Tại sao quá khó để giữ bí mật?

Theo nhà phân tâm học Freude, về nguyên tắc mà nói, không thể giữ bất cứ một điều gì bí mật được: ngay cả khi chúng ta không nói nó ra thì nó vẫn phảng phất hiện hình qua cử chỉ và sắc mặt. Phản ứng này liên quan tới những điều gì? Cơ chế nào trong não gây ra hành vi đó? Tạp chí Pháp Atlantico đã tìm hiểu về những vấn đề này trong cuộc trò chuyện với nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet, giám đốc các chương trình giáo dục của Đại học Paris V .

Nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet cho rằng, tồn tại hai loại ngôn ngữ. Thứ nhất, đó là thứ ngôn ngữ bằng lời nói, mà chúng ta có thể kiểm soát được và nó thể hiện những kiến thức của chúng ta. Ngoài ra, còn có thứ ngôn ngữ cơ thể, diễn tả cảm xúc của con người. Giữ bí mật có nghĩa là phải có những nỗ lực để giữ nó tách rời ra khỏi những gì mà chúng ta thể hiện bằng lời nói. Những nỗ lực này thường đi kèm với nỗi lo ngại giấu đầu hở đuôi, rất dễ bị bộc lộ qua nét mặt và cử chỉ. Ở đây không phải là một cơ chế đặc biệt nào đó của não bộ. Hệ thống Limbic, chịu trách nhiệm về các cảm xúc, được kết nối chặt chẽ với tất cả các hệ thống nhận thức của bán cầu não trái, bộ phận được tham gia vào sự hình thành ngôn ngữ nói: dù lời nói phải vận dụng kiến thức nhưng nó vẫn bị cảm xúc chi phối. Ngoài ra, hệ thống Limbic thông qua bán cầu não phải ảnh hưởng đến các phương tiện biểu hiện chung mà khác với các lời phát biểu, không hề bị tác động bởi bất cứ một sự chọn lọc hay giám sát nào cả.

Các bí mật có thể ảnh hưởng đến cảm xúc bằng hai cách. Một mặt, chúng ta lo sợ bị lộ nên rốt cuộc điều này có thể hiện ra qua nét mặt. Mặt khác, rất nhiều điều phụ thuộc vào chính bản chất của bí mật đó. Có nhiều loại bí mật khác nhau! Nếu ta giết một ai đó thì ta sẽ phải khó khăn hơn nhiều để giữ một khuôn mặt bình thản, so với nếu như ta chỉ lấy trộm một cái áo trong siêu thị.

Năm 2007, tạp chí Tâm lý học của Mỹ đã công bố một nghiên cứu, trong đó ghi nhận một thực tế thú vị: khó để giữ bí mật, bởi vì bí mật chiếm quá nhiều không gian trong não bộ của chúng ta. Câu hỏi được đặt ra là: Điều này có nghĩa gì? Làm thế nào chúng ta lưu trữ thông tin, và làm thế nào bộ não có thể cảm nhận được sự thiếu không gian? Cũng theo nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet, giữ bí mật là một việc khó bởi vì nó như một gánh nặng neo vào tâm trí chúng ta. Kết quả là, đầu óc ta liên tục phải ở trong một trạng thái lo lắng để bảo vệ và không làm lộ nó ra ngoài.  Những ký ức được lưu trữ ở dạng dấu vết trong các kết nối thần kinh. Hình dạng và vị trí của các dấu vết lưu lại này thay đổi tùy thuộc vào việc ta nói về hình ảnh trực quan hay các từ ngữ hoặc âm thanh. Việc khôi phục lại những ký ức sẽ kích hoạt một loạt các vùng não khác nhau. Thậm chí là kích hoạt tất cả bộ não. Hiện nay chúng ta chưa biết gì về những hạn chế có thể có trong khả năng ghi nhớ của bộ não. Tuy nhiên, với khả năng tái tạo lại ký ức của bộ não thì lại khác: rất hay xảy ra tình huống, khi chúng ta không thể hồi phục lại được kỷ niệm mặc dù dấu vết của nó vẫn được lưu trữ trong não chúng ta. Điều này được chứng tỏ thông qua việc cách kích hoạt ngẫu nhiên bằng điện những kỷ niệm đã bị lãng quên từ lâu khi ta tiến hành phẫu thuật thần kinh.

Mặc dù trí nhớ của chúng ta có vẻ như vô hạn, nhưng chúng ta không sử dụng tất cả các phần thuộc về nó mà chỉ một bộ phận. Nếu lấy ví dụ từ computer thì có thể nói rằng, ổ cứng của chúng ta có khả năng không giới hạn để lưu giữ các thông tin, nhưng bộ nhớ “chết” này chỉ có thể được sử dụng thông qua môt ô cửa “sống” khá hẹp: trong trường hợp này, đó là bộ nhớ thường nhật. Và nó có những hạn chế. Theo nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet, những kết luận đã được công bố trong tạp chí Tâm lý học Mỹ không nên được tiếp nhận một cách trực diện. Vấn đề ở đây không nói tới vị trí ở trong não, mà là về vị trí ở trong bộ nhớ thường nhật. Bí mật nào cũng cần tới những nỗ lực thanh lọc và việc đó làm lẹm vào tài nguyên bộ nhớ và thu hẹp cửa sổ “sống” của bộ nhớ thường nhật. Khi một người đang nói chuyện với một người nào đó mà họ phải giữ không để lộ bí mật, thì tâm trí họ gần như là bị chất đầy những thông tin mà họ không thể nói ra được. Chúng ta càng cố gắng không nghĩ về điều gì đó thì chính điều ấy lại càng ám ảnh sát sạt trí óc của chúng ta…

Minh họa: Lê Phương.

Năm 2013, tạp chí Mỹ Tuổi vị thành niên đã công bố kết quả của công trình nghiên cứu lâu năm về việc, những bí mật  không chỉ ăn lẹm vị trí mà còn có thể tạo ra những nguy cơ. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet lại cho rằng, sự thật thì không hẳn như thế. Việc giữ bí mật tự bản thân nó không phải là nguy cơ. Nhưng tùy thuộc vào bản chất của những bí mật đó mà những cảm xúc như sự xấu hổ hay cảm giác tội lỗi có thể tạo sức ép đối với con người, cản trở việc sống hòa thuận với chính bản thân mình hay với những người xung quanh. Chúng ta hãy lấy ví dụ về cô gái đang mang thai nhưng cứ lần lữa mãi không dám để cho bố mẹ biết. Mối nguy hiểm ở đây không phải là bản thân điều bí mật đó: nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi không cho cô gái mở miệng tâm sự và vượt qua sự việc này mà không làm tổn hại đến quan hệ với những người khác ở xung quanh.

Nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet nhận xét: “Tôi liên tục phải tiếp những bệnh nhân đến khám bệnh mà chỉ để chia sẻ những điều bí mật của họ. Họ bị bất an vì những điều bí mật đó tách biệt họ ra khỏi những người ở xung quanh. Hơn nữa, họ còn giấu diếm những điều bí mật đó với cả một phần của chính bản thân mình: con người không chỉ đánh trống lảng với xung quanh mà với cả chính mình nữa. Nhiệm vụ của tôi là phải cùng với họ hóa giải điều bí mật đó, để giúp họ sống tốt hơn, chấp nhận nó,  biến nó thành một phần tiểu sử của họ. Sau đó, họ có thể làm như họ thấy phù hợp: giữ kín nó trong mình và đấy là một sự lựa chọn có ý thức, hoặc chia sẻ nó với những người khác sau khi cẩn trọng cân nhắc tất cả các hệ lụy có thể có từ một sự  cởi mở như vậy. Ở đây không có mối nguy hiểm nào cho bộ não cả. Tuy nhiên, cũng có những điều bí mật có thể biến người ta thành kẻ ẩn dật, phản bội chính bản thân mình…”.

Trong thực tế thì không ít người trong chúng ta bị rơi vào tình trạng bắt buộc luôn luôn phải giữ kín trong lòng những bí mật. Làm thế nào để đối phó với nó? Liệu có cách nào để thoát khỏi nó một cách đỡ tổn hại nhất?  Liệu có yếu tố tiền định gì khiến người ta dễ bị rơi vào cảnh ngộ đó hay không? Và những hệ lụy lâu dài của cảnh ngộ đó sẽ như thế nào? Đề cập tới các vấn đề này, nhà tâm lý học Jean-Paul Mialet cho rằng, tất cả chúng ta đều có thể gìn giữ những điều bí mật trong mình. Tuy nhiên, có một số riêng lẻ thực sự có những phẩm chất đặc biệt để làm việc này.

Có một số người rất biết phân loại thông tin và chia sẻ với xung quanh tất cả những gì có thể chia sẻ được và cũng chỉ thế thôi. Còn một số người khác thì rất diệu nghệ trong việc che giấu cảm xúc của họ, làm chủ bản thân một cách tuyệt hảo, vào vai rất chuẩn mực… Tất nhiên, tất cả những kỹ năng này có thể được trau dồi, nhưng ở đây, cũng như ở bất cứ một lĩnh vực nào khác, có người được thiên phú nhiều hơn, còn có người chỉ được ít thôi… Trong mọi trường hợp, bí mật không phải là một cái gì đó đáng được gọi là tự nhiên. Nó luôn luôn chỉ là một sản phẩm nảy sinh từ những hoàn cảnh cụ thể. Có một số công việc gắn bó chặt chẽ với việc giữ bí mật thường xuyên. Các bác sĩ buộc phải giữ bí mật nghề nghiệp, nhưng điều đó không gây sức ép cho họ: nó chỉ là một điều kiện cần thiết để họ thực hiện công việc của mình khi đã được các bệnh nhân tin cậy. Tương tự như vậy, một số vị trí như các nhà ngoại giao, các tình báo viên, hay ví dụ như các tổng thống, đều đòi hỏi khả năng gìn giữ một số bí mật nhất định: đây không phải là chuyện mong muốn hay ưa thích, mà là một điều kiện cần thiết. Một số điều bạn không thể nói ra một cách công khai để đảm bảo những lợi ích chung…

Cần lưu ý rằng hiện nay, các bí mật  không được coi là hay ho mà ngược lại, còn bị dè bỉu, bôi bác. Nhưng thực ra thì nó cũng có những mặt tốt.  Tất nhiên, cái gì mà cũng đóng dấu tối mật cả thì không hay ho nhưng việc công khai hóa mọi sự thì cũng chẳng phải là điều lý tưởng. Không ai trong số chúng ta có thể được hoàn toàn minh bạch. Trong tất cả chúng ta đều có một phần mà chúng ta không có mong muốn phô trương cho người khác cùng biết. Chính cái không gian riêng tư và không thể có ai bên ngoài lọt vào được đó giúp cho chúng ta có được một sân chơi bí mật, cho phép ta thư giãn và tận hưởng cảm giác tự do tuyệt đối trước khi lại quay trở về vị trí quen thuộc của mình trong xã hội. Không ngẫu nhiên mà nhà triết học Pháp Pascal đã từng nói rằng, nếu chúng ta biết người bạn tốt nhất của mình nghĩ gì về mình thì hẳn chúng ta sẽ chẳng còn một người bạn nào thêm nữa