TQ đánh dấu 50 năm Cách mạng Văn hóa bằng sự im lặng

Năm mươi năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa đất nước vào con đường Cách mạng Văn hóa mà họ nói là sẽ mang lại một xã hội công bằng hơn, nhưng thực tế đã đưa tới một thảm họa hoàn toàn về xã hội và kinh tế.

Ngày kỷ niệm dường như trọng đại này đã gần như bị phớt lờ và gặp phải sự im lặng gần như hoàn toàn từ truyền thông nhà nước của Trung Quốc.

Ngày 16 tháng 5 năm 1966, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông bắt đầu chiến dịch này bằng việc thanh trừng một số quan chức đảng cao cấp và loan báo kế hoạch của ông ta mà bề ngoài là tìm cách trả lại quyền lực cho giai cấp công nhân đã bị giai cấp tư sản chiếm đoạt.

Những gì diễn ra tiếp theo không phải là một xã hội cộng sản không tưởng như ông Mao đã hoạch định mà là một khoảng thời gian tàn bạo của tình trạng bạo lực, thiếu thực phẩm và khó khăn kinh tế dẫn tới sự đàn áp và cái chết của hàng triệu người.

Giờ đây dường như chính phủ Trung Quốc muốn quên hẳn cuộc Cách mạng văn hóa. Không có sự kiện chính thức nào được tổ chức hôm thứ Hai và không có tờ báo nào ở Trung Quốc đại lục đề cập tới ngày kỷ niệm này.

Thay vào đó, trang nhất của những tờ báo lớn nhất của Trung Quốc đăng những chuyện về Donald Trump và Boris Johnson so sánh EU với Đệ tam Đế Chế của Hitler, sự giận dữ của chính phủ Trung Quốc về một báo cáo của Ngũ Giác Đài hồi gần đây, và chuyện về những nỗ lực của cảnh sát truy tìm những trẻ em mất tích.

Bức ảnh tư liệu chụp ngày 14 tháng 9 năm 1966 cho thấy những thanh niên trẻ tuần hành trong khi lực lượng Hồng Vệ Binh giơ những bản sao các bài viết của Chủ tịch Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông, thường được gọi là Hồng Bảo Thư của Mao, và một tấm hình lớn của Karl Marx.

‘Những sự thật khó chịu’

Roderick MacFarquhar, một chuyên gia về Cách mạng Văn hóa tại Đại học Harvard, nói với tờ The Guardian rằng chủ tịch nước hiện tại của Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách né tránh bất kỳ “những sự thật khó chịu” nào về cuộc cách mạng.

Ông MacFarquhar nói với tờ báo của Anh: “Một sự thật thực sự khó chịu mà ông Tập Cận Bình đặc biệt có thể không chịu được là vai trò của ông Mao [trong cuộc Cách mạng Văn hóa]. Ông Mao thực sự bằng lòng với sự hỗn loạn. Ông ta yêu thích ý tưởng về cuộc nội chiến. … Điều cuối cùng mà ông Tập Cận Bình muốn làm là nêu ra bất cứ thứ gì có liên quan tới Cách mạng Văn hóa bởi vì nó chắc chắn ảnh hưởng đến danh tiếng của ông Mao.”

Ông Mao đã tuyển mộ những thanh thiếu niên Trung Quốc gia nhập tổ chức bán quân sự Hồng Vệ Binh của mình và khuyến khích họ tấn công “tứ cựu” (bốn cái cũ) của xã hội Trung Quốc bao gồm phong tục cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ và tư tưởng cũ.

Những băng nhóm học sinh này đã công khai làm nhục và tra tấn những giáo viên và những quan chức trường học khác và thậm chí tố cha mẹ của mình về những tư tưởng phản cách mạng. Hàng ngàn người đã bị đánh tới chết, và thậm chí thêm nhiều người đã tự sát.

Mãi cho đến 10 năm sau, khi ông Mao qua đời, thì bạo lực và khó khăn mới bắt đầu đảo ngược, nhưng phải mất thêm năm năm nữa, đến năm 1981, chính phủ Trung Quốc mới chính thức thừa nhận rằng những chính sách của ông Mao “đã dẫn tới sự hỗn loạn trong nước và mang lại thảm họa cho Đảng, nhà nước và nhân dân.”

Di sản của ông Mao vẫn là một chủ đề phân cực ở Trung Quốc.

Trong bức ảnh tư liệu chụp ngày 27 tháng 8 năm 1966, một tượng Phật bị dán những tấm giấy có nội dung “Phá hủy thế giới cũ” và “Xây dựng một thế giới mới” bởi những người yêu nước cực đoan Hồng Vệ Binh ở Linh Ẩn Tự tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Tái xuất hiện

Dù những chính sách của ông Mao gây nên tác động tai hại về kinh tế và xã hội, tư tưởng của ông ta đã chứng kiến một sự hồi sinh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở tầng lớp già nua và nghèo túng trong xã hội luyến tiếc một thời mà nhà nước chu cấp cho họ và xã hội bình đẳng hơn. Nhưng họ tránh nhớ về sự chết chóc và hủy diệt.

Từ Hữu Ngư, người từng là nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với hãng tin Associated Press: “Dù người ta đã quên Cách mạng Văn hóa hay là họ ngày càng bất mãn với những điều kiện xã hội thì từ giữa những năm 1990, những loại tư tưởng này đã bắt đầu thịnh hành.”

Tường thuật duy nhất của truyền thông về cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc là từ Hong Kong, khu vực bán tự trị ở Trung Quốc với những quyền tự do kinh tế và ngôn luận lớn hơn ở đại lục.

Báo South China Morning Post đăng một bài viết nêu quan điểm của cây bút Cary Huang vào tuần trước kêu gọi đất nước tưởng nhớ quá khứ của mình, nếu không có nguy cơ lặp lại lịch sử.

“Trong khi nhiều trường đại học phương Tây tổ chức những khóa học và những chương trình nghiên cứu về cuộc Cách mạng Văn hóa, Bắc Kinh lại cấm thảo luận công khai và nghiên cứu học thuật về chủ đề này, sợ rằng xét lại thời kỳ đen tối này và suy niệm về quá khứ sẽ dẫn đến sự đánh giá lại vai trò của đảng ở Trung Quốc hiện đại,” Huang viết.

Huang nói hậu quả chính trị từ cuộc Cách mạng Văn hóa tiếp tục ảnh hưởng đến nền chính trị của Trung Quốc, và đặt câu hỏi liệu đảng có thể có một viễn kiến thích hợp hay không khi tiến về phía trước với hệ thống do ông Mao xây dựng vẫn ngăn chặn những nỗ lực “tiếp nhận sự hiện đại.”

“Nếu đảng sợ tiết lộ sự thật về quá khứ của chính mình và không chịu rút ra bài học từ nó thì làm thế nào họ có thể có một viễn kiến rõ ràng về hướng đi đúng đắn cho tương lai?” ông nói.