Tết Đoan ngọ 2022 rơi vào ngày nào?
(VTC News) –
Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm, được cúng lễ vào ngày 5/5 Âm lịch. Như vậy Tết Đoan ngọ 2022 rơi vào thứ 6 ngày 3/6 Dương lịch.
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Nguồn gốc Tết Đoan ngọ
Truyền thuyết về ngày Tết Đoan ngọ ở các quốc gia cũng khác nhau. Ở Việt Nam có truyền thuyết rằng vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.
Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây. Sau đó, mọi người ra trước nhà mình vận động thể dục.
Người dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.
Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Từ đó, dân gian thường cúng ngày Tết Đoan ngọ bằng một số món ăn và hoa quả phổ biến theo mùa như: rượu nếp, nếp cẩm, bánh tro, mận, vải…
Trong ngày này, người ta thường sum họp ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.
Món ăn giết sâu bọ trong Tết Đoan ngọ
Người dân thường cúng rượu nếp và hoa quả ngày Tết Đoan ngọ.
- Bánh gio (bánh tro, bánh ú tro): Vào ngày nóng bức của tháng 5 âm lịch, những chiếc bánh ú tro có tác dụng giải nhiệt, dễ ăn và dễ tiêu hóa. Bánh mềm dẻo, vị nhạt, tính mát, thường ăn với mật mía. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm trong nước tro đốt từ các loại cây khô. Bánh gio có hình dạng khác nhau ở các địa phương, có nơi gói thuôn dài, có nơi gói thành hình chóp tam giác.
- Cơm rượu nếp: Theo quan niệm dân gian, cơm rượu nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể.
- Trái cây theo mùa: Món ăn giết sâu bọ phổ biến nhất, nhà nào cũng dễ dàng chuẩn bị chính là các loại trái cây đang mùa thu hoạch như vải thiều, mận ở miền Bắc hay chôm chôm ở miền Nam.
- Xôi, chè các loại: Thường người miền Bắc ăn chè đậu xanh, chè mật gạo nếp, người miền Trung ăn chè kê, chè hạt sen, người miền Nam ăn chè trôi nước.
- Thịt vịt: Món ăn này tính mát, thường được ưa chuộng trong những ngày nóng bức nên cũng được sử dụng phổ biến trong dịp Tết Đoan ngọ để cân bằng âm dương, làm mát cơ thể. Mặt khác, tháng 5 âm lịch cũng là thời điểm vịt béo, thịt ngon và không có mùi hôi.
- Bánh khúc: Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.
Tuy nhiên, bắt kể là lựa chọn món ăn gì, thì ý nghĩa của ngày Tết Đoan ngọ vẫn không thay đổi. Đối với người Việt Nam từ bao đời nay, sinh sống và làm việc với chủ yếu bằng canh tác đất nông nghiệp thì việc thời thiết thuận hòa, mùa màng phát triển là một điều quan trọng hơn tất thảy.
Hạ Vy
(Tổng hợp)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo