Tết Nguyên đán: Người làm hương bài tất bật phục vụ Tết
Về làng Keo vào những ngày cận Tết Nguyên đán, rất dễ nhận thấy thoang thoảng mùi thơm dịu từ xưởng sản xuất hương sau khuôn viên chùa. Ảnh : Nhật Hà
Mục lục bài viết
“Tay năm tay mười” làm hương những ngày giáp Tết
Hương (nhang) bài Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (Thái Bình), tháng 9-2012 được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 10-2017 chùa Keo đón nhận bằng ghi danh Lễ hội chùa Keo là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ở đây vẫn còn lưu truyền nghề làm hương bài thương hiệu “hương bài chùa Keo” nổi tiếng tồn tại mấy trăm năm.
Về làng Keo vào những ngày cận Tết Nguyên đán, rất dễ nhận thấy thoang thoảng mùi thơm dịu từ xưởng sản xuất hương sau khuôn viên chùa. Theo trụ trì chùa Keo nghề làm hương gia truyền có từ hàng mấy trăm năm nay, nổi tiếng nhất nhì vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua hàng trăm năm biến thiên của lịch sử, nghề làm hương vẫn được duy trì và phát triển ở đây. Trước là để cúng Phật, Thánh tại chùa và phục vụ tín ngưỡng của nhân dân, du khách có nhu cầu.
Để đáp ứng nhu cầu hương nhang phục vụ Tết Nguyên đán, làng hương Keo đã phải thuê thêm thợ với mức lương 250-300 nghìn/người/ngày. Ảnh: Nhật Hà
Nghề sản xuất hương ở chùa Keo diễn ra quanh năm, nhưng vào những tháng cuối năm là quãng thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất. Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hàng năm, đã phải chuẩn bị nguyên vật liệu, tập trung nhân lực, tăng cường công suất để phục vụ sản xuất hàng tết. Trong khoảng thời gian này, hương bài chùa Keo xuất ra thị trường khối lượng lớn để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và phục vụ lễ hội trong vùng cũng như các tỉnh trong cả nước.
Sau khuôn viên chùa, phật tử Nguyễn Xuân Minh (hiện là cán bộ ngành nông nghiệp) đang “tay năm tay mười” nhào, bới, xới, trộn.. nguyên liệu làm nhang, chia sẻ: “Chuẩn bị hương cho vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ tháng 11 âm lịch, chúng tôi đã thuê thêm thợ với mức lương là 250 – 300 nghìn đồng/người/ngày. Thời điểm cuối năm, lượng hương phục vụ cho nhu cầu của thị trường tăng gấp đôi gấp ba. Các thương lái từ các tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An,… phải gọi điện đặt hàng trước…”.
Ông Minh cho biết thêm, ngày xưa, khi chưa có máy móc, mọi công đoạn đều phải làm thủ công nên rất vất vả. Từ việc mua tre đem về cưa thành từng khúc, chẻ nhỏ, vót rồi phơi khô để làm cốt cho đến nghiền bột, phơi hương thành phẩm… đều phải làm bằng tay. Trước đây, người dân làm hương bằng cách se bằng tay, nên năng suất thấp và hương làm ra cũng không đều. Mấy năm trở lại đây, khi máy làm hương ra đời, đã giúp cho công việc của người làm hương bớt vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao từ 2 vạn đến 5 vạn que hương một ngày, giảm công lao động và cây hương làm ra rất đều, đẹp.
Công đoạn khó nhất là giai đoạn trộn keo, mỗi nhà làm hương có một công thức trộn keo riêng, giữ được bí quyết gia truyền. Ảnh: Nhật Hà
Theo ông Minh, trong các công đoạn làm hương, công đoạn trộn keo là khó nhất. Mỗi nhà làm hương có một công thức trộn keo riêng, được giữ như bí quyết gia truyền. Dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ làm hương vẫn phải có sự chỉn chu, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo để trộn keo. Keo lúc nào cũng phải đạt được yêu cầu về độ mịn, độ ẩm thì mới có thể bám chặt vào thân hương; nếu pha trộn không đúng cách thì hương sẽ không thơm, cháy không đều hoặc tắt nửa chừng.
Nếu như trước đây, trộn keo phải dùng tay để nhồi, dùng chân để dậm thì giờ đây nhờ có máy móc nên tiết kiệm được thời gian hơn. Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, bột và tăm hương sẽ cho vào từng bộ phận của máy để vận hành. Người làm chỉ việc ngồi đợi que hương hoàn thành ra rồi đem phơi.
“Người thợ trộn bột cần phải có kinh nghiệm, thì người vận hành máy đòi hỏi phải có sự khéo léo. Mặc dù đây là công việc không quá vất vả nhưng lại mất khá nhiều thời gian. Nếu tăm hương đang làm bị nghẽn, phải nhanh chóng xử lý để cho máy hoạt động trở lại. Thông thường, hương được phơi trên phên tre, để khô tự nhiên. Nếu trời nhiều nắng, hương chỉ cần phơi một ngày, trời ít nắng thì từ hai đến ba ngày”, ông Minh chia sẻ.
Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Keo cho biết, việc làm nhang nhà chùa tạo điều kiện cơ sở vật chất các phật tử cùng nhau làm. Do nhu cầu sử dụng hương trầm dịp cuối năm và đầu năm mới tăng cao nên cứ đến thời điểm này công việc lại hối hả, tất bật. Số lượng hương thơm làm ra của những tháng giáp tết cộng lại cao gấp từ 3 – 4 lần so với những tháng còn lại trong năm.
Hiện nay các cơ sở sản xuất hương bài chùa Keo phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để cung cấp phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng dịp cuối năm. Ảnh: Nhật Hà
“Tay năm tay mười” kiểm tra những que nhang thành phẩm, ông Minh vừa nói: Chúng tôi đã nhận đặt hàng của người dân địa phương, phật tử và du khách các nơi. Các thương mối các nơi tiếp tục gọi đặt hàng nhưng dù đã thuê thêm 3 – 5 nhân công thời vụ “xe ngày xe đêm” không kịp nên chúng tôi phải từ chối, chỉ giữ mối cũ, không dám nhận thêm vì sợ không kịp. Hiện nay phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để cung cấp phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng dịp cuối năm, Tết và ra giêng của nhân dân…”.
Những bó hương nhang được phơi khô, bảo quản tốt để tới tay người tiêu dùng. Ảnh: Nhật Hà
Làm hương thủ công nên rất vất vả
Đến chùa thôn Sơn Thọ (xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình), ngay từ đầu làng, đã thấy lòng dịu nhẹ khi thấy mùi hương thơm ngát. Theo tìm hiểu, ở chùa Sơn Thọ, mùi hương dịu tự nhiên do chính bàn tay của các bà, các cụ phật tử và hội viên phụ nữ xã Nam Bình trồng, thu hoạch. Nguyên liệu chính là cây hương, hoa ngâu, không gây độc hại…
Nguyên liệu làm hương được làm từ cây cỏ thiên nhiên. Ảnh: Nhật Hà
Sơn Thọ hiện là một trong số ít những làng giữ nghề làm hương thủ công với 100% nguyên liệu từ tự nhiên nên có mùi hương đặc trưng riêng, rất thơm nhưng không quá ngột ngạt. Nguyên liệu làm hương là những cây cỏ thiên nhiên, trong đó có cây hương bài…
Từ ngày có máy móc hỗ trợ, công đoạn làm hương đỡ vất vả hơn. Ảnh: Nhật Hà
Quy trình sản xuất hương ở đây vẫn được người dân nơi đây duy trì cách làm truyền thống với các công đoạn làm bằng thủ công. Đầu tiên là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô, người sản xuất phải trộn nhựa trám với bột than tạo nên hỗn hợp khô, dẻo quánh như nhựa đường, mía và rễ hương bài cũng được băm phơi khô, nghiền nhỏ và trộn đều. Tăm tre sau khi được vuốt với hỗn hợp than và nhựa trám được lăn đều qua hỗn hợp mía và rễ hương.
Phật tử Nguyễn Tú Hằng tay thoăn thoắt phơi những bó nhang xòe như những đóa hoa, vừa làm vừa cho biết: “Nhà chùa có nghề làm hương truyền thống dễ đến mấy trăm năm. Ngày xưa, chưa có máy móc hỗ trợ, mọi công đoạn đều phải làm thủ công nên rất vất vả. Từ việc cưa tre thành từng khúc, chẻ nhỏ, vót rồi phơi khô để làm cốt cho đến nghiền bột, phơi hương thành phẩm… đều phải làm bằng tay”.
Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những nén hương làm ra đều tăm tắp, được bó thành từng bó và phơi khô dưới nắng. Ảnh: Nhật Hà
Từ công đoạn sản xuất đến công đoạn phơi khô được làm tự nhiên nên mùi hương luôn có một vị thơm ngọt ngào thanh khiết, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, những ngày tết sẽ không thể thiếu được mùi thơm thiêng liêng của những nén hương trầm, và làm cho không gian linh thiêng, hay không gian ngôi nhà mỗi gia đình thêm quây quần, ấm áp và đoàn viên.