Tầm quan trọng của việc giáo dục các giá trị của văn hóa gia đình cho thế hệ trẻ – VỤ GIA ĐÌNH
Thực tế những năm đổi mới gần đây cho thấy, xu hướng gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hoá, trở lại với cội nguồn dân tộc, đã được bắt đầu từ việc giữ gìn và bảo vệ các giá trị của văn hóa gia đình truyền thống, bảo vệ những truyền thống tốt đẹp từ các gia đình, dòng họ.
Nhiều cuốn gia phả được biên tập lại, những nhà từ đường được chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới đã trở thành cơ sở của việc nghiên cứu, nhìn nhận sức sống và bản chất của hệ giá trị gia đình truyền thống trong nền văn hoá dân tộc dưới ánh sáng của xã hội hiện đại.
Văn hoá trong đó có văn hoá gia đình truyền thống đã không còn bị xem xét là hệ quả ăn theo của kinh tế mà là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển. Ở Việt Nam, văn hoá gia đình truyền thống là tinh hoa của dân tộc. Nó liên kết các gia đình thành một cộng đồng xã hội thống nhất và ổn định suốt hàng ngàn năm lịch sử, đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, là nền tảng và sức bật đưa dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thách thức hướng tới tương lai.
Thực tế lịch sử nước ta đã cho thấy, trong quá trình vận động và phát triển của đất nước, gia đình với tính cách là một thiết chế xã hội đặc thù, đã có một vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những di sản truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam như lòng yêu nước, tình cảm đoàn kết thương yêu nhau trong cộng đồng, sự say mê lao động sáng tạo, ý chí kiên trì nhẫn nại vượt qua khó khăn đã được truyền dạy trong gia đình và cộng đồng từ đời tổ tiên ông bà cho tới đời con cháu trong suốt dòng lịch sử.
Trong bối cảnh đó, bản thân gia đình cũng duy trì những giá trị văn hóa đặc thù của riêng mình, tạo thành những chuẩn mực văn hóa trong gia đình, được truyền dạy từ đời này qua đời khác, tạo nên sắc thái đặc biệt của gia đình Việt Nam.
Thực tế công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mấy chục năm qua đã cho thấy, nhiều vấn đề bức xúc của xã hội nảy sinh và không kiểm soát nổi là do hệ quả của sự quên lãng hoặc từ bỏ nhiều giá trị truyền thống của văn hóa gia đình.
Trong nhiều trường hợp, với lý do dành thời gian cho cha mẹ tham gia công tác xã hội, chúng ta đã hướng việc chăm sóc giáo dục trẻ em cho tập thể và xã hội. Bắt đầu cuộc đời từ nhà trẻ, mẫu giáo và sau này là các trường lớp khác, trẻ em ít có điều kiện gần gũi với gia đình. Sự thiếu hụt trong nội dung, chức năng giáo dục của văn hóa gia đình đã để lại nhiều hệ quả xấu. Nó khiến trong xã hội hình thành nên những nhóm người không biết tôn trọng gia đình, không hoàn thiện được về mặt nhân cách, dễ dàng gục ngã trước sự cám dỗ của lợi ích cá nhân, đồng tiền và những giá trị sống tầm thường khác.
Văn hóa gia đình sai lệch, các giá trị khuôn mẫu đúng đắn từ truyền thống không được tôn trọng và ít được quan tâm đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng. Bạo lực gia đình gia tăng, trẻ em và người già không được chăm sóc đầy đủ. Hiện tượng trẻ em hư hỏng vì không được giáo dục đầy đủ,trẻ em bỏ nhà đi lang thang, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng. Hiện tượng con cái bất hiếu với cha mẹ, quan hệ vợ chồng lỏng lẻo cũng khiến cho gia đình không còn là những tổ ấm. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của xã hội. Việc phát huy tính ưu việt của tinh hoa văn hoá dân tộc trong văn hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc trên cơ sở gìn giữ, tiếp thu các giá trị văn hoá trong gia đình Việt Nam truyền thống đã được đặt ra như một thách thức.
Ông Avin Toffler, nhà tương lai học người Mỹ trong các tác phẩm của mình, khi nói về sự xuất hiện của một nền văn minh mới đã cảnh báo về sự đổ vỡ của các mô hình gia đình truyền thống. Ông đã tiên đoán về cái chết mòn mỏi của gia đình trong sự hình thành của các loại gia đình mới gắn liền với xã hội hiện đại như gia đình đơn thân, gia đình đồng tính…Ý tưởng của nhà khoa học này đã gây ra niềm tin, sự nghi ngờ và cả sự lo lắng về số phận của cái thiết chế xã hội được gọi là gia đình. Thật khó mà có thể tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra đối với người già, trẻ em, đối với hạnh phúc lứa đôi trong một xã hội mà không còn gia đình. Tuy nhiên nhà tương lai học nổi tiếng mới chỉ nhìn thấy gia đình trong vai trò là hệ quả của sự phát triển của xã hội chứ chưa nhìn thấy gia đình trên khía cạnh nhân văn, tình cảm, tâm lý, chưa nhìn thấy vai trò chủ động hơn của gia đình trong việc đóng góp, kiến tạo nên sự thay đổi, phát triển của xã hội.
Hơn bao giờ hết, để bước vào xã hội hiện đại một cách chắc chắn và bền vững, chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc để khắc phục những mặt hạn chế, đồng thời truyền lại cho các thế hệ tương lai những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.
Đánh giá của độc giả post