[Tài liệu thuyết minh] Tài liệu về các nét văn hóa dân tộc Việt Nam

Cộng đồng người Việt Nam có 54 thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm gần 90% tổng số dân cả nước, hơn 10% còn lại là dân số của 53 dân tộc.

Trải qua bao thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã gắn bó với nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành tự do, độc lập và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc hầu như có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá riêng.

Bản sắc văn hoá của các dân tộc thể hiện rất rõ nét trong các sinh hoạt cộng đồng và trong các hoạt động kinh tế. Từ trang phục, ăn, ở, quan hệ xã hội, các phong tục tập quán trong cưới xin, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, văn nghệ, vui chơi của mỗi dân tộc lại mang những nét chung. Đó là đức tính cần cù chịu khó, thông minh trong sản xuất; với thiên nhiên – gắn bó hoà đồng; với kẻ thù – không khoan nhượng; với con người – nhân hậu vị tha, khiêm nhường… Tất cả những đặc tính đó là phẩm chất của con người Việt Nam.

54 dân tộc sống trên đất Việt Nam có thể chia thành 8 nhóm theo ngôn ngữ như sau:

  • Nhóm Việt – Mường có 4 dân tộc là: Kinh (Việt), Chứt, Mường, Thổ.
  • Nhóm Tày – Thái có 8 dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.
  • Nhóm Môn – Khmer có 21 dân tộc là: Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cờ Tu, Giẻ Triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ Mú, Mạ, Mảng, M’Nông, Ơ Đu, Rơ Măm, Tà Ôi, Xinh Mun, Xơ Đăng, Xtiêng.
  • Nhóm Mông – Dao có 3 dân tộc là: Dao, Mông, Pà Thẻn.
  • Nhóm Kadai có 4 dân tộc là: Cờ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo.
  • Nhóm Nam Đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu Ru, Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai.
  • Nhóm Hán có 3 dân tộc là: Hoa, Ngái, Sán Dìu.
  • Nhóm Tạng có 6 dân tộc: Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La.

Nghiên cứu cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung hay văn hoá các dân tộc nói riêng là những công việc không có giới hạn. Càng nghiên cứu, tìm hiểu ta càng thấy say mê, cuốn hút và ta càng thấy thêm yêu đất nước Việt Nam hơn.

Khai thác những nét đặc sắc của nền văn hoá truyền thống các dân tộc là một tiềm năng to lớn cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

Tại đây ad sẽ post một số thông tin về các dân tộc Việt Nam vừa là để khám phá vừa là để mọi người có đi đến các khu vực sinh sống của các dân tộc khác không ngạc nhiên hay vô tình mắc lỗi khiến họ phải phật ý

Dân tộc Kinh

Tên gọi khác: Việt

Nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường

Dân số:73.594.427 người.

Cư trú: Người Kinh cư trú khắp tỉnh, nhưng đông nhất là các vùng đồng bằng và thành thị.

Đặc điểm kinh tế: Người Kinh làm ruộng nước. Trong nghề trồng lúa nước, người Kinh có truyền thống đắp đê, đào mương.

Nghề làm vườn, trồng dâu nuôi tằm, nghề nuôi gia súc và gia cầm, đánh cá sông và cá biển đều phát triển. Nghề gốm có từ rất sớm.

Người Kinh có tập quán ăn trầu cau, hút thuốc lào, thuốc lá, uống nước chè, nước vối.

Ngoài cơm tẻ, cơm nếp, còn có cháo, xôi. Mắm tôm, trứng vịt lộn là món ăn độc đáo của người Kinh.

Tổ chức cộng đồng: Làng người Kinh thường trồng tre bao bọc xung quanh, nhiều nơi có cổng làng chắc chắn. Mỗi làng có đình là nơi hội họp và thờ cúng chung.

Hôn nhân gia đình

Trong gia đình người Kinh, người chồng (người cha) là chủ. Con cái lấy họ theo cha và họ hàng phía cha là “họ nội”, còn đằng mẹ là “họ ngoại’. Con trai đầu có trách nhiệm tổ chức thờ phụng cha mẹ, ông bà đã khuất. Mỗi họ có nhà thờ họ, có người trưởng họ quán xuyến việc chung.

Hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng. Việc cưới xin phải trải qua nhiều nghi thức, nhà trai hỏi vợ và cưới vợ cho con. Người Kinh coi trọng sự trinh tiết, đức hạnh của các cô dâu, đồng thời chú ý đến gia thế xuất thân của họ.

Văn hóa

Vốn văn học cổ của người Kinh khá lớn: có văn học miệng (truyện cổ, ca dao, tục ngữ), có văn học viết bằng chữ (những áng thơ, văn, bộ sách, bài hịch). Nghệ thuật phát triển sớm và đạt trình độ cao về nhiều mặt: ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng. Hội làng hàng năm là một dịp sinh hoạt văn nghệ rôm rả, hấp dẫn nhất ở nông dân.

Nhà cửa

  • Nhà người Việt miền Bắc

Nhà người Việt miền Bắc có nhiều kiểu, nhiều dạng khác nhau thể hiện ở kết cấu bộ khung nhà, chủ yếu là ở các kiểu vì kèo, ở bình đồ, (tổ hợp nhà ), ở tổ chức mặt bằng sinh hoạt… Song kiểu nhà ba gian hai chái với vì kèo suốt – giá chiêng – sáu hàng cột là tiêu biểu hơn cả. Cũng có thề là vì kẻ chuyền (một biến dạng gần của vì kèo suốt). Tổ hợp hai nhà : nhà chính và nhà phụ kết hợp với nhau theo hình “thước thợ “. Mặt bằng sinh hoạt : gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, phản gỗ (ghế ngựa) dành cho chủ nhà và bàn ghế tiếp khách. Hai gian bên của gian giữa kê giường tủ giành cho các thành viên nam trong nhà. Hai gian chái có vách (đố hoặc tường) ngăn với ba gian giữa. Trong các gian này dành cho sinh hoạt của các thành viên nữ, đồng thời còn là nơi để cất lương thực và các thứ lặt vặt khác. Đó là ngôi nhà chính, còn nhà phụ : một gian hai chái, vì kèo thường đơn giản (vì kèo cầu hoặc vì kèo – ba cột). nhà này thường là nhà bếp kết hợp làm nơi để nông cụ, cối xay, cối giã, và chuồng trâu…

  • Nhà người Việt miền Trung

Nhà miền Trung, một kiểu nhà rất phổ biến, đó là nhà rường. Vì kèo bốn cột không có giá chiêng, đặt trên lưng trếng (xà lòng) của hai vì kèo gian giữa người ta đặt một cái giương dùng làm kho. Yếu tố này chúng ta có thể thấy ở nhà một số cư dân thuộc ngôn ngữ Môn-Khơ me cực nam Trung Bộ : Mạ, Chil. Cơ ho, Xtiêng…Cách bố trí trong nhà có khác nhà miền Bắc đôi chút.

Nói đến nhà miền Trung còn phải kể đến một kiểu nhà khá đặc biệt, đó là nhà lá mái. Nhà gồm hai lớp nóc : lớp trong bằng đất, lớp ngoài lợp lá, chủ yếu là để chống gió Lào.

Trang phục

Có đủ các chủng loại y phục khăn áo, váy, quần, khố (trước đây), mũ nón, giày dép… và trang sức. Có đặc trưng riêng về phong cách mỹ thuật khác với các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ và lân cận.

  • Trang phục nam

Trang phục thường nhật:

Nhìn chung người Việt (Bắc, Trung, Nam), thường ngày mặc áo cách nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà, hai túi dưới. Đây là loại áo ngắn mặc với quần lá tọa ống rộng. Đó là loại quần có cạp hoặc dùng dây rút. Trước đây nam để tóc dài, búi tó, hoặc thắt khăn đầu rìu, đóng khố…

Trong lễ, tết, hội hè:

Nam thường mặc áo dài màu đen, hoặc loại vải the có lót trắng bên trong, đầu đội khăn xếp, quần tọa màu trắng. Đó là loại áo dài, xẻ nách phải không trang trí hoa văn, nếu có chỉ là loại hoa văn dệt cùng màu tinh tế trên vải. Chân đi guốc mộc.

Trang phục nữ

Trang phục thường nhật:

Phụ nữ miền Bắc và bắc Trung bộ thường mặc áo cách ngắn vải nâu phía trong mặc yếm. Đó là loại áo cổ tròn, viền nhỏ, tà mở; nếu mặc với yếm thì thường không cài cúc ngực. Chiếc yếm màu vàng tơ tằm hay hoa hiên, nâu non, là vuông vải mang chéo trước ngực, góc trên khoét tròn hay chữ v để làm cổ. Cổ yếm có dải vải buộc ra sau gáy, dưới có hai dải vải dài buộc sau lương hình chữ nhật hoặc tam giác. Váy là loại váy kín (ống), có nơi mặc ngắn đến ống chân như Bắc và Trung bộ. Thắt lương là bao lương bằng vải màu (có nơi gọi là ruột tượng) quấn ra ngoài cạp váy. Khi ra đường họ thường mang khăn vuông đội theo lối “mỏ quạ” hoặc các loại nón: thúng, ba tầm…

Trang phục trong lễ, tết, hội hè:

Trong những dịp này phụ nữ Việt thường mang áo dài. áo dài có hai loại: Loại xẻ ngực buông vạt không cài cúc bên trong thường mặc áo ‘cổ xây’ cho kín đáo; loại thứ hai là loại áo năm thân, xẻ nách phải cổ đứng. Có loại mặc theo lối vạt đè chéo lên nhau dùng dây lưng buộc ngang thân rồi buông xuống phía trước. Họ thường để tóc dài vấn khăn thành vành tròn quanh đầu, ngoài trùm khăn hoặc đội nón ba tấm, nón thúng. Các thiếu nữ thường búi tóc đuôi gà. Mùa rét phổ biến quấn trên đầu chiếc khăn vuông màu thâm. Đồ trang sức thường mang là các loại trâm, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, vòng tay mang phong cách từng vùng.

Phụ nữ Nam Bộ thường ngày mặc áo bà ba với các kiểu cổ tròn, cổ trái tim, cổ bà lai. Phụ trang đi kèm với bộ bà ba là chiếc khăn rằn thường có ô vuông xen kẽ hai màu, là loại khăn có nguồn gốc của người khơ me mà người Việt đã ảnh hưởng. Chiếc nón lá có sườn nón gồm những nan tre xếp thẳng dọc và khoảng 16 vòng nan tre xếp tròn đường kính từ nhỏ xíu trên đỉnh nón đến lớn dần theo vành nón. Ngày nay, chiếc nón lá thường được sử dụng trong lớp phụ nữ bình dân và ở vùng nông thôn, vì chức năng của nó phần lớn che nắng cho người lao động vất vả, nên phải chắc bền và tương đối cứng cáp chớ không nhẹ nhàng, mỏng manh như nón lá bài thơ ở Huế

Dân tộc Mường

Tên gọi khác: Mol, Mual, Moi, Moi bi, Au tá, Ao tá

Nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường

Dân số

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê công bố năm 2009, dân tộc Mường ở Việt Nam có 1.268.963, chỉ sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơme.

Cư trú: Cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng tập trung đông nhất ở Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Đặc điểm kinh tế

Đồng bào Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày.

Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản như nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, quế, mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song… Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ nghệ khá tinh xảo.

Hôn nhân gia đình

Tục cưới xin của người Mường gần giống như người Kinh (chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu). Khi trong nhà có người sinh nở, người Mường rào cầu thang chính bằng phên nứa. Khi trẻ em lớn khoảng một tuổi mới đặt tên.

Tục lệ ma chay

Người chết tắt thở, con trai trưởng cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ, sau đó gia đình nổi chiêng phát tang. Thi hài người chết được liệm nhiều lớp vải và quần áo theo phong tục rồi để vào trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng bằng vải.

Tang lễ do thày mo chủ trì. Hình thức chịu tang của con cái trong nhà không khác so với người Kinh, tuy nhiên con dâu, cháu dâu chịu tang ông bà, cha mẹ còn có bộ trang phục riêng gọi là bộ quạt ma.

Khi người con trai trong gia đình ấy chống gậy tre thì gia đình ấy có bố chết, nếu chống gậy gỗ thì gia đình có mẹ mất.

Văn hóa

Đồng bào Mường có nhiều ngày hội quanh năm: Hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng7, 8 âm lịch) lễ cơm mới…

Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khà phong phú, có các thể loại thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng giao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Người Mường ở Vĩnh Phú còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà, tạo thành những âm thanh để thưởng thức gọi là “đâm đuống”.

Nhà cửa

Nhà người Mường có những đặc điểm riêng :nhà thường ba gian hai chái. Bộ khung với vì kèo kết cấu đơn giản. Đặc trưng ở cái kèo có pà wặc (cái cựa) đè lên cây đòn tay cái để đỡ kèo khỏi bị tụt. Nhà có chái nhưng không có vì kèo chái như nhà người Việt. Chỗ dựa của bộ xương mái là nhờ vào hai cây pắp cal và một cây léo hè, đầu gác lên thanh giằng hai kèo gần chỏm kèo.

Mặt bằng sinh hoạt có điểm giống nhà người Việt: nhà cũng có qui định có tính ước lệ: Nếu chia nhà theo chiều ngang: phần nhà dành cho sinh hoạt của nữ gọi là “bên trong”. Phần dành cho sinh hoạt của nam giới gọi là “bên ngoài”. Và, nếu chia nhà theo chiều dọc, nửa nhà phía sau (nơi đặt bàn thờ tổ tiên) gọi là “bên trên”. Còn nửa kia gọi là “bên dưới”. Một đặc trưng nữa là hình thức cấu tạo của bếp: bếp được đặt trong một cái khung gỗ hình chữ nhật. Bống góc của cái khung này dựng bốn cột làm giá đỡ các dàn (dựa) bếp. một trong hai cột giáp vách bao giờ cũng buộc một cái chum nhỏ để đựng mẻ (người Mường rất ưa các món ăn có vị chua). Ghế đặt xung quanh nhà bếp là ghế dài thấp chân. Trong khuôn viên thường có một miếu thổ thần, quy mô nhỏ như một cái lều.

Trang phục

Có đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục.

Trang phục nam

Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đây là loại áo cánh ngắn phủ kín mông. Đầu cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Quần lá tọa ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là “khăn quần”. Xưa có tục để tóc dài búi tóc. Trong lễ hội dùng áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chúng đen dài tới gối, cái cúc nách và sườn phải.

Trang phục nữ

Áo mặc thường ngày có tên là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn so với áo cánh người Kinh, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng (về sau có thêm các màu khác không phải loại vải cổ truyền). Bên trong là loại áo báng, cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen. Toàn bộ phận được trang trí là đầu váy và cạp váy, khi mặc mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đây là một phong cách trang trí và thể hiện ít gặp ở các tộc khác trong nhóm ngôn ngữ và khu vực láng giềng (Trừ nhóm Thái Mai Châu, Hòa Bình do ảnh hưởng văn hóa Mường mà mặc thường ngày tương tự như họ) Nhóm Mường Thanh Hóa có loại áo ngắn chui đầu, gấu lượn, khi mặc cho vào trong cạp váy và cao lên đến ngực. Phần trang trí hoa văn trên cạp váy gồm các bộ phận: rang trên, rang dưới, và cao. Trong dịp lễ, Tết họ mang chiếc áo dài xẻ ngực thường không cài khoác ngoài bộ trang phục thường nhật vừa mang tính trang trọng vừa phô được hoa văn cạp váy kín đáo bên trong. Nhóm mặc áo cánh ngắn xẻ ngực thường mang theo chiếc yếm bên trong. Về cơ bản giống yếm của phụ nữ Kinh nhưng ngắn hơn.

Dân tộc Thái

Tên gọi khác: Tày Khao (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen), Tày Mười, Tày Thanh (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Họ đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là con cháu người Thái di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bây giờ.

Nhóm ngôn ngữ: Nhóm ngôn ngữ gốc Thái của hệ ngôn ngữ Thái-Kadai.

Dân số: Tại Việt Nam, năm 2009 người Thái có số dân là 1.550.423 người, cư trú tập trung tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoài ra còn có chừng 20.000 người Thái gốc Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, chủ yếu là Pháp và Hoa Kỳ.

Cư trú

Gồm có các nhóm sau:

  • Nhóm Thái Trắng (Táy Đón hay Táy Khao) cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu và một số huyện tỉnh Sơn La (Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Phù Yên).
  • Nhóm Thái Đen (Táy Đăm) cư trú ở khu vực tỉnh Sơn La và 2 huyện Điện Biên, Tuần Giáo)của tỉnh Lai Châu .
  • Nhóm Thái Đỏ, gồm nhiều nhóm khác nhau cư trú chủ yếu ở một số huyện như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hà Sơn Bình) và các huyện miền núi Mường Khoòng (Thanh Hóa) và Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An).

Đặc điểm kinh tế

Dân tộc Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng con, bắc máng lấy nước làm ruộng. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Dân tộc Thái cũng làm nương để trồng lúa, hoa màu và nhiều thứ cây khác. Từng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải, một số nơi làm đồ gốm… Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, bền đẹp.

Hôn nhân

Người Thái có tục ở rể, vài năm sau, khi đôi vợ chồng đã có con mới về ở bên nhà chồng, nhưng bây giờ hầu như không có trừ vài trường hợp gia đình bên gái khó khăn quá.

Tục lệ ma chay

Người Thái quan niệm chết là tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia. Vì vậy, đám ma là lễ tiễn người chết về “mường trời”.

Văn hóa dân gian

Thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao… là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của dân tộc Thái là: Xống chụ xon xao, Khun Lú Nàng Ủa. Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ (văn học, luật lệ, dân ca) được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây.

Gõ sạp đón khách là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào Thái vùng phía tây tỉnh Yên Bái. Gõ sạp tạo bầu không khí sôi động, náo nhiệt khi trong bản, trong mỗi nhà tổ chức các cuộc vui có đông khách tham dự.

Người Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khăp. khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xòe, múa sạp đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo khán giả. Hạn khuống, ném còn là hai đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Thái.

Cơm lam là một món ăn truyền thống của dân tộc Thái, Tày, Nùng… Đối với dân tộc Thái, cơm lam không chỉ là món ăn truyền thống mà trong ống cơm lam còn chứa đựng tín ngưỡng, giải thích một hiện tượng của tự nhiên. Quan niệm cổ xưa của đồng bào dân tộc Thái, thế giới tự nhiên được chia làm 3 phần gồm: cõi trời, trái đất và con người. Trong đó, cõi trời là một thế giới đặc biệt, chứa đựng quyền lực tối cao, quyết định mọi hoạt động của con người và mọi sự vật, hiện tượng trên trần gian. Cõi trời còn được gọi là “Mường Then”, cai quản có 34 vị thần gọi là các Phi Then. Trong đó, 12 Then lớn đảm nhận việc cai quản và chỉ đạo mọi hoạt động trên trần gian, 22 Then nhỏ là những vị thần giúp việc Then lớn. Trong 12 Then lớn có 1 Then tên là Then Chất – Then Chát chuyên theo dõi việc sinh, tử của loài người. Then Chất – Then Chát giữ sổ lớn gọi là sổ Hương then, trong sổ ghi họ tên, chỗ ở, địa vị xã hội và tuổi thọ của từng người ở trần gian. Hàng năm Then Chất – Then Chát đem sổ ra soát niên hạn sống của từng người, nếu ai hết hạn Then Chất – Then Chát sẽ gọi người đó về Mường Then tiếp tục một cuộc sống mới, chấm dứt sự sống trên trần gian của họ. Sống ở Mường Then là ước nguyện cuối cùng của người dân tộc Thái, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng được về Mường Then sinh sống, người Thái quan niệm rằng có người khi sinh ra mà các Then vô tình không biết do vậy người đó không có tên trong sổ nhà Then, khi chết đi không được hồi sinh ở cõi Mường Then, do vậy linh hồn người đó sẽ bơ vơ lạc lõng.

Quan niệm cổ xưa của đồng bào dân tộc Thái, thế giới tự nhiên được chia làm 3 phần gồm: cõi trời, trái đất và con người. Trong đó, cõi trời là một thế giới đặc biệt, chứa đựng quyền lực tối cao, quyết định mọi hoạt động của con người và mọi sự vật, hiện tượng trên trần gian. Cõi trời còn được gọi là “Mường Then”, cai quản có 34 vị thần gọi là các Phi Then. Trong đó, 12 Then lớn đảm nhận việc cai quản và chỉ đạo mọi hoạt động trên trần gian, 22 Then nhỏ là những vị thần giúp việc Then lớn. Trong 12 Then lớn có 1 Then tên là Then Chất – Then Chát chuyên theo dõi việc sinh, tử của loài người. Then Chất – Then Chát giữ sổ lớn gọi là sổ Hương then, trong sổ ghi họ tên, chỗ ở, địa vị xã hội và tuổi thọ của từng người ở trần gian. Hàng năm Then Chất – Then Chát đem sổ ra soát niên hạn sống của từng người, nếu ai hết hạn Then Chất – Then Chát sẽ gọi người đó về Mường Then tiếp tục một cuộc sống mới, chấm dứt sự sống trên trần gian của họ. Sống ở Mường Then là ước nguyện cuối cùng của người dân tộc Thái, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng được về Mường Then sinh sống, người Thái quan niệm rằng có người khi sinh ra mà các Then vô tình không biết do vậy người đó không có tên trong sổ nhà Then, khi chết đi không được hồi sinh ở cõi Mường Then, do vậy linh hồn người đó sẽ bơ vơ lạc lõng.

Phụ nữ dân tộc Thái trong những ngày đầu ở cữ thường ăn cơm lam, tất cả vỏ ống cơm lam không vứt đi mà được bó lại sau đó treo lên cành cây gần nhà, hoặc bìa rừng cùng ống tre trong có nhau của đứa trẻ mới sinh. Người Thái tin rằng, thực hiện thủ tục này chính là thông điệp họ gửi cho các Then nhà trời thông báo đã có 1 đứa trẻ được sinh ra ở trần gian, với mong muốn Then Chất – Then Chát ghi tên đứa trẻ này vào sổ Hương Then. Đứa trẻ lớn lên và kết thúc cuộc sống trên trần gian của mình thì Then Chất – Then Chát sẽ gọi người đó về cõi trời và được hưởng cuộc sống tươi đẹp tại cõi Mường Then.

Nhà cửa

Nhà người Thái trắng có khá nhiều điểm gần với nhà Tày-Nùng. Còn nhà người Thái Đen lại gần với kiểu nhà của các cư dân Môn-Khmer. Tuy vậy, nhà người Thái Đen lại có những đặc trưng không có ở nhà của cư dân Môn-Khmer: nhà người Thái Đen nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình thức trang trí khác nhau.

Bộ khung nhà Thái có hai kiểu cơ bản là khứ tháng và khay điêng. Vì khay điêng là vì khứ kháng được mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa. Kiểu vì này dần gần lại với kiểu vì nhà người Tày-Nùng.

Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà Thái Đen khá độc đáo: các gian đều có tên riêng. Trên mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp và còn là nơi để tiếp khách nam.

Trang phục

Có nhiều nhóm địa phương với những phong cách trang phục khác nhau.

Trang phục nam

Thường nhật, trong sinh hoạt và lao động, nam giới người Thái mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, quần xẻ dũng. Áo là loại cổ tròn, không cầu vai, hai túi dưới và trước cài cúc vải hoặc xương. Đặc điểm của áo cánh nam giới người Thái khu Tây Bắc không phải là lối cắt may (vì cơ bản giống ngắn nam Tày, Nùng, Kinh…) mà là ở màu sắc đa dạng của loại vải cổ truyền của cộng đồng sáng tạo nên: không chỉ có màu chàm, trắng mà còn có màu cà phê sữa, hay dật các vuông bằng các sợi màu đỏ, xanh, cà phê… Trong các ngày lễ, tết, họ mặc loại áo dài xẻ nách phải màu chàm, đầu quấn khăn, chân đi guốc. Trong tang lễ họ mặc nhiều loại áo sặc sỡ, tương phản màu sắc với ngày thường với lối cắt may dài, thụng, không lượn nách với các loại: xẻ ngực, xẻ nách, chui đầu.
Mấy chục năm gần đây, nam giới người Thái mặc âu phục khá phổ biến.

Trang phục nữ

Trang phục nữ Thái chia làm 2 loại phân biệt khá rõ theo hai ngành Thái Tây Bắc là Thái Trắng (Táy khao) và Thái Đen (Táy đăm)

Thái Trắng: Thường nhật, phụ nữ Thái Trắng mặc áo cánh ngắn (xửa cóm), váy màu đen không trang trí hoa văn. Áo thường là màu sáng, trắng, cài cúc bạc tạo hình bướm, ve, ong… Cái khác xửa cóm Thái Đen là cổ áo hình chữ V. Thân áo ngắn hơn áo cánh người Kinh, tạo dáng ôm chặt lấy thân, khi mặc cho vào trong cạp váy. Váy là loại váy kín (ống), màu đen, phía trong gấu đáp vải đỏ. Khi mặc xửa cóm và váy phụ nữ Thái còn tấm choàng ra ngoài được trang trí nhiều màu. Khăn đội đầu không có hoa văn mà chỉ là băng vải chàm dài trên dưới 2 mét… Trong các dịp lễ tết họ mặc áo dài màu đen. Đây là loại áo đầu thụng thân thẳng, không lượn nách, được trang trí bằng vải ‘khít’ ở giữa thân có tua vải phủ từ vai xuống ngực, nách áo trang trí theo lối đáp hai mảng hoa văn trong bố cục hình tam giác. Phụ nữ chưa chồng hay có chồng không có dấu hiệu quy định nhận biết… . Họ có loại nón rộng vành.

Thái Đen: Thường nhật phụ nữ Thái Đen mặc áo ngắn (xửa cóm) màu tối (chàm hoặc đen), cổ áo khác Thái Trắng là loại cổ tròn, đứng. Đầu đội khăn gọi là “piêu” thêu hoa văn nhiều mô-típ trang trí mang phong cách từng mường. Váy là loại giống phụ nữ Thái Trắng đã nói ở trên. Lối để tóc kkhi có chồng búi lên đỉnh đầu gọi là “Tằng cẩu”;khi chồng chết có thể búi tóc thấp xuống sau gáy ; chưa chồng không búi tóc. Trong lễ, tết áo dài Thái Đen đa dạng với các loại xẻ nách, chui đầu, trang trí phong phú đa dạng về màu và màu mà mô-típ hơn Thái Trắng.

Đôi chút về khăn Piêu: Ngoài sức hấp dẫn của trang phục, khăn Piêu của phụ nữ Thái mang một nét riêng thật hấp dẫn, độc đáo: “Em xe sợi thành vóc hoa dâu. Em dệt cửi thành gấm vân chéo. Em dệt tơ thành đóa hoa vàng. Người các bản các phường muốn khóc. Đều ước ao được em thêu khăn” (Dân ca Thái).

Nếu chỉ trừ một bộ phận phụ nữ tộc Thái trắng đội nón tát thì đa số phụ nữ Thái Mường Thanh (Lai Châu), Mường La (Sơn La), Mường Lò (Lào Cai), đều đội khăn vải. Khăn vải dùng để đội trên đầu người Thái gọi là Piêu. Piêu có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, có loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm, tùy từng vùng, từng địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh… Piêu còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội…

Đồng bào Thái làm Piêu từ loại vải bông tự dệt. Trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam….) ở hai đầu khăn. Để có một chiếc Piêu hoàn chỉnh, người phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến bốn tuần.

Piêu Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của nó mà được tập trung đồ án trang trí ở hai đầu. Trước khi thêu các đồ án trang trí ở hai đầu khăn, phụ nữ Thái ghép mảnh vải đỏ làm viền. Các viền đỏ bọc cho sợi ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa như là giới hạn diện tích trang trí ở đầu khăn. Đường viền vải đỏ bọc ở ba mép đầu khăn rộng trên dưới 1 cm. Phụ nữ Thái dùng lối khâu luồn rất khéo léo để hạn chế tới mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một. Trước khi thêu, chị em làm những chiếc cút để đính vào Piêu, có thể làm nhiều cút Piêu một lúc rồi dùng dần. Cút Piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình trôn ốc, sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu thành các múi trong hình tròn. Đối với các cút Piêu đòi hỏi phải tỷ mỷ, cầu kỳ, chỉ có những người thành thạo mới biết làm. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu. Các loại chỉ màu được sử dụng như vậy vừa mang chức năng kỹ thuật, vừa mang giá trị thẩm mỹ. Nhìn vào chiếc cút được dính vào đầu Piêu, ta rất khó đoán nhận ra được mạch chỉ khâu ghép các đường trang trí với nhau.Các loại đường khâu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu: móc xích, chân rết, xương cá…

Con gái Thái từ 6,7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Thành viên nữ của cộng đồng Thái phải biết nhìn vào mẫu Piêu, biết nhận ra bố cục của đồ án hoa văn… Học thêu Piêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Lúc đầu các cô gái chỉ thêu được những đường thẳng hoặc những mô-típ hoa văn đơn giản, dần dần tiến tới biết xử lý đồ án, bố cục, biết xử lý màu sắc ở nhiều mô-típ hoa văn trong những bố cục phức tạp. Việc học dệt vải và học thêu khăn Piêu là bài học phổ thông, tất yếu của mọi thành viên nữ trong nếp sống của cộng đồng dân tộc Thái, bởi vậy Piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá một phụ nữ. Qua chiếc Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó hay là người lời nhác, vụng dại. Khăn Piêu của phụ nữ Thái không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái.

Dân tộc Tày

Tên gọi khác: Người Tày trước đây hay được gọi là người Thổ.

Nhóm ngôn ngữ: Thái-Kadai

Dân số: 1.626.392 triệu người (2009). Đây là dân tộc có dân số lớn thứ hai ở Việt Nam sau người Kinh

Cư trú: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Họ cũng sinh sống cả ở Bắc Ninh và Bắc Giang hoặc một số tỉnh Tây Nguyên (di cư gần đây)

Đặc điểm kinh tế

Người Tày sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp.Nông nghiệp cổ truyền phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai.

Nhà cửa

Người Tày ở nhà sàn. Nhà sàn của người Tày làm bằng gỗ. Mái lợp cỏ gianh. Người Tày sống định cư, quây quần thành từng bản chừng 15 đến 20 hộ. Bản thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông.

Trang phục

Quần áo nói chung nhuộm màu chàm.Mặc quần áo vải bông nhuộm chàm, áo nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách ở bên phải, cài 5 khuy.

Văn hóa

Lượn là thể loại dân ca nổi tiếng của người Tày hay được các đôi lứa hát cùng. Hát Then, hát lượn, hát sli được dùng vào các mục đính sinh hoạt khác nhau. Bộ nhạc cụ như Đàn Tính, Lúc lắc.

Phong tục tập quán

Thờ cúng tổ tiên. Nơi thờ tổ tiên chiếm vị trí tôn nghiêm nhất trong nhà. Chiếc giường trước bàn thờ để không, khách lạ không được ngồi, nằm trên đó. Người mới sinh không được đến chỗ thờ tổ tiên.Trong gia đình thường quý con trai hơn và có quy định rõ ràng giữa các thành viên. Người Tày thờ tổ tiên và bái vật giáo. Họ thường dùng bữa sau 2 giờ chiều và 8 giờ tối.

Dân tộc Sán Dìu

Tên gọi khác: Người Sán Dìu còn được gọi là người Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc

Nhóm ngôn ngữ: Hoa

Dân số: khoảng 146.821 triệu người (2009)

Cư trú: miền trung du các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang.

Đặc điểm kinh tế

Người Sán Dìu chủ yếu làm ruộng nước, có phần nương, soi, bãi. Thêm vào đó, còn có chăn nuôi, khai thác lâm sản, đánh bắt nuôi thả cá, làm gạch ngói, rèn, đan lát…

Từ lâu đời, người Sán Dìu đã sáng tạo ra chiếc xe quệt (không cần bánh lăn) dùng trâu kéo để làm phương tiện vận chuyển. Hình thức gánh trên vai hầu như chỉ dùng cho việc đi chợ. Hàng ngày người Sán Dìu dùng cả cơm cả cháo, đồ giải khát thông thường cũng là nước cháo loãng.

Nhà cửa

Người Sán Dìu ở nhà đất. Nhà cửa đồng bào không có những đặc trưng riêng. Có lẽ vì vậy mà người Sán Dìu đã tiếp thu mẫu nhà của người Việt khá dễ dàng.

Trang phục

Trang phục của người Sán Dìu đã và đang đổi thay gần giống trang phục người Kinh. Phụ nữ Sán Dìu có tập quán ăn trầu và thường mang theo mình chiếc túi vải đựng trầu hình múi bưởi có thêu nhiều hoa văn sặc sỡ, và kèm theo là con dao bổ cau có bao bằng gỗ được chạm khắc trang trí đẹp.

Tổ chức cộng đồng: Người Sán Dìu ở thành từng chòm xóm nhỏ.

Hôn nhân gia đình

Trong nhà, người chồng (cha) là chủ gia đình, con theo họ cha, con trai được thừa hưởng gia tài. Cha mẹ quyết định việc cưới gả cho con. Con trai con gái phải được xem số, so tuổi trước khi nên duyên vợ chồng.

Tục lệ ma chay

Việc ma chay cũng qua nhiều lễ thức. Từ sau 3 năm, người chết được bốc cốt – cải táng, và đây là một dịp vui.

Văn hóa

Thơ ca dân gian của người Sán Dìu phong phú, dùng thơ ca trong sinh hoạt hát đối nam nữ (soọng cô) rất phổ biến. Truyện kể, chủ yếu truyện thơ khá đặc sắc. Các điệu nhảy múa thường xuất hiện trong đám ma. Nhạc cụ có tù và, kèn, trống, sáo, thanh la, não bạt cũng để phục vụ nghi lễ tôn giáo. Nhiều trò chơi của dân tộc được đồng bào ưa thích là: đi cà kheo, đánh khăng, đánh cầu lông kiểu Sán Dìu, kéo co.

Dân tộc Xơ Đăng

Tên gọi khác: Xơ Đeng, Cà Dong, Tơ-dra, Hđang, Mơ-nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Bri La Teng, Con Lan.

Nhóm ngôn ngữ: Môn – Khmer

Dân số: 169.501 triệu người. (2009)

Cư trú

Cư trú tập trung ở tỉnh Kon Tum, một số ít ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trang phục

Còn ở trình độ phát triển chậm và đây cũng là nét chung của một số dân tộc khác trong khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Không có cá tính chung và điển hình cho phong cách kỹ thuật và mỹ thuật.

Đặc điểm kinh tế

Người Xơ Đăng làm rẫy là chính. Nhóm Mơ-nâm làm ruộng nước nhưng không cày bừa mà lại dùng sức trâu, sức người để giẫm nát đất. Đồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá, đan lát, dệt, rèn. Nhóm Tơ-dra có nghề rèn từ quặng sắt rất phát triển và nổi tiếng.

Tổ chức cộng đồng

Mỗi làng Xơ Đăng có nhà rông, có bãi mộ chôn người chết… Nhà cửa của dân làng quây quần bên nhau, mọi người gắn bó giúp đỡ nhau. Ông “già làng” được trọng nể nhất, là người điều hành mọi sinh hoạt chung trong làng và đại diện của dân làng.

Hôn nhân gia đình

Tên của người Xơ Đăng không có họ kèm theo, nhưng có từ chỉ định giới tính: nam là A, nữ là Y (ví dụ như là A Nhong, Y Hên). Trai gái lớn lên, sau khi đã cưa răng theo phong tục (ngày nay ít người còn theo phong tục này), được tìm hiểu, yêu nhau. Lễ cưới xin đơn giản. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.

Văn hóa

Trong số các lễ cúng, lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng, lễ đâm trâu được tổ chức long trọng nhất, đông vui nhất. Người Xơ Đăng thích hát múa, tấu chiêng cồng, chơi đàn, kể chuyện cổ. Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu.

Mỗi làng người Xơ Đăng đều có nhà rông, nóc và mái được tạo dáng như cánh buồm lớn hoặc lưỡi rìu khổng lồ ngửa lên trời. Có hình chim chèo bẻo hay hình sừng thú chót vót ở hai đầu đốc. Nhà rông được dân làng tạo dựng nên hoàn toàn bằng thảo mộc có sẵn ở địa phương. Kỹ thuật xây dựng chỉ là lắp ghép và chằng buộc, không hề dùng đến đinh sắt, dây thép…

Nhà rông thực sự là công trình kiến trúc, một sản phẩm văn hóa, là trụ sở và câu lạc bộ trong làng của đồng bào Xơ Đăng.

Dân tộc Tà Ôi

Tên gọi khác: Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi, Pa Hi.

Nhóm ngôn ngữ: Môn – Khmer

Dân số: 43.886 triệu người ( 2009 )

Cư trú: Sống tập trung ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và Hương Hóa (Quảng Trị)

Trang phục

Cá tính tộc người không rõ nét, nổi bật mà có sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa khác trên trang phục. Đồ trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm, xương là phổ biến. Tục cà răng, căng tai, xăm mình, để tóc lá bài trước trán đã phai nhạt đi.

  • Trang phục nam: Nam giới đóng khố, mặc áo hoặc ở trần.
  • Trang phục nữ: Phụ nữ có áo, váy, có nơi dùng loại váy dài kéo lên che ngực thay áo.

Đặc điểm kinh tế

Người Tà Ôi trước đây làm rẫy là chính, gần đây ở một số nơi đồng bào làm ruộng nước, có vườn cây ăn quả, đào ao thả cá.

Tổ chức cộng đồng

Làng người Tà Ôi theo truyền thống thường có một ngôi nhà công cộng kiểu nhà rông dựng giữa làng: có vùng lại chỉ có ngôi “nhà ma” dựng ngoài rìa khu gia cư để hội tụ dân làng khi có lễ hội và sinh hoạt chung. Từng dòng họ người Tà Ôi có riêng tên gọi, có kiêng k?hất định, có truyền thuyết lý giải về tên gọi và điều kiêng cữ ấy. Con cái đều lấy họ theo cha, chỉ con trai được thừa hưởng gia tài. Trưởng họ đóng vai trò quan trọng trong cả việc làng.

Hôn nhân gia đình

Thanh niên nam nữ Tà Ôi tự do tìm hiểu nhau qua tục đi “sim” tình tự nơi chòi rẫy. Họ trao vật làm tin cho nhau, rồi nhà trai nhờ người mai mối. Sau lễ cưới, cô dâu trở thành người nhà chồng. Việc kết hôn giữa con trai cô với con gái cậu được khuyến khích, nhưng nếu trai họ A đã lấy vợ ở họ B, thì trai họ B không được làm rể họ A mà phải tìm vợ ở họ C.

Tục lệ ma chay

Người Tà Ôi có tục người chết được vài năm, dòng họ sẽ tổ chức cải táng, lúc này mới làm nhà mồ đẹp, trang trí công phu và dựng tượng quanh bờ rào mồ.

Văn hóa

Người Tà Ôi có nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, có nhiều truyện cổ kể các chủ đề phong phú: nguồn gốc tộc người, nguồn gốc dòng họ, cuộc đấu tranh giữa kẻ giàu với người nghào, giữa cái thiện với cái ác, tình yêu chung thủy v.v… Dân ca có các điệu Ka-lơi, Ba-boih, Rơin và đặc biệt là điệu cha chấp trữ tình. Chiêng, cồng, đàn, sáo, kèn, trống, khèn là những loại nhạc cụ thường gặp ở vùng đồng bào Tà Ôi.

Nhà cửa

Nhà ở của người Ta Ôi là nhà sàn dài phổ biến tại nhiều vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Nhìn bề ngoài, nhà Ta Ôi kể cả nhà sàn và nhà đất đều có nó hình mai rùa và đều có “sừng” trang trí hình hai đầu chim cu tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hòa của dân tộc.

Tổ chức mặt bằng sinh hoạt của nhà ở thống nhất trong toàn dân tộc. Trung tâm của ngôi nhà là căn mong: nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung của mọi thành viên trong nhà. Diện tích còn lại được ngăn thành từng buồng (a song): chỗ ở và sinh hoạt của các gia đình. Thông thường thì các buồng được bố trí thành hai hàng theo chiều dọc. Ơở giữa là hành lang dành để đi lại. Đến nay ở những nhà đất người ta vẫn duy trì bố cục bên trong nhà như vậy.

Dân tộc Thổ

Tên gọi khác: Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng, Con Kha, Xá Lá Vàng

Nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường

Dân số: 74.458 triệu người. (2009)

Cư trú: Sống ở miền tây tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm kinh tế

Người Thổ làm rẫy trên cả đất dốc, cả đất bằng, trồng lúa và gai là chính. Trong canh tác lúa, ngoài cách thức chọc lỗ tra hạt, đồng bào còn gieo vãi và dùng cày, bừa để lấp đất sau khi gieo. Cây gai cho sợi đan nhiều vật dụng cần thiết: túi, võng, lưới bắt cá, vó, lưới săn thú, v.v… Một tấm lưới săn thú cần đến 30-40 kg sợi gai. Cá, chim thú là nguồn thực phẩm quan trọng đối với người Thổ và đồng bào có kinh nghiệm săn bắn, đánh bắt cá. Bên cạnh đó, rừng cung cấp các loại rau, quả, củ làm thức ăn thông thường cũng như khi đói kém.. Đồng bào không có nghề dệt vải.

Trang phục

Khó nhận ra cá tính tộc người. Đồ mặc có nơi giống như y phục của người Kinh nông thôn nửa thế kỷ về trước, có nơi phụ nữ dùng cả váy mua của người Thái. Ơở vùng Thổ phổ biến tập quán phụ nữ đội khăn vuông trắng, còn khăn tang là khăn trắng dài.

Nhà cửa

Người Thổ quen sống trên nhà sàn, nhưng nhà của họ không có gì đặc biệt. Ơở vùng Lâm La nhà sàn của người Thổ giống hệt nhà người Mường… Ở những xã phía Nam, nhà người Thổ lại giống nhà người Thái. Nay nhiều nơi người ta đã chuyển sang nhà ở đất theo kiểu nhà người Việt.

Tổ chức cộng đồng

Trong làng người Thổ, quan hệ gắn bó giúp đỡ lẫn nhau là nếp sống lâu đời. Theo tục cũ, toàn bộ đất đai, rừng núi, sông suối là của chung dân gian, mỗi người được quyền quản lý khi đang gieo trồng, được quyền khai thác khi là dân sống trong làng.

Hôn nhân gia đình

Người Thổ có tục “ngủ mái”: nam nữ thanh niên được nằm tâm tình với nhau, nhất là vào dịp tết, lễ hội, tuy nhiên không được có hành vi thiếu đúng đắn bởi dư luận và luật tục rất nghiêm minh. Từ những đêm “ngủ mái”, họ chọn bạn trăm năm. Trong hôn nhân, nhà trai phải tốn không ít tiền của và trước khi cưới, chàng trai phải năng đến làm việc cho nhà vợ tương lai.

Tục lệ ma chay

Đám tang của người Thổ trước kia có nhiều nét độc đáo. Họ dùng quan tài độc mộc, khiêng người chết đi chôn thì để chân hướng về phía trước, còn mộ thường để chân hướng xuôi theo chiều nước chảy.

Văn hóa

Xưa kia người Thổ có nhiều ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện cổ, các điệu ca hát của người lớn, những bài đồng dao của trẻ em, v.v… Song vốn văn nghệ dân gian Thổ đến nay đã bị quên lãng, mất mát nhiều.

Rate this post