Tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’: Tôi học tiếng Anh ra sao?
Ở những năm cấp hai, tôi học tiếng Anh qua loa, chiếu lệ chỉ đủ điểm đừng bị khống chế cho danh hiệu thi đua. “Biết và hiểu ngoại ngữ rất quan trọng, đặc biệt là tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ toàn cầu”, ba tôi đã tâm sự những câu như thế mỗi khi có dịp hai cha con ngồi nói chuyện. Bỏ ngoài tai những lời khuyên của ông, tôi vẫn cứ học tiếng Anh theo cách của mình.
Mục lục bài viết
Chú trọng văn phạm phục vụ thi nên… không giao tiếp được
Trước khi tôi vào lớp 10, ba dắt tôi đi Vũng Tàu. Một buổi sáng, hai cha con đi dọc theo Bãi Sau, ngắm nhìn ánh bình minh và trò chuyện. Từ hướng ngược chiều, có hai du khách nước ngoài đi lại. Họ hỏi chuyện với những người bán hàng rong nhưng rồi chỉ nhận được những cái khoát tay và lắc đầu. Thấy vậy, ba tôi bước đến hỏi một vài câu xã giao bằng tiếng Anh. Hai vị khách nước ngoài cảm thấy thích thú vì có người trò chuyện với mình. Thế là câu chuyện diễn ra thật rôm rả. Tôi nghe tiếng được tiếng mất bởi vốn tiếng Anh có hạn của mình.
Mười lăm phút đối thoại giữa ba tôi và hai người khách nước ngoài làm tôi thật xấu hổ. Hàng loạt câu hỏi tại sao xuất hiện trong tôi. Tất cả bởi một lý do đơn giản: Tôi học tiếng Anh không đúng cách! Trên đoạn đường về, tôi suy tư bởi những câu hỏi của mình. Hình ảnh diễn ra trên bãi biển Vũng Tàu đã làm tôi thay đổi quan điểm về cách học tiếng Anh của mình.
Tôi đặt ra mục tiêu đơn giản nhất là học tiếng Anh để có thể giao tiếp với người nước ngoài. Với suy nghĩ như thế, tôi tìm trong tủ sách gia đình mình những quyển sách tiếng Anh. Thế là tôi bắt đầu quen dần với English for Today, New English 900… Bước khởi đầu với những giáo trình như thế thật vất vả bởi tôi chỉ quen với tiếng Anh ở trường, mà phần lớn là chú trọng văn phạm và phục vụ cho các kỳ thi.
“Hãy học tiếng Anh như Lệnh Hồ Xung luyện Độc Cô Cửu Kiếm”!
Ba tôi là người thầy tận tâm và nhiệt tình giúp tôi vượt qua những khó khăn này. Ông hướng dẫn tôi làm quen dần với ngôn ngữ giao tiếp bằng những mẫu câu đơn giản và những tình huống thực hành ngắn gọn, dễ tiếp thu. Biết tôi thích truyện kiếm hiệp, ông ví von “Hãy học tiếng Anh như Lệnh Hồ Xung luyện Độc Cô Cửu Kiếm”! Câu nói đơn giản nhưng lại cho tôi một kinh nghiệm trong việc thực hành tiếng Anh của mình.
Hè năm lớp 11, gia đình đi Nha Trang, tôi có dịp trau dồi vốn tiếng Anh của mình với người nước ngoài qua những câu chào hỏi thông thường. Thời gian dần trôi qua, tôi càng có được sự tự tin khi sử dụng tiếng Anh của mình vào thực tế, đặc biệt là khi tham gia khóa tập huấn về chuyên môn tại Malaysia. Sau này, tôi có dịp học tiếng Anh với nhiều giáo viên, tuy nhiên ba tôi chính là người đã tạo động lực cho tôi yêu mến và say mê với ngôn ngữ này. Cám ơn một buổi sáng ở bãi biển Vũng Tàu hơn 20 năm về trước vì đã mang lại cho tôi những suy nghĩ tích cực, thay đổi cách học tiếng Anh.
Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để khẳng định. Trong việc học tiếng Anh cũng thế, những người trẻ sau khi tiếp thu được kiến thức và vận dụng vào thực tế, vào công việc thì sẽ tạo được chỗ đứng cho chính mình bằng năng lực cá nhân. Trong việc học tiếng Anh, năng lực thật sự thể hiện qua thực tế mới là điều được đánh giá cao chứ không phải ở những chứng chỉ để “trang trí” cho bản thân.