Tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) có vị trí, vai trò rất
quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp
nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn
tại được, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Vậy VHDN là gì?
Có rất nhiều định nghĩa xung quanh vấn đề này. Mỗi
nền văn hóa khác nhau có định nghĩa khác nhau. Mỗi doanh nghiệp lại có cái nhìn
khác nhau về VHDN. Tuy nhiên mọi định nghĩa đều có nét chung coi VHDN là toàn
bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển
của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên
của doanh nghiệp; tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là
truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa
doanh nghiệp hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của
doanh nghiệp, không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá
trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành
vi, thái độ của mọi thành viên thuộc doanh nghiệp. Tầm quan trọng của
văn hóa doanh nghiệp phát huy khi nó giúp doanh nghiệp thích
ứng với những thay đổi trong môi trường bên ngoài.
Nếu cơ
sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, còn văn hóa doanh
nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình
của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp. Văn hóa
doanh nghiệp ăn sâu vào niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện
mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức.
Chính vì vậy, VHDN đã tạo nên nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp:
mỗi doanh nghiệp có một đặc trưng riêng và chính văn hóa doanh nghiệp tạo nên
nét khác biệt đó. Tại Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, các giá trị cốt lõi, nghi lễ, hội nghị, họp hành, các khóa tập huấn, đào
tạo, thậm chí đến cả văn hóa giao tiếp… cũng đã tạo nên
phong cách riêng biệt và điểm nổi bật là việc mặc đồng phục (áo sơ mi trắng quần tây (đối với nam), sơ mi trắng
cùng chân váy (đối với nữ) đi làm vào ngày thứ 2 đầu tuần, các ngày còn lại
đồng phục không gò bó nhưng cũng đảm bảo tính thanh lịch, nhẹ nhàng, lịch sự
trong công sở, đi nhẹ nói khẽ, cách chào hỏi niềm nở, vui vẻ, tinh thần hỗ trợ
đồng nghiệp…
VHDN khích lệ sự đổi mới, sáng tạo. Thực
tế cho thấy, nếu Công ty có môi trường
văn hóa làm việc tốt, mọi nhân viên luôn luôn được khuyến khích đưa ra sáng
kiến, ý tưởng của mình…thì họ trở nên năng động, sáng tạo hơn và cũng gắn bó
với Công ty hơn. Xét về
ảnh hưởng tiêu cực, nền văn hóa yếu kém sẽ gây ra những thiệt hại cho Công ty. Chẳng hạn, cơ
chế quản lý cứng nhắc, độc đoán sẽ làm nhân viên sợ hãi, thụ động và thờ ơ hoặc
chống đối lại lãnh đạo. Nhân viên làm việc không còn niềm đam mê
và họ sẽ bỏ doanh
nghiệp đi bất cứ lúc nào nếu tìm được nơi thích
hợp hơn.
VHDN làm giảm bớt các xung đột trong nội bộ
doanh nghiệp. Được làm việc trong một môi trường văn hóa tốt, các thành viên
chia sẻ các giá trị lợi ích giống nhau, chắc chắn họ sẽ hợp tác trên tinh thần
đoàn kết, nhất trí và làm việc trong sự tương trợ lẫn nhau. Khi xảy ra những
mâu thuẫn, họ dễ dàng xử lý theo cách phù hợp và ôn hòa nhất. Giảm được xung
đột, tinh thần làm việc của nhân viên sẽ được nâng cao, tập trung được thời
gian, nguồn lực cho Công ty hướng tới mục
tiêu chung với hiệu quả tốt hơn.
VHDN tạo động lực làm việc cho nhân viên. Được
làm việc trong môi trường lành mạnh, tư tưởng nhân viên sẽ thoải mái hơn, tâm
trạng cũng phấn khích hơn khi bắt tay vào công việc. Nhân viên chỉ thấy được
mục tiêu, định hướng và bản chất của công việc trong một nền văn hóa tích cực
và điều này có ý nghĩa rất lớn đến việc nỗ lực thực hiện công việc của họ. Đồng
thời, nó cũng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa
nhân viên với nhau. Trong môi trường làm việc như vậy, các cá nhân không chỉ
nhận thấy nỗ lực làm việc của mình là cần thiết mà còn nhận thức được vai trò
của mình vào nỗ lực chung của Công ty.
VHDN quy tụ được sức mạnh của toàn Công ty. Nếu Công ty xây dựng được
VHDN tốt thì sẽ thu hút và giữ được nhân tài, củng cố lòng trung thành của nhân
viên với Công ty, và ngược lại.
Thật sai lầm khi cho rằng trả lương cao sẽ giữ được nhân tài. Lương cao, nhưng
không khuyến khích sự sáng tạo, nội bộ lục đục… thì nhân tài cũng “đội nón” ra
đi. Nhân viên chỉ trung thành, gắn bó với Công ty khi Công ty có môi trường làm việc tốt, khuyến khích họ phát triển. Việc thu hút,
giữ chân người tài là tiền đề quan trọng để Công ty có thể đi đến bến thành công.
Như vậy, với những lợi thế do VHDN tạo ra, Công ty cần quan tâm
đến việc xây dựng bản sắc cho mình và nỗ lực trong việc truyền tải nó đến
từng cá nhân, coi đó là chìa khóa giúp Công ty vượt qua các khó khăn, thách thức để đi đến
thành công.
Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân