Tảo mộ (chạp mả) trong văn hóa Việt ngày Tết
Tảo mộ hay là chạp mả, là những việc dọn dẹp cỏ dại, lau chùi sạch sẽ mộ người thân. Ngoài ra còn có thể sửa sang, tu bổ cho ngôi mộ và chăm sóc những cây xanh ở xung quanh phần mộ của người quá cố. Sau đó đem hoa, lễ vật đến và thắp hương để mời gọi những người quá cố về nhà ăn Tết cùng con cháu. Ngày tảo mộ thường diễn ra từ 20 tháng Chạp đến tối 30 Tết tùy theo truyền thống của từng gia đình.
Ý nghĩa của việc tảo mộ
Tảo mộ là một dịp để gia đình, con cháu sum vầy và giãi bày những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua. Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”. Tảo mộ thật sự là một nét đẹp văn hóa đáng quý của con người Việt Nam.
Vật phẩm cúng lễ khi đi tảo mộ
Việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ sao cho đúng và đủ khi đi tảo mộ là vô cùng quan trọng.
Có một số lễ vật là không thể thiếu như: Đèn, trà, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, nhang và trái cây. Gia đình có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn tùy theo truyền thống của mỗi gia đình. Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh, gạo, muối, chén mật, xôi chè. Lễ mặn thì có thêm chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò.
Một điều đặc biệt đó chính là tấm lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên. Mọi việc dọn dẹp, sửa sang, làm lễ đều phải xuất phát từ tâm, làm với lòng thành và biết ơn đối với ông bà, tổ tiên.
“Hình ảnh từ Công viên nghĩa trang Hoài Ân Viên”