Tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Mường
1. Di sản văn hóa phi vật thể loại hình Tập quán xã hội và Tín ngưỡng.
Các tập quán xã hội và tín ngưỡng là loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà ở đó bao gồm các quy tắc ứng xử chung của cộng đồng với tự nhiên, xã hội và lực lượng siêu nhiên, do cộng đồng đặt ra, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành chuẩn mực ứng xử và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng. Đó là các hoạt động thường xuyên được một cộng đồng hay nhóm người thực hiện tạo nên cơ cấu cuộc sống hàng ngày của họ. Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng vì chúng khẳng định bản sắc của nhóm người hay xã hội liên quan và thường được gắn với các sự kiện quan trọng, cho dù được thực hiện ở nơi công cộng hay tư gia. Các nghi lễ và lễ hội thường diễn ra vào các thời điểm và địa điểm đặc biệt và thường thể hiện những cách nhìn nhận thế giới và lịch sử của một cộng đồng. Trong một số trường hợp, chỉ một số thành viên trong cộng đồng được phép thực hiện các nghi lễ này; ví dụ lễ trưởng thành, cấp sắc hay nghi lễ chôn cất. Tuy nhiên, một số lễ hội được tổ chức và là một phần cuộc sống của tất cả các thành viên trong cộng đồng như lễ mừng năm mới, lễ hội vào mùa xuân và kết thúc một vụ thu hoạch là những lễ hội phổ biến.
Những hành vi ứng xử và phong tục tập quán của con người, ứng xử giữa các cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau; các tín ngưỡng, tập quán: Tín ngưỡng thờ thành hoành, tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng vòng đời, tục cưới hỏi, tục tang lễ… và nhiều luật tục khác là một dạng thức văn hóa có tính lịch sử nhất định, cho đến nay vẫn còn giá trị. Luật tục trong xã hội cổ truyền có thể tồn tại dưới dạng văn xuôi hay văn vần và được truyền miệng từ dời này sang đời khác; nó đã trở thành máu thịt, thấm đẫm trong mọi hành xử của cả cộng đồng và những điều răn trong luật tục có ý nghĩa to lớn đối với các thành viên. Ngoài ra, về mặt văn hóa, luật tục cũng có thể coi là di sản văn hóa tộc người đặc sắc, phản ánh những quan niệm, luật lệ, quy tắc của xã hội…
Phú Thọ, vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam còn bảo lưu được rất nhiều các tập quán, tín ngưỡng thờ cúng dân gian truyền thống, tiêu biểu: Tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước; Tín ngưỡng phồn thực; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ; tín ngưỡng thờ Mẫu; tập tục Hát Xoan thờ cúng các vua Hùng; tập quán thờ cúng các vị Thành hoàng làng, đó cũng là tập quán thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ những người có công khai dân, lập ấp, bảo vệ làng xã; tập quán liên quan đến các ngày lễ tết; tập quán liên quan đến chu trình đời người; các tập quán nghi lễ của các dân tộc thiểu số như: Lễ cấp sắc, Lễ Tết nhảy, Lễ cúng Bàn vương của dân tộc Dao; Lễ rước vía lúa của dân tộc Mường… Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể còn được bảo lưu mạnh mẽ nhất, bền vững nhất trong cộng đồng các dân tộc của tỉnh Phú Thọ và thể hiện nét đặc trưng vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, đặc biệt là Giỗ Tổ Hùng Vương – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ – Đền Hùng cùng với Hát Xoan và các di sản văn hóa khác đã, đang trở thành niềm tin, nơi hội tụ, điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
2. Tập quán xã hội và Tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn.
Người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ nói riêng, Việt Nam nói chung chủ yếu theo tín ngưỡng thờ đa thần, một số ít theo Phật giáo. Từ xa xưa, người Mường đã quan niệm vũ trụ là một hệ thống gồm ba tầng, bốn thế giới. Tầng cao nhất là thế giới của Mường Trời (Mường Klơi) là nơi trú ngụ của Vua Trời và các phò tá của Vua Trời. Tầng giũa là Mường Pưa (Mương Pưa) – là thế giới của người sống, tập hợp lại thành các gia đình, xóm và mường. Tầng thứ ba có hai thế giới là Mường Pưa Tín (Mương Pưa Tín) ở dưới mặt đất và Mường Vua Khú (Mương Bua Khú) ở đáy nước. Thế giới Mường Pưa Tín ở bên dưới măt đất có lối thông lên thế giới của người trên mặt đất. Mường Pưa Tín không phải là âm ty, không phải là thế giới siêu nhiên, mà là thế giới của những người tí hon, gia súc cũng tí hon. Thế giới của Vua Khú là vương quốc của bọn khú dưới quyền cai quản của Vua Khú. Trong hệ thống vũ trụ ba tầng, bốn thế giới của người Mường nói trên, thì Mường Pưa – thế giới của người sống là trung tâm. Mọi đường đi đều xuất phát từ Mường Pưa, ba thế giới còn lại cũng đều quy tụ về đây. Tuy nhiên, mỗi thế giới trong quan niệm của người Mường lại có một bản chất riêng, do đó sự thông thương giữa các thế giới bị hạn chế. Mường Pưa là thế giới tự nhiên, là “cõi sống” của người Mường. Mường Pưa Tín, vốn thông thương với Mường Pưa, cũng là thế giới tự nhiên nhưng thấp kém hơn. Mường Trời là thế chuyện vui, buồn thì tất cả bản các gia đình trong bản Mường không phân biệt họ tộc hay không họ tôc đều chung tay chia sẻ cả vể vật chất lẫn tinh thần. Quan niệm việc hàng xóm là việc của mình, việc nhà mình là việc của hàng xóm đã trở thành lối sống ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người Mường. Đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống đã trở thành một luật lệ mà mỗi thành viên trong cộng đồng đều luôn phải có ý thức tự giác thực hiện. Thêm vào đó, tham gia vào các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng khiến cho cộng đồng bản Mường thêm tôn trọng nội quy, luật tục, các thành viên trong cộng đồng thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.
Người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ, ngoài tín ngưỡng thờ tổ tiên dòng họ còn có tín ngưỡng thờ tổ tiên của làng xã, dân tộc là thờ thành hoàng, thờ vua, thờ thần. Mỗi làng đều thờ thành hoàng là những người sáng lập làng hoặc thần bảo hộ cho cuộc sống của dân làng. Người Kinh, người Mường cùng thờ tổ tiên chung của dân tộc là các vua Hùng, các tướng lĩnh nhà Hùng, những người có công dựng nước và giữ nước. Tín ngưỡng thờ các vua Hùng tồn tại rất sâu đậm ở Phú Thọ và trở thành bản sắc nguồn cội của văn hoá dân gian vùng đất Tổ. Tản Viên Sơn thánh và các vị thần núi Tản được thờ phổ biến ở cả vùng người Kinh và người Mường – hai dân tộc có chung nguồn gốc bản địa từ cư dân Văn Lang thời các vua Hùng. Trong đó tập trung đậm đặc nhất ở mạn sông Đà Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, tức là vùng đối diện với núi Tản Viên bên kia sông Đà, nơi cả 2 dân tộc Kinh, Mường sinh sống. Hầu hết các xã tập trung nhiều đồng bào Mường Phú Thọ đều có đình, miếu thờ cúng Tản Viên sơn thánh, được đồng bào gọi tắt là Tản Viên sơn. Thờ núi là tục thờ phổ biến ở người Việt và người Mường. Người Mường ở Thanh Sơn, Yên Lập ngoài thờ thần núi Tản Viên còn thờ núi, gò, rừng ở quê mình, gọi chung là ma. Các thần hay ma núi này không có thần hiệu, sắc phong, khi khấn thì thêm hai chữ “đại vương”.
Cùng với tục thờ núi là thờ thần cây, thần rừng … người Mường gọi là ma cây, ma rừng, ma nương … Đồng bào Mường có trường ca Đẻ đất Đẻ nước, trong đó cây si thần sinh ra người và vạn vật. Cùng với các thần thiên nhiên còn có các nhân thần. Đó là các nhân vật lịch sử có thật được thần thoại hoá. Nhiều xã vùng Mường thờ Đinh Công Mộc – thổ tù theo nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh, được phong Vũ Quận Công. Đinh Công Mộc được thờ ở Thạch Khoán (Thanh Sơn), Văn Lương, Tứ Mỹ, Quang Húc, Hùng Đô (Tam Nông). miếu Đồng Rúc (Võ Miếu) thờ Hà Thế Trật, Hà Khả Chinh cũng là thổ tù theo Lam Sơn.
Người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ cũng thờ tổ tiên nhưng cũng có một số điểm khác biệt. Trong gia đình, bàn thờ tổ tiên của người Mường được đặt ở chỗ trang trọng nhất (chỗ giữa gian ngoài cùng và gian thứ hai, cạnh cửa váng tông, đặt trên cột chồ – cột cái, nơi có cầu thang của ngôi nhà sàn. Người Mường cúng “ông thờ” trong các dịp tết, nhà mới, cấy, gặt, đám cưới. Ông thờ gồm cả 3 đời ông, cha, cụ và cả ông tổ, bà tổ. Các ban thờ gọi là đáng thờ. Việc thờ cúng tổ nên là quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng gia đình của người Mường. Tổ liên được coi là thần bản mệnh của gia đình và dòng họ. Do dó, tổ tiên luôn được con cháu tưởng niệm, có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc theo tục lệ để được yên vui ở bên kia thế giới, che chở cho con cháu nhằm bảo vệ, duy trì danh dự gia đình và dòng họ. Người Mường gọi những người thân trong gia đình đã mất là “thói thăm”, có nghĩa là “tối tăm”. Nơi người sống là thế giới bên sáng, còn nơi người chết là thế giới bên tối, nên người của hai thế giới không bao giờ nhìn thấy nhau.
Khác với người Kinh và một số tộc người khác, người Mường không thờ cúng tổ tiên theo ngày mất trong năm hay ngày rằm, mồng một hàng tháng mà chỉ thờ cúng vào những dịp như: Tết Nguyên Đán, khánh thành nhà mới, tạ mộ. cưới hỏi. Người Mường lấy ngày chôn người chết làm ngày giỗ vì họ quan niệm rằng người chết khi chưa được chôn xuống đất nghĩa là sợi dây tình cảm giữa người sống và người chết trong gia đình chưa cắt lìa nhau, chỉ khi nào người chết đuợc đào sâu, chôn chặt thì từ đó âm – dương mới thực sự cách biệt. Trong thờ cúng tổ tiên, người con trưởng phải thờ cúng tổ tiên 5 đời, trong khi người con trai thứ khi ra ở riêng thì phải lập một bát hương để thờ cúng cha mình, mỗi đời thể hiện bằng một bát hương được xếp theo hàng ngang. Khác với người phụ nữ Kinh, người phụ nữ Mường sau khi đã đi lấy chồng mà cha mẹ qua đời không có con trai thờ cúng, nhà chồng cho phép họ lập một bàn thờ cha mẹ dẻ. Thường thì bàn thờ này được đặt cạnh cửa vỏng khách và nhỏ hơn bàn thờ của nhà chồng. Đặc biệt, người Mường cũng cho phép được thờ cả tổ tiên bên ngoại, các mâm thờ này dải ở trên đầu gian thứ hai tính từ gian ngoài cùng vào. Họ quan niệm rằng, người thân trong gia đình khi mất đi nhưng vẫn có tình cảm với con cháu như khi còn sống, họ thường xuyên về với con cháu bất cứ lúc nào. Người trong nhà cũng luôn cảm giác rằng có tổ tiên về ở trên bàn thờ để trông coi, che chở cho con cháu làm ăn và được yên lành. Vì vậy, người Mường luôn tâm niệm phải sống tốt để giữ trọn lòng hiếu thảo với tổ tiên như khi họ còn sống. Phải luôn cố gắng sống hòa thuận, yêu thương nhau và chăm chỉ làm ăn. Đăc biệt, họ rất kiêng kỵ sự to tiếng trong gia đình cùng như với cộng đồng. Nếu không thực hiện được những điều đó thì không những bị coi như bất hiếu mà còn bị tổ tiên quở trách, phật lòng, sẽ không phù hộ nữa, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị tổ tiên trừng phạt.
Ngoài tín ngường thờ tổ tiên, trong gia đình người Mường còn thờ cúng Chàng Wàng (Chàng Wàng Khang Quang Lai Lệnh). Đây là hình thức thờ tự được xuất phát từ truyền thuyết mà người Mường gọi là Anh em nhà Wàng Khang Quan Lai Lệnh. Đây là vị thần bảo vệ cho sự an toàn trong lao động sản xuất và việc xuất hành cho gia đình khỏi bị trộm cướp. Người Mường thờ hai ông ở vị trí tôn nghiêm nhất trong ngôi nhà sàn, thường là nằm trên cửa sổ đầu tiên tính từ gian ngoài cùng cùa nhà sàn (váng tông). Chỗ ngụ cùa hai ông trong ngôi nhà sàn gọi là hénh. Đó là hai chiếc vỉ tre hình chữ nhật được cắm trên mái trước nhà sàn, chỗ trên đầu gian ngoài. Lễ thờ cúng nhân vật này gọi là càu quàng và được các gia đình tiến hành vào Tết Nguyên Đán hoăc đi xa, đi cày, bắt cá, đi săn…
Một số dòng họ Mường ở Thanh Sơn, Yên Lập nhận một con vật (chim hoặc thú) là tổ họ mình và kiêng không ăn thịt chúng, như: Họ Đinh Công, họ Hoàng (Yên Lập) thờ chó; họ Phùng (Yên Lập) thờ hổ; họ Hoàng (Thanh Sơn) thờ chim chóc gió… Ở người Mường, tục thờ tô tem rất sâu đậm, hầu hết các họ đều thờ vật tổ. Nhiều nơi còn cắm cả tranh vật tổ lên mộ người chết.
Người Mường có tục gọi vía lúa. Những năm mất mùa người ta phải đi gọi vía lúa về làng bản của mình, người ta phải làm lễ cúng vía lúa rồi thầy mo hoặc một người hát Rang gọi vía lúa, rủ rê vía lúa về với mình. Từ tín ngưỡng lúa đã hình thành nhiều lễ nghi tập tục tạo nên diện mạo độc đáo của văn hoá tâm linh. Đó là lễ rước nước, lễ khai canh, lễ hạ điền, thượng điền, tết cơm mới, lễ kỳ yên, các nghi lễ cầu mưa chống hạn, tục gọi vía lúa, tục đâm đuống, chàm thau, tục tết dán giấy đỏ vào các nông cụ, tục cúng ông Dằng bà Dõi ở chuồng trâu… Các nghi lễ này rất phổ biến ở các xã vùng người Kinh và người Mường.
Tục “ đóng cửa rừng”: Sống ở địa bàn miền núi, người Mường Thanh Sơn rất coi trọng rừng, bởi với họ rừng vừa là thần, vừa là nguồn sống, rừng cho gỗ để làm nhà, dựng đình, dựng miếu; lúc giáp hạt, rừng cho củ lăn, củ mài, củ vớn ăn qua ngày. Rừng là nơi đồng bào làm nương trồng ngô, khoai, sắn… Chính vì gắn bó với rừng, nên tục “đóng” và “mở” cửa rừng được coi là một tín ngưỡng linh thiêng của đồng bào dân tộc Mường. Ý nghĩa sâu xa của tục này chính là thái độ trách nhiệm của con người ứng xử với thiên nhiên. Khi đã “đóng cửa rừng”, mọi người phải “kiêng” vào rừng khai thác lâm sản, nếu ai cố ý vi phạm sẽ bị thần núi trừng phạt. Người Mường Thanh Sơn quan niệm vị thần cai quản rừng núi của đồng bào nơi đây là Tản Viên Sơn Thánh và bộ hạ của ngài là các loài thú dữ. Tục đóng cửa rừng còn liên quan đến một truyền thuyết về nguồn gốc Tản Viên sơn thánh. Bà Đinh Thị Đen, mẹ của Thánh Tản, khi mang thai thần được vài tháng, bà đã sang núi Ba Vì, tìm đến động Lăng Xương (nay là xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy). Sau đó, được dân bản giúp đỡ, bà và Thánh Tản đã kết bạn với bà Ma Thị. Khi bà Ma Thị mất, Thánh Tản trở thành người cai quản các động Mường, được dân bản gọi là chúa các động Mường…
Lễ đóng, mở cửa rừng là nghi thức cúng tế để biến báo với Sơn Thánh, cầu mong tài nguyên rừng ngày càng giàu có và phong phú. Nếu như tục mở cửa rừng diễn ra vào đầu năm mới, sau khi ăn tết xong thì tục đóng cửa rừng được đồng bào thực hiện vào cuối tháng 12 Chạp, tức là trước Tết Nguyên đán. Đồng bào Mường ở Khả Cửu thường làm lễ đóng cửa rừng vào ngày hai lăm tháng Chạp hàng năm. Kể từ ngày này không ai được vào rừng với bất cứ lý do gì. Ngày cấm kéo dài đến mồng bảy tháng Giêng năm mới. Sau ngày đó, mọi người lại được tự do vào rừng với những công việc liên quan đến cuộc sống, mưu sinh. Đồng bào tiến hành lễ đóng cửa rừng cùng một lễ nhỏ cúng ma rừng, ma núi, ma cây nơi mình sống. Còn Tản Viên sơn thánh thường được dân bản thờ ở đình, miếu với ngôi vị cao nhất là tối đẳng thần linh.
Ngày nay, mặc dù cuộc sống đã được cải thiện, khoa học đã giải thích các hiện tượng tự nhiên song đa số đồng bào Mường vẫn duy trì tục đóng cửa rừng, tuy nghi thức có một số thay đổi so với trước đây. Bà con người Mường Thanh Sơn vẫn giữ tục cấm rừng nhưng không còn tế lễ như xưa; còn các xã vùng cao của huyện Thanh Sơn như Khả Cửu thì vẫn gìn giữ nghi thức truyền thống. Mâm cơm cho Lễ đóng cửa rừng được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, lễ vật gồm: Xôi trắng từ gạo nếp nương; gà trống được nuôi tại nhà; chim; thịt lợn; cá suối bắt tại cửa suối Dân, xóm Măng (do 3 con suối hợp nhau suối Sinh, Dân, Dấu); vàng, bạc tượng trưng được làm từ cây giang và cây trẩu (cây giang được tước lạt, cuốn thành vòng kết lại với nhau làm vàng; gỗ cây trẩu chẻ thành bó nhỏ làm bạc); trầu, cau, hoa quả… Mâm cơm được đặt cúng tại nhà, người ngồi cúng hướng ra cổng.
Những tục lệ trong các lễ nghi nông nghiệp tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong đời sống lao động sản xuất của đồng bào Mường Khả Cửu. Nó phản ánh khá đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cư dân Mường, thể hiện đời sống tinh thần khá phong phú trong quan niệm về thiên nhiên… Cùng với ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng; lễ đóng cửa rừng còn là sự tri ân thần núi, thần đất, thần nước về một năm mưa thuận gió hòa, rừng yên; đồng thời là một “luật tục” nhắc nhở bà con khi làm nương, làm rẫy không gây cháy rừng; có ý thức bảo vệ rừng, ngăn ngừa mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng, tích cực trồng cây để rừng mãi mãi tươi xanh.
Bên cạnh đó, hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Mường còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. Những cuộc mo, cuộc hát, các điệu múa…, chính là kho tàng thơ ca, nghệ thuật dân gian phong phú, đa dạng, sử thi Đẻ đất đẻ nước, các làn điệu dân ca như: Các bài hát mỡi, hát mo đám tang… của người Mường là nhũng giá trị văn hoá phi vật thể đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá tộc người và góp phần quan trọng làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Tết bản Mường: Tết của người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ có nhiều phong tục gần giống Tết người Kinh như tục cúng ông Công lên trời, cúng giao thừa, trồng cây nêu, xông nhà, chúc tết, chọn giờ và hướng xuất hành… Tết bản Mường có nhiều trò chơi hội đám như kéo co, chơi đu, đánh đáo, chọi gà và đặc biệt là trò ném còn, nhảy sạp, đâm ống, sắc bùa…
Đồng bào Mường vào tết với lễ tiễn ông Công lên trời ngày 2 tháng Chạp và tới mồng 9 tháng Giêng lại đón ông về. Theo truyện dân gian về sự tích Táo công “2 ông 1 bà”, người ta sắm cho “ông Công” 2 bộ y phục nam và 1 bộ y phục nữ, đồ hàng mã, một con cá chép nướng làm lương ăn đi đường một con cá chép thả vào nước để làm “ngựa” cho Táo công lên trời tâu báo với Ngọc Hoàng mọi việc trần gian. Ngày 25 tháng Chạp, đồng bào trồng nêu, hoá vàng mã cúng thần rừng và ban lệnh cấm rừng. Cây nêu treo vàng thoi và vàng lá, những miếng tre gọt mỏng móc vào nhau, vài miếng tre đan hình cá, hình tam giác nhuộm màu. Cắm nêu cả ở ngoài ruộng, cả ở mồ mả tổ tiên, chuồng trâu, chuồng gà, cũng có nơi đồng bào cắm những cây nứa ngọn có lá từ cọn nước tới các đồ dùng gia đình với ý nghĩ cầu chúc điều tốt lành. Cây nêu cũng được trồng ở cổng, ở đình miếu, cái gì có mái che là có cây nêu và nêu phải cao hơn mái. Mỗi bản có một khu ruộng thờ chỉ thổ tù và thổ lang mới được trồng nêu ở đây. Nêu được hạ vào mồng 7 tháng Giêng.
Ngày 27 tháng Chạp, người Mường lấy 4 cum lúa vắt lên 4 góc dựa bếp để mồng 7 tháng giêng lấy xuống giã, ném cho gà. Ngày 30 tháng Chạp cúng thổ thần và long mạch. Đúng giao thừa đâm đuống, cả làng nhà nào cũng đâm cối đuống. Cối đuống là cối giã hình thuyền, giã bằng chày tay đâm từ trên xuống, thóc cho cả cum vào cối, giã rồi trở ra và rũ, khi thành gạo đổ sang giã cối tròn nhưng đâm đuống giao thừa là đâm cối không. Trong lúc phụ nữ đâm đưống thì nam đốt pháo, gõ chiêng trống. Tiếng trống chiêng hoà với tiếng đâm đuống gây không khí rộn rã tưng bừng cho bản làng. Có lệ rằng nhà thổ lang ở bản và nhà thổ tù ở xã chỉ nổi chiêng trống mà không đâm đuống. Tới giao thừa, người mẹ kín đáo không được nói mà lay các con gái con dâu dậy, phải nhớ là không được lậl chăn các cô. Cối đuống được quét sạch từ trước, người mẹ gác chày vào cối. Làng nổi ba hồi trống, 3 hồi chiêng, khi dứt tiếng chiêng trống, người mẹ gõ ba tiếng đuống rồi cứ thế mẹ con đâm đuống. Cả bản cùng đâm, nhà nhà cùng đâm. Nhà nào nghe trống làng nổi mà còn chưa đâm đuống được là thua chị kém em, làm ăn không thuận lợi trong năm mới. Con dâu chưa có con và con gái chưa chồng không được gõ vào thành cối, do đó thường chỉ có người con dâu trưởng là có vinh dự đó. Đâm đuống có nhịp, cứ ba tiếng vào lòng cối thì lại có một tiếng gõ vào thành cối, thành ra tiếng “Tinh, tinh, tinh – cộc”, nhịp điệu mau dần cho đến khi nhịp hai tiếng đâm xuống lòng và một tiếng gõ thành “Tinh, linh – cộc”. Như vậy đâm đuống ngày tết là hình thức lễ nghi do phụ nữ đảm nhiệm.
Ngày mồng một Tết, gà gáy sáng, người con gái lớn trong nhà lặng lẽ đi kín nước ở khe suối về cho cả nhà rửa mặt và lấy nước cúng. Người 50 tuổi trở lên làm ván gà ra đình gọi là ván lão. Với các cụ từ 60 trở lên, ván gà cúng xong được đem về còn các ván khác cùng ăn chung tại chỗ và cũng có phần mang về.
Mồng một tết có tục xông nhà gọi là xông lon, gia chủ có thể tự xông lấy: đi đâu về cầm một cành lộc, cành hoa về giả làm khách đến thăm. Nói chung xông lon phải đón người vía lành, người này đến nhà thật sớm và nét độc đáo khác với tục người Kinh là có thể đón phụ nữ xông nhà nhưng là phụ nữ có tuổi, đông con, gia đình hoà thuận sung túc. Người xông nhà chào chủ nhà trước. Chủ nhà nói:” Chào ông lái (hay bà lái), năm mới ông lái đến sớm thế, hỏi thăm ông lái (bà lái) gia đình có được mạnh khoẻ, buôn bán có phát tài không?”. Người xông nhà chúc mừng, tự nói mình đi “buôn xuân bán lộc , chúc cho gia chủ của đồng làm ra, của nhà làm nên”… sau đó ăn uống rồi ra về.
Cũng trong ngày mồng Một có lệ cúng ông Dằng bà Dõi ở chuồng trâu. Mâm cơm cúng có một đĩa lòng, một dĩa thịt, một đĩa bánh, ba con tép hay cá (nhất thiết phải có), một bát mật, một cối vàng chẩu, ba chén rượu. Cúng xong cho trâu ăn bánh tẻ, bánh chưng. Cũng trong tục lệ này sáng sớm người già nhất nhà gọi các con vật nuôi trong nhà, trâu thì “nghé ọ, nghé ọ”, gà thì “cục tác” , chó “gâu gâu”, lợn “ủn ỉn” như thế để chúc cho chăn nuôi thịnh vượng.
Sáng mồng Một này cả nhà uống nước sáng dạ (rác gạch lạ) là nước giếng nước khe nhưng đã làm phép. Sang ngày mồng 2, sáng sớm chủ nhà ra ruộng cày một luống cho rõ đến bờ đến góc, làm lễ cúng. Có nhà chỉ mắc ách cho trâu mà không ra ruộng. Đó là lễ khai canh.
Ngày 6 và 7 tháng Giêng, cầu đại tiệc toàn xã, dân tế thần cầu mạnh khoẻ, bình an, no đủ, “tốt mặt hơn người, tươi mặt hơn bạn”. Thổ lang cúng ở xóm, thổ tù cúng ở xã.
Từ ngày mùng 1 Tết cấm động thổ. Mồng 7 mới mở cửa rừng và động thổ. Có nhiều nơi lễ mở cửa rừng là lễ cúng “Sơn quân thần hổ”, bày thịt chó nhưng phần nhiều vẫn là thịt lợn sống. Cũng có nơi còn có tục làm “Tết cầu cá” hay “Hội kéo bạ”. Bạ là dụng cụ đánh cá hình cái nơm nhưng to bằng bằng gian nhà đặt ở quãng nước sâu, xếp cây từ đầu tháng chạp, bùn đất bám vào cá đến ở. Mồng 4 tết cả làng ra kéo bạ đánh cá, tiếng cười nói hò reo vang một khoảng rừng rất vui. Cá ấy để ăn gỏi uống rượu. Người Mường còn có tục ăn tết với thịt trâu nướng thái to bằng bàn tay, nướng tái ăn với lá me chấm dấm chua sào mẻ đặc. Có nhà ngày tết còn làm thịt gà ướp muối tẩm hạt dổi giã nhỏ đem nướng mà không dùng thịt gà luộc hay rang. Các thứ bánh tết của đồng bào là bánh chưng tày, bánh dấm, bánh tẻ, bánh gai, bánh mật, bánh nắng. Bánh chưng tày phải gói khéo cho gân lá rạch một vệt thẳng chia đôi chiếc bánh.
Trong các ngày tết, trai gái vui xuân, hát giao duyên, ném còn, kéo co,hát xường rang, chơi đu đánh vật, múa mới, hát sắc bùa, đánh cồng chiêng.
Các tết khác trong năm: Cũng như người Kinh, người Mường có một số tết khác trong năm như tế Hàn thực mồng 3 tháng Ba, tết Đoan ngọ mồng 5 tháng Năm (làm to hơn cả), tết xá tội vong nhân rằm tháng Bảy, tết cơm mới mồng 10 tháng Mười. Người Mường không có tết Trung thu.
Tết mồng 3 tháng Ba cũng ăn bánh trôi như người Kinh nhưng không ăn bánh chay mà làm bánh giầy, mổ gà, vịt, đồ xôi. Đặc biệt phải có 1 trong 4 thứ: Ếch, ngoé, lươn, trạch.
Tết mồng 5 tháng Năm , đồng bào lấy lá gùn pha vào gạo gói như bánh tò te. Làm xôi đỏ hoặc cơm ngũ sắc (vàng, đỏ, trắng, tím, xanh). Nhà nào cũng mổ gà cúng gia tiên. Cây trong vườn cây nào chưa ra quả thì đánh vào gốc hỏi tội bắt ra quả. Ngày này cũng là ngày các thầy lang đi hái thuốc. ở ngoài ruộng, người ta lấy củ dáy đặt ra các tràn ruộng để trừ sâu. Buổi tối trai gái kéo nhau ra ruộng thổi kèn nứa với giọng bi ai và hát ví thật sầu não để cho saàu bọ nghe vỡ bụng mà chết.
Tết cơm mới tổ chức theo tín ngưỡng và hình thức lễ nghi dân tộc: các gia đình mổ lợn, gói bánh chưng, lại có tục lấy vía lúa để gác bếp. Theo tục lệ, vợ chồng gia chủ 4 bông, các con mỗi người một bông kể cả người đi vắng, buộc lại thành một túm. Thổ lang cúng ở xóm rồi tới các gia đình. Lúa nếp gặt về, trai gái đến nhà thổ lang làm cốm, hát đối đáp. Sáng mồng 10 làm lễ ở đình, phần xôi đem về treo lên đáng thờ, hôm sau các nhà làm nếp mới cúng gia tiên. Lễ này được làm to hơn lễ thượng điền.
Tín ngưỡng vòng đời: Tín ngưỡng vòng đời người là tín ngưỡng và nghi lễ liên quan đến cuộc đời một con người từ lúc sinh tới lúc chết như sự sinh nở, cưới xin (thành thân), thờ thần bản mệnh, lễ tang ma và thờ cúng người chết…. Người Mường Thanh Sơn có nhiều tục lệ kiêng kỵ, nhất là về sinh đẻ. Sau khi sinh có tục cắm cữ ở cửa, có thể là một nọn rơm hoặc một cành ớt, người lạ không được vào. Người Mường cũng có tục cúng mụ như người Kinh, gia đình mời thầy mo đến cũng cho trẻ. Lễ xong thầy cúng buộc chỉ trắng vào cổ tay đứa bé, mỗi vía 1 vòng, trai 7 vòng, gái 9 vòng. Khi đứa bé đầy 1 tuổi lại có lễ cúng đặt tên. Đồ cúng ngoài lễ vật có gương, lược, dao, một bát nước trắng và một bát nước chè. Đặc biệt, người Mường Thanh Sơn có tục làm lễ thay ma cữ (7 ngày hoặc 9 ngày), người nhà lập bàn thờ làm lễ cúng thần linh. Lễ vật có hoa quả, bánh trôi, bánh ít, quần áo giấy và nhất thiết là phải có 7 quả trứng (nếu con trai), 9 quả trứng (nếu con gái). Sau khi cúng, người mẹ bế đứa bé ra trao cho một người khoẻ mạnh, có đủ con trai con gái. Người bố tháo bếp cữ ra rửa sạch cất vào một nơi. Từ sau lễ này, đứa bé có tên gọi chính thức và được công nhận làm người. Lễ thay ma cữ là nghi lễ rất quan trọng trong vòng đời của người Mường. Vì vậy được rất đông thành viên trong cộng đồng tham dự, đặc biệt là những em bé 12 – 13 tuổi.
Tục cưới của người Mường:
Lễ ướm hỏi (khảo thiêng): Trước đây, trai gái Mường ở Thanh Sơn được tự do tìm hiểu bạn đời, trừ tầng lớp lang đạo bị ảnh hưỏng ít nhiều lễ giáo phong kiến nên phải theo quan niệm “Sừng đối sừng, lược đối lược” (tức là môn đăng hộ đối). Sau nhiều lần ti rôống mái (đi tìm hiểu), chọn được người ưng ý, chàng trai mới thông báo cho gia đình biết để nhờ người sang nhà người yêu thưa chuyện. Đây là nghi thức đầu tiên trong tổ chức cưới xin, đồng bào gọi là khảo thiêng, tức đánh tiếng thăm dò hay ướm hỏi.
Giống như người Kinh, người Mường ở Thanh Sơn trong cưới xin cũng cần một người đứng ra làm mối, gọi là ông mờ. Tuy nhiên, ông mờ khác ông mối bà mai của người Kinh ở chỗ: Ông này được nhà trai đặt niềm tin và phó thác trọng trách rất nặng nề, đám cưới thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào tài nghệ của ông mờ trong khi đi hỏi, tổ chức gặp gỡ giữa nhà trai với nhà gái và lo liệu mọi việc để đám cưới diễn ra tốt đẹp. Thậm chí, ông phải có trách nhiệm đối với đôi vợ chồng trẻ cho đến khi ông về “thế giới Mường ma” mới chấm dứt vai trò của mình. Vì thế, người Mường rất chú trọng đối tượng sẽ nhờ làm ông mờ. Khi tìm được người, gia đình chàng trai sẽ mang lễ đến nhà để nhờ cậy. Lễ cho ông mờ không có quy định cụ thể mà tuỳ vào điều kiện của từng nhà. Nếu nhà nào khá giả, lễ có gà, lợn; còn nếu khó khăn thì chỉ có con gà, chai rượu cũng đủ.
Ngưòi làm ông mờ thường già cả, quảng giao, hoạt bát, am hiểu sự đời, có đủ con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, có phúc đức, ăn ở hoà thuận, được mọi người kính trọng và uống rượu tài. Việc đánh tiếng không thành công, nhà trai phải có lời tử tế an ủi để ông không phật ý rồi xin phép tìm người khác thay thế. Còn việc đánh tiếng thuận lợi và đi đến hôn nhân, vợ chồng trẻ này phải coi ông mờ như cha và “sống tết, chết giỗ”. Con cái sinh ra cũng phải kính trọng, biết ơn người đã tác thành cho pọ (bố) và cạy (mẹ) mình. Ngày tết lễ, hội hè, con cháu phải biếu ông quà. Khi ông mất, vợ chồng phải có một đầu lợn cúng ông và để tang như con đẻ. Vợ chồng nào không quan tâm kính trọng ông mờ sẽ bị dư luận xã hội chê cười và sau này, con cháu sẽ khó nhờ được người làm mối. Ông mờ cũng coi đôi vợ chồng đó như con, phải có trách nhiệm giúp đỡ, hòa giải mâu thuẫn cho họ trong cuộc sống. Điều này góp phần làm cho hôn nhân của người Mường ở Thanh Sơn diễn ra tốt đẹp, bền vững, quan hệ gia đình – xã hội gắn bó chặt chẽ.
Để tiến hành khảo thiếng, ông mờ đưa đến nhà gái một nòm nhỏ (lễ nhỏ), gồm trầu, cau, thuốc lào. Ông thưa chuyện vối nhà gái cho nhà trai đi lại kết thân. Nếu nhà gái tỏ ý bằng lòng, ông mờ về nhà trai bàn bạc tiếp bưốc thứ hai. Sau ba ngày không có những điềm gở như gà gáy trưa, quạ kêu trong vườn… nhà gái mới đặt lễ vật lên khám thờ làm lễ thông báo cho tổ tiên, ma nhà rằng gia đình sắp có tin vui.
Lễ dạm ngõ (tỉ chầu năm): Đây là bước tiếp sau nghi thức thăm dò, ướm hỏi, giống như dạm ngõ của người Kinh. Lần này, nhà trai cử mẹ, cậu hoặc chú ruột của chàng trai cùng ông mờ đưa đến nhà gái một nòm gồm hơn chục cái bánh nếp, trầu, cau, xôi, gà, rượu. Cũng có khi, lễ còn thêm 2 gói thuốc lào và một vài thức khác. Thay mặt nhà trai, ông mờ tiến hành bàn bạc với đại diện bên nhà gái mọi vấn đề liên quan đến đám cưới như đồ thách cưới, nghi thức cũng như ngày, giờ đón đưa dâu… Đây cũng là dịp để mẹ chàng trai cùng chú bác (đại diện cho họ nội) hoặc cậu (đại diện cho họ ngoại) quan sát, tìm hiểu thêm gia đình và cô dâu tương lai.
Sau nghi lễ này, nhà trai phải lo thêm hai nòm mang sang nhà gái để họ đi báo cho anh em họ hàng: Roõng thiếng: gồm 2 đôi gà từ 1,5 – 2 kg, 4 gói cơm nếp, 20 bát gạo, 20 cái bánh nếp, 10 cơi trầu… Phát khá: gồm 1 con lợn 25 – 50 kg, 1 coong rượu nếp, 20 bát gạo, 20 cái bánh nếp, 100 lá trầu và 1 buồng cau. Nhận hai nòm này, nhà gái chính thức thông báo với bà con họ hàng lần thứ nhất về chuyện con gái mình và về gia cảnh nhà trai. Cũng từ đây, nhà gái chuẩn bị mọi việc cho ngày cưới; còn cô gái cũng gấp rút hoàn thành mọi thứ như chăn, đệm, đai khăn… để làm quà tặng cho nhà trai.
Lễ ăn hỏi (ti chầu cả): Hoàn thành bước dạm ngõ, nhà trai tiến hành một bước nữa là ti chầu cả. Thời gian giữa ti chầu năm đến tỉ chầu cả kéo dài vài ba tuần hoặc hơn một tháng. Ông mờ đưa lễ hỏi sang nhà gái, tuỳ từng vùng, điều kiện kinh tế từng gia đình mà lễ hỏi được sửa soạn to nhỏ khác nhau. Qua khảo sát cho thấy ở Thạch Khoán, Tất Thắng, Võ Miếu… lễ hỏi thường to các xã trong vùng, như: Lợn có thể 2 con và rượu, gạo, gà, trầu, cau đều có phần nhiều hơn.
Nhận lễ đưa sang, nhà gái mổ lợn làm cơm mời nhà trai ăn uống. Cũng trong buổi này, nhà gái sẽ thông báo chính thức đồ thách cưới, cụ thể từng thứ một cho nhà trai chuẩn bị. Người Mường ở Thanh Sơn không có lệ thách cưới bằng quần áo, đồ trang sức hay tiền bạc (trước kia, trừ thổ lang nhưng cũng rất hãn hữu) như ở người Kinh và nhiều dân tộc anh em khác. Đồ thách cưới chủ yếu là lương thực, thực phấm như: Thịt lợn, gạo (nếp, tẻ), bánh trái, rượu, thuốc, chè khô nhằm phục vụ cho nhà gái tiếp đãi bà con họ hàng trong ngày cưới và đôi khi cũng rất nặng nề. Trong Chúc thư của thổ lang Đinh Thế Thọ (được lập vào thế kỷ XV) ở Võ Miếu có quy định: “Lệ thổ lang cưới vợ cho con trai, dân phải góp một con trâu và 10 vò rượu, 10 đấu gạo nếp… Thổ lang gả chồng cho con gái, dân phải góp một con trâu và 4 thúng cơm…”.
Việc thách cưới được người Mường ở Thanh Sơn coi như lễ của nhà trai để đền đáp, tỏ lòng cám ơn gia đình nhà gái đã nuôi cô dâu khôn lớn, giỏi giang; đồng thời giúp nhà gái một phần đế chuẩn bị cỗ bàn cho ngày cưới. Song nhiều khi lạm dụng, nhà gái còn thách cưới lớn, đòi hỏi quá điều kiện thực tế. Mặc dù vậy, nhà trai vẫn cố gắng tìm mọi cách xoay xở, vay mượn để cho hôn lễ của con trai mình thành công. Đối với người Mường, việc cưới không chỉ là của gia đình mà còn là việc của cả dòng họ, làng xóm nên được mọi người trong họ lo giúp, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn. Họ giúp nhau vô tư, người giúp không nghĩ đến đòi nợ, còn người nhờ không lo trả là lối sống được hình thành từ xưa còn lưu giữ lại cho đến ngày nay. Vì vậy trong tỏ tình, các chàng trai Mường ở Thanh Sơn còn có câu: “Anh nghèo nhưng họ anh đông. Mỗi người một đồng sẽ cưới được em”.
Để chuẩn bị đồ thách cưới, nhà gái thường gia hạn 2 – 3 năm. Trong thời gian này, chàng rể tương lai phải đến làm lụng cày bừa, cấy hái cho nhà gái. Việc này giúp cho nhà gái tiếp cận, xem xét kỹ nết ăn ở, nết làm của chàng rể. Vì thế, đồng bào có câu: “Gái chọn chồng nhòm bờ ruộng. Trai chọn vợ nhìn cạp váy”. Chàng trai phải tỏ ra là người tháo vát, giỏi đồng áng, biết ứng xử, nếu không sẽ khó được cảm tình của bố mẹ, anh, chị, em cô dâu. Ngày lễ tết, nhà trai phải mang một con lợn 20 kg, 10 kg gạo nếp cho nhà gái. Thời gian thử thách này rất khó khăn cho chàng rể tương lai. Và điều cấm kỵ là trong quá trình tìm hiểu, đôi trai gái không được quan hệ với nhau. Người Mường coi trọng sự trong trắng của cả nam và nữ. Điều này đảm bảo tính bền vững cho hôn nhân của họ. Nếu ai vi phạm, sẽ bị cộng đồng khinh bỉ.
Lễ đón dâu (mừng cưới): Đến ngày lành tháng tốt, theo thoả thuận từ trước, nhà trai tổ chức đón dâu, hay còn gọi là mừng cưới. Lễ cưới được tổ chức linh đình ở cả nhà gái lẫn nhà trai. Từ chiều trưóc ngày đón dâu, chú rể phải đến nhà gái phụ giúp việc sửa soạn cỗ bàn, để tạo thêm mối quan hệ thân mật với mọi người. Từ sáng sớm, nhà trai bắt đầu tổ chức đi đón dâu. Họ mang,theo lễ vật thách cưới cho nhà gái và số người đi bao giờ cũng là số lẻ. Người Mường quan niệm đi lẻ về chẵn, tức khi về có đôi. Bên nhà gái sẽ cử các cô gái, thường là bạn thân của cô dâu, đứng đợi sẵn dọc đường đoàn đón dâu đi qua để chỉ đường, nhằm biểu lộ sự quan tâm của nhà gái.
Đến nhà gái, đoàn đón dâu dừng lại trước cổng để ông mờ làm thủ tục thông báo cho người trong nhà. Ông đem một chai rượu nhỏ cùng cơi trầu vào làm lễ xin nhà gái cho người ra mở cổng. Người nhà gái nhận lễ nhưng chưa mở cổng ngay. Họ sẽ cho những trai gái “giỏi giang” ra hát đối đáp với nhà trai một khoảng thời gian, đủ để trong nhà sửa soạn tươm tất mọi nghi lễ tiếp đón như nước, trầu, cau… Nhà trai phải vượt qua cửa ải đối đáp này mới vào được nhà. Tuy vậy, đây chỉ là nghi thức nhà gái chào đáp lễ chứ không có hàm ý làm khó cho nhà trai. Sau vài lượt đối đáp lại, người ta mở cổng cho đoàn đón dâu vào. Suốt dọc lối đi, nhà gái để sẵn những chậu, vại nước để té vào đoàn, đặc biệt là chú rể và ông mờ. Biết trước nghi lễ này, ông mờ sẽ chuẩn bị sẵn ô hoặc nón cho chú rể.
Lên nhà, chú rể nhanh chóng tách ra cùng vài thanh niên vào bếp làm cơm cho nhà gái cúng tổ tiên. Trong thời gian làm cơm, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhà gái cho ngưòi đến cản công việc của họ như giấu lợn, cho lợn ăn cám để khó làm lòng…. Muốn chuộc lợn, chàng rể phải có một lễ nhỏ hay ít tiền. Trong lúc nấu nướng, họ còn bị giấu đồ, làm tắt bếp nhưng các chàng trai phải luôn tỏ ra vui vẻ, hoà nhã. Việc làm này của bên nhà gái nhằm kéo dài thời gian của nhà trai, nếu các chàng trai làm phật lòng họ, nhà gái sẽ không ăn cỗ, và như thế, nhà trai sẽ không được rước dâu.
Cỗ bàn chuẩn bị xong, nhà gái cúng tổ tiên rồi mời nhà trai ăn uống. Các chàng trai, cô gái bên họ gái có nhiệm vụ mời thật nhiều rượu cho rể và các bạn trai của chàng uống say. Đây là cử chỉ thể hiện tấm lòng nhà gái đáp lại việc chàng rể và các chàng trai đã chịu khó, kiên nhẫn vượt được qua những thử thách trong nấu nướng. Tuy vậy, các chàng trai và cả ông mờ phải tỉnh táo, không được say, nếu không họ sẽ bị bôi nhọ. Dịp này, ông mờ và mọi ngưòi sẽ phải tỏ rõ tài uống rượu của mình. Trong ăn uống vui vẻ, một số người còn hun khói để vừa ăn vừa ho, nước mắt chảy giàn giụa. Cuối buổi mừng cưới, sau khi ông mờ có lời với bên nhà gái, chàng rể chào bố mẹ vợ để xin đón dâu về cũng bị các cô gái đeo mõ trâu vào cổ. Dâu về nhà chồng, người ta chuẩn bị cho cô một con dao rựa, 10 cái chăn bông và một cái ép (giỏ) đựng cơm nắm (khi về đến nhà chồng, cô dâu sẽ mở cơm nắm ra ăn). Đoàn rước dâu về gần nhà, các cô gái bên họ nhà trai đem đuống ra chàm (đâm, gõ) báo hiệu cô dâu đã về cho đến khi dâu, rể làm xong lễ cúng gia tiên, trình ma nhà, vua bếp mới thôi. Chàm đuống là nghi thức đón mừng dâu mới, theo từng nhịp “Cumỉ cumỉ cắc! cum! cum!” nghe rất vui tai. Bước lên cầu thang, cô dâu được mọi người đón sẵn để té nưốc rửa chân, cất nón. Lên sàn, nhà trai trai chiếu đẹp mời cô dâu ngồi cho họ hàng bên rể hát mừng cô dâu mới:
Tối hôm ấy, nhà trai tổ chức vui chơi, hát đối đáp để mọi người mừng đôi vợ chồng trẻ mà chưa làm lễ động phòng. Đêm đến, cô dâu ngủ cùng các bạn gái còn chú rể nằm chung với các bạn trai. Ngày hôm sau, cô dâu lại về nhà cha mẹ đẻ để lấy của hồi môn. Nếu của nhiều, nhà trai sẽ cử người mang giúp về. Người mang giúp có thể là chị dâu, em dâu hoặc chị em gái. Ở nhà chồng ba ngày ba đêm, cô dâu lại về ở nhà mẹ đẻ vài ba hôm và sau đó trở về nhà chồng một tối. Từ đó, cô dâu được đi lại tự do giữa gia đình mình và gia đình chồng đến lúc sinh được con đầu lòng mới ở hẳn bên nhà chồng.
Bên cạnh cưới dâu về, người Mường ở Thanh Sơn còn có tục ở rể giống người Kinh theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Nếu gia đình nhà gái hiếm hoi, người con rể có quyền như con trai, mọi chi phí trong lễ cưới do nhà gái chịu. Đổi lại, chàng rể phải đổi họ theo họ bố vợ, con cái sinh ra lấy họ mẹ. Tục ở rể thường chỉ thực hiện với những chàng trai nghèo.
Cưới xin của người Mường ở Thanh Sơn với nhiều nghi lễ là một phần quan trọng liên quan đến chu kỳ đời người. Để đi đến cưới xin, thanh niên Mường có một thời gian dài tìm hiểu chọn lựa bạn đời. Sự áp đặt theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không mấy phổ biến ở đồng bào. Do đó, hôn nhân ở người Mường Thanh Sơn là kết qua của tình yêu trai gái, giúp cho đời sống vợ chồng bền vững. Nhìn vào tục cưới xin truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn cho thấy, tuy có nhiều nghi lễ tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng lại hàm chứa các yếu tố tôt đẹp như vai trò của ông mờ trong việc đảm bảo hạnh phúc lứa đôi, hoà giải mâu thuẫn vợ chồng hay nghĩa vụ của cặp vợ chồng đối với ông; sự giúp đỡ của cộng đồng trong cưới xin…
Đám cưới truyền thống của người Mường xưa có rất nhiều những bài hát dân ca mang đậm bản sắc văn hoá tộc người. Trước đây, nhà gái và cả hội hôn thường được nghe bố mẹ chàng trai, chú bác, cô dì của nhà gái cùng hát bài hát mừng nàng dâu mới như lời chào mừng, lời dặn dò, mong đợi của bố mẹ, họ hàng nhà trai với cô dâu mới rất thiết thực. Đáp lại lời chào mừng của gia đình mới, cô dâu cũng nâng chén rượu chúc mừng bố mẹ chồng bằng những lời ca có vần có điệu tận đáy lòng mình như lời hứa sẽ trở thành nàng dâu ngoan, hiếu thảo, chăm lo việc nhà chồng.
Hiện nay, tục lệ cưới xin truyền thống của người Mường ở Thanh Sơn đã thay đổi nhiều. Những tục lệ mê tín được loại bỏ, các bước tiến hành cưới xin đã đơn gian, giảm dần lễ vật thách cưới, ăn uống. Bên cạnh đó, một số tục lệ dần mai một như tục làm mối và vai trò ông mờ, tục hát đối đáp, tục ăn trầu…; những lời ca mượt mà ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá tộc người đó đang mất dần. Tiếc rằng, nhiều đám cưới trong vùng người Mường đã không còn duy trì tục lệ hát những bài hát dân ca mang đậm sắc thái tộc người này nữa. Thay cho các làm điệu dân ca dân tộc, nhiều đám cưới của thanh niên Muờng hiện nay chỉ có nhạc rốc, nhạc ráp giống như đám cưới của người Kinh. Trang phục truyền thống của dân tộc Mường cũng đang dần bị thay thế bằng trang phục giống như của người Kinh. Cô dâu người Mường thích được mặc váy trắng nhiều tầng dài quét đất thay cho bộ áo váy truyền thống. Chú rể thì thích đóng bộ com lê, đeo cà vạt, đi giầy da. Trong đám cưới, các chàng trai, cô gái Mường cùng nhau nhảy những điệu nhảy mới quay cuồng trong những bản nhạc mạnh. Việc thách cưới bằng bạc trắng, tục dắt trâu sang nhà gái làm lễ vật xin cưới hỏi và các tập tục cổ như: Ném trấu vào đoàn nhà trai khi đến nhà gái đón dâu, căng dây, đóng cổng đòi tiền nay đã không còn nữa…
* Tục tang lễ của người Mường: Thủ tục đám tang người Mường gồm các bước: Báo tang, chôn cất, để tang, sau chôn cất.
Báo tang: Khi gia đình có người qua đời, cùng với việc khâm liệm là việc báo tang cho họ hàng làng bản biết. Thủ tục báo tang có lệ người con dâu trưởng đem chày giã vào đuống một hồi khi cha mẹ chết. Người con dâu bỏ vào đuống 7 bó lúa nếu bố chồng chết hoặc 9 bó nếu mẹ chồng chết. Rồi cùng các con gái, con dâu, mỗi người một chày đâm lấy gạo đúc vào cối của người chết. Mọi người đến nhà có tang, nhìn mặt người chết lần cuối. Chiêng trống gõ liên hồi.
Chôn cất: Người chết được tắm nước lá bưởi rồi đặt nằm ở gian giữa, được đắp chăn và mắc màn cẩn thận. Tang chủ gõ dọng dao dựa vào ngạch nhà một hồi dài rồi gọi hồn thật to: “Ông (hay bà), họ tên… ở đâu thì về nhập xác”. Có nơi tang chủ (là con trai trưởng) đập dọng dao dựa vào khung cửa 3 tiếng rồi kêu to: “Ối trời đất ơi, bố (mẹ) tôi chết rồi” và lúc này con cháu mới được khóc. Việc con cháu khóc cũng phải theo tục lệ, gọi là lễ “phát khốc”. Sau khi tang chủ đã làm thủ tục dập dao vào cửa, chiêng trống đánh nhịp chậm mới phát khốc. Quan tài là một thân cây, sau khi ngả cây, chặt bỏ cành lá ngọn gốc, lấy thân đế dài 1m80 đến 2m xẻ làm đôi, khoét ruột rồi đưa về nhà đám, đặt theo chiều dọc nhà. Có nơi như Tân lập (Thanh Sơn), người ta trùm lên quan tài tấm ván nếu người chết ở tuổi cao và trùm vải trắng nếu người chết còn trẻ. Người ta quan niệm rằng những người thọ cao là sự phát đạt, biểu hiện dương tính, màu đỏ là thuộc dương nên trùm màu đỏ lên áo quan và chắt cũng để tang cụ khăn màu đỏ. Màu trắng thuộc âm, áo quan màu tráng chỉ sự mất mát thuộc âm tính giành cho người chết trẻ. Phủ vải xong, người ta buộc 2 đầu lại thành cái túi bọc áo quan, đặt lên mễ. Trên quan tài đặt một cái mâm có cái bát và chỉ một chiếc đũa, 1 chén rượu, 1 bát nước lã, 1 đĩa trầu cau. Bên dưới mâm theo chiều vai của người quá cố để một chiếc đũa. Trên quan tài để một chiếc đũa cho người đã khuất vì người khuất ăn ít và dưới mâm để một chiếc đũa giành cho quỷ thần ăn chậm. Nếu để cả đôi nó sẽ ăn nhanh, mất phần của người chết.
Nhập quan rồi nhưng chưa phải là đã chôn ngay. Người Mường có tục thờ ma ở trong nhà, có nghĩa là để áo quan ở nhà từ 7 ngày tới 3 tháng rồi mới đưa ra mộ. Cũng tùy theo địa phương và cả theo tình hình kinh tế của gia đình mà số ngày để áo quan trong nhà có khác nhau, có nơi 7 ngày có nơi vài tháng, nay hủ tục này không còn. Trước kia, có nơi còn có tục lệ phân biệt đối xử: Ông ngài, nhà lang chết quan tài dặt dọc theo đòn nóc, còn người dân thường chết, quan tài lại đặt theo chiều ngang nhà theo xà ngang của nóc. Khi đưa quan tài ra cửa, quan tài ông ngài, nhà lang đưa theo cửa chính, gian đầu, có thang xuống, còn dân thì tung vách sau lùa quan tài ra.
Thờ ma trong nhà, chưa đem chôn, ngoài ý nghĩa tục lệ còn có ý nghĩa kinh tế vì nhiều trường hợp, gia chủ không có đủ tiền làm ma “trả nợ miệng’, không dám đem chôn vì sẽ có người buộc mớ lá vào cái cọc cắm ở mộ. Quan tài để trong nhà, hàng ngày phải cúng lễ, mỗi ngày 2 bát cơm, 1 đĩa thịt, 1 đĩa rau và đốt hương khấn mời tận miệng.
Vì tập quán ăn uống nặng nề nên có tục “làm ma khô”,người đã khuất đặt trong quan tài dể ở nơi thoáng gió, khi nào có điều kiện mới tiến hành đưa đám và đem chôn, lúc này xác đã khô. Quan tài đóng gỗ tốt, ghép cẩn thận, đục một lỗ cắm ống bương cho chui qua nóc nhà để thông hơi người chết.
Đưa ma là công việc quan trọng, có nhiều hình thức lễ nghi phiền phức và nhiều lễ tiết, tục lệ dường như chịu ảnh hưởng của lễ tang người Kinh. Việc phát tang chỉ tiến hành khi định được ngày, giờ chôn cất. Sau phát tang dân làng mới phúng viếng và ăn uống cho tới khi chôn cất xong. Việc đưa ma gồm có các bước: Đưa ma từ nhà tới nơi chôn. Dọc đường ma đi có một trạm nghỉ gọi là nhà “Đạo lộ”, quan tài dừng lại ở đây làm lễ rồi lại đi tiếp, đó là lễ thần đưa đường cho hồn ma. Đến nơi an táng, quan tài được chôn xuống huyệt. Việc để tang được bắt đầu từ sau lễ hạ huyệt.
Người Mường không có nghĩa trang mà chôn cất, thường có sự chỉ dẫn của thầy mo. Mộ nhà nọ không chôn gần mộ nhà kia. Khi chôn thực hiện theo lệ “Đầu gối tựa sơn, chân đạp thủy” và cũng không có lệ cải táng nên huyệt sâu. Ở trên mộ có tục để ở phía đầu một hòn đá, ở phía chân 2 hòn đá gọi là “làm nay”. Người ta chôn cạnh mộ một cái hũ làm vại nước cho người chết, 1 chiếc mâm, 4 cái bát, 4 đôi đũa, 2 nồi, 2 niêu, 1 dao bằng gỗ. Cũng có nơi rắc gạo và đỗ quanh mộ nếu đỗ nảy mầm là “Mồ yên mả đẹp”, nếu không nở mầm cho là chết không phải giờ.
Người Mường ở huyện Thanh Sơn còn có tục làm “tờ họ” khi hạ huyệt. Người ta đem theo một tờ giấy khổ rộng có vẽ hình tổ họ. Mỗi họ Mường đều thờ một con vật tổ như chào mào, cuốc, ca ca, thằn lằn, rắn ráo v.v..: và mỗi con vật ấy đều có truyền thuyết gắn với dòng họ. Hình vẽ “Vật tổ” ấy được gọi là “tờ họ”. Người ta cặp nứa ở đầu tờ họ và buộc cán, cắm vào bát cơm có quả trứng luộc bóc vỏ đặt tên chốc quan tài, bát cơm quả trứng được chôn theo quan tài, còn tờ họ đặt trên mộ.
Đưa đám và hình thức tang trở: Đồng bào Mường cũng có tục con trai con gái của người chết khi đưa áo quan đi khỏi nhà thì lăn đất như tục người Kinh và đi giật lùi trước quan tài, khi quan tài đặt lên đòn khiêng rước đi thì đi dưới gầm đòn khiêng. Trong đám tang con trai đội mũ rơm, con gái đội mũ xô bồ, cháu nội đội mũ vặn dây chuối. Đưa ma mẹ, con cháu đi lùi, đưa ma bố con cháu đi thẳng.
Việc để tang: Trai, gái, dâu, rể để trở 2 năm 3 tháng và trai gái không được dựng vợ gả chồng, cháu nội trở 1 năm, chắt 5 tháng, anh em để trở nhau 5 tháng.
Một số nghi lễ trong tang lễ: Trong 3 ngày đầu sau khi chôn cất, gia đình phái đem ra mả cơm, nước, củi đóm gọi là tục “bỏ mả”. Trong 3 ngày ấy làm ma to nhỏ tùy theo từng gia đình, đây là việc “làm hiếu’, nhà giàu có thể mổ trâu để làm hiếu. Sau 3 ngày không mang cơm nước ra mồ gọi là “đóng cửa mả”. Sau trăm ngày có lễ đốt nhà táng.
Thờ 3 tháng 10 ngày sau khi chôn, mỗi ngày 2 bữa cơm, 1 đĩa thịt, 1 đĩa rau, đốt hương khấn “mời miệng” mời thầy mo cúng tiễn ma đi, cho ma 1 mâm, 1 bát, 1 chén, 1 đôi đũa, 2 nồi con, đem ra mộ úp lên chốc mả. Thầy mo gieo đỗ con hay vừng quanh mộ, đỗ có 2 gói: 1 để sống, 1 luộc chín, gói luộc giành cho “thần trùng”, gói sống cho gia chủ khấn lễ thần trùng, đại ý “Qúy quan nhận đỗ”, nếu đỗ này mang về âm cung mà nở thì quan về đòi nợ nhà chủ, nếu không nở không được về đòi”. Ở một số xã ở huyện Thanh Sơn và Yên Lập, cũng trong tục này người ta còn đặt ở 2 đầu mả 2 vại hay 2 vò nước và đặt 4 góc mộ 4 hòn đá.
Người Mường có tục: Cúng tam nhật (3 ngày), cúng 10 ngày, cúng 100 ngày, làm giỗ đầu, làm giỗ hết.
Ngoài các nghi lễ, tập tục về tín ngưỡng vòng đời, tín ngưỡng lúa nước, cưới hỏi, tang ma… người Mường Thanh Sơn còn có nhiều tập tục và kiêng kỵ khác: Người Mường có tục “giỗ họ” nghĩa là chỉ cúng tổ 3 đời, ít khi đến tổ 5 đời, nhưng họ nào duy trì được tục cúng tổ 4 đời thì họ hàng góp gạo thịt để làm giỗ chung. Con hay cháu được hưởng ngôi nhà của các cụ để lại thì lo việc giỗ.
Người Mường lấy gian nhà đầu cầu thang lên làm “gian gốc”. Gian này rất quan trọng, có bàn thờ tổ tiên. Đám cưới, gian này xếp 3 mâm “cỗ gốc”. Kể cả khách sang cũng không được ngồi ăn ở gian gốc. Cả tàu lá chuối cắt ra bày cỗ cũng phải để ý đến gốc ngọn. Gốc tàu lá phải quay lên cửa sổ, phía trên giành cho vai trên ngồi. Nếu vô ý để ngọn lá quay lên cửa sổ sẽ bị coi là hỗn láo, thậm chí không cho ăn cỗ nữa. Trong gian gốc người ta coi trọng cột chồ (cột cái gian đầu). Người ta kiêng đóng đinh, đứng dựa cột hoặc ngồi dựa cột chồ. Trên đầu cột chồ ở nhà con trưởng có bàn thờ dòng họ.
Mỗi dòng họ có một loài vật tổ của mình như chim, hổ, chó, khỉ… Cho đến nay các dòng họ người Mường vẫn giữ tục kiêng không giết và ăn thịt vật tổ của họ mình. Ngoài ra còn có rất nhiều tục kiêng kỵ như:
– Khi chưa làm lễ động thổ kiêng không được bắc nước vào ruộng.
– Kiêng khách và con rể ngồi quay lưng vào bàn thờ.
– Kiêng nằm ngang trước bàn thờ mà đầu phải luôn quay lên bàn thờ.
– Kiêng đánh mắng con cháu nếu không may vỡ bát đĩa.
– Nhà có tang cha mẹ không được ra đình đám, đám cưới (giống người Kinh).
– Khi chào người trên kiêng để mũ nón trên đầu.
– Kiêng để vết trôn nồi trên bếp tro, bắc nồi ra phải gạt phẳng gio bếp.
– Kiêng để quai nồi chĩa vào giữa bếp và chĩa thẳng vào mâm ăn.
– Kiêng nằm ghếch chân lên cột chồ.
– Sào nhà không được hướng Bắc- Tây mà phải để gốc đằng Đông Nam, ngọn phía Tây Bắc…vv và rất nhiều kiêng kỵ khác
Xã Tất Thắng trong lễ tế Tản Viên có tục hèm cơm đỏ cơm đen bằng lúa nếp nương cũng là để ghi nhớ Tản Viên dã dạy dân trồng lúa.
Tín ngưỡng với nhu cầu tinh thần, thường là lĩnh vực chậm biến đổi bởi nó ăn sâu, bắt rễ trong tâm lý, trở thành thói quen trong sinh hoạt cùa con người. Tuy nhiên, cùng với những đổi thay dang diễn ra hàng ngày, tín ngưỡng Mường cũng có những biến đổi tất yếu: Ngôi nhà sàn vốn có những không gian thiêng (voóng tôông cùng với bàn thờ tô tiên, lò bếp với ba hòn nục, cột cái gần bếp…) khi chuyển sang ở nhà bê tông mái ngói hoặc mái bằng, mạc nhiên những không gian thiêng này không còn như xưa, thậm chí không còn hoặc buộc phải thay đổi. Chẳng hạn, trong đám tang cha, đâu còn voóng tông (cửa sổ gian ngoài, nơi đặt bàn thờ tổ tiên) để người con trai cả thực hiện tập tục chặt ba nhát vào thành cửa như dấu hiệu bắt đầu tang lễ và nhận trách nhiệm thay cha lo việc thờ cúng tổ tiên; quan tài người quá cố trước kia phải đưa ra qua voóng tôông với đầy đủ ý nghĩa lâm linh cùa nó, nay phải khiêng qua cửa chính; vị trí đặt bàn thờ cũng mặc nhiên thay đổi cho phù hợp với không gian của ngôi nhà xây. Cũng không còn cột cái cạnh bếp – nơi thường buộc những cây lúa nương (giữ vía lúa) hoặc đặt những quả bí bên cạnh cột (cầu mong no ấm, đông con nhiều cháu) trong lễ mừng nhà mới nữa.
Giống như người Kinh, người Mường cũng thờ vua bếp. Tuy nhiên việc thờ cúng vua bếp ở người Mường không phải vào ngày 23 tháng Chạp mà là vào ngày thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên Đán. Việc thờ Thổ Công khá phổ biến trong các gia đình người Mường. Vào bất cứ ngôi nhà nào của người Mường, chúng ta đều thấy ở sân trước hoặc ở đầu nhà có một bàn thờ nhỏ làm bằng tre, mái tranh. Đấy là nơi thờ Thổ Công, vị thần cai quản đất đai của gia đình. Khác với người Kinh, Thổ Công được thờ bằng một bát hương riêng và có khi được đặt cùng với bàn thờ gia tiên. Nơi thờ Thổ Công của người Mường bao giờ cũng chỉ được làm một mái, lý do dược người dân Mường kể lại như sau: Hai anh em nhà thần Thổ Công là người Mường Trời được vua trời phái xuống để trông nom các phần đất cho từng gia đình sinh sống. Hai anh em bàn nhau chọn ngày tốt để dựng một ngôi nhà cho mình. Trong lúc chờ chọn ngày tốt làm nhà thì hai anh em phải dựng một túp lều ở tạm, túp lều đó chỉ có một mái. Sau đó họ chọn mãi vẫn không được ngày tốt, chọn được ngày tốt đối với anh nhưng lại không tốt với em và ngược lại. Vì thế mà không thế chọn được ngày ưng ý, về sau họ quyết định ở luôn trong căn nhà một mái như vậy. Do đó, nơi dùng làm nhà thờ Thổ Công trong các gia đình người Mường bao giờ cũng chỉ có một mái. Vào dịp tết, giỗ… lễ cúng Thổ Công được các gia đình đặt lên miếu thờ ba vị Thổ Công các lễ vật để cầu mong sự an lành cho gia dinh.
Như vậy, cùng với tín ngưỡng cộng đồng, các hình thức thờ cúng trong gia đình chi phối toàn bộ hoạt động trong những ngày lễ tết cùa người Mường. Sự đa dạng về các hình thức thờ cúng trong gia dinh người Mường được thể hiện như là một đặc điểm nổi trội trong văn hóa tinh thần cùa họ. Các hoạt dông này không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống gia đình đối với các thế hệ con cháu, mà còn thể hiện lòng biết ơn những người có công sinh thành, bảo vệ và mang đến cho họ cuộc sống.
Tuy nhiên, ngày nay các nghi thức và hình thúc thờ cúng trong gia dinh người Mường cũng có nhiều sự khác biệt so với cổ truyền. Có rất nhiều yếu tố tác động khác nhau, nhưng trước hết là sự tác động của xã hội hiện đại đã làm thay đổi về cơ bản cơ cấu kinh tế của mỗi gia dinh. Sự tác động trực tiếp vào cơ chế kinh tế tự cấp, tự túc vốn đã tồn tại từ ngàn xưa của người Mường và làm biến đổi khá nhiều các yếu tố của nền kinh tế truyền thống. Sự biến đổi đó tuy diễn ra chậm chạp nhưng đã có những hệ quả tương đối rõ ràng về các giá trị về văn hóa. Nó thể hiện trong sự thay đổi các yếu tố về quyền thừa kế tài sản cho con trat, các luật tục trong việc phân chia ruộng đất, phân công lao dộng… là những yếu tố bất biến trong xã hội Mường có truyền. Tất cả tác động đó đều liên quan trực tiếp tới điều kiện của các gia đình trong thực hành tín ngưỡng, quyết định sự phong phú, hay nghèo nàn trong các nghi thức thờ cúng.
Có thế nói, về cơ bản các hình thức tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình người Mường vẫn được duy trì theo truyền thống xưa. Việc thờ cúng tổ tiên vẫn được các gia đình thực hiện trong các dịp lễ tết, các nghi thức thờ thần bản mệnh và Thổ Công cũng vậy. Tuy nhiên, nghi thức đã được vận dụng vào thực tế hoàn cành của từng gia đình. Trước đây, tục lệ về đồ cúng các thần linh bắt buộc phài có ba mâm: Một mâm dành cho bố mẹ đã khuất, mâm thứ hai dành cho các vị tổ tiên họ nội, màm thứ ba dành cho các vị tổ tiên họ ngoại. Thịt lợn, gà phải có đủ các bộ phận vì theo quan niệm, nếu thiếu là thể hiện sự không tôn trọng với ông bà, tổ tiên nội ngoại… thì nay đã được nhiều gia đình đơn giản hóa bằng cách cúng chung một mâm với các đồ cúng lễ tùy theo điều kiện cùa mỗi gia đình.
Điều nhận thấy rõ nhất sự biến đổi trong các nghi lễ thờ cúng là khi người phụ nữ sinh nở. Với niềm tin thiêng liêng về sự gắn bó giữa tổ tiên với số phận của mỗi thành viên gia đình, mỗi khi có đứa trẻ ra dời, người Mường không bao giờ quên làm lễ trình báo tổ tiên để cầu xin sự phù hộ, che chở. Trước đây người phụ nữ thường sinh đẻ ở nhà, bất kể dù mùa đông hay mùa hè đều phải ngồi bên bếp lửa, các cửa được đóng kín, điều kiện vệ sinh rất hạn chế, cộng thêm vào dó là các nghi thức cúng lễ thường rườm rà, tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của gia đình. Ngày nay các sản phụ được đưa đến trạm xá, được hướng dẫn các kiến thức nuôi dạy con và các thù tục rườm ra đã được thay thế bằng sự giản tiện, đôi lúc chỉ mang tính nghi thức mà thôi.
Không có một nền văn hóa nào đang tồn tại mà không dựa vào truyền thống vốn có từ xa xưa. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đối với gia đình người Mường thì các phong tục tập quán cổ xưa đã được bà con kế thừa một cách có chọn lọc. Phần lớn các hủ tục trong nghi lễ gây ảnh hưởng tới kinh tế đều bị loại bỏ. Ngược lại những phong tục tốt được lưu giữ, thậm chí có những giá trị hoàn toàn mới được phát triển trên cơ sở truyền thống lâu đời của tộc người. Ngày nay, mặc dù sống trong xu thế của nền kinh tế mới, việc các gia đình người Mường vẫn còn lưu giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp góp phần không nhỏ vào việc duy trì kết cấu gia đình ổn định, một cộng đồng đoàn kết trên tinh thần yêu quê hương, xứ sở, bản Mường, gắn với thiên nhiên hùng vĩ, hòa đồng và hướng về cội nguồn dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nói trên, sinh hoạt tín ngưỡng của người Mường cũng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ cho đời sống xã hội. Với quan niệm có một thế giới thần linh cai quản vũ trụ và con người, người Mường sống phụ thuộc nhiều vào thế giới các thần linh mà xem nhẹ năng lực sáng tạo của bản thân mình. Bên cạnh đó, sinh hoạt tín ngưỡng rất dễ bị đan xen, trà trộn vào đó những niềm tin mù quáng và các hành vi tín ngưỡng phi văn hoá, phản giá trị.
Đối với người Mường, hệ thống tín ngưỡng có vai trò rất quan trong trong đời sống xã hội. Với tư cách là một yếu tố của bản sắc văn hóa tộc người, thông qua hệ thống tín ngưỡng, chúng ta có thể thây đươc thế giới quan, nhân sinh quan, phong tục tập quán, tâm hồn, tình cảm người Mường. Các loại hình tín ngưỡng hiện có tác động sâu sắc đến đời sống xâ hội của đồng bào Mường trên cả hai chiều hướng: Tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực, các loại hình tín ngưỡng của người Mường tồn tại lâu dài cùng với thời gian lịch sử, đã phần nào đáp ứng nhu cầu nhận thức, nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tâm linh, tinh thần của đồng bào. Thông qua sinh hoạt tín ngưỡng, người Mường có thể tìm thấy lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc mình, đồng thời lý giải được câu hỏi muôn thuở của bất kỳ cộng đồng dân tộc nào, đó là khi chết người Mường sẽ đi về đâu. Có thể nói, hệ thống tín ngưỡng của người Mường đã phần nào lột tả được thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường. Với các loại hình tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, thờ Quốc Mẫu Vua Bà, thờ Thần núi Tản Viên, thờ Thành hoàng cùng rất nhiều những tín ngưỡng, lễ nghi nông nghiệp khác đã phần nào thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường.
Bên cạnh đó, hệ thống tín ngưỡng của người Mường đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, giáo dục và hướng con người đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ./.