Tết Đoàn viên là gì? Những phong tục trong ngày Tết Đoàn viên
“Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết Đoàn viên” là một câu nói quen thuộc của rất nhiều người. Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Đoàn viên là gì?
Tết Đoàn viên là gì?
Tết Đoàn viên là cách gọi khác của Tết Trung thu. Theo quan niệm dân gian, ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm là ngày để tạ ơn trời đất, tạ ơn các vị thần vì đã mang mưa đến giúp mùa màng bội thu. Trong ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ sum họp, quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm. Chính vì vậy, ngày rằm tháng 8 hay Tết Trung thu còn được gọi là Tết Đoàn viên.
Theo thời gian, nhiều gia đình vẫn giữ nếp cứ đến Tết Đoàn viên là sẽ sụm họp con cháu, dù đang ở bất cứ đâu cũng sẽ quay trở về bên gia đình cùng nhau thưởng bánh, uống trà và ngắm trăng.
Tết Đoàn viên là dịp để mỗi gia đình sum họp con cháu, cùng nhau ngắm trăng, thưởng bánh, uống trà
Những phong tục trong ngày Tết Đoàn viên
Phong tục ngắm trăng
Đối với đất nước có nền văn hóa lúa nước như Việt Nam, Trăng là biết tưởng vô cùng có ý nghĩa. Đúng ngày rằm tháng 8, trăng sẽ tròn nhất, tỏa ra ánh sáng soi rõ từng cảnh vật trong đêm. Người nông dân quan niệm đây là thời điểm thích hợp nhất để mọi người được nghỉ ngơi, hòa mình thư giãn cùng đất trời sau những ngày làm lụng vất vả.
Phong tục chơi đèn lồng
Mỗi dịp Tết Đoàn viên hay Tết Trung thu đến, khắp phố phường, ngõ xóm đều tràn ngập màu sắc của những chiếc đèn lồng. Từ lâu trong quan niệm của người việt, Tết Trung thu cũng là Tết dành cho thiếu nhi, trẻ em được thỏa thích vui chơi, tụ tập rước đèn trong ngày hội trăng rằm.
Trẻ em thời nào cũng vậy, luôn háo hức với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc trong đêm trăng rằm.
Những chiếc đèn lồng được làm thử công từ tre và giấy dó với nhiều hình dáng khác nhau luôn được lũ trẻ con yêu thích. Ngày nay, cũng với sự phát triển hiện đại, đèn lồng cũng được sản xuất với vật liệu mới lạ, đa dạng và bắt mắt hơn.
Phong tục múa Lân
Bên cạnh hoạt động rước đèn, múa Lân hay múa Sư tử cũng là điều không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Đoàn viên. Theo quan niệm từ người xưa truyền lại, con Lân tượng trưng cho những điềm lành, mang đến nhiều may mắn, phú quý. Vì vậy, múa Lân và đêm trăng rằm tháng 8 mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với gia đình.
Trong đội múa, sẽ có một người dẫn đầu đội chiếc đầu Lân và chỉ huy cả đội thực hiện những động tác, điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Lễ hội múa Lân thường được tổ chức vào đêm 14 và đêm 15.
Múa Lân cũng là một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Trung thu.
Phong tục phá cỗ
Rằm tháng 8, Tết Đoàn viên có phần đặc biệt hơn khi mỗi gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cỗ với đầy đủ hoa quả, bánh trái. Tùy từng gia đình sẽ có cách trang trí khác nhau. Thông thường, mâm cỗ Trung thu sẽ có những thức quà đặc trưng của mùa này như bưởi, hồng đỏ, bánh Trung thu…
Khi trăng lên tới đỉnh đầu cũng là lúc mà mọi người trong gia đình cùng nhau sum họp, quây quần phá cỗ và cảm nhận hương vị Tết Trung thu. Mâm cỗ Trung thu còn có ý nghĩa là để cúng trăng và tế trời đất, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống tốt lành và cả sự đoàn viên trong gia đình.
Theo Travelmag