn khắp vùng. Các sản phẫm đồ gia dụng đã ra đời như:  Đồ gỗ mỹ nghệ Cát Sơn, chiếu Lâm Xuân, giấy Phổ Lại, các sản phẫm đan lát Lan Đình, nón lá Trà Lộc, Phú Liêu, áo tơi Việt Yên, quạt giấy Phương Ngạn …có tiếng cả khu vực.

Có thể nói nghề thủ công là nơi bảo lưu những nét tinh hoa cổ truyền, nơi để các nghệ nhân đua tài, khoe sắc; nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình lao động sáng tạo; nơi cung cấp, buôn bán trao đổi hàng hoá giữa các vùng, miền trên địa bàn và trong cả nước. Với ước muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong cộng đồng làng xã.

7. Những di sản thuộc loại hình tri thức dân gian: (Đã đưa vào danh mục kiểm kê 34 di sản)

Do sống trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt, để thích nghi buộc các tộc người sống trên địa bàn Quảng Trị phải ứng xử khéo léo với môi trường tự nhiên, qua  các hành vi, thái độ nhằm ngày càng hoàn thiện mối quan hệ để tận dụng và ứng phó với thiên nhiên với mục đích  phục vụ cho đời sống con người. 

Trong văn hóa ẩm thực, người Việt Quảng Trị không có các món ăn cầu kỳ nhưng vẫn có cách riêng của mình. Đó là các món ăn dân dã được chế biến chính từ những sản phẩm do mình làm ra qua cách chế biến, pha trộn gia vị để phù hợp với khẩu vị, đa số người dân lại thích ăn cay, ăn mặn. Các món ăn đặc sản như: Canh ám làng Lam Thủy. Mắm đam Trà Trì, Nem chợ Sãi, cháo bột Kẻ Diên… có từ bao đời đã đi vào lịch sử. Các loại bánh ở Quảng Trị khá phong phú, cần kể đến Bánh lọc Mỹ Chánh, Bánh dầy làng Đạo Đầu, bánh tráng làng Trung An, Bánh ướt Phương Lang… mỗi loại có một hình thái và hương vị riêng biệt, để rồi cho dù có mặt ở nhiều vùng quê nhưng không ở đâu bằng Quảng Trị. Tất cả đều được chế biến từ các sản phẫm nông nghiệp do người dân tự làm ra, qua bàn tay tài hoa của nhừng người thợ thủ công, đã thu phục được rất nhiều thực khách để rồi dân gian muôn đời vẫn truyền tụng. Nước uống hàng ngày thường được ngâm ủ từ lá chè xanh từ vùng Mỹ Chánh, Cùa, đây là thói quen của nhân dân Quảng Trị. Trong các tiệc tùng kỵ giỗ thì dùng thứ rượu gạo, rượu nếp tự chưng cất của Kim Long, Đây là một trong 4 loại rượu ngon nhất Việt Nam thời thuộc Pháp.

Trong hệ thống tri thức dân gian thì tri thức về chăm sóc sức khỏe giữ một vị trí quan trọng. Các tộc người sống trên địa bàn Quảng Trị mà đặc biệt là Bru – Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô  nổi tiếng với những phương thuốc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe và được nhiều cộng đồng xung quanh công nhận và nể phục. Rượu cần là một thức uống hết sức phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Đây là thức uống truyền thống luôn có mặt trong mọi lễ tục của cộng đồng dân bản, từ cúng tế thần linh cho đến việc cưới xin, tang ma, hội hè và đã trở thành một nét văn hóa độc đáo đặc trưng của người dân nơi đây từ bao đời nay. Trang phục đơn giản, theo truyền thống một bộ đồ mặc đầy đủ cần có khố, áo, tấm choàng cho đàn ông, đàn bà gồm có váy, áo và nịt lưng. Hoa văn trang trí và màu sắc đơn giản, màu đen là tông chủ đạo, bên cạnh đó còn có màu đỏ, vàng hoặc xám. Sự phối hợp giữa hoa văn và màu sắc trong trang phục truyền thống của các tộc người thiểu số miền tây Quảng Trị nó chứa đựng những kinh nghiệm sống đối với thiên nhiên và con người, những đúc kết quý giá trong đời sống thường nhật đã được tích lũy qua hàng ngàn năm.                                              

Lời kết

Mặc dù mảnh đất Quảng Trị phải chịu nhiều cuộc tàn phá của chiến tranh và thiên tai nhưng với ý thức gìn giữ và bảo tồn từ bao đời nay của các thế hệ người Quảng Trị, để hôm nay khi tìm lại kho báu văn hóa phi vật thể, chúng ta có thể tự hào và khẳng định đây là một gia tài di sản văn hoá truyền thống khá đồ sộ và vô cùng quý báu, bởi nó khá nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, độc đáo về nội dung và hình thức mà các thế hệ cha ông đã lưu truyền lại cho hậu thế.

Các loại hình di sản phi vật thể truyền thống được lưu giữ khá nhiều trên vùng đất Quảng Trị. Từ tiếng nói, ngữ âm dân gian, nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực… tất cả là những sản phẩm văn hóa tinh thần đó đều do con người sáng tạo, xây dựng, đúc kết, chắt chiu, thăng hoa… trong quá trình sống lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương. Nó chính là phần hồn, là sự sống, là dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bĩ trong đời sống cộng đồng các làng bản của người dân Quảng Trị. Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa tinh thần đó đã được chắt lọc, hun đúc, kết tinh để trở thành tài sản vô giá lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành chất keo gắn kết cộng đồng làng xã từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Có thể khẳng định tất cả các di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể là linh hồn của người Quảng Trị.

Là người con của quê hương Quảng Trị, hẵn ai cũng đã từng ít nhất một lần hào hứng tham gia một trong những hoạt động lễ hội ở các làng quê để thành kính thắp lên bàn thờ những nén hương trầm thơm ngát tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên, các bậc anh linh, thần thánh trong mỗi dịp tết đến xuân về. Cũng đã từng bâng khuâng trước những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, da diết của các câu hò, hát ru mà bà, mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta lớn lên từng ngày; cũng đã từng trố mắt tròn xoe, hồi hộp lắng nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về các anh hùng dân tộc, hay những vị thần có công khai sơn phá thạch hình thành xã tắc; nhiều lần ôm bụng cười ồ khi được nghe các câu chuyện trạng, chuyện tiếu lâm hài hước được kể bằng chất giọng đặc trưng của vùng quê Quảng Trị. Cũng đã từng ngỡ ngàng thảng thốt bên một nét hoa văn, nét chạm khắc dịu dàng, tinh tế của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc thưởng thức hương vị đậm đà của những món ăn dân dã từ một làng quê mộc mạc, chân chất vương vấn mùi bùn non và lúa rạ… Tất cả những cảm xúc đó cứ tự nhiên dâng trào, thấm dần vào tâm hồn mỗi chúng ta từ lúc nào không rõ. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trên vùng đất Quảng Trị chính là giữ “phần hồn cốt” cho hôm nay và mai sau đúng là vậy đó./.

                                                                                                                                                                                                                      Cái Thị Vượng