Tại sao phải xây dựng nếp sống văn minh đô thị – Xây dựng nếp sống văn minh đô thị – Phường Long Biên
Hiện nay, trên báo chí nhắc nhiều đến xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh đang đặt ra nhiều vấn đề chung của xã hội. Trật tự văn minh đô thị, nếp sống văn hóa người đô thị tự nó không hình thành mà cộng đồng phải góp phần xây dựng. Nếu nông thôn xưa nước ta có “Hương ước” điều chỉnh hành vi dân cư thì ở đô thị phải có ý thức “Trọng luật”, nếu không trật tự xã hội sẽ rối loạn. Thực tế cho thấy, việc xây dựng nếp sống văn minh – văn hóa đô thị không phải là câu chuyện một sớm một chiều, làm theo phong trào hay tập trung đẩy mạnh mang tính chiến dịch mà đây là nội dung thực hiện mang tính chất lâu dài, liên tục. Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, các quy định pháp lý cần thực thi mạnh mẽ hơn. Cần phải xử phạt nặng hành vi như vứt kẹo cao su, hút thuốc lá nơi công cộng…. Từ những “việc nhỏ” đó sẽ dần hình thành thói quen trọng nguyên tắc, chấp hành các quy định pháp luật, giúp hình thành chuẩn mực văn minh người đô thị.
Các văn kiện của Đảng đã chỉ ra “là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng, sự tế nhị trong cư xử, tính giản dị trong lối sống…”. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa càng đòi hỏi phải phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh đặc trưng để không bị hòa tan hoặc bào mòn trước sự tiếp biến của thời cuộc. Đây được coi là công cụ để chống lại những hành vi phản văn hóa, các sản phẩm độc hại trái với thuần phong mỹ tục, tạo sức đề kháng trước những thông tin tiêu cực, vô văn hoá.
Muốn giữ được nền nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng gia đình. Trong đó, chúng ta cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng, giáo dục ý thức thế hệ trẻ; có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, hành vi bạo lực, tôn vinh các giá trị truyền thống dân tộc. Chúng ta cần cổ vũ cái đẹp, phê phán cái xấu. Điều này đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa – văn minh, cư xử nhân ái, hòa nhịp cùng tiến bộ của nhân loại, nhằm góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận. Nếp sống văn hóa – văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị. Nếp sống văn hóa – văn minh đô thị không chỉ tạo ra môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị mà còn góp phần xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. Ở điểm nhìn khác, nếu không có nếp sống văn hóa – văn minh sẽ không có những con người văn hóa – văn minh và cũng sẽ không có một Hà Nội trật tự, văn minh, hiện đại… Hiện tại, quy định về nếp sống văn hóa – văn minh đô thị không thiếu. Nhiều nội dung về nếp sống văn hóa – văn minh đô thị đã được thể chế hóa thành những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta có luật, nhưng cư dân đô thị lại chưa có truyền thống “trọng luật”. Do vậy tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, trật tự xây dựng đô thị vẫn diễn ra trên nhiều tuyến phố, nhiều khu dân cư… Vì vậy, để xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị, đổi mới tư duy pháp lý cần được đặt ra một cách mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Những quy định cụ thể có sức thuyết phục, việc xử phạt nghiêm khắc các sai phạm sẽ đưa mọi hoạt động của thành phố đi vào kỷ cương. Từ đó sẽ hình thành tư duy trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng pháp luật và từng bước hoàn thiện nếp sống văn hóa – văn minh đô thị trong mỗi cư dân và cả cộng đồng.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Quy tắc gồm 4 chương và 14 điều nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Nhiều người nói là “hương ước” của người Hà Nội. Đây là nền tảng quan trọng để định hướng xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị. Tuy nhiên, thay đổi thói quen ứng xử của người dân không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Do vậy, việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị không thể chạy theo phong trào hay tập trung xử lý các “sự vụ”. Các cơ quan chức năng cần bền bỉ, kiên trì với nhiều giải pháp để xây dựng những phương thức ứng xử phù hợp với quá trình vận động và phát triển của xã hội.