TTWTO VCCI – Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?
Mục lục bài viết
Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?
Bất kể đại dịch COVID-19 đang khiến Mỹ và châu Âu gặp vô vàn khó khăn. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo đang trên đà trở lại, điều này do đâu?
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi một cách thần kỳ bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng toàn diện đến Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng bản chất của sự phục hồi đang thể hiện một “bước lùi về thời gian” khi nền kinh tế nước này một lần nữa phụ thuộc vào công nghiệp nặng, các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư và xuất khẩu “low-end” – hàng rẻ tiền.
Chỉ số tiêu dùng Trung Quốc (PMI) trong tháng 7, được Cục Thống kê Quốc gia nước này báo cáo vào thứ Sáu vừa qua, đã chỉ ra đà tăng trưởng trong sản xuất, dịch vụ và xây dựng của tháng thứ năm liên tiếp. Bên cạnh đó, sự hồi sinh trong các đơn hàng xuất khẩu, cũng như các dự án xây dựng cho thấy một Trung Quốc đã quay trở lại “kịch bản tăng trưởng cũ” – xây dựng và xuất khẩu để thoát khủng hoảng.
Trong khi đó, các nền kinh tế Mỹ và Châu Âu lại đang bị kìm hãm mạnh mẽ bởi “cơn bão” COVID-19. GDP khu vực đồng Euro đã sụt giảm lên đến 15% trong quý hai so với cùng kỳ năm trước, trong khi GDP của Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục 32,9% so với cùng kỳ. Điều này về cơ bản đã xóa sạch năm năm cố gắng của chính quyền Donald Trump.
Các nhà phân tích cho rằng, những con số này đang “tồi tệ” hơn rất nhiều so với con số âm 6,8% GDP của Trung Quốc trong quý đầu tiên. Mặc dù mọi thứ là không thể so sánh nhưng nó cũng chỉ ra một thực tế là mô hình quản trị đặc biệt của Trung Quốc cho phép nước này kích thích hoặc phong tỏa bất kỳ lĩnh vực nào trong nền kinh tế khi cần, không giống như các nền kinh tế ở phương Tây.
Heiwai Tang, giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông cho biết: “điều này không có gì ngạc nhiên: Trung Quốc so với các nước khác có nhiều đòn bẩy để tăng GDP bằng cách tăng đầu tư hoặc dự trữ hàng tồn kho như than, quặng sắt hoặc các vật liệu cơ bản khác. Họ có thể tiếp tục làm điều này trong hai hoặc ba quý tiếp theo. Về cơ bản, họ đang quay trở lại mô hình tăng trưởng theo định hướng đầu tư và đây có thể là điều nên làm ngay bây giờ do môi trường bên ngoài quá yếu và căng thẳng địa chính trị gia tăng”.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, thời điểm này Bắc Kinh đang phải đối mặt với “ba bề bốn phía” những căng thẳng địa chính trị. “Áp lực kép” từ phía Mỹ và phương tây đang được đè nặng lên những định hướng phát triển của Trung Quốc và mới đây là những xung đột biên giới với Ấn Độ đang khiến nước này có những xu hướng phục hồi kinh tế theo kiểu “tự túc” trong các lĩnh vực quan trọng để tránh tình trạng phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài.
Có thể, thời gian tới, Trung Quốc vẫn sẽ cố gắng dựa phần lớn vào thị trường nội địa của mình, mặc dù nhiều nhà kinh tế và phân tích nghi ngờ liệu Bắc Kinh có khả năng tiến hành cải cách cơ cấu sâu xa cần thiết để đạt được mục tiêu hay không.
Bo Zhuang, nhà phân tích trưởng tại TS Lombard, một công ty chuyên phân tích dự báo kinh tế vĩ mô cho biết, xu hướng rõ ràng của Trung Quốc đang là hướng nội hay cách gọi khác là sự “tự cô lập bản thân”. Nhưng thật khó để biết liệu đây có phải là một “tư thế tạm thời thu mình” trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 hay đó thực sự là một chính sách dài hạn.
Mới đây, theo báo cáo từ dữ liệu PMI cho thấy, việc Trung Quốc đã nhập khẩu quặng sắt kỷ lục, nhập khẩu than tăng vọt và các nhà máy thép đang trong tình trạng quá tải cho thấy một sự bùng nổ đầu tư công nghiệp nặng đang diễn ra, điều này cũng được phản ánh trong sự gia tăng trong lĩnh vực xây dựng một cách rõ rệt.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng rẻ tiền cũng đã được Trung Quốc thúc đẩy mạnh trong trường hợp không có cạnh tranh, trong khi các nhà xuất khẩu đối thủ đang hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, điều này có thể không duy trì được lâu, đại dịch đang trở nên tồi tệ trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, dẫn đến sự phục hồi của các nền kinh tế chậm hơn so với dự kiến.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu Pent-up – thuật ngữ để mô tả sự trở lại tiêu dùng sau một thời gian chi tiêu giảm có thể sẽ suy yếu. Ngoài ra, sự bùng phát của COVID-19 ở một vài nơi tại Trung Quốc có thể hạn chế tốc độ phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ trong khi căng thẳng Mỹ-Trung có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc và các mảng đầu tư sản xuất liên quan.
Cuối cùng, điều khiến các nhà phân tích đang đặt câu hỏi về sự phục hồi của Trung Quốc khi bề ngoài có vẻ sự phục hồi là mạnh mẽ nhưng nó không cân đối và phụ thuộc vào chi tiêu kích thích kinh tế.
Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S & P Global cho biết, chỉ số tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ phản ánh mức độ phục hồi của nền kinh tế nước này. Cho đến cuối năm nay, nếu mức độ chi tiêu một lần nữa được nâng lên thì mới có thể đánh giá sự phục hồi là lâu dài và có chiều hướng tốt.
Nguồn: Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp
Các bài khác
- Đặc sản cam Cao Phong của Việt Nam ra mắt tại thị trường Anh
- Xuất khẩu rau quả sang EU theo EVFTA: Lợi thế đã có, làm gì để khai thác tối đa?
- Xuất khẩu thứ 2 thế giới: Cà phê Việt chưa có thương hiệu tầm cỡ và bỏ trống gia tăng giá trị
- Trung Quốc vượt Việt Nam về diện tích thanh long, cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu còn rộng cửa?
- Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế