Tết Âm lịch – đậm đà truyền thống Á Đông

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là bốn quốc gia ở Châu Á cùng sử dụng Hán Tự, cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho Giáo và Phật Giáo trong lịch sử phát triển. Vì thế, có nhiều sự tương đồng trong văn hóa giữa Việt Nam và ba quốc gia còn lại, cụ thể là phong tục mừng năm mới. Bài: Thảo Nguyên Ảnh: Internet

Đối với các quốc gia Châu Á trên, Tết Âm lịch là ngày Tết quan trọng nhất của năm với nhiều nghi thức đặt biệt để tiễn đưa một năm cũ đã qua và đón chào năm mới. Trung Quốc Nhật Bản và Việt Nam từ ngàn xưa đều có truyền thống ăn mừng ngày Tết âm lịch, vốn là cách tính thời gian theo chu kì vận hành của mặt trăng.

Tết âm lịch ở Việt Nam còn có tên gọi khác là Tết Cổ Truyền hay Tết Nguyên Đán (Nguyên: Sự khởi đầu mới; Đán: Buổi sáng). Ở Trung Quốc còn gọi là Quá Niên hay Xuân Tiết. Ở Hàn Quốc gọi là Seollal, còn ở Nhật thì gọi là Oshougatsu. Đêm giao thừa sum họp gia đình ở Việt Nam được gọi là Tất Niên, còn ở Trung Quốc thì gọi là Trừ Tịch, nghĩa là đêm của sự thay đổi. Từ năm 1873, người Nhật đã gộp chung ngày Tết Âm lịch vào cùng với Tết Dương lịch vì lý do giảm thiểu ngày nghỉ và tăng sản lượng quốc gia. Mặc dù vậy, đất nước Mặt trời mọc vẫn gìn giữ  những truyền thống lâu đời của dân tộc trong ngày đầu năm mới.

Chuẩn bị đón Tết

ảnh 3

Để chuẩn bị đón Tết, nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mọi thứ phải thật tinh tươm, những gì cũ kĩ hay không may mắn của năm cũ phải đem vứt bỏ để mang lại nhiều mai mắn tốt lành khi năm mới đến. Ở Việt Nam còn có phong tục đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp. Đây cũng là lúc không khí Tết thực sự rộn ràng. Mọi người chuẩn bị mua sắm bánh mứt, hoa quả, thức ăn để chuẩn bị cho Tết. Người Trung Quốc cắt giấy đỏ có những chữ với ý nghĩa may mắn như “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” dán vào cửa. Ở Việt Nam cũng dán những tờ giấy đỏ lên dưa hấu hay treo chúng lên những cành mai, cành đào. Người Nhật có tập quán trang trí cây thông (kadomatsu) trước cửa nhà, trước cửa hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama – vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng cho nhiều mong ước về một năm mới tốt lành.ảnh 3

Tuổi mới

Khi năm mới đến, mỗi người được thêm một tuổi, vì thế mới có phong tục mừng tuổi lẫn nhau. Trẻ em chúc Tết ông bà cha mẹ và người thân sau đó nhận được những bao lì xì. Ở Trung Quốc gọi là Hồng Bao. Ở Hàn Quốc, sau lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa là đến nghi thức Seba, con cháu bái lạy ông bà cha mẹ và chúng cũng được nhận quà từ người lớn. Trẻ em Nhật Bản cũng rộn ràng nô nức khi được cầm trên tay tiền mừng tuổi “Otoshidama”.
 

Lời chúc và kiêng kị

Lời chúc năm mới của Trung Quốc là “Cung Hỷ Phát Tài”. Ở Việt Nam là “Chúc mừng năm mới” và còn thêm nhiều lời chúc khác như “An Khang Thịnh Vượng”, “Vạn Sự Như Ý”… Vào năm mới, người ta chỉ được nói những lời thật tốt đẹp dành cho nhau. Có một số điều kiêng kị như không được quét nhà vì như thế tài lộc sẽ bị quét đi mất. Hay không được cho mượn lửa hay nước vì sẽ làm mất đi sức sống và thịnh vượng. Ở Trung Quốc còn không được gội đầu vào năm mới vì tóc trong tiếng Trung có phát âm gần với từ Phát, vì thế gội đầu sẽ làm mất đi sự phát tài phát lộc của người đó. Đặt biệt còn có tục lệ xông đất ở Tết âm lịch. Người đầu tiên ghé thăm vào ngày đầu năm sẽ có ý nghĩa quyết định đến gia chủ trong năm đó. Vì thế ngày đầu năm thường những người được mời mới đến ghé thăm nhà.

Trang phục đón Tết

Ở Hàn Quốc và Nhật Bản người ta  mặc trang phục cổ truyền để đón năm mới là Hanbok và Kimono. Trong khi đó Trung Quốc và Việt Nam thì không bắt buộc phải mặc trang phục cổ truyền nhưng phải là những trang phục mới nhất, đẹp nhất. Ở Trung Quốc đặc biệt chuộng màu đỏ vì có truyền thuyết về con quái vật tên Niên hay làm con nít khóc vào ngày Tết. Có một lần người ta phát hiện con Niên sợ hãi khi thấy em bé mặc áo đỏ. Từ đó người ta luôn trang hoàng màu đỏ cho ngày Tết.
 

Món ăn ngày Tết

Về mâm cỗ Tết thì ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều rất đa dạng và phong phú. Tùy vào đặt trưng thổ địa của mỗi nước mà ta có những món ăn khác nhau. Như Việt Nam ta có bánh chưng, bánh giày, mứt dừa, dưa kiệu… Ở Trung Quốc lại có bánh Nian Gao. Ở Hàn Quốc thì không thể thiếu bánh gạo Toekkuk và kim chi. Mỗi mâm cỗ luôn có rất nhiều món ăn thể hiện sự sung túc đủ đầy với hi vọng mỗi ngày trong năm mới đều được  như vậy. Còn tại Nhật Bản, vào buổi sáng đầu tiên của năm, cả gia đình sẽ cùng quây quần bên bàn ăn, uống rượu sake và ăn ozoni, món súp truyền thống gắn liền với ngày Tết. Đặc biệt, người Nhật còn chuẩn bị Osechi-ryori – gồm nhiều món ăn phong phú được đựng trong một chiếc hộp sơn mài. Mỗi món ăn và các thành phần trong osechi có ý nghĩa riêng, chẳng hạn như sức khoẻ tốt, mùa màng bội thu, cầu chúc trường thọ…