Tết Đoan Ngọ tại thành phố Hồ Chí Minh – Lễ hội – Ban Dân Tộc (Tiếng Việt)
Ngày 12 tháng 6 năm 2013 (nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) là ngày tết Đoan Ngọ truyền thống của đồng bào người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh và cũng là một trong những ngày lễ nhộn nhịp và thú vị trong năm. Để hiểu rõ hơn về ngày tết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 3 nội dung chính: nguồn gốc, các tập tục trong ngày tết Đoan Ngọ và những nét đặc sắc của ngày tết Đoan Ngọ tại thành phố Hồ Chí Minh.
1. Nguồn gốc ngày tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Đoan Dương, Trùng Ngọ, Đoan ngũ, Trùng Ngũ, Bồ Tiết, Tết Thi Nhân, …
Có rất nhiều cách giải thích về nguồn gốc của ngày lễ này như:
– Câu chuyện về nàng Tào Nga cứu cha;
– Tín ngưỡng thờ rồng: có người cho rằng mùng 5 tháng 5 chính là ngày tế rồng của tín ngưỡng này;
– Là ngày lễ bắt nguồn từ tiết Hạ Chí;
Nhưng cách giải thích thông dụng nhất về nguồn gốc của ngày tết Đoan Ngọ vẫn chính là kỉ niệm ngày mất của Khuất Nguyên: Khuất Nguyên là một vị đại thần của nước Sở thời Chiến Quốc. Ông là vị trung thần, là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Quốc. Do can ngăn vua không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nghe tin đã chèo thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Sau đó mỗi năm cứ đến ngày này, người dân lại làm bánh, chèo thuyền ra sông và ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
Chúng ta sẽ tìm hiểu các tập tục của ngày tết Đoan Ngọ gắn liền với câu chuyện này qua các phần trình bày tiếp theo.
2. Các tập tục nguyên gốc của ngày tết Đoan Ngọ
2.1 Ăn bánh ú:
Tương truyền, sau khi Khuất Nguyên nhảy sông Mịch La tự vẫn, người dân yêu mến ông sợ cá tôm rỉa xác của ông nên đã dùng nếp và lá để gói thành bánh đem thả xuống sông cho cá ăn để bảo vệ thân xác của ông. Và từ đó xuất hiện tập tục ăn bánh ú trong ngày tết này.
2.2 Đua thuyền rồng:
Hoạt động náo nhiệt nhất trong ngày tết Đoan Ngọ chính là đua thuyền rồng, đây cũng chính là hoạt động liên quan đến Khuất Nguyên, tương truyền sau khi nghe tin ông nhảy sông tự vẫn, người dân đã đua nhau chèo thuyền ra sông để vớt xác ông nhưng không thể vớt được; về sau đã dần trở thành một hoạt động vui chơi thú vị trong ngày tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ cũng chính là thời điểm giao mùa, tháng 5 âm lịch chính là thời điểm đầu mùa hạ với khí trời oi bức, các dịch bệnh hay phát sinh, côn trùng sâu bọ đua nhau sinh sôi nảy nở phá hoại mùa màng và gây hại cho người dân. Do khoa học kỹ thuật thời xưa chưa phát triển nên nảy sinh nhiều tập tục thú vị để phòng bệnh và giữ gìn sức khỏe trong ngày tết này; theo truyền thống, ngày mùng 5 tháng 5 được xem là ngày xấu, vì vậy trong dân gian xuất hiện nhiều tập tục phong phú như: uống rượu hùng hoàng, treo lá ngải – xương bồ, dán hình “ngũ độc”, đeo túi ngũ sắc, … để trừ tà và đuổi sâu bọ độc hại.
2.3 Uống rượu hùng hoàng:
Đây là loại rượu được nhiều người sử dụng trong dịp tết Đoan Ngọ, “hùng hoàng” (theo sách Bản Thảo Cương Mục) là một vị thuốc có thể giết sâu bọ và tiêu độc, được dùng với liều lượng thích hợp để pha rượu uống gọi là rượu hùng hoàng; ngoài ra, rượu này còn được dùng để xức lên mặt, lòng bàn tay của trẻ em hoặc rưới lên các góc tường để trừ sâu độc.
2.4 Treo lá ngải, xương bồ:
Nét đặc trưng trong ngày tết Đoan Ngọ chính là việc “trang trí” trước cửa nhà, khác với ngày tết cổ truyền với các câu đối màu đỏ tươi, tết Trung Thu với những chiếc lồng đèn đủ màu sắc thì tết Đoan Ngọ lại đặc biệt hơn với một màu xanh mơn mởn của những bó lá treo trên cửa lớn. Đó chính là những bó lá ngải, xương bồ. Người dân quan niệm rằng khi treo những bó lá như thế sẽ có công dụng đuổi tà ma, xua đuổi các loài sâu bọ có hại bay vào nhà.
Thời điểm tết Đoan Ngọ là khoảng thời gian bước vào đầu mùa hạ, mưa nhiều ẩm ướt tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, nên việc treo lá ngải và xương bồ có tác dụng rất hiệu quả cho việc phòng trừ các loại sâu bọ, côn trùng gây hại này vì đây chính là các loại lá có hương thơm khá nồng có thể xua đuổi các loại côn trùng sâu bọ có hại cho sức khỏe con người.
2.5 Đeo túi ngũ sắc:
Đây là loại túi dùng vải và chỉ ngũ sắc để may và được may thành hình quả cầu, chú cọp, trái đào, … bên trong đựng các loại hương liệu như hạt mùi, hùng hoàng, hương du, … Vào ngày tết này, người dân thường cho trẻ em đeo trên mình có tác dụng xua đuổi côn trùng sâu bọ làm hại trẻ em và cầu mong những điều tốt lành may mắn cho các bé..
Trên đây là các tập tục nguyên gốc của ngày tết Đoan Ngọ, các tập tục nêu trên hiện vẫn được người Trung Quốc duy trì cho đến ngày nay.
3. Tết Đoan Ngọ tại thành phố Hồ Chí Minh
Thời xa xưa, người Hoa trong quá trình di dân đến vùng đất mới đã đem theo bên mình hành trang về những nét văn hóa đặc sắc này, khi đến định cư trên quê hương mới, các tập tục nguyên gốc của những ngày lễ cũng dần dần được thay đổi và kết hợp với yếu tố bản địa tại vùng đất mới này để tạo nên một sắc thái văn hóa hoàn toàn mới.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, vào dịp tết Đoan Ngọ hàng năm, chỉ còn lưu lại một vài tập tục được người dân duy trì và một vài tập tục đã được “phát minh” mới, một số tập tục đã được bỏ đi như đua thuyền rồng, dán hình ngũ độc, …
3.1 Ăn bánh ú: vào những tuần lễ trước ngày tết, người dân khắp nơi đã nhộn nhịp chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết cho việc gói bánh, bước vào thời điểm trước ngày tết khoảng 1 tuần, các tuyến đường xung quanh các chợ tại các khu vực có đông đồng bào người Hoa sinh sống, chúng ta sẽ thấy các hàng quán bán bánh ú mọc lên rầm rộ. Các loại bánh ú do đồng bào người Hoa làm vô cùng phong phú về hình dáng và cả chủng loại, tùy theo nhóm ngôn ngữ mà có các loại bánh khác nhau như: bánh ú mang phong cách của người Quảng Đông, bánh ú của người Triều Châu, bánh ú của người Phúc Kiến, bánh ú tro, … tha hồ cho thực khách chọn lựa.
3.2 Treo bó lá “thập cẩm” kèm 1 nhánh xương rồng trước cửa nhà: khác với tập tục treo lá ngải xương bồ nguyên gốc, tại thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày tết Đoan Ngọ, người Hoa vẫn giữ tập tục treo lá trước cửa nhà nhưng lại là 1 bó lá gồm nhiều loại như: lá sả, lá liễu, lá bưởi, và các loại lá có mùi thơm khác, đến giờ ngọ, người dân sẽ dùng những lá này để tắm rửa với hi vọng gột rửa đi những điều không may mắn và kể cả bệnh tật. Trong bó lá “thập cẩm” này người Hoa còn thường treo kèm 1 nhánh xương rồng nhỏ có tác dụng trừ tà ma gây hại cho con người.
Và đặc biệt là các gia đình còn trộn một loại “hương liệu” dồi vào các túi giấy được tạo hình trụ thon dài dùng để đốt xua đuổi ruồi nhặng sâu bọ trong nhà, và những năm gần đây đã được cải tiến thành hình dáng của 1 cây nhang khá to để khi đốt tàn tro có thể dễ dàng thu dọn.
3.3 Các tập tục khác như: ăn canh ích mẫu, phơi nắng mặt trời vào lúc 12 giờ trưa, chớp mắt nhìn mặt trời để chữa các bệnh về mắt, …
Ngày tết Đoan Ngọ chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, không có những hoạt động mang tính cộng đồng “rầm rộ”, náo nhiệt như ngày tết cổ truyền đầu năm, tết Nguyên Tiêu. Khởi nguồn từ một ngày lễ về thời tiết (mùa hạ), đến việc gắn kết với việc kỉ niệm ngày mất của Khuất Nguyên đã dần dần biến đổi trở thành một ngày lễ trong năm để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên bằng việc dâng cúng những chiếc bánh ú đặc sắc truyền thống mang đậm tinh thần hiếu nghĩa của người dân; và chiếc bánh ú cũng đã trở thành một món lễ vật ngày lễ để mọi người trao tặng cho nhau với mục đích duy trì mối quan hệ tình cảm tốt đẹp.
Theo đà phát triển của xã hội, ngày tết này đã ngày càng lược bỏ được những tập tục lạc hậu cổ xưa, nhưng giữ lại được những nét đặc sắc vốn có của mình và tiếp thu thêm nhiều yếu tố mới và trở thành một nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đang được đồng bào người Hoa tại thành phố duy trì, bảo tồn và phát triển góp phần xây dựng và làm phong phú thêm nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nước ta.
Trần Chí Minh (Bài / Ảnh)