TP.HCM mát mẻ cả ngày, người dân xúng xính áo Tết xuống Phố ông đồ chụp ảnh
Đến hẹn lại lên, Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM). Đây là địa điểm quen thuộc để du xuân sớm của người dân TP.HCM mỗi dịp Tết.
Năm nay, Lễ hội Tết Việt với chủ đề “Thành phố tôi yêu” có nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong lễ hội như Phố ông đồ, Đường mai ngày Tết, các chương trình nghệ thuật, các hoạt động chăm lo Tết, các sự kiện tình nguyện…
Điểm nhấn của Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 vẫn là Phố ông đồ và Đường mai, 2 hương vị quen thuộc để thu hút người dân và du khách nước ngoài lui tới khi đón Tết cổ truyền Việt Nam tại TP.HCM.
Phố ông đồ tái hiện lại khung cảnh những ông đồ xưa ngồi viết chữ cho khách, có gần 50 ông đồ trẻ với mực tàu giấy đỏ, những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa được sắp đặt dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai.
Con đường Phạm Ngọc Thạch, trước Nhà Văn hoá Thanh niên ngập tràn sắc vàng tươi của hoa mai hai bên đường
Không gian vườn mai ngày Tết với hơn 100 gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và trong sân Nhà Văn hóa Thanh niên được sắp đặt hài hoà với các gian hàng dựng bằng đước, lá dừa của các nhóm làng nghề.
Cũng tại Lễ hội Tết Việt năm nay, người dân sẽ trải nghiệm các hoạt động dân gian ngày Tết như nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, giấy handmade tạo hình 3D, khắc thủ công mỹ nghệ, vẽ tranh truyền thần, góc ẩm thực đèn dầu, gian hàng áo dài,…
Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 sẽ diễn ra từ ngày 5/1 đến 26/1 (ngày 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).
Cổng chính Lễ hội Tết Việt được làm bằng những thanh tre và sắp đặt 2 cây mai vàng, mang phong cách làng quê
Sau 2 ngày mở cửa, Đường mai và Phố ông đồ thu hút rất đông người dân đến vui chơi, “check in” Tết sớm
Từ người lớn đến trẻ con đều xúng xính áo Tết đến Đường mai vui chơi, chụp hình. Thời tiết mát mẻ, không có nắng nên Lễ hội Tết Việt năm nay thu hút đông khách hơn năm ngoái
Cánh đồng lúa bậc thang ở vùng quê được tái hiện tại Lễ hội Tết Việt Quý Mão. So với năm ngoái, năm nay ít tiểu cảnh hơn nhưng thay vào đó là nhiều hoạt động đặc sắc khác
Rất đông người dân đến Lễ hội Tết Việt thuê áo dài để chụp hình cùng Phố ông đồ và Đường mai. Theo người thuê, giá mỗi chiếc áo dài cho thuê là 150.000 – 200.000 đồng/người/tiếng đồng hồ
Nhiều bạn trẻ chụp hình cùng vườn mai ngập tràn sắc vàng tươi
Một góc Phố ông đồ cũng nhộn nhịp không kém Đường mai bên cạnh. Nhiều người sau khi dạo bước Đường mai sẽ qua Phố ông đồ xin chữ, mua các vật phẩm trang trí Tết
Các bạn trẻ đến vui chơi và tham khảo tranh thư pháp của ông đồ
Bạn Đào Nguyễn Nguyễn Nhật Quỳnh (23 tuổi, trái) và Võ Minh Mẫn (28 tuổi) là những người trẻ đam mê thư pháp và 4 năm ra Phố ông đồ cho chữ mỗi dịp Tết. Công việc chính của Quỳnh là kinh doanh, còn Mẫn là giáo viên nhưng vẫn tạm gác lại công việc để ra Phố ông đồ chữ, tận hưởng đam mê viết chữ thư pháp. “Phố ông đồ năm nay đông vui hơn năm ngoái vì dịch bệnh đã được đẩy lùi”, Mẫn chia sẻ
Ông đồ trẻ Võ Đức Dự (29 tuổi) vui vẻ cho biết vừa bán được cặp tranh thư pháp trị giá 7 triệu đồng, hiện anh đang vẽ lại bức tranh khác để thay thế
Tại Phố ông đồ năm nay thu hút nhiều ông đồ trẻ với niềm đam mê nghệ thuật thư pháp
Bạn trẻ xuống Phố ông đồ “check in”
Một số cây mai tại Phố ông đồ được gắn đầy ắp những tấm thiệp với những lời chúc tốt đẹp trong năm mới