TPHCM: Học sinh phổ thông tìm hiểu về ứng dụng ChatGPT

Sáng 6-2, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề với chủ đề “ChatGPT” – một trong những vấn đề đang thu hút quan tâm của giới trẻ.

Buổi nói chuyện có sự tham dự của hai giảng viên đến từ Trường Đại học Hoa Sen là TS. Trang Hồng Sơn, Giám đốc chương trình ngành Công nghệ thông tin và ThS. Lê Thanh Tùng, Giám đốc chương trình ngành Trí tuệ nhân tạo.

ChatGPT có phải công cụ toàn năng?

Mở đầu buổi nói chuyện, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho rằng, chỉ sau 2 tháng phát hành, ChatGPT đã có hơn 100 triệu lượt người sử dụng trên toàn thế giới. Câu hỏi được đặt ra là liệu đây có phải công cụ toàn năng, người học cần hiểu biết và sử dụng như thế nào cho phù hợp?

Để trả lời các câu hỏi trên, thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định, người thầy cần tìm hiểu và trải nghiêm công cụ này trước khi định hướng sử dụng cho học sinh. Đơn cử, thầy hiệu trưởng đã sử dụng ứng dụng này để gõ yêu cầu “Hãy viết một bài phát biểu giới thiệu về buổi nói chuyện chuyên đề ChatGPT”.

Kết quả, ứng dụng phản hồi bằng đoạn văn giới thiệu khá đầy đủ thông tin về buổi nói chuyện như sau: “Kính chào quý vị đến với buổi tọa đàm về chủ đề ChatGPT – một bước tiến mới trong thế giới công nghệ Al. Tôi, ChatGPT đã được huấn luyện bởi OpenAl với mục tiêu giúp mọi người trao đổi và học hỏi thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Chúng ta cùng chào mừng những khách mời đặc biệt – những nhà nghiên cứu, nhà phát triển và những người quan tâm đến công nghệ Al. Cùng với thầy cô và các em học sinh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sức mạnh và tiềm năng của ChatGPT và cách chúng ta có thể sử dụng nó để giải quyết vấn đề và tạo ra cơ hội mới trong cuộc sống và công việc. Hãy cùng tập trung và tìm hiểu những điều tuyệt vời này cùng nhau”.

Qua bài phát biểu được cung cấp từ chính ứng dụng đang được nhiều bạn trẻ quan tâm, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, cái hay của ChatGPT là cung cấp thêm kiến thức cho người sử dụng.

TPHCM: Học sinh phổ thông tìm hiểu về ứng dụng ChatGPT ảnh 1

“Không thể cấm học sinh sử dụng bất cứ công nghệ nào, thay vào đó thầy cô cần định hướng các em sử dụng hiệu quả. Tôi khuyến khích học sinh mạnh dạn trải nghiệm trên tinh thần nghiêm túc, không đùa cợt, hiểu rõ vấn đề cần tìm hiểu trước khi tương tác với ứng dụng.

ChatGPT hay bất cứ ứng dụng nào khác đều là sản phẩm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của học sinh, miễn sao các em sử dụng với mục đích phù hợp, có chọn lọc, không sao chép nguyên mẫu”, thầy Phú bày tỏ.

Với câu hỏi làm sao giáo viên kiểm soát được mức độ sử dụng của học sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nêu ý kiến, trước tiên người thầy cần làm chủ việc dạy học, quy ước với học sinh các hình thức kiểm tra đánh giá.

Trong đó, học sinh làm bài luận chỉ là một trong những cách kiểm tra kiến thức học sinh, kết hợp thêm với việc đặt câu hỏi, yêu cầu học sinh phân tích sâu một dữ liệu, thông tin trong bài luận các em đã viết…

Song song đó, với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, nhà giáo này đề xuất ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, trang bị thêm cho giáo viên phương tiện giảng dạy như laptop, máy tính bảng để các thầy cô có thêm điều kiện công tác trước hàng loạt yêu cầu đặt ra đối với giáo viên trong bối cảnh mới.

ChatGPT có thay thế vai trò người thầy?

Theo ThS. Lê Thanh Tùng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Giám đốc chương trình ngành Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Hoa Sen, trong lĩnh vực giáo dục, nếu người sử dụng trích lại nguyên văn từ các ứng dụng, không phải nội dung do mình viết ra có thể bị xem là đạo văn.

Như vậy, để sử dụng công cụ này phù hợp, có 2 cách sử dụng. Thứ nhất, người sử dụng dùng công cụ này như một phương tiện bổ trợ, cung cấp thêm thông tin, sau đó viết lại theo cách hiểu và hành văn của mình.

Thứ hai, người sử dụng viết trước nội dung cần nghiên cứu, sau đó thông qua ứng dụng sửa chữa lại câu chữ, bổ sung nội dung cho đầy đủ hơn, tuy nhiên lưu ý không sử dụng nguyên văn trên ứng dụng và nói là của mình.

Trước ý kiến này, Trần Minh Ngọc, học sinh lớp 12A13, Trường THPT Nguyễn Du bày tỏ: “Em đồng tình với quan điểm dùng ChatGPT như công cụ thô, tổng hợp ý tưởng làm cơ sở xào nấu lại thông tin theo cách hành văn của mình chứ không sử dụng nguyên xi thông tin ứng dụng cung cấp”.

TPHCM: Học sinh phổ thông tìm hiểu về ứng dụng ChatGPT ảnh 2

Với câu hỏi “Chat GPT khác gì với Google?”, TS. Trang Hồng Sơn, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Giám đốc chương trình ngành Công nghệ thông tin phân tích, Google là ứng dụng cung cấp danh sách các kết quả tìm kiếm theo từ khoá (keyword), trong đó bao gồm cả nguồn thông tin từ đâu, người nào phát ngôn.

Trong khi đó, ChatGPT là ứng dụng tổng hợp và trộn lẫn thông tin, trả lại cho người dùng thông tin đã được tổng hợp, người dùng không thể biết thông tin lấy từ đâu và do đó thông tin có thể đúng, có thể sai tuỳ vào mức độ lọc thông tin và cách đặt câu hỏi của người sử dụng.

Do đó, theo TS. Trang Hồng Sơn, đây chỉ là nguồn thông tin tham khảo, người dùng cần cẩn thận khi sử dụng và ứng dụng này không thể thay thế hoàn toàn Google vì con người không chỉ có nhu cầu tìm kiếm thông tin mà cần biết cả nguồn thông tin từ đó xác định mức độ chính xác.

Đặc biệt, với câu hỏi “Giáo viên làm sao kiểm soát mức độ sử dụng ChatGPT của học sinh?” ThS. Lê Thanh Tùng cho rằng, đạo văn hiện nay xảy ra ở nhiều cơ sở giáo dục. Công cụ phát hiện đạo văn có nhưng cần trả tiền mới có thể sử dụng.

Trong đó, nếu văn bản của học sinh ở dạng file mềm (đánh máy) thầy cô mới dùng phần mềm kiểm tra được, còn văn bản viết tay rất khó kiểm tra. Vì vậy, cách kiểm tra tốt nhất là giáo viên đặt thêm nhiều dạng câu hỏi, có thể tập trung sâu vào một chi tiết nào đó trong bài viết để học sinh trả lời.

TPHCM: Học sinh phổ thông tìm hiểu về ứng dụng ChatGPT ảnh 3

“Riêng đối với học sinh chỉ nên dùng ChatGPT như công cụ hỗ trợ, đặc biệt với môn tiếng Anh chứ không nên quá phụ thuộc hay ỷ lại vào ứng dụng này”, ThS Lê Thanh Tùng bày tỏ.