Tạo bước đột phá phát triển du lịch Bắc Giang

Chú thích ảnh
Di tích lịch sử Đình chợ Vân, nơi diễn ra các cuộc mít tinh tuyên truyền cách mạng vào tháng 3/1945 với sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Xây dựng Bắc Giang trở thành điểm du lịch quan trọng trên tuyến du lịch Hà Nội – Lạng Sơn; Thái Nguyên – Quảng Ninh, Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng được thương hiệu du lịch địa phương là điểm đến văn hóa – tâm linh, sinh thái hấp dẫn.

Tỉnh Bắc Giang ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông; du lịch trên dòng sông quan họ; du lịch cuối tuần với các khu nghỉ dưỡng sinh thái; du lịch thể thao cao cấp như golf, thể thao khám phá cao cấp… Tỉnh duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa – tâm linh; lịch sử – văn hóa; nghỉ dưỡng sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch về nguồn; đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, lễ hội – sự kiện; du lịch làng nghề; mua sắm; hội nghị, hội thảo…

Thời gian tới, Bắc Giang quan tâm đầu tư phát triển 5 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử; không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế; không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí; không gian du lịch sinh thái nông nghiệp; không gian văn hóa Quan họ.

Tỉnh ưu tiên đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn như: Tây Yên Tử, Đồng Cao (huyện Sơn Động); Di tích khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế); Suối Mỡ (huyện Lục Nam); chùa Vĩnh Nghiêm, núi Nham Biền (huyện Yên Dũng); chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên); Hồ Khuôn Thần, du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn); Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (huyện Tân Yên).

Bắc Giang quy hoạch phát triển để hình thành ít nhất 1 khu du lịch được công nhận là Khu Du lịch Quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thiện xây dựng Khu Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, xây dựng một số sân golf mới, sân golf và dịch vụ Yên Dũng giai đoạn tiếp theo; thu hút đầu tư xây dựng quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái thể thao và vui chơi, giải trí; xây dựng một số khu dịch vụ, khách sạn cao cấp tại thành phố Bắc Giang…

Chú thích ảnh
Du khách đi thuyền tham quan hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Hà, từ nay đến hết năm 2022, tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền, hưởng ứng có hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Người Bắc Giang đi du lịch Bắc Giang”, “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” và Tuần lễ mùa quả ngọt 2022…

Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc trưng, ứng xử văn minh du lịch theo tiêu chí “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, đón du khách như đón người thân trở về; cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch; chủ động kiểm tra tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn…