Tại sao Bitcoin liên tục lao dốc trong nửa đầu năm 2022?
Chứng kiến tình hình trên, các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu về một “mùa đông tiền mã hóa” đang đến gần.
Theo TIME, giá trị đồng mã hóa nổi tiếng nhất thế giới đã “trượt không phanh” đầu tuần này, “thủng mốc” 30.000 USD kể từ lần đầu tiên vào tháng 7.2021.
Đà trượt dốc hiện tại của Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác do nhiều nguyên nhân ngắn hạn lẫn dài hạn gây ra, có liên quan đến bối cảnh thị trường tài chính, sự sụp đổ của stablecoin và tình hình xã hội. TIME đưa ra vài lý do để giải thích tình trạng ảm đạm của tiền mã hóa trong thời gian gần đây.
Chụp màn hình
Mục lục bài viết
Mối liên kết giữa Bitcoin với thị trường tài chính
Nhiều người từng hy vọng rằng bản chất không phụ thuộc của tiền mã hóa sẽ giúp chúng chống lạm phát và vượt qua những giai đoạn khủng hoảng. Vì Bitcoin không nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ tổ chức hay cơ quan nào nên được kỳ vọng sẽ giữ được giá trị ngay cả khi phải trải qua suy thoái kinh tế, chiến tranh hoặc những đợt thay đổi chính sách.
Chụp màn hình
Ước muốn của phe ủng hộ tiền mã hóa đã không thành hiện thực. Điều này đã được chứng minh là sai trong những năm qua. Khi dịch bệnh Covid-19 tàn phá thị trường toàn cầu vào tháng 3.2020, Bitcoin lao dốc đến 57%. Nhưng sau đó, thị trường chứng khoán và tiền mã hóa đã phục hồi trở lại với tốc độ đáng kinh ngạc, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do nhiều người có thời gian rảnh rỗi trong lúc giãn cách, kết hợp với thu nhập khả dụng (disposable income) và các gói tiền cứu trợ đại dịch được chính phủ đưa vào thị trường.
Gần đây, Bitcoin phải chịu áp lực từ quyết định thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương để giảm tình trạng lạm phát. Bên cạnh đó, đồng mã hóa lớn nhất thế giới không nằm ngoài tầm ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán, từ những bất ổn trong xung đột Nga – Ukraine, từ các vấn đề lạm phát, chuỗi cung ứng và giá dầu. Ngay cả việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 cũng là một sự kiện được dự báo sẽ gây ảnh hưởng đến Bitcoin.
Bản chất tiền mã hóa dễ biến động
Sự biến động của Bitcoin là điều khiến đồng mã hóa này hấp dẫn trong mắt đầu cơ, vì họ có thể kiếm tiền từ Bitcoin nhanh hơn so với những người làm môi giới chứng khoán thông thường.
Dù vậy, kiếm tiền nhanh chóng cũng song hành với nhiều rủi ro phá sản. Kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, thị trường đã trải qua nhiều chu kỳ tăng trưởng và lao dốc, các nhà đầu tư thời vụ đến rồi lại đi. Tranh thủ lúc cao điểm, nhiều sàn giao dịch đã đưa ra các đề xuất rủi ro như cho phép người dùng đầu tư bằng tiền điện tử vay mượn mà không màng đến hậu quả. Việc thiếu dòng tiền thực tế có thể góp phần khiến giá trị tiền mã hóa “rơi tự do” nhanh hơn.
Nỗi lo về quy định và bảo mật xung quanh tiền mã hóa
Nhiều nhà đầu tư đang hồi hộp theo dõi từng động thái của các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, khi chính phủ các nước này bắt đầu tìm cách kiểm soát tiền mã hóa. Song song đó, tiền mã hóa còn tiếp tục chao đảo vì hàng loạt vụ tấn công của các hacker, bao gồm cả vụ hack sidechain Ronin trị giá 600 triệu USD. Những vụ hack như thế đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng vào tiền mã hóa, làm người mua tiềm năng chần chừ khi tham gia vào thị trường.
Chụp màn hình
Chỉ trong năm 2021, đã có nhiều sự kiện tác động đến tiền mã hóa, như việc Trung Quốc siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin vào giữa năm 2021, khiến Bitcoin giảm từ 65.000 USD xuống còn 35.000 USD. Tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa cũng giảm tương tự vào khoảng thời gian đó khi tỉ phú Elon Musk thông báo Tesla không còn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì lo ngại quá trình khai thác đồng mã hóa này gây tác động xấu đến môi trường.
Ảnh hưởng tiêu cực từ UST
Một số chuyên gia cho rằng việc TerraUSD (một loại stablecoin phổ biến) giảm giá trị cũng khiến Bitcoin bị ảnh hưởng. TerraUSD, còn gọi là UST, là một token được thiết kế để luôn có giá trị 1 USD, nhưng đã giảm còn dưới 70 xu vào đầu tuần này.
Chụp màn hình
Để bảo chứng tỷ giá UST, Luna Foundation Guard (LFG) đã phát hành thêm UST và bán lượng Bitcoin trong quỹ dự trữ ra ngoài thị trường nhằm ổn định giá. Việc LFG bán một lượng lớn Bitcoin đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên đồng mã hóa này. Corey Miller – trưởng nhóm tăng trưởng tại sàn giao dịch dYdX nhận xét với TechCrunch rằng: “Hành động đó có thể đặt áp lực lên Bitcoin và kéo theo cả thị trường đi xuống”.
Liệu tiền mã hóa có tiếp tục lao dốc hay không, ta còn phải chờ xem. Tuy Bitcoin thủng mốc 30.000 USD nhưng giá đã được điều chỉnh sau khi có nhiều người tranh thủ “bắt đáy”. Họ tin rằng những biến động này chỉ là tạm thời và Bitcoin vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng theo chu kỳ như suốt thập niên qua.