Tản mạn về tín ngưỡng và tam giáo trong văn hóa Đại Việt

Nhìn từ bối cảnh lịch sử văn hóa, hệ thống thần linh Việt Nam từ giai đoạn thế kỉ X trở về sau đã được xác lập dựa trên sự tương tác giữa nền văn hóa Hoa Hạ và các hệ thống văn hóa bản địa của các cộng đồng cư dân.

Người ta không thể chối bỏ cơ tầng văn hóa phong phú của phương Nam, với sự giao thoa giữa các tập đoàn người khác nhau, từ phía Nam đi lên là văn hóa Chiêm Thành, từ phía Tây sang là các văn hóa của người Thái, từ phía Tây Bắc xuôi theo sông Hồng xuống là những nhóm Tày – Thái – Nùng và từ những sườn núi phía Tây của vương quốc là những cộng đồng bản địa Mường cổ – đôi khi ăn ra đến tận biển, như trường hợp ở Trường Châu – Hoa Lư (Ninh Bình).

Dọc theo duyên hải từ Khâm Châu qua Bạch Long Vỹ, Ngọc Sơn (Trà Cổ) đến Cửa Lục, Văn Úc, Thái Bình, Lạch Trường, Hội Thống, Hội An, Thị Nại, Bến Nghé, Hà Tiên,… những tộc người Khách Gia, Ngái, Đản, Hoa, Chăm, Khmer, Mã Lai,… đã ngược xuôi theo những dòng hải lưu Nam – Bắc để tạo nên những nét tín ngưỡng của cư dân ăn sóng nói gió.

Tản mạn về tín ngưỡng và tam giáo trong văn hóa Đại Việt -0
Tượng Khổng Tử – Văn Miếu.

Văn hóa bản địa và tín ngưỡng cổ xưa tồn tại như một tấm vải đan xen nhiều màu sắc, để từ đó những tôn giáo được thiết định và quản lí bởi hệ thống chính quyền của các vương triều dần dần bám rễ và lan tỏa. Sự pha trộn đã diễn ra ở cả hai chiều trong suốt nhiều thế kỉ, khiến cho việc nghiên cứu văn hóa giống như đi thám hiểm những khoảnh rừng nguyên sinh đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, khói lửa của thời gian. Thao tác bóc lớp niên đại nhiều khi không phải chỉ để hình dung một lát cắt của lịch sử (đồng đại), mà còn để tái lập những biến thiên không ngừng của các hiện tượng văn hóa (lịch đại), để từ đó có thể tri nhận những yếu tố thường hằng, bất biến, cũng như các sai dịch, biến thiên dưới tác động của những quá trình Hoa hóa, Ấn hóa và bản địa hóa.

Vì thế, các văn bản thần tích Hán Nôm là một cơ hội để chúng ta có thể tìm hiểu về một lát cắt của hệ thống văn hóa tín ngưỡng của Việt Nam trong lịch sử từ góc nhìn của chủ thể văn hóa, cụ thể hơn là từ phía chính thể Nho giáo.

Góc nhìn này nếu đặt trong so sánh với những mô tả của các giáo sĩ và các nhà thám hiểm phương Tây như  Alexandre de Rhodes, Adriano di St. Thecla, J. Barrow,… rõ ràng là cũng thú vị không kém. Bởi nghiên cứu lịch sử văn hóa cần những nỗ lực tập hợp các nguồn tư liệu khác nhau, từ những góc nhìn khác nhau: đó là những người Việt, những nhà Nho từ đồng bằng nhìn về đồi núi phía Tây hay ngóng dõi về phương Nam trong ánh hào quang của thanh gươm mở cõi; đó cũng có thể là những thương gia, sư tăng Nhật Bản và Trung Hoa mô tả Việt Nam khi buôn bán hay truyền giáo…

Ngoài những góc nhìn và những vấn đề về lí thuyết, ta còn phải khảo sát những dấu vết còn sót lại từ lòng đất, những mảnh vụn bi kí, những phế tích kiến trúc… và những lưu tích còn in dấu trong hành xử thường nhật, trong những nghi lễ và việc thực hành tín ngưỡng, để từ đó phác thảo nên một bức tranh tổng thể từ những mảnh ghép của thời gian.

Như đã nói, nền văn hóa Đại Việt trong quá khứ có một cơ tầng bản địa và trên cơ tầng đó, chính quyền quân chủ các đời từ thế kỉ X về sau đã thi hành chính sách văn hóa của nhà nước với mô hình sao phỏng từ thể chế văn hóa Nho giáo. Trước nay, có một luận điểm khá phổ biến rằng, sau khi giành lại tự chủ và độc lập, văn hóa Đại Cồ Việt – Đại Việt đã phải xây dựng lại từ đầu, phát triển bằng cách coi Phật giáo là quốc giáo. Địa vị của Phật giáo trong đời sống chính trị – văn hóa đạt đến đỉnh cao vào thời Lý – Trần, thậm chí khiến Đại (Cồ) Việt được định danh là “nền quân chủ Phật giáo”.

Phải đến thời Lê sơ, ở Đại Việt mới thi hành chính sách Nho giáo độc tôn. Phật giáo dần mất đi vai trò tại triều đình, trở về với làng xã. Đây là một cách nhìn phiến diện, do vừa thiếu thốn tư liệu, vừa khuyết thiếu phương pháp luận của nghiên cứu so sánh và khu vực học, đặc biệt Đông Á học. Tôi cho rằng, trong suốt giai đoạn Bắc thuộc, văn hóa và tín ngưỡng bản địa đã được lai ghép với văn hóa chính trị, tư tưởng, triết học và tôn giáo của Hoa Hạ. Cho đến thời Đường, cơ cấu “tam giáo tịnh hành” hay quan niệm “tam giáo đồng nguyên” đã đạt đến trạng thái phát triển rực rỡ nhất, sau khi hình thành ổn định được trên dưới 600-700 năm. Các nhà nghiên cứu thường chỉ biết đến “Đường thi”, “Tống từ” như là một ảnh hưởng rõ ràng của văn minh thời Đường – Tống đến văn chương Việt Nam, mà hầu như không để ý rằng, văn hóa Đường – Tống là bệ phóng để Đại (Cồ) Việt ngay sau khi thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc, lập tức “cất cánh”, lập tức đạt được những đỉnh cao rực rỡ trên nhiều phương diện: từ văn chương, ngôn ngữ, văn tự, đến kiến trúc, điêu khắc, nghi lễ, nghệ thuật,…

Tản mạn về tín ngưỡng và tam giáo trong văn hóa Đại Việt -0
Ảnh: S.t

Giới nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, hay các nhà khảo cổ học, mĩ thuật học, kiến trúc học lịch sử đều đánh giá giai đoạn Lý – Trần là giai đoạn cổ điển vàng son của văn hóa Đại Việt. Điều đó không có nghĩa là văn hóa Đại Việt càng về sau càng đi xuống. Mỗi triều đại, dựa trên một nền tảng chung, đều xây dựng cho mình những thành tựu khác nhau để tạo nên phong cách cho thời đại mình cai trị. Tiêu biểu như triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, thường bị/được nhìn nhận như là một triều đại kéo lùi lịch sử, thậm chí phản động vì mức độ Nho giáo hóa (và Thanh hóa) trong thể chế hành chính, luật pháp,… nhưng thực tế, di sản văn hóa triều Nguyễn để lại có thể nói là đồ sộ, có rất nhiều thành tựu và giá trị không thể phủ nhận, trong đó có lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng.

Thế “tam giáo tịnh hành” chỉ là một diễn ngôn chính trị của giới cầm quyền về sự bình đẳng của 3 tôn giáo: Nho – Phật – Đạo. Trên thực tế, Nho giáo là hệ tư tưởng chính trị xã hội, với những thủ pháp thực hành tôn giáo và quản lí xã hội thông qua bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó, vua chúa là giáo chủ (thánh đế, hiền vương, minh chủ) đại diện cho một truyền thống đạo đức của các thánh nhân thời viễn cổ.

Dù là Đinh – Lê – Lý – Trần hay Lê – Mạc – Tây Sơn – Nguyễn thì vai trò của Nho giáo không hề thay đổi. Hệ thống thần điện của Nho giáo và các cơ sở thờ tự của Nho giáo luôn được coi là thành phần quan trọng hàng đầu của “tự điển quốc gia” thể hiện quyền lực của nhà nước. Trong khi đó, Phật giáo hay Đạo giáo chỉ chiếm những vai trò như là các tôn giáo phụ trợ với những thực hành tín ngưỡng mang tính “trợ thuận” theo dòng văn hóa chủ lưu. Cho nên, tăng quan, hay đạo quan được gọi là Tả nhai, vì không thuộc hàng ngũ các quan trong triều.

Ta cứ hình dung, Vua Lý Thái Tổ buổi sáng thiết triều, cho soạn “Thiên đô chiếu” như ngôn ngữ của “Kinh thư”, “Kinh thi”, (với các vua Bàn Canh nhà Thương nhà Chu) nhưng đến chiều lại sai bề tôi soạn bài biểu cho sứ sang nhà Tống thỉnh “Đại tạng kinh”, “Đạo tạng kinh” và “Cửu kinh” của Nho giáo. Hôm nay ông dựng kinh thành Thăng Long theo mô hình của kinh đô Lạc Dương – Khai Phong, ngày sau ông lại dựng chùa Báo Thiên theo hình thái tháp lầu gác của Đại Tống.

Tháng trước, ông vua Lý đánh bại Nam Chiếu, Chiêm Thành, bắt tù binh về làm lễ cúng tiến tù binh (hiến phù), cày ruộng tịch điền, dựng Văn Miếu, lập đàn Viên Khâu, thờ Xi Vưu theo nghi lễ Nho gia, đến hôm khác ông lại đích thân chép kinh Phật, dựng chùa Diên Hựu để truy tiến công đức và kéo dài mệnh mạch quốc gia, rồi sau nữa lại đến quán Khai Nguyên, cung Thái Vi để cảm tạ Tam Thanh đã phù trợ cho quốc thái dân an. Đến khi cần thương thảo với các cộng đồng cư dân nằm trong vương thổ, triều đình sẵn sàng nhấc các vị thần bản địa (Đồng Cổ, Thiên Y A Na, Tứ Pháp,…) về kinh đô thờ cúng và hành trì khoa nghi.

Nghĩa là, một ông Hoàng đế bản thân tuy là một nhà Nho với những thực hành chính trị – tôn giáo nhưng đồng thời cũng là những tín đồ của Phật giáo – Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian. Nhưng, ông vua là loại tín đồ đặc biệt có khả năng kiêm quản âm dương. Không chỉ vua chúa mà cả hoàng gia, quan lại, và dân chúng, dưới áp lực của quyền lực chính trị, cũng không đơn thuần chỉ là các tín đồ nhất nguyên, mà đều là những người đa tôn giáo – đa văn hóa.

Ở nghĩa rộng, ta có thể nghĩ tam giáo tịnh hành là 3 tôn giáo cùng tồn tại trong đời sống xã hội nhưng cũng nên chú ý rằng, cả 3 tôn giáo ấy đều cùng tồn tại sống động trong từng cá nhân. Cũng như ngày nay, ban ngày học nghị quyết và lí luận chính trị, chiều về có thể vào chùa lễ Phật. Tháng 3 thì ăn giỗ tổ Hùng Vương nhưng khi xây nhà dựng vợ gả chồng lại tìm đến mấy thầy đạo lưu xem giờ, xem đất và làm lễ lạt.

Chính vì những lẽ như trên, tôi cho rằng, văn hóa Đại Việt trong suốt nghìn năm là nền văn hóa đa tôn giáo – đa tín ngưỡng. Hay đúng hơn, lịch sử Đại Việt là lịch sử của nền chính trị đa tôn giáo, với một cộng đồng cư dân đa tín ngưỡng và đa văn hóa, trong đó văn hóa bản địa là nền tảng trung tâm, còn Nho giáo – Phật giáo – Đạo giáo (và các tôn giáo, tín ngưỡng khác) như những cánh hoa bung nở ra các hướng.

Trong số những cánh hoa này, có thể nói, Nho giáo chiếm địa vị chính trị chủ lưu, do bản thân nó là một loại hình học thuyết vừa có tính chính trị, vừa có tính tôn giáo với những tín ngưỡng thiêng và hệ thống thần điện riêng được cả xã hội quan tâm sùng phụng, với những hệ thống thiết chế ràng rịt bởi luật pháp và bộ máy hành chính.