Tác hại của sự so sánh
Theo tiến sĩ tâm lý Robert Puff (Mỹ), khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta tự cướp đi hạnh phúc của chính mình, bất kể mình kém cỏi hoặc vượt trội hơn.
Theo tiến sĩ, ngày nay, mọi người gần như không thể tránh khỏi sự so sánh bởi mạng xã hội cho phép chúng ta liên tục “truy cập vào cuộc sống của nhau”. Vào bất cứ thời điểm nào, chúng ta đều có thể mở điện thoại, nhìn một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời người khác rồi suy nghĩ: “Tại sao mình không làm những gì cô ấy đang làm” hoặc “Mình giỏi hơn anh ta nhiều”.
“Quá trình suy nghĩ này chỉ gây hại và lãng phí năng lượng vì mạng xã hội chỉ là một lát cắt nhỏ của cuộc sống”, vị chuyên gia tâm lý nói.
Con người hiện đại dễ so sánh mình với người khác do tác động từ mạng xã hội. Ảnh: Pixabay.
Ngoài mạng xã hội, con người còn vô số cách tự so sánh khác. Chúng ta có thể so sánh diện mạo của mình với người lạ, so sánh những gì mình có với hàng xóm hay so sánh thành tựu của mình với người thân. Một tình huống phổ biến khác là so sánh hiệu suất công việc của bạn với đồng nghiệp. Thậm chí, sự so sánh này còn được nhiều công ty khuyến khích bởi họ nghĩ rằng như vậy sẽ thúc đẩy cạnh tranh và tăng lợi nhuận.
Vậy làm thế nào để chúng ta giải phóng mình khỏi trò chơi so sánh và tập trung sự chú ý vào bản thân?
Theo tiến sĩ Puff, đầu tiên, bạn hãy thừa nhận sự so sánh không phục vụ bản thân. Dù thế nào, bạn sẽ luôn luôn tìm thấy ai đó “chưa bằng” mình. Ngược lại, bạn cũng sẽ luôn luôn tìm thấy ai đó có công việc tốt hơn, nhà đẹp hơn, tủ quần áo đẹp hơn mình. “Nói ngắn gọn, nếu cứ tiếp tục so sánh, chúng ta sẽ mãi thua cuộc”, tiến sĩ Puff nhận định. Thay vì rơi vào vòng luẩn quẩn này, bạn hãy hiểu rằng sự so sánh có tồn tại nhưng bạn không nhất thiết phải tham gia sự so sánh đó.
Tiếp đến, hãy cố gắng ngừng để tâm đến sự đánh giá của những người xung quanh. Suy nghĩ, cảm xúc của bạn là điều quan trọng nhất. Thành tựu của bạn đến từ những việc khiến bạn cảm thấy tốt đẹp, hài lòng chứ không phải lời nhận xét của người khác. Thay vì suốt ngày để ý đến người ngoài, hãy tập trung vào chính bản thân.
Bên cạnh đó, đừng tự mãn khi được khen ngợi. Nếu nhận được lời khen, điều quan trọng là nói cảm ơn, sau đó nhắc nhở bản thân rằng lời khen không khiến bạn tốt hơn người bên cạnh.
Đối với các môi trường khuyến khích cạnh tranh như trường học hay công sở, bạn không nên dành năng lượng suy nghĩ về thứ hạng. Điều quan trọng là tận hưởng thứ mình đang làm, nỗ lực hết sức trong mọi tình huống chứ không phải vượt lên trên người khác.
Tiến sĩ Puff cũng khẳng định ngừng so sánh không khiến một người học tập hay làm việc kém đi. Trái lại, bạn sẽ có cơ hội hướng toàn bộ năng lượng vào những gì mình đang làm, nhờ đó tập trung và đạt kết quả tốt hơn. Bạn cũng dễ thực hiện ước mơ, đam mê của mình hơn.
“Khi không để sự so sánh quyết định cách nhìn nhận bản thân, bạn sẽ thấy chỉ có ý kiến của một người quan trọng, đó là bạn. Từ đây, bạn có thể sống cuộc đời của mình theo cách trọn vẹn nhất”, tiến sĩ Puff kết luận.
Thu Nguyệt (Theo Psychology Today)