Tại sao người Nhật luôn vui vẻ xếp hàng dù phải đợi tới hàng nghìn người?
Chỉ lưu lại Nhật Bản trong vỏn vẹn 2 tuần, nhưng gần như ngày nào chúng tôi cũng được chứng kiến ít nhất một điều đáng học hỏi ở người dân nơi đây. Mùa hè năm đó, Nhật Bản đang trải qua những ngày tháng nóng nhất trong lịch sử. Hôm ấy, cả ngàn người đổ về bãi biển Odaiba, Tokyo để tham gia lễ hội pháo hoa mùa hè ở đây. Ngán ngẩm khi trước mặt là hàng người dài cả trăm mét đợi lên tàu, chúng tôi mệt mỏi than vãn không ngớt dù chỉ mới gia nhập đoàn người được vài phút.
Thế nhưng, tất cả chợt im bặt khi quay sang hỏi thăm một chị người Nhật đứng cạnh. Với khuôn mặt tươi như hoa, chị nói đã đứng chờ được gần 1 tiếng đồng hồ dưới trời nắng như đổ lửa. Rõ ràng ở đó, ngoài những lời than thở của những sinh viên Việt Nam chúng tôi, tuyệt nhiên không hề thấy bất kỳ một sự khó chịu nào từ người dân bản xứ. Họ vẫn im lặng và nhẫn nại, như thể đang tận hưởng sự chờ đợi trong một niềm vui thích đầy khó hiểu.
Im lặng và từ tốn, dường như chờ đợi đã trở thành một thú vui khó bỏ của người Nhật.
Nhật Bản – Quốc gia giỏi xếp hàng nhất thế giới
Trong khi hầu hết mọi nơi trên thế giới coi việc xếp hàng và chờ đợi là điều khó chịu, thì với Nhật Bản lại không hẳn như vậy. Hàng ngày họ mua sắm, vào tiệm ăn tối, xem triển lãm, xem phim… với suy nghĩ rằng xếp hàng là điều đầu tiên và việc đương nhiên họ sẽ làm. Họ tự giác đứng thành hàng, nhẫn nại chờ đợi và nhờ đó, khiến việc xếp hàng trở nên vô cùng văn minh và dễ chịu.
Ở Nhật Bản, từ người già cho đến trẻ nhỏ, bất luận đi đến chỗ nào, họ đều nghiêm túc xếp hàng trong yên lặng. Khi chứng kiến những hình ảnh ấy, nhiều người ngoại quốc tại Nhật không khỏi tỏ ra ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Nhưng đối với người dân Nhật Bản, đây vốn chẳng phải một nét văn hóa như nhiều người vẫn ca tụng. Bởi đơn giản, đây chỉ là một thói quen tốt đẹp đã được dưỡng thành trong mỗi người dân Nhật Bản ngay từ thuở ấu thơ.
Xếp hàng để… sang đường. Quả không ngoa khi nói Nhật Bản là quốc gia xếp hàng giỏi nhất thế giới.
Được tổ chức 2 lần mỗi năm, lễ hội truyện tranh Comiket trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất với người dân Nhật Bản. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội này vào năm ngoái, đã có hơn 550.000 người tham gia, gần gấp 3 lần số lượng người tham dự Comic-Con ở Mỹ. Thông thường, một sự kiện rất dễ trở nên hỗn loạn với số lượng người tham dự khổng lồ như vậy. Tuy nhiên, đoạn video ngắn dưới đây sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải thán phục trước khả năng kiểm soát đám đông hoàn hảo của người dân Nhật Bản. Tất cả mọi người đều kiên nhẫn chờ đợi, chẳng quan tâm đến việc phải xếp hàng hay di chuyển bao nhiêu vòng.
Ý thức xếp hàng đáng ngưỡng mộ của người dân Nhật Bản tại lễ hội Comiket.
Thói quen xếp hàng đã ăn sâu vào tiềm thức
Nếu như ở một số quốc gia, chỉ khi vật tư thiếu thốn hoặc không thể thỏa mãn yêu cầu của mọi người dân, phương thức xếp hàng mới xuất hiện. Vậy tại sao người Nhật vẫn luôn xếp hàng? Đó là bởi ý thức xếp hàng của họ nay đã trở thành một thói quen ăn sâu vào tiềm thức và được “vận hành” như một cỗ máy tự động.
Trước tiên, xếp hàng vốn là một nội dung quan trọng trong giáo dục ở Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản được dạy rằng, xếp hàng là quy định và phép tắc công cộng cần tuân thủ. Ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận giáo dục, trẻ em Nhật đã được dạy cách phối hợp với người khác để xếp hàng theo thứ tự. Bài học ấy cứ lặp lại hàng ngày, lâu dần hình thành một thói quen tốt được chú trọng bồi đắp qua nhiều thế hệ. Mỗi khi có nhiều người đứng cạnh nhau, họ sẽ có xu hướng mặc định trong đầu một suy nghĩ: Nhất định phải xếp hàng. Thói quen ấy cứ như vậy mà hình thành một cách tự nhiên.
Thói quen xếp hàng còn ảnh hưởng đến cả thế giới ảo trong game online Nhật Bản.
Ngoài ra, xếp hàng còn là biểu hiện của sự bình đẳng. Phần lớn người Nhật rất tôn trọng quy tắc và thường hành động theo kế hoạch, nhằm đảm bảo mọi thứ luôn nằm trong kiểm soát, trật tự và ngăn nắp. Chính vì thế, lấn hàng bị coi là hành vi xấu và không được phép tại đây. Suy cho cùng, việc kiên nhẫn và tâm lý thoải mái khi xếp hàng của bất kỳ người dân Nhật nào cũng đều xuất phát từ bài học thời mẫu giáo: Kỷ luật, tự giác, hợp tác và tôn trọng.
Với người Nhật, xếp hàng đơn giản chỉ là sở thích
Người Nhật vốn nổi tiếng với nhiều quan điểm sống khá “khác người”. Họ thường cho rằng, những nơi chẳng ai thèm xếp hàng sẽ có giá trị chẳng hề tốt đẹp. Với họ, không xếp hàng nghĩa là không đủ tốt, không có đám đông chờ đợi nghĩa là chất lượng không cao. Cô Tamia Ito sống ở Osaka thành thật: “Dù không phải lúc nào cũng thích xếp hàng nhưng tôi nghĩ, hẳn phải có gì đó rất hấp dẫn thì mới có cả hàng dài người chờ đợi như vậy. Thế nên tôi chẳng ngại xếp hàng mặc dù lúc đó tâm trạng có không tốt. Bạn biết đấy, muốn thấy cầu vồng phải biết chấp nhận những cơn mưa”.
Hàng người sẵn sàng đợi hàng tiếng đồng hồ để được thưởng thức món mỳ Jiro Ramen trứ danh.
Thế mới thấy, thói quen xếp hàng của người Nhật xuất phát từ cách nghĩ “đương nhiên”. Họ cho rằng những sản phẩm được nhiều người xếp hàng nhất định là thứ có giá trị. Vì vậy, chỉ cần thấy xếp hàng, rất nhiều người Nhật sẽ có xu hướng làm theo. Đây cũng là cách để thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ của bản thân. “Những sản phẩm phải xếp hàng để mua chắc chắn là thứ tốt”, “Hàng người quá dài chắc cũng là một điều tốt”… Cách nghĩ đặc biệt này càng khiến người Nhật yêu thích việc xếp hàng.
Thêm vào đó, xếp hàng ở Nhật Bản vốn là một hoạt động sinh hoạt thường nhật. Vì vậy, người tham gia xếp hàng không hề cảm thấy nặng nề, mà xem đó như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thậm chí, đây còn là dịp để hàn huyên với bạn bè, người thân khi thời gian làm việc của đa số dân Nhật thường chiếm quá nửa 1 ngày. Anh Nakajima chia sẻ: “Hãy thử cùng gia đình và bạn bè đứng xếp hàng ở một nơi nào đó. Đây sẽ khoảng thời gian đáng nhớ khi chúng ta cùng nhau trò chuyện và thời gian sẽ trôi đi thật nhanh”. Hẳn đó cũng chính là bí quyết giúp người dân Nhật Bản có được cuộc sống yên ổn cho dù đất chật người đông.
Xếp hàng chờ mua iPad…
Giá trị quốc gia hiện lên sau nét văn hóa đáng ngưỡng mộ
Vài năm trước, một trận động đất kinh hoàng đã làm cả nước Nhật điêu đứng. Động đất khiến giao thông Tokyo tê liệt, gần 2 triệu người mắc kẹt tại thành phố do không có phương tiện di chuyển. Vì vậy, rất nhiều người phải xếp hàng để chờ đợi những chiếc xe buýt không biết bao giờ mới tới nơi. Thế nhưng, ai ở đó cũng sẽ chứng kiến một cảnh tượng khó tin khi không một ai chen lấn, không một ai kêu ca. Tất cả mọi người đều nhẫn nại xếp hàng, chờ đợi trong im lặng dù vừa trải qua thời khắc tuyệt vọng nhất. Chưa hết, khi có cơ hội tiếp cận các loại hàng hoá cơ bản từ địa phương gửi đến, họ vẫn nghiêm túc xếp thành 1 hàng duy nhất để lần lượt lấy đồ.
… cho đến gọi điện thoại công cộng.
Khỏi phải nói, hình ảnh này đã khiến cả thế giới vô cùng kinh ngạc. Họ không ngớt lời thán phục và ngỡ ngàng tự hỏi, phải là một dân tộc như thế nào mới làm được điều đáng quý nhường ấy? Phải thừa nhận rằng, đất nước này chưa bao giờ ngừng gây ngạc nhiên cho cả thế giới. Với hàng ngàn câu chuyện “khác người” có sức lan tỏa mạnh mẽ, Nhật Bản đã và đang trở thành một bản sắc văn hóa độc nhất vô nhị đáng học hỏi cho bất kỳ quốc gia nào.